Hồ sơ Gene 304: Nơi gene anh hùng cất tiếng

NDO - Hồ sơ Gene 304 là dự án truyền thông nhằm lan tỏa ký ức hào hùng của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Chương trình mong muốn khơi dậy tình yêu lịch sử và lòng yêu nước trong thế hệ Gen Z và Gen Alpha trong kỷ nguyên mới.
0:00 / 0:00
0:00
 Hồ sơ Gene 304: Nơi gene anh hùng cất tiếng

Những ký ức không thể lãng quên

Năm 1965, Nguyễn Vĩnh Bảo (Hà Nội), một nhạc sĩ tài hoa, được đào tạo chuyên nghiệp ở Liên Xô, đã tự nguyện gác lại sự nghiệp học tập ở nước ngoài, tình nguyện vào chiến trường miền nam. Ông xung phong đi B với mong muốn đem tài năng âm nhạc của mình phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Trên mảnh đất Củ Chi, ông đã sống và chiến đấu như một người lính với những người du kích, bộ đội, và Đoàn văn công Củ Chi. Ngày 4/6/1967, trên đường đi làm nhiệm vụ bên bờ sông Sài Gòn, ông hy sinh khi mới 31 tuổi.

Trong những tháng ngày ở chiến trường miền nam, nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Bảo đã gửi cho gia đình rất nhiều lá thư kể về cuộc sống và chiến đấu ở nơi bom đạn ác liệt. Những tư liệu quý giá ấy hiện vẫn được gia đình lưu giữ trong căn gác nhỏ.

 Hồ sơ Gene 304: Nơi gene anh hùng cất tiếng ảnh 1

“Nhật ký chiến trường” của nhà văn, nhà báo Lệ Thu (Bình Định) tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam. (Ảnh NGÂN ANH)

Tại một góc khác của Bảo tàng Báo chí Việt Nam hiện nay, có trưng bày cuốn “Nhật ký chiến trường” của nhà văn, nhà báo Lệ Thu (Bình Định). Bà từng chiến đấu tại chiến trường B, phóng viên thường trú Đài phát thanh giải phóng tại Trung Trung Bộ.

Cuốn nhật ký được nhà báo Lệ Thu sử dụng trong năm 1974, ghi lại một phần ký ức sống và chiến đấu gian khổ ở chiến trường thời chống Mỹ.

Còn với chàng sinh viên trẻ Nguyễn Xuân Thuần (Hà Nội), năm 1971 là năm không đợi mệnh lệnh, gác bút nghiên giấu mẹ lên đường nhập ngũ. Hành trang mang theo là một cuốn nhật ký viết ngược, dùng ký hiệu, tiếng Việt, Anh, Nga để ghi lại ký ức chiến trường và bảo mật thông tin nếu rơi vào tay địch. Sau hàng chục năm, cuốn sổ nhỏ ấy giờ nằm tại Bảo tàng Hà Nội - một minh chứng cho tuổi trẻ dũng cảm và lựa chọn cống hiến cho lẽ sống cao cả. Cuốn nhật ký viết ngược ấy lưu giữ những ký ức trong dòng thời gian của một thế hệ hy sinh tuổi trẻ cho lý tưởng độc lập, tự do và hòa bình, thống nhất của Tổ quốc Việt nam.

Bao ký ức gắn với đau thương, mất mát và hy sinh của những con người từng góp sức trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hào hùng của dân tộc Việt Nam, nhưng không phải ký ức nào cũng được lưu giữ trong bảo tàng cho các thế hệ sau.

Ở mỗi góc phố, mỗi ngôi làng đều có người đã đi qua chiến tranh. Họ có thể là những người từng cầm súng, đưa thư, gùi gạo, nuôi quân, che giấu cán bộ…

Giờ đây, có người còn sống, có người đã khuất. Bao ký ức gắn với đau thương, mất mát và hy sinh của những con người từng góp sức trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hào hùng của dân tộc Việt Nam, nhưng không phải ký ức nào cũng được lưu giữ trong bảo tàng cho các thế hệ sau.

