Ðất nước New Zealand bao quanh là biển cả, rừng xanh. Dân số chỉ hơn năm triệu người, nhưng xứ sở lấy hình ảnh chim Kiwi làm biểu tượng có những nét độc đáo trong đời sống văn hóa.
Xuống sân bay Auckland, Nguyễn Khắc Lạc - chú em đón chúng tôi hứa hẹn sẽ đưa chúng tôi đi khám phá một số địa danh tiêu biểu của New Zealand. Lạc và vợ con có mặt ở vùng đất này đã gần 20 năm, nên được xem như “thổ công”, đi đâu, thưởng thức món ăn gì ở xứ sở Kiwi đã được sắp sẵn trong đầu.
Auckland là thành phố lớn nhất (hơn cả thủ đô Wellington) nằm ở phía đảo Bắc của New Zealand. Sáu giờ đồng hồ chúng tôi lang thang qua các đường phố chính Victoria, con phố thương mại sôi động Queen Street, bến cảng Waitemata xinh đẹp với đủ loại du thuyền, thuyền buồm san sát neo đậu, đồng thời ghé thăm Bảo tàng hàng hải – nơi lịch sử của New Zealand được tái hiện thông qua lịch sử hàng hải…
Tới Aukland, không thế không đến núi lửa Eden, địa danh rất thu hút du khách nhờ trải nghiệm đặc biệt. Ngọn núi cao chừng 200 m so với mặt nước biển, là dấu tích của một trong những núi lửa từng phun trào cách đây hàng vạn năm ở New Zealand. Sau khoảng 20 phút, bạn có thể đặt chân lên đỉnh núi. Đứng ở vị trí cao nhất bên miệng núi lửa có độ sâu khoảng 50m, có thể bao quát toàn bộ khung cảnh thành phố Auckland thơ mộng và cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp. Đi vòng quanh dấu tích miệng núi lửa Eden, bạn có thể chiêm ngưỡng những ngôi nhà mầu trắng, mầu cà-phê cao thấp khác nhau ẩn mình trong các vườn cây phía dưới sườn và chân núi. Đó là các trang trại của người Anh và người châu Âu di cư đến đây từ đầu thế kỷ 19. Đặc biệt từ sau Hiệp định Waitangi giữa Hoàng gia Anh và đại diện người Maori được ký kết (năm 1840), vùng đất New Zealand nói chung, trong đó thị trấn dưới chân núi Eden ngày càng phát triển, sầm uất. Ngôi làng cổ Mt.Eden một thời cũng là nơi tụ hội của các văn nghệ sĩ, nhiếp ảnh gia nổi tiếng xứ sở Kiwi sinh sống và sáng tạo.
![]() |
Dấu tích miệng núi lửa Eden |
Thành phố Rotorua cách Aukland khoảng 400 km, hai bên đường là mầu xanh ngút ngát của thảo nguyên, điểm xuyết trên các thảm nhung xanh ấy là những đàn bò, cừu lên đến hàng nghìn con đang nhẩn nha gặm cỏ. Ước tính tổng đàn bò sữa của New Zealand lên đến gần 5 triệu con và đàn cừu dao động 26 - 28 triệu con. Điều đó giúp chúng tôi hiểu vì sao đất nước nhỏ ở châu Đại Dương này lại trở thành nơi xuất khẩu sữa và các sản phẩm từ sữa hàng đầu thế giới (chiếm khoảng 30%)...
Đã mắt với những hàng cây xanh, thảo nguyên xanh, xen lẫn các hồ trong xanh rộng hàng chục km2, nhưng thu hút hơn cả ở Rotorua là công viên địa nhiệt Wai-O-Tapu. Mua vé vào cửa là 40 NZD, chúng tôi bước vào kỳ quan có một không hai của New Zealand và cả thế giới trải rộng trên diện tích chừng 18 km2. Tấm bảng giới thiệu bằng tiếng Anh cho biết đây là khu vực phía bắc núi lửa Reboroa đã ngừng hoạt động cách đây 15 nghìn năm; nơi những người Maori ở New Zealand gọi là “Vùng nước thiêng”. Mới tầm 10 giờ sáng, nơi đây đã đông nghịt các đoàn khách từ châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản... đang nhìn ngắm và check-in. Chỉ trong vòng một km đã có hàng chục ao, hồ, hố sâu với các kích cỡ khác nhau (được cho là dấu tích phun trào của núi lửa năm nào) đang sủi bọt, tỏa những làn hơi lưu huỳnh mù mịt trong không trung tựa như vùng núi cao ở nước ta những hôm có sương mù. Một nơi hấp dẫn du khách là hồ Champagne, rộng chừng 70m, chỗ sâu nhất lên tới 60m, nhiệt độ dao động từ 75 - 800C. Đúng như tên gọi, hồ thường xuyên có bong bóng sủi bọt, tùy thời tiết từng thời điểm mà mặt hồ có những mầu sắc khác nhau cam, chàm, xanh lam, xanh biếc được tạo ra từ các khoáng chất lưu huỳnh, thạch tín nom giống như một ly sâm panh đang sủi bọt vậy. Công viên địa nhiệt đầy mầu sắc này thu hút hàng trăm nghìn du khách mỗi năm.
