
Nhỏ tuổi nhưng ý chí không nhỏ, 16 tuổi, nữ chiến sĩ biệt động Nguyễn Thị Bích Nga đã trực tiếp tham gia pháo kích vào trụ sở của Tổng tư lệnh quân đội Mỹ ở Việt Nam ngay tại Sài Gòn. 17 tuổi bị bắt vào tù, trải qua nhiều nhà giam của địch, bà vẫn kiên cường giữ vững ý chí cách mạng, không khuất phục trước mọi đòn tra tấn của địch.
Bảo tàng Biệt động Sài Gòn-Gia Định tại số 145, Trần Quang Khải, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
Bảo tàng Biệt động Sài Gòn-Gia Định tại số 145, Trần Quang Khải, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
Cô gái mồ côi nhỏ người, không nhỏ chí
Tại ngôi nhà nhỏ trên đường Hưng Phú, quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi được lắng nghe câu chuyện đời đầy xúc động của nữ chiến sĩ biệt động Sài Gòn Nguyễn Thị Bích Nga.
Sinh năm 1951 ở Quảng Ngãi, bà Nga sớm mồ côi cha mẹ từ nhỏ và được một đồng đội của họ nhận nuôi. Ba nuôi tham gia hoạt động kháng chiến từ năm 1945. Sau đó, năm 1954, ông tập kết ra bắc nhưng không thể đưa con nuôi đi cùng vì quá nhỏ. Hai năm sau, ông cũng qua đời.
Cô bé mồ côi bắt đầu mưu sinh từ năm 12 tuổi ở đất Sài Gòn và lựa chọn con đường tham gia cách mạng. Năm 1966, khi mới 15 tuổi, bà được tổ chức lựa chọn và cử đi học ở Trường quân sự T44 (nay là Trường quân sự Quân khu 7), được đào tạo nhiều kỹ năng chiến đấu của bộ đội.
Ngày đó, lúc bắt đầu đi học ở trường quân sự, cô gái Bích Nga gầy nhỏ, chỉ cao tầm 1,4 mét, nặng khoảng 40kg. Tuy thế, trong con người cô gái nhỏ bé ấy luôn tiềm ẩn một ý chí sắt đá. Là nữ giới, nhưng các kỹ năng được dạy như bắn súng, lội bùn, leo tường, chui dây thép gai…, bà đều làm rất tốt. Sự say mê theo đuổi lý tưởng cách mạng đã giúp bản thân bà vượt qua những khó khăn, vất vả khi huấn luyện.
Bà Nga kể: “Cực nhất là lúc học lội bùn kiểu đặc công. Có lần học lội bùn ở gần Bình Dương - đất lầy, dưới bùn đầy đỉa to. Tôi nhỏ vậy nhưng luôn xung phong đi trước. Hay lúc học sa bàn, chui hàng rào thép gai, phải trèo qua 5 lớp hàng rào kẽm gai, rồi qua 1 vách tường nữa, rồi mới tới địa điểm bên trong. Khi bò tới lớp thứ 3 thì đạp trúng ổ kiến càng, kiến cắn đau ớn lạnh cả người mà chỉ biết nghiến răng chịu đựng, ráng không nhúc nhích vì sợ lộ. Nhưng tôi vẫn quyết tâm học cho tốt”.
Trải qua 8 tháng huấn luyện, bà là nữ học viên được xếp hạng xuất sắc của trường. Khỏi phải nói vui thế nào, bà luôn ghi nhớ công ơn những người thầy đã dạy dỗ mình lúc đó. “Những người thầy dạy tôi ở trường ngày đó rất giỏi, có cả những anh đặc công từng chiến đấu ở Điện Biên Phủ về huấn luyện. Đau xót là, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân đợt 1, thầy đã hy sinh”, bà Nga trầm giọng.
Tháng 10/1966, sau khi học xong, bà ra trường thì được phân công hoạt động tại B8 Biệt động thành Sài Gòn, rồi được cử đi học tiếp khoảng một tháng về sử dụng pháo cối 82 ly.