Nhà báo Tạ Bích Loan, người đã từng phỏng vấn nhiều nhân chứng lịch sử trong các chương trình, sự kiện trọng điểm nhân các ngày lễ lớn của dân tộc chia sẻ: “Trong cuộc sống đời thường, chúng ta dễ bắt gặp rất nhiều câu chuyện hào hùng quanh ta. Bản thân tôi, trong một lần đi xe ôm trên phố, đã gặp một bác lái xe ôm từng là chiến sĩ pháo binh và bị thương ở đầu. Hay có lần tạt vào tiệm sửa xe máy tại góc phố, người vá xe cũng là một chiến sĩ từng tham gia chiến đấu ở Thành cổ Quảng Trị, trong cuộc chiến đấu ác liệt 81 ngày đêm”.

Nhằm lưu giữ những ký ức hào hùng, tri ân các thế hệ đi trước đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, Media AI Lab phối hợp với GeneStory khởi động dự án truyền thông và nghiên cứu lịch sử Hồ sơ Gene 304. Đây là dự án người trẻ sưu tầm và lan tỏa hình ảnh những con người đã làm nên chiến thắng 30/4 của dân tộc Việt Nam.

Từ những mảnh ghép tư liệu nhỏ bé, qua một lời kể, một tấm ảnh, một kỷ vật, sẽ tạo nên cơ sở dữ liệu lịch sử sống động, để quá khứ anh hùng của dân tộc Việt Nam không chỉ nằm trên sách vở, mà hiện hữu trong mỗi gia đình, mỗi con người.

“Hồ sơ Gene 304” được khởi động đúng 11 giờ 30 ngày 30/4/2025 - như nhắc nhớ lại thời khắc của 50 năm trước đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi, đánh dấu thắng lợi vẻ vang của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước. Đằng sau niềm vui chiến thắng, còn có hàng triệu sự hy sinh thầm lặng, là vô vàn câu chuyện không được kể nằm trong ký ức của ông cha.

Hồ sơ Gene 304 tập trung vào về những câu chuyện của các anh hùng, liệt sĩ, những cựu chiến binh, cũng như những con người Việt Nam bình dị nhất đã từng đóng góp suốt thời kỳ cách mạng, kháng chiến, các cuộc đấu tranh giành và giữ nền độc lập tự do, hòa bình của dân tộc.

Nhớ lại hồi ức xúc động về những con người của thế hệ trước, nhà báo Tạ Bích Loan, người sáng lập dự án chia sẻ : “Những chiến công hào hùng của bao con người bình dị một thời đó không thể nào viết lại hết được qua báo chí, văn chương, truyền hình. Thời gian trôi qua, những câu chuyện của quá khứ hào hùng sẽ mai một dần. Ai sẽ là người giúp chúng ta ghi lại, để không bỏ sót những những chiến công ấy. Và tôi nghĩ, chính các bạn trẻ, thế hệ con cháu của chúng ta - những người thích ứng rất nhanh với công nghệ hiện nay. Có thể, các bạn ấy sẽ viết những câu chuyện, quay những video ngắn và đưa lên mạng xã hội rất nhanh. Vậy thì, hãy để các bạn ấy sẽ ghi lại những câu chuyện của ông bà mình, của thế hệ trước và gửi tới dự án Hồ sơ Gene 304, nơi thể hiện sự tiếp nối của gene anh hùng, gene dấn thân cống hiến cho lý tưởng cao đẹp”.

Hồ sơ Gene 304” được khởi động đúng 11 giờ 30 ngày 30/4/2025, tập trung vào về những câu chuyện của các anh hùng, liệt sĩ, những cựu chiến binh, cũng như những con người Việt Nam bình dị nhất đã từng đóng góp suốt thời kỳ cách mạng, kháng chiến, các cuộc đấu tranh giành và giữ nền độc lập tự do, hòa bình của dân tộc.

Cùng bạn trẻ đánh thức những ký ức anh hùng bình dị

Hồ sơ Gene 304 là một kênh để các bạn trẻ thu thập những câu chuyện hào hùng của bao con người bình dị một thời. Sâu xa hơn, dự án muốn nhắc nhớ thế hệ trẻ không thể lãng quên những niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.

