
Biệt động Sài Gòn là lực lượng đặc biệt tinh nhuệ, có lối đánh độc đáo, đạt hiệu quả cao, tác động mạnh đến ý chí quân địch và tạo tiếng vang lớn, cổ vũ khí thế chiến đấu của quân, dân thành phố và cả nước. Trong đó, cuộc tấn công vào các mục tiêu Tết Mậu Thân là đỉnh cao của lực lượng biệt động về nghệ thuật tổ chức chỉ huy, hợp đồng chiến đấu và tinh thần dũng cảm tuyệt vời của các chiến sĩ.
LỐI ĐÁNH “BÍ MẬT, TÁO BẠO, BẤT NGỜ, LUỒN SÂU, ĐÁNH HIỂM”
Ra đời từ những năm đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và kết thúc nhiệm vụ trong mùa Xuân 1975, lực lượng Biệt động Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định đã thực hiện một cuộc hành trình cùng thành phố trong 30 năm đánh giặc, cứu nước.
Nếu như trong kháng chiến chống Pháp, lối đánh biệt động chưa thật rõ nét, hình thức chiến thuật chưa ổn định, thì bước sang cuộc kháng chiến chống Mỹ, lực lượng biệt động được xây dựng hoàn chỉnh, chiến thuật phong phú, đa dạng hơn, nghệ thuật chiến đấu phát triển vượt bậc và đạt đến đỉnh cao tương xứng với tầm vóc của cuộc chiến đấu mới với mục tiêu là những hang ổ cơ quan đầu não địch trong thành phố lớn là thủ đô của ngụy quyền.
Hiện trường một vụ tấn công của Biệt động Sài Gòn. (Ảnh chụp tại Bảo tàng Biệt động Sài Gòn-Gia Định)
Hiện trường một vụ tấn công của Biệt động Sài Gòn. (Ảnh chụp tại Bảo tàng Biệt động Sài Gòn-Gia Định)
Mặc dù địa bàn chiến trường không thay đổi nhưng đối tượng kẻ thù là Mỹ có tiềm lực rất mạnh và quy mô cuộc chiến ở mức độ cao hơn, đòi hỏi phương thức và cách đánh biến hóa nhằm giáng những đòn sấm sét vào cơ quan đầu não guồng máy chiến tranh tại sào huyệt cuối cùng của chúng, nhất là từ khi quân Mỹ và chư hầu có mặt tại Sài Gòn.
Trong cuộc Hội nghị cán bộ quân sự đầu tiên (9/1961), khu ủy Sài Gòn-Gia Định đã đề ra nghị quyết quan trọng về phương thức xây dựng lực lượng võ trang nội đô. Từ đó hình thành các đội biệt động với nhiệm vụ tác chiến nội thành, đặc biệt là tấn công các mục tiêu đầu não của Mỹ- nguy, trực tiếp hỗ trợ phong trào đấu tranh chính trị của đồng bào Sài Gòn chống Mỹ ngày càng sôi sục, quyết liệt, góp phần cổ vũ quân và dân miền Nam và cả nước.
Trong quá trình hình thành, xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, nắm vững quan điểm bạo lực cách mạng và đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng, hoạt động của lực lượng biệt động thành phố với nghệ thuật tác chiến đỉnh cao, đã đạt được những yêu cầu đề ra. Đây chính là những "điểm sáng", những kinh nghiệm quý giá của lực lượng đặc biệt tinh nhuệ này: Gây tác động mạnh mẽ về chính trị, hạ uy thế địch kích thích tinh thần tư tưởng quần chúng, hỗ trợ đắc lực cho phong trào đấu tranh chính trị, vừa làm vai trò "đòn seo" thúc đẩy và hướng dẫn chỉ đạo phong trào.