Và một trận đánh khó quên nhất trong đời biệt động của bà Nga là vụ pháo kích vào Sở Chỉ huy của tướng Mỹ Westmoreland. Đây là tướng chỉ huy cao nhất của quân lực Mỹ tại chiến trường miền nam Việt Nam từ năm 1964 đến 1972.
Trước đó, vào cuối năm 1966, mùa khô năm 1967, Mỹ đem 30.000 quân, càn quét ở vùng Tam giác sắt với mục đích là đánh vào Bộ Tham mưu của ta, đồng thời muốn đẩy lùi các đội quân chủ lực của quân giải phóng. Trong bối cảnh đó, Bộ chỉ huy quân khu Sài Gòn-Gia Định chỉ đạo Biệt động Sài Gòn tổ chức pháo kích vào Sở chỉ huy của tướng Westmoreland tại thành phố.
Nhận lệnh, bà Nga cùng đồng đội nhanh chóng về nội thành Sài Gòn chuẩn bị kế hoạch chiến đấu.
Nhớ về trận đánh “để đời” đó, bà Nga cho hay, thời gian chuẩn bị cho đợt pháo kích đó kéo dài nhiều tháng trời. Địa điểm tiến hành pháo kích là một căn nhà của tổ chức trên đường Vườn Chuối, quận 3, cũng là nơi cất cây pháo cối vận chuyển từ Trảng Bàng (Tây Ninh) về. Nòng pháo được giấu trong khúc gỗ tròn rồi chuyển vô nhà.
Hằng đêm, cơ sở cách mạng của ta phải đục khúc gỗ, chẻ thành những miếng củi nhỏ, rồi 2-3 giờ sáng đem bỏ ra ngoài. Làm ròng rã cả tháng trời, chị mới lấy được nòng cây pháo cối đó ra, cất xuống hầm bí mật. Công việc này phải làm rất cẩn thận, không để bị phát hiện, bởi hai bên và phía đối diện căn nhà đều là nhà của cảnh sát ngụy.
Để tránh bị nghi ngờ, bà Nga cùng một đồng đội nam đóng vai hai vợ chồng mới cưới ở cùng bố chồng và chị chồng. Việc đo đạc cự ly bắn từ địa điểm này tới mục tiêu đã được cán bộ kỹ thuật tính toán cẩn thận, và khoét một lỗ khoảng 1,2m2 trên nóc nhà cho đạn bay ra.
Sáu giờ sáng 13/2/1967, tổ pháo kích của bà Nga bắt đầu nã pháo vào mục tiêu. Đồng đội ở cùng nhà là tổ trưởng, vừa là xạ thủ số 1, bà Nga giữ vai trò xạ thủ số 2 trực tiếp bắn. Khi đặt cây pháo cối tại đó, chỉ có một giàn gỗ đỡ tạm nòng cối, không có chân, không bàn đế hay máy ngắm.
Theo phương án, đội sẽ bắn 10 quả, nhưng ngay khi bắn quả pháo thứ nhất, giàn gỗ đỡ bị xê dịch, tới quả thứ 2 thì sập luôn, làm bị thương xạ thủ số 1. Bắn tới quả thứ 3 thì góc độ không giữ được như cũ. Và quả thứ 4 thì góc bắn đã lệch, không thực hiện tiếp được nữa nên toàn đội phải rút lui.
Thấy xạ thủ số 1 bị thương, bà Nga đề nghị ông đi trước, còn mình đi sau cầm sẵn quả lựu đạn, cây côn 12 ly với 2 băng đạn. Ra cửa gặp ngay 2 tên lính, bà nhanh trí trả lời và thoát được qua đường thì xe jeep cảnh sát tới. Nhưng lúc đó, cả nhóm 5 người, gồm cả 3 anh bảo vệ vòng ngoài, đã thoát ra an toàn, lên xe mỗi người một hướng về căn cứ. Năm đó, bà Nga mới có 16 tuổi.
Ba quả pháo cối 82 ly của bà Nga bắn hôm đó trúng vào Sở chỉ huy của tướng Westmoreland nằm trên đường Phan Đình Phùng cũ (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu) khiến hàng chục tên lính Mỹ, ngụy thương vong. Còn quả thứ tư trúng ngay xe đang chở lính Mỹ trên đường Pasteur khiến 16 lính tử vong, 13 lính bị thương ngay trung tâm Sài Gòn.