New Zealand (một thời ở ta hay gọi là Tân Tây Lan) nằm ở khu vực Tây Nam Thái Bình Dương, có biên giới biển tiếp giáp với Australia. Một thời gian dài xứ sở Kiwi là thuộc địa của Vương quốc Anh, mãi đến năm 1947, New Zealand mới tuyên bố độc lập. Sau những đợt di cư của người châu Âu và các dân tộc khác đến vùng đất trù phú này, đã hình thành nên một quốc gia đa văn hóa với các nhóm sắc tộc: người châu Âu, người Maori, người Trung Quốc, Ấn Độ và Samoa... Là một quốc gia công nghiệp phát triển, New Zealand cũng có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và thơ mộng với nhiều nét văn hóa đặc sắc. Trong chuyến đi hơn hai tuần đến đất nước xa xôi này, tôi tình cờ được gặp một số người Việt. Phạm Văn Hoan (quê gốc Chương Mỹ, Hà Nội) có mặt ở New Zealand đã hơn 25 năm. Nhờ có tay nghề giỏi, lại năng động nên từng bước anh đã tập hợp được một đội công nhân 15 người chuyên ốp lát, hoàn thiện nội thất các công trình xây dựng. Hai, ba năm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, công việc có lắng xuống, nhưng từ 2023 đến nay ít có ngày ngơi nghỉ. Ngày Tết cổ truyền dân tộc, người Việt không có điều kiện giao lưu rộng mà theo từng nhóm nhỏ. Mọi người gặp nhau trong bữa cơm tất niên cũng có đầy đủ các món ăn cổ truyền như bánh chưng, măng miến, dưa hành, cùng nhau nâng ly, chúc nhau những lời chúc may mắn tốt đẹp nhân dịp năm mới, rồi hôm sau lại tất bật với công việc đang chờ. Ngần ấy thời gian chăm chút làm ăn, tích lũy đã giúp anh Hoan mua được nhà cửa trị giá tiền Việt 35 - 40 tỷ đồng và mấy xe tải, xe con phục vụ cho sản xuất, kinh doanh.
![]() |
Tục Hongi của người Maori |
Mấy chục năm định cư tại đất này nên Phạm Văn Hoan khá am hiểu về đời sống văn hóa, tập tục của người dân. Hoan giới thiệu cho tôi biết ở New Zealand có những lễ hội tiêu biểu như Lễ hội biểu diễn nghệ thuật truyền thống của người Maori tổ chức hai năm một lần, diễn ra trong ba ngày của tháng 2 hàng năm và sôi động nhất là ở Rotorua, nhằm tôn vinh văn hóa của bộ tộc người Maori. Cũng diễn ra vào tháng 2 là Lễ hội Waitangi được tổ chức trên cả nước nhằm ôn lại và tưởng nhớ Hiệp ước Waitangi đã được ký kết vào ngày 6/2/1840, xác định những quyền lợi cơ bản của người Maori về tài nguyên đất đai, về lao động sản xuất dưới quyền cai trị của thực dân Anh. Không chỉ là những vũ điệu lả lướt trên sân băng mà còn có những trò chơi đua ngựa, bắn cung, trượt tuyết và môn bóng chày được tổ chức hằng tuần trong các lễ hội mùa đông Queenstown, khu vực đảo Nam dịp tháng 7 hằng năm. Ngoài ra du khách còn có thể ngồi cáp treo lên tận Đỉnh núi Bob cao hơn 400m để bao quát toàn cảnh núi non, sông hồ thành phố Queenstown được phủ một màu băng tuyết và thưởng thức các món nướng bản địa đang bốc khói...
Hà Thanh Hương, 40 tuổi (cháu dâu của Lạc) bảo vệ luận án tiến sĩ ở Bắc Kinh đã chuyển sang giảng dạy ở một trường đại học thuộc thành phố Haminton (cách Auckland 120 km). Cô chia sẻ, tuy sang đây mới được 5 năm nhưng cảm nhận bao trùm New Zealand là đất nước đẹp về cảnh sắc thiên nhiên và yên bình trong cuộc sống. Thu nhập đầu người của họ vào loại cao trên thế giới (khoảng 49 nghìn USD/người/ năm), nên học sinh từ mẫu giáo đến hết bậc phổ thông được miễn học phí; trường hợp ốm đau vào viện chữa trị không mất tiền; người già (không có lương hưu) được trợ cấp 400 NZD mỗi tuần...
Một tập quán đặc sắc của người Maori là khi gặp nhau, nhất là đối tượng được kính nể, quý mến thì người Maori ở New Zealand ghé sát cụng mũi và trán vào nhau (nghi lễ Hongi). Khi đã trở nên thân tình, họ nhảy điệu Haka với những động tác thể hiện sức mạnh của những chiến binh xưa trước khi xung trận, kết hợp đấm ngực, trợn mắt, giậm chân. Người New Zealand vốn trung thực và thân thiện, nhưng họ sẵn sàng tỏ thái độ khi người đối diện mình tỏ ra kênh kiệu, khoe khoang. Đặc biệt, người dân quốc đảo này không tha thứ “nương nhẹ” khi ai đó chỉ trích, chế giễu văn hóa của người Maori đã có hàng nghìn năm.