Trận tập kích vào tòa Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn đêm 30, rạng sáng 31/1/1968. (Ảnh: TTXVN)
Là một bộ phận quan trọng của lực lượng võ trang thành phố, một lực lượng mang tính đặc biệt với kỹ thuật chiến đấu tinh nhuệ, được thừa kế và đúc kết, nâng lên thành nghệ thuật đỉnh cao độc đáo của chiến tranh nhân dân Việt Nam, Biệt động thành phố đã giáng những đòn sấm sét tận hang ổ trung tâm đầu não kẻ thù, lập nên những chiến công vang dội làm chấn động trong nước và thế giới…
Đặc biệt, trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, lực lượng Biệt động đã đồng loạt tấn công nhiều mục tiêu trọng yếu tại Sài Gòn, góp phần làm nên chiến thắng to lớn của quân và dân miền Nam, tạo bước ngoặt trong cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ.
Ông Nguyễn Quốc Độ, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống Kháng chiến Khối Vũ trang-Biệt động Sài Gòn-Gia Định cho biết, biệt động Sài Gòn là lực lượng vũ trang đặc biệt làm nhiệm vụ đặc biệt là đánh địch ngay trong sào huyệt địch. Lực lượng biệt động tập hợp mọi thành phần, già trẻ, nam nữ, công nhân, người buôn thúng bán buôn, em thiếu nhi đánh giày, bán báo. Để tham gia vào lực lượng, hầu hết các chiến sĩ phải đổi họ tên, đổi quê quán , tạo vỏ bọc, qua mặt kẻ thù.
Đối tượng chiến đấu của lực lượng biệt động là mật vụ, công an, tình báo nên lực lượng có phương thức hoạt động đặc biệt: bí mật, ngăn cắt. Biệt động Sài Gòn tồn tại ngay trong đầu não của kẻ địch nhiều năm trời, với lối đánh địch cũng đặc biệt là đánh bí mật, bất ngờ, lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít đánh nhiều, lấy thô sơ thắng hiện đại, đạt hiệu suất chiến đấu cực cao : Chỉ một chiến sĩ với một khối nổ đã phá được một trận càn...
Biệt động Sài Gòn-Gia Định đã được Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam tặng 16 chữ vàng Đoàn kết một lòng, mưu trí vô song, dũng cảm tuyệt vời, trung kiên bất khuất; đã được Đảng, Nhà nước ta phong tặng, truy tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân cho 9 đơn vị và 35 cá nhân; càng tôn vinh truyền thống tự hào của lực lượng Biệt động Anh hùng.
Lực lượng có 3 lối đánh gồm: cường tập (dùng lực lượng, hỏa lực, sung lực bất ngờ đánh một mục tiêu rồi rút nhanh); đánh bỏ quên (thiết lập trái nổ gài kíp hẹn giờ đặt vào mục tiêu) đánh bồi, đánh nhồi (đặt hai trái nổ lệch giờ nhau theo ý muốn, tạo ra bất ngờ cho kẻ địch).
Không những chỉ tổ chức các trận đánh xuất quỷ nhập thần, biệt động Sài Gòn còn chú trọng tuyên truyền, bí mật, vận động xây dựng hàng trăm cơ sở quần chúng thành lõm chính trị trong nội đô...
NHỮNG CON NGƯỜI QUẢ CẢM
Năm 1968, thời điểm này Mỹ ngụy có gần 1,4 triệu quân. Trong khi đó, lực lượng của chúng ta chỉ bằng 1/6 so với Mỹ ngụy. Mỹ bố trí 2 tuyến phòng thủ chiến lược với vành đai dài 50km từ nội đô.
Tổng quân số địch phòng thủ các tuyến bảo vệ Sài Gòn những ngày trước Tết Mậu Thân tương đương bốn sư đoàn Mỹ, bốn sư đoàn ngụy, tám tiểu đoàn thủy quân lục chiến, một tiểu đoàn an ninh thủ đô, 20 vạn biệt động quân, bảo an, dân vệ, cảnh sát dã chiến, hàng vạn khóa sinh quân sự, hàng ngàn thanh niên chiến đấu và nhiều đơn vị cơ giới, binh chủng.
"Để tham gia vào lực lượng, hầu hết các chiến sĩ phải đổi họ tên, đổi quê quán , tạo vỏ bọc, qua mặt kẻ thù."