Khi được hỏi vì sao dám nhận một nhiệm vụ nguy hiểm đến thế khi tuổi đời còn quá trẻ, bà Nga cười hiền: “Với thế hệ tôi, ở thời điểm đó, ai cũng mong được tham gia chiến đấu cho đất nước. Trước đó, tháng 11/1966, tôi đã được chọn vào tổ dự bị chuẩn bị pháo kích trong Ngày Quốc khánh của chính quyền Sài Gòn nhưng không được bắn, phải chờ dịp khác. Lúc đó, tôi khóc quá trời vì không được chiến đấu. Vì thế, đã nhận nhiệm vụ là phải cố gắng hoàn thành, dù có phải hy sinh”.
Khẩu cối 82mm, một trong những vũ khí được lực lượng Biệt động sử dụng để tấn công vào cơ quan chỉ huy của chính quyền Sài Gòn.
Khẩu cối 82mm, một trong những vũ khí được lực lượng Biệt động sử dụng để tấn công vào cơ quan chỉ huy của chính quyền Sài Gòn.
Vũ khí, bom mìn, súng đạn được lực lượng Biệt động Sài Gòn sử dụng trong hai thời chống Pháp và chống Mỹ hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Biệt động Sài Gòn-Gia Định.
Vũ khí, bom mìn, súng đạn được lực lượng Biệt động Sài Gòn sử dụng trong hai thời chống Pháp và chống Mỹ hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Biệt động Sài Gòn-Gia Định.
Kiên trung nơi ngục tù
Trở về từ trận chiến đấu đó, một thời gian sau, bà Nga vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Lễ kết nạp đơn giản vào tháng 3/1968 tại đơn vị luôn là ký ức khó quên với người nữ chiến sĩ biệt động ấy.
Sau đợt pháo kích đó, bà Nga bị lùng bắt gắt gao nhưng vẫn tích cực tham gia chiến đấu. Trong đợt 1 của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân, bà Nga được sắp xếp tham gia theo hướng tấn công vào Bộ Tổng tham mưu. Nhưng tới ngày chuẩn bị lên đường, bà lại bị sốt rét nặng nên phải ở lại căn cứ.
Tới đợt 2 của Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, dù chưa khỏe hẳn, nhưng bà Nga vẫn xung phong tham gia chiến đấu và nhận lệnh pháo kích bằng cối 60 ly vào Dinh Độc Lập. Tuy nhiên, trên đường vào nội thành lấy vũ khí, bà bị địch bắt. Chính quyền Sài Gòn biệt giam bà, thực hiện nhiều đòn tra tấn tàn bạo. Bà bị giải qua nhiều nhà lao, từ trại giam Thủ Đức cho đến khám Chí Hòa, trại giam Tân Hiệp và Côn Đảo. Lúc đó, bà mới 17 tuổi.
Những ngày tháng bị giam trong tù đầy gian nan và nguy hiểm. Tuy vậy, bà Nga vẫn giữ vững ý chí cách mạng và tinh thần đấu tranh, kiên quyết không khai báo, chống lại những đàn áp của địch như chống chào cờ ngụy, chống đả đảo cộng sản, chống thi hành nội quy nhà tù… Không kết án, nhưng chính quyền ngụy đã giam bà Nga trong tù 7 năm ròng rã, với 4 năm ở “địa ngục trần gian” Côn Đảo.
Bà Nga kể, cuộc sống ngục tù gian khổ không kể xiết. Ở Côn Đảo, giặc có nhiều ngón đòn tra tấn dã man với người tù, điều kiện sinh hoạt kham khổ, thiếu thốn. Có đợt, nhiều ngày liền, chúng không cho tù nhân tắm rửa, hoặc thay quần áo, khi mỗi chuồng cọp ở đây rộng chỉ khoảng hơn 2m2 thì nhốt tới 5 người, mà chỉ cho 1 lon nước nhỏ (khoảng 0,65ml) mỗi ngày, không đủ uống. Bà Nga đã phải sống trong chuồng cọp Côn Đảo tới 1 năm rồi mới được chuyển sang phòng giam chung.