Chương trình có sự đồng hành của GeneStory, một đơn vị ứng dụng khoa học di truyền và công nghệ AI, dữ liệu lớn để cung cấp dịch vụ giải mã gene nhằm kết nối dữ liệu sinh học với ký ức, góp phần làm phong phú thêm hồ sơ lịch sử tự hào của chúng ta.

 Hồ sơ Gene 304: Nơi gene anh hùng cất tiếng ảnh 2

Thương binh, cựu tù Phú Quốc Nguyễn Tài Triệu. (Ảnh Hồ sơ Gene 304).

Người khai mở trang đầu của Hồ sơ Gene 304 là một thương binh, cựu tù Phú Quốc: Bác Nguyễn Tài Triệu hiện sống ở Hà Nội.

Ngược thời gian về tháng 7/1965 - thời điểm Mỹ ném bom miền bắc. Khi đó, mới 16 tuổi, chàng trai Hà Nội Nguyễn Tài Triệu đã cắn tay lấy máu viết đơn nhập ngũ, khai tăng 2 tuổi để được vào bộ đội. Sau khi trúng tuyển, Nguyễn Tài Triệu gia nhập Đoàn 13 B, Sư đoàn Công pháo 351. Trong một trận tấn công vào ấp chiến lược Hòa Trị thuộc Tuy Hòa (Phú Yên) vào tháng 6/1967, ông Triệu bị thương nặng khi một mảnh đạn găm vào đầu, mảnh rốc-két đã bắn trúng đùi, đầu gối bị dập nát, rồi bị bắt làm tù binh. Ngày đó, ông vừa 18 tuổi.

Những ngày tháng sau đó thật khốc liệt với ông Triệu khi bản thân phải trải qua 3 lần cưa chân vì bị hoại tử, vết thương ở chân thối rữa. Ông bị kẻ địch tra tấn dã man ở nhà tù Biên Hòa, rồi bị đày ra Phú Quốc. May mắn tới ngày hòa bình lập lại, ông còn sống và trở về Hà Nội.

“Bác Triệu, một con người trải qua cửa tử trong chiến tranh, đã từng nói với tôi ‘Các cựu chiến binh như chúng tôi không cần gì cả, chỉ mong muốn khi gặp các bạn trẻ sẽ được nhận được một cái gật đầu chào, thế là đủ’”, nhà báo Tạ Bích Loan kể lại. Chị hy vọng sự lắng nghe của các bạn trẻ sẽ tạo nên sự hào hứng và tiếp thêm động lực cho các ông bà, các bác kể lại câu chuyện của mình.

Dự án Hồ sơ Gene 304 cổ vũ các bạn trẻ ở mọi miền Tổ quốc trò chuyện, ghi chép, quay phim và chia sẻ những câu chuyện của ông bà và người thân trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đó có thể đơn giản chỉ là một video, bản ghi âm nhân chứng lịch sử kèm theo ảnh hiện vật như nhật ký, lá thư, bản nhạc, bài thơ, quân trang,… hiện đang được các gia đình lưu giữ.

Những câu chuyện sống động đó sẽ được đánh giá, phân loại, lưu trữ và lan tỏa bằng công nghệ hiện đại của AI. Các hình ảnh được gửi tới Hồ sơ Gene 304 sẽ được đưa lên các nền tảng mạng xã hội như Tiktok, Facebook, Youtube, Instragram. Trong quá trình này, khán giả sẽ tiếp tục góp ý kiến để gắn sao cho các hình ảnh.

Đợt 1 của cuộc thi bắt đầu từ ngày 15/5/2025 và dự kiến sơ kết trao giải đợt 1 vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ 27/7 năm nay. Những câu chuyện hay sẽ được trao giải thưởng theo tiêu chí chân thật, giá trị và truyền cảm hứng.

* Tham gia Hồ sơ Gene 304 bằng cách gửi cho dự án qua những tư liệu sau:

- Một đoạn video phỏng vấn ông bà về những ngày chiến tranh.

- Một bản ghi âm, bức thư cũ, chiếc áo quân phục, hay chỉ là một bức ảnh, một dòng thơ.

- Một câu chuyện được kể lại - đơn giản nhưng chân thực.

* Gửi về dự án qua 1 trong 3 cách:

Bản đăng ký: https://hosogene304.genestory.ai

Email: [email protected]

Gửi cho Fanpage Hồ sơ Gene 304