Ông Nguyễn Quốc Độ
Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống Kháng chiến Khối Vũ trang-Biệt động Sài Gòn-Gia Định


Như vậy, nhìn vào tương quan so sánh lực lượng lúc này ở mặt trận Sài Gòn-Gia Định, địch chiếm ưu thế hoàn toàn về binh hỏa lực và phương tiện chiến tranh với một hệ thống bố phòng rất dày đặc và nghiêm ngặt.
Năm 1968, lực lượng biệt động được cấp trên chỉ thị giao nhiệm vụ đánh vào 5 mục tiêu gồm: Đại sứ quán Mỹ, Đài Phát thanh, Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Tư lệnh Hải quân và Dinh Độc Lập.
Nói về sự gan dạ, mưu trí, can đảm và sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc của lực lượng biệt động Sài Gòn, ông Nguyễn Quốc Độ kể, các chiến sĩ có nhiều trận đánh vang dội, trong đó phải kể tới trận đánh vào Đại sứ quán Mỹ, ngã tư đại lộ Hàm Nghi và đường Võ Di Nguy (nay là đường Hồ Tùng Mậu).
Trận đánh được ấn định vào sáng thứ ba ngày 30/3/1965 nhằm vào cuộc họp của sứ quán Mỹ với các nước đồng minh, đồng thời đập lại lời tuyên bố huênh hoang của đại sứ Mỹ Tay-lo ngày 27/3/1965 rằng "tình hình Việt Nam đã được cải thiện".
9 giờ 40 phút ngày 30/3/1965, Bảy Bê lái chiếc xe du lịch Fregate màu đen chở 150kg thuốc nổ rời khỏi đường Trần Quang Khải tiến về hướng Đại sứ quán Mỹ. Hành quân cùng Bảy Bê còn có bốn chiến sĩ: Nguyễn Nông dẫn đầu đội hình, làm nhiệm vụ trinh sát hành quân và chờ đón chiến sĩ rút về ga xe lửa. Tiếp theo là Trần Văn Thế và Tư Việt, hai anh có nhiệm vụ diệt hai tên cảnh sát và hai tên quân cảnh trước cửa đại sứ quán khi xe vào đến vạch đi bộ ở đường Võ Di Nguy. Đi sau cùng đội hình là Trần Thị Minh Nguyệt làm nhiệm vụ bảo vệ xe chất nổ và đón chiến sĩ rút ở số 4 Phan Bội Châu.
Khi xe vừa chuyển bánh, Bảy Bê cho gây nổ hệ thống axít 30 phút. Càng gần đến mục tiêu, anh giảm dần thời gian gây nổ xuống còn 15 phút, 5 phút. Đến đoạn xe bắt đầu rẽ vào đường Võ Di Nguy, Tư Việt đã đứng chờ sẵn. Nhận được ám hiệu bằng mắt của Tư Việt, Bảy Bê bấm đồng hồ điện gây nổ sau 1 phút và nhấn ga cho xe lao về hông tòa đại sứ.
Xe vừa bám vào vạch đi bộ, Tư Việt rút khẩu colt 12 nhanh chóng hạ hai tên quân cảnh. Bọn địch tập trung sự chú ý vào Tư Việt, Bảy Bê lao xe cặp sát hàng rào gỗ, thắng đột ngột, cài số, giật nụ xòe gây nổ 20 giây. Nhảy ra khỏi xe, anh nổ súng diệt hai tên hỗ trợ cho Tư Việt đang bị bao vây, sau đó rút lui về phía đường Hàm Nghi. 9 giờ 55 phút một tiếng nổ long trời vang lên. Bọn cảnh sát bàng hoàng sợ hãi nằm rạp cả xuống. Lợi dụng cơ hội đó, Tư Việt nhảy lên xe gắn máy mô-bi-lét rút theo đường Nguyễn Công Trứ.
Một lát sau, bọn địch hoàn hồn đuổi theo anh. Tư Việt đã chạy được khá xa, nhưng do trong lúc vội vã, anh chạy vào đường ngược chiều nên bị một tên cảnh sát phát hiện bắn theo, đến gần rạp hát Kim Châu anh bị thương vào bụng.