Không kết án, nhưng chính quyền ngụy đã giam bà Nga trong tù 7 năm ròng rã, với 4 năm ở “địa ngục trần gian” Côn Đảo.
Nhưng trong tù, chị em tù chính trị cũng đoàn kết, động viên nhau, rồi dạy nhau học chính trị, học chữ. Bà Nga nhớ lại: “Ở trong tù, chúng tôi vẫn có tổ chức đảng liên hệ nhận được chỉ đạo từ bên ngoài, nên thông tin gì mới cũng gửi vô tù để nắm bắt kịp thời”.
Tới năm 1973, dù Hiệp định Paris đã được ký kết, bà Nga cũng không nằm trong danh sách được trao trả vì là tù không có án. Đầu tháng 4/1975, địch lại đưa bà Nga và một số tù nhân ra Côn Đảo, trong khi ngày giải phóng Sài Gòn đã cận kề.
Vào thời điểm đó, Chiến dịch Hồ Chí Minh diễn ra quá nhanh, chúa đảo biết tin thua trận phải bỏ chạy. Trước đó, hắn đã ra lệnh cho nhân viên phải thủ tiêu những người tù còn lại ở Côn Đảo, nhưng những người có tình cảm với cách mạng đã không thực hiện điều đó.
Ở ngoài Côn Đảo, bà Nga và đồng đội đã nghe tin chiến thắng qua Đài phát thanh. Nhớ về giây phút đó, bà vẫn rưng rưng cảm động: “Lúc nghe tin giải phóng Sài Gòn, mọi người ôm nhau vừa mừng vừa khóc. Vui không tả nổi vì mình được về đoàn tụ với gia đình, với đơn vị. Nhưng cùng với đó là nỗi buồn, bởi có những đồng đội của mình đã phải nằm lại mãi mãi ở Nghĩa trang Hàng Dương. Ngày ở tù, chúng tôi luôn nhớ tới Bác Hồ, học theo Bác. Hình ảnh Bác là động lực để cho mọi người phấn đấu, vượt qua những khó khăn trong cuộc sống bị giam cầm. Nhưng vào ngày vui này, Bác không còn nên cảm thấy mất mát biết bao”.
Sau ngày 30/4, Bộ Tư lệnh Hải quân được giao nhiệm vụ ra giải phóng Côn Đảo và đưa những người tù trở về đất liền. Chiều 4/5/1975, chuyến tàu đầu tiên chở 594 anh chị em tù đau ốm, bệnh tật và tử tù về đất liền. Bốn chuyến tàu liền sau đó trong tháng 5/1975 đã đưa các cựu tù, trong đó có bà Nga, về Thành phố để chữa bệnh, an dưỡng và gặp lại gia đình. Dù không có mặt ở Sài Gòn ngay thời khắc giải phóng, nhưng được trở về trong niềm vui thống nhất cũng là niềm hạnh phúc vô bờ với nữ chiến sĩ biệt động ấy.
Đau đáu những nỗi niềm với đồng đội
Ôn lại những kỷ niệm trong cuộc đời làm biệt động, bà Nga nói, tình đồng đội, tình đồng chí chính là ấn tượng sâu sắc nhất trong tim bà khi nhớ về một thời chiến đấu “vào sinh ra tử”. Tình cảm gắn bó sâu đậm khiến họ luôn thương mến, giúp đỡ nhau trong chiến tranh cũng như cuộc sống đời thường sau này.
Sau ngày giải phóng, bà Nguyễn Thị Bích Nga công tác tại Thành phố nhưng vì sức khỏe yếu, bà nghỉ hưu từ cuối tháng 12/1993.