Ngã từ trên xe xuống, một tay anh nhét ruột vào bụng, một tay bắn trả địch, hết đạn, anh dùng lựu đạn. Lựu đạn không nổ, bọn cảnh sát xông vào, anh vẫn tiếp tục chống cự cho đến lúc kiệt sức và bị chúng bắt.
Đại sứ quán Mỹ bị phá hủy nặng nề. Thông báo của đại sứ quán Mỹ thừa nhận: "Cả năm tầng của tòa Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn đều bị thiệt hại, riêng các tầng lầu 1, 2, 3 bị sập và thiệt hại nặng nhất ..., 195 quan chức Mỹ, chư hầu và nhân viên đại sứ quán bị chết và bị thương". Phó Đại sứ Johnson bị thương vào đầu, mặt bê bết máu, được đồng bọn dìu ra từ đống gạch vụn. Ngày hôm sau các báo trong và ngoài nước đua nhau đưa tin về sự kiện chấn động này. Báo "Lẽ sống" chạy trên trang nhất dòng tít lớn "Nhà trắng phương đông sụp đổ", và mô tả: Tòa Đại sứ rỗng lên đến tầng 4, song cửa sắt lầu 5 cong queo, 30 xe của sứ quán cháy rụi, lá cờ 50 sao bị hất xuống đất, gạch đá, ly cốc, giấy tờ bay tơi tả ... Từng đoàn xe đến cứu hỏa nhưng không còn gì để chữa ... Quả là một dàn cảnh cáo nghiêm khắc đối với bọn xâm lược Mỹ.
Biệt động Sài Gòn đã xây dựng được 19 lõm chính trị với 325 gia đình cơ sở cách mạng trung kiên, tạo nên 400 địa điểm ém quân và cất giấu vũ khí trong nội thành. Từ năm 1965 đến 1967, lực lượng này đã chuyển vào nội thành và cất giấu an toàn khoảng bốn tấn vũ khí, phục vụ cho các đội biệt động chiến đấu.
Trong Sự kiện Tết Mậu Thân 1968, lực lượng biệt động Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định chỉ với 88 người, vào lúc 2 giờ sáng mùng 2 Tết Nguyên đán, tức ngày 31/1/1968, đã thực hiện một số trận đánh rung chuyển Sài Gòn và dư luận thế giới. Lực lượng Biệt động Sài Gòn đã đồng loạt tấn công nhiều mục tiêu quan trọng của địch tại Sài Gòn, như Phái bộ viện trợ Mỹ (MAAG), rạp hát Kinh Đô, khách sạn Caravelle, Brink, Metropol, Victoria, tàu chở máy bay US Card, Đại sứ quán Mỹ, Tổng nha Cảnh sát, Sân bay Tân Sơn Nhất, Nhà hàng nổi Mỹ Cảnh...
Bằng vũ khí bộ binh thông thường, các đội viên đã anh dũng chiến đấu với lực lượng địch đông hơn gấp hàng chục lần, lại có đủ loại vũ khí, phương tiện tối tân.
Đêm 30, rạng 31/1/1968 (đêm mùng 1, rạng 2 Tết), 12 chiến sĩ Đội biệt động số 3 đánh chiếm Đài phát thanh Sài Gòn. Địch dùng cả xe tăng, bộ binh, máy bay đánh giải tỏa liên tục. Đội biệt động đã chiến đấu quả cảm, đến 6 giờ ngày 31/1, 10 người hy sinh, 2 chiến sĩ biệt động cuối cùng buộc phải dùng bộc phá đánh hỏng các thiết bị phát thanh của địch. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Đêm 30, rạng 31/1/1968 (đêm mùng 1, rạng 2 Tết), 12 chiến sĩ Đội biệt động số 3 đánh chiếm Đài phát thanh Sài Gòn. Địch dùng cả xe tăng, bộ binh, máy bay đánh giải tỏa liên tục. Đội biệt động đã chiến đấu quả cảm, đến 6 giờ ngày 31/1, 10 người hy sinh, 2 chiến sĩ biệt động cuối cùng buộc phải dùng bộc phá đánh hỏng các thiết bị phát thanh của địch. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Lực lượng vũ trang nhân dân Sài Gòn-Gia Định đã thể hiện sức mạnh, ý chí, quyết tâm cao độ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần làm nên những chiến công lịch sử trong chiến dịch Tết Mậu Thân 1968. Trong ảnh: Quân Giải phóng mặt trận Sài Gòn-Gia Định tuyên thệ, nhận nhiệm vụ trước giờ xuất kích. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Lực lượng vũ trang nhân dân Sài Gòn-Gia Định đã thể hiện sức mạnh, ý chí, quyết tâm cao độ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần làm nên những chiến công lịch sử trong chiến dịch Tết Mậu Thân 1968. Trong ảnh: Quân Giải phóng mặt trận Sài Gòn-Gia Định tuyên thệ, nhận nhiệm vụ trước giờ xuất kích. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Lính Mỹ gác cửa tòa Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn tháo chạy trước cuộc tấn công bất ngờ của biệt động Sài Gòn, đêm 30, rạng sáng 31/1/1968 (đêm mùng 1, rạng sáng mùng 2 Tết). (Ảnh: Tư liệu TTXGP)
Lính Mỹ gác cửa tòa Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn tháo chạy trước cuộc tấn công bất ngờ của biệt động Sài Gòn, đêm 30, rạng sáng 31/1/1968 (đêm mùng 1, rạng sáng mùng 2 Tết). (Ảnh: Tư liệu TTXGP)
Khói bốc lên trên bầu trời Sài Gòn trong đợt 1 cuộc Tổng tiến công, rạng sáng 8/2/1968. (Ảnh: Tư liệu quốc tế/TTXVN)
Khói bốc lên trên bầu trời Sài Gòn trong đợt 1 cuộc Tổng tiến công, rạng sáng 8/2/1968. (Ảnh: Tư liệu quốc tế/TTXVN)
Trong cuộc chiến không cân sức đó, 61 đội viên biệt động đã hy sinh, 12 người bị địch bắt, nhưng lực lượng biệt động đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đột nhập, đánh chiếm vị trí được phân công, vượt thời gian yêu cầu, tạo nên đòn đánh trúng sào huyệt đầu não của địch, tạo bất ngờ lớn với chúng về khả năng đánh vào đô thị của ta, tạo nên sự kiện gây chấn động nước Mỹ. Chiến công này góp phần quan trọng vào thành công của Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 để đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ.
Giai đoạn đỉnh cao phát triển chiến thuật và nghệ thuật chiến đấu là vào những năm 1965-1968. Các chiến sĩ đã đánh nhiều trận rất táo bạo vào cơ quan đầu não của địch, làm chúng hoảng loạn, thương vong. Những chiến công ấy cũng đã góp phần cổ vũ tinh thần đấu tranh của nhân dân nội thành.
Lòng dũng cảm và sự hy sinh ấy của các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn chính là tinh thần đấu tranh kiên cường của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Trong mấy chục năm trường kỳ kháng chiến, sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy, xả thân vì đất nước, nhiều chiến sĩ biệt động đã ngã xuống trước sự tra tấn dã man của kẻ địch. Đồng chí Nguyễn Văn Trỗi thực hiện vụ ám sát McNamara và Henry Cabot Lodge Jr. tại cầu Công Lý, Sài Gòn bất thành, bị bắt giam và tuyên án tử hình năm 1964 khi mới 24 tuổi. Đồng chí Lê Văn Việt, tức Tư Việt (còn gọi là Nguyễn Văn Hai, hay Ba Thợ Mộc), đội viên biệt động tham gia trận đánh Đại sứ quán Mỹ vào ngày 30/5/965, bị bắt và đày đi Côn Đảo và hy sinh năm 1966. Chiến sĩ biệt động Trần Văn Đang (sinh năm 1942) trước khi bị bắt và xử bắn, anh đã hô lớn các khẩu hiệu chống Mỹ và ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân Sài Gòn.