Bà Nguyễn Thị Bích Nga (thứ ba từ trái qua) cùng các cựu chiến sĩ Biệt động Sài Gòn giao lưu với Biệt động thành Đà Nẵng. (Ảnh NVCC)
Bà Nguyễn Thị Bích Nga (thứ ba từ trái qua) cùng các cựu chiến sĩ Biệt động Sài Gòn giao lưu với Biệt động thành Đà Nẵng. (Ảnh NVCC)
Tuy nghỉ hưu, bà Nga vẫn tích cực tham gia công tác xã hội tại địa phương, gắn bó với những công việc như hội thẩm nhân dân, bí thư chi bộ khu phố phường 8. Bà cũng tham gia Ban liên lạc cựu tù Côn Đảo của quận và Thành phố, Ban liên lạc Cựu tù chính trị và tù binh Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện nay, bà là Quyền chủ nhiệm Câu lạc bộ truyền thống kháng chiến khối vũ trang - Biệt động Quân khu Sài Gòn-Gia Định.
Hình ảnh minh họa một số trận tập kích của lực lượng biệt động Sài Gòn trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước tại Bảo tàng Biệt động Sài Gòn-Gia Định, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh THÀNH ĐẠT)
Hình ảnh minh họa một số trận tập kích của lực lượng biệt động Sài Gòn trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước tại Bảo tàng Biệt động Sài Gòn-Gia Định, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh THÀNH ĐẠT)
Nhưng bà vẫn còn đau đáu bao nỗi niềm về những đồng đội một thời. Hiện nay, Câu lạc bộ truyền thống kháng chiến khối vũ trang - Biệt động Quân khu Sài Gòn-Gia Định có hơn 1.600 thành viên. Thời gian qua, địa chỉ nghĩa tình này có nhiều hoạt động chăm lo cho những hội viên có hoàn cảnh khó khăn, hoặc bệnh tật. Câu lạc bộ đã vận động nhiều nhà hảo tâm hỗ trợ những thành viên nghèo, hoặc vận động kinh phí để tài trợ xây dựng nhà tình nghĩa. Nhờ đó, hơn 300 căn nhà tình nghĩa đã được xây dựng và đang tiếp tục triển khai thêm.
Trong Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, 64 chiến sĩ biệt động Sài Gòn đã hy sinh trong các trận đánh vào những cơ quan đầu não của địch tại thành phố. Giờ đây, ngày mùng 6 tháng giêng hằng năm đã được chọn là ngày Giỗ chung cho các Anh hùng liệt sĩ biệt động Sài Gòn-Gia Định đã ngã xuống vào thời điểm ác liệt đó.
64 liệt sĩ, nhưng thông tin về nhân thân của họ mới xác định được 8 người, còn 53 người không tìm được do điều kiện hoạt động bí mật, chỉ còn lại những dòng chú thích như “đây là tên giả”, hoặc “tên thật nhưng không biết họ”. Do đó, bà Nga mong muốn Bia tưởng niệm Liệt sĩ Biệt động Sài Gòn tại Nghĩa trang Liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh sớm được hoàn thành. Đó là những hoạt động tri ân thiết thực nhất để ghi nhớ công lao của những chiến sĩ biệt động Sài Gòn anh dũng một thời.

Hình ảnh tưởng niệm những cán bộ chiến sĩ lực lượng biệt động Sài Gòn-Gia Định tại Bảo tàng Biệt động Sài Gòn-Gia Định, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh THÀNH ĐẠT)
Chia sẻ góc nhìn về thế hệ trẻ hôm nay, cựu nữ chiến sĩ biệt động Sài Gòn cho rằng, bà thấy nhiều thanh niên rất quan tâm về những cuộc kháng chiến, cứu nước hào hùng của dân tộc. Bà hy vọng, “các bạn trẻ hãy nỗ lực học hỏi để nâng cao trình độ, kiến thức, nhận thức được những giá trị đúng đắn về quá khứ hào hùng của cha ông. Từ đó, góp phần xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn hòa bình”.
Ngày xuất bản: Tháng 5/2025
Tổ chức sản xuất: TRƯỜNG SƠN
Nội dung: HỒNG VÂN-NGÂN ANH
Trình bày: NGỌC BÍCH-NGỌC DIỆP
Ảnh: THÀNH ĐẠT, Tư liệu, Báo Nhân Dân