Dành cả tuổi thanh xuân cho hoạt động bí mật, thực hiện nhiều nhiệm vụ tối mật, nguy hiểm, các chiến sĩ biệt động không màng hy sinh tính mạng, can trường trước mọi tình huống, dũng cảm đối diện với kẻ thù, không chịu khuất phục ngay cả khi súng kề sẵn bên đầu. Lòng dũng cảm và sự hy sinh ấy của các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn chính là tinh thần đấu tranh kiên cường của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
CÒN NHIỀU CHIẾN SĨ BIỆT ĐỘNG CHƯA ĐƯỢC TRI ÂN
Sau trận đánh năm 1968, lực lượng biệt động nòng cốt xây dựng nhiều năm gần như hy sinh hết, chỉ còn 1 số bị bắt. “Tổng số hy sinh của lực lượng là 62 đồng chí, hiện chỉ có 6-7 trường hợp được công nhận liệt sĩ, còn 56 trường hợp đến giờ chưa được công nhận vì nguyên nhân không có họ tên thật, không rõ quê quán thật”, ông Độ nói.
Một buổi họp mặt của Câu lạc bộ Truyền thống Kháng chiến Khối Vũ trang-Biệt động Sài Gòn-Gia Định. (Ảnh: Báo Quân khu 7)
Một buổi họp mặt của Câu lạc bộ Truyền thống Kháng chiến Khối Vũ trang-Biệt động Sài Gòn-Gia Định. (Ảnh: Báo Quân khu 7)
Câu lạc bộ Truyền thống Kháng chiến Khối Vũ trang-Biệt động Sài Gòn-Gia Định được thành lập sớm, trở thành điểm tựa cho các chiến sĩ biệt động gặp gỡ, thăm hỏi, giúp đỡ nhau trong cuộc sống.
Mấy chục năm qua, Câu lạc bộ Truyền thống Kháng chiến Khối Vũ trang-Biệt động Sài Gòn-Gia Định trở thành nơi kết nối các chiến sĩ biệt động năm xưa, giúp đỡ chăm lo nhau lúc ốm đau. Bên cạnh đó, Câu lạc bộ còn hỗ trợ các chiến sĩ giải quyết chính sách còn tồn đọng trong chiến tranh.
Một góc ở Bảo tàng Biệt động Sài Gòn-Gia Định.
Một góc ở Bảo tàng Biệt động Sài Gòn-Gia Định.
Đến nay, Câu lạc bộ cũng đã vận động được nguồn hỗ trợ xây gần 400 căn nhà tình nghĩa, trong đó có hơn 100 căn nhà ngoài bắc: Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Quảng Ninh, Hưng Yên.
Đặc biệt, Câu lạc bộ đã phối hợp gia đình hội viên Anh hùng lực lượng vũ trang Trần Văn Lai xây dựng Bảo tàng Biệt động Sài Gòn. Bảo tàng của tư nhân nhưng đã trao tặng nhiều căn biệt thự và nhiều hiện vật quý cho thành phố, trở thành một di tích lịch sử.

Ông Độ bảo, biệt động là lực lượng thành lập sớm nhất từ chống Pháp nhưng là lực lượng giải tán sớm nhất sau chống Mỹ. Nhiều chiến sĩ khi đó hoạt động hoàn toàn bí mật, đơn tuyến, không có giấy tờ để lại, không có ai xác minh. Đến nay, có không ít người bị bắt đi tù chưa được xác minh, khen thưởng, chưa có huân huy chương. Nhiều người đủ thành tích phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cũng chưa được vinh danh.
Nhiều năm qua, Câu lạc bộ cũng đã đề xuất Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng Bia tưởng niệm cho liệt sĩ và hiện phương án này đã được thành phố thông qua, giao cho Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh triển khai xây dựng.
Ngày 3/2 (Mùng 6 Tết Ất Tỵ), tại buổi Lễ khởi công xây dựng Bia tưởng niệm Liệt sĩ Biệt động Sài Gòn – Gia Định (phường Long Bình, TP Thủ Đức), Thiếu tướng Phạm Văn Rậm – Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh đã thay mặt đơn vị bày tỏ lòng biết ơn, tri ân sâu sắc về sự hy sinh, cống hiến các Anh hùng Liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập của Tổ quốc.
Theo ông Nguyễn Quốc Độ, đây là nén tâm hương, của những người biệt động còn sống, của những thế hệ con cháu sau này. Những việc chúng tôi làm đều mang ý nghĩa đền ơn đáp nghĩa, giáo dục truyền thống ăn quả nhớ người trồng cây cho thế hệ đi sau để giữ cốt cách dân tộc.
Đại tuớng VÕ NGUYÊN GIÁP
Đại tuớng VÕ NGUYÊN GIÁP
Trong cuộc kháng chiến oanh liệt 30 năm vì độc lập và thống nhất của Tổ quốc, các đơn vị biệt động Sài Gòn-Gia Định đã nêu cao khí phách anh hùng, vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân, lập nên những chiến công bất hủ. Hoạt động chiến đấu giữa sào huyệt địch với bao nguy hiểm khó khăn, cán bộ chiến sĩ biệt động dựa vào sự che chở và giúp đỡ của nhân dân, đã mưu trí dũng cảm lập nên những chiến công vang dội, đặc biệt là trong cuộc Tổng tiến công chiến lược Tết Mậu Thân. Là một lực lượng đặc biệt tinh nhuệ của quân đội ta, bộ đội đặc công - biệt động nói chung và biệt động Sài Gòn - Gia Định nói riêng đã thực hiện xuất sắc tư tưởng quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh “nêu cao tinh thần quyết chiến, lấy ít đánh nhiều, lấy nhỏ thắng lớn”; góp phần xứng đáng và thắng lợi của cuộc kháng chiến chống đế quốc xâm lược.
- 30 đồng chí được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
- 5 đơn vị được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân
Di tích lịch sử biệt động được công nhận cấp nhà nước.
Đại sứ quán Mỹ 4A đường Lê Duẩn, quận 1 bị Đội Biệt động 11 tấn công trong đợt 1 Mậu Thân 1968. Quyết định công nhận ngày 25 tháng 6 năm 1976.
Sở Chỉ huy Tiền phương Bộ Chỉ huy Phân khu 6 trong Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 tại 7 đường Yên Đổ (nay là Lý Chính Thắng quận 3) tiệm Phở Bình nhà ông Ngô Toại cơ sở biệt động. Quyết định công nhận ngày 16 tháng 11 năm 1988.
Hầm chứa vũ khí trong nhà đồng chí Trần Văn Lai 287/ 70 Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu, quận 3) phục vụ trận đánh dinh Độc Lập trong Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Quyết định công nhận ngày 16 tháng 11 năm 1988.
Hầm chứa vũ khí trong nhà ông Đỗ Văn Căn 183/4 đường Trần Quốc Toản (nay là đường 3 tháng 2 quận 10). Quyết định công nhận ngày 16 tháng 11 năm 1988
Kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, Báo Nhân Dân đã có cuộc trò chuyện với các nhân chứng lịch, là những chiến sĩ biệt động năm xưa, vợ con của các biệt động thành, để hiểu hơn về một lực lượng đặc biệt chiến đấu bí mật trong nội đô quả cảm, gan dạ, mưu trí và sẵn sàng xả thân vì cuộc kháng chiến trường kỳ.
BIỆT ĐỘNG SÀI GÒN
Lực lượng vũ trang đặc biệt
|
Sức mạnh phi thường của nữ chiến sĩ biệt động duy nhất tấn công Dinh Độc Lập Tết Mậu Thân 1968 |
|
Người tạo "vũ khí bí mật" cho các chiến sĩ biệt động Sài Gòn-Gia Định |
|
Tư Cang - Người tình báo nhân dân |
|
Chuyện về hai bé gái sinh đôi áp tải vũ khí vào nội thành Sài Gònnăm 1968 |
|
Chuyện về người lính trẻ tuổi nhất trong lực lượng đặc công biệt động Sài Gòn |
|
Nữ biệt động 16 tuổi và chuyện dũng cảm pháo kích vào Sở Chỉ huy của tướng Mỹ |
Ngày xuất bản: 5/2025
Tổ chức thực hiện: TRƯỜNG SƠN
Thực hiện: NHÓM PHÓNG VIÊN
Trình bày: NGỌC DIỆP
Ảnh: THÀNH ĐẠT, NVCC