Sẽ điều chỉnh hạn ngạch tuyển sinh
Tính đến ngày 1/4, hơn 90% số sinh viên của 39 trong số 40 trường y khoa của Hàn Quốc đã hoàn thành việc đăng ký học kỳ mùa xuân hoặc nộp đơn xin quay trở lại học tập, sau thời gian “tẩy chay” lớp học để phản đối kế hoạch tăng hạn ngạch tuyển sinh vào trường y của chính phủ. Bộ Giáo dục Hàn Quốc cho hay, hiện chỉ còn Trường đại học Inje mới có 24,2% số sinh viên nộp đơn xin quay lại, nên trường đã gia hạn tuyển sinh đến ngày 5/4. Trong số 39 trường y còn lại, có 35 trường đã nhận đủ đơn của tất cả sinh viên.
Với 97,5% số trường đại học đã tuyển sinh đủ chỉ tiêu, nhiều khả năng Bộ Giáo dục Hàn Quốc sẽ điều chỉnh hạn ngạch tuyển sinh ngành y năm 2026 về mức 3.058 suất. Đây là mức tuyển sinh được duy trì suốt nhiều thập kỷ trước khi chính phủ quyết định tăng thêm 2.000 chỉ tiêu từ năm 2024, nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt bác sĩ kéo dài. Trước đó, Chính phủ Hàn Quốc ấn định ngày 31/3 là hạn chót cho sinh viên quay trở lại trường học và thực tập tại bệnh viện. Chính phủ cũng tuyên bố sẽ hủy bỏ kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh ngành y vào năm 2026 nếu tất cả sinh viên quay trở lại lớp học, đồng thời cảnh báo rằng, những sinh viên không tuân thủ sẽ phải đối mặt các biện pháp kỷ luật nghiêm khắc, bao gồm cả việc đuổi học.
Người phát ngôn Bộ Giáo dục Hàn Quốc Koo Yeon Hee cho biết, việc chỉ nộp đơn xin quay trở lại trường học và đóng học phí không được tính là quay lại, mà cần thêm thời gian để xác định xem sinh viên có tham gia lớp học đầy đủ hay không. Các trường đại học được yêu cầu phải thông báo và nộp báo cáo cho Hội đồng Giáo dục đại học Hàn Quốc trước cuối tháng 4 nếu có bất cứ thay đổi nào trong kế hoạch tuyển sinh. Do đó, Bộ Giáo dục Hàn Quốc dự kiến sẽ xác định liệu đã đạt được sự trở lại đầy đủ hay chưa vào giữa tháng 4, sau đó mới đưa ra thông báo cuối cùng về hạn ngạch tuyển sinh năm 2026.
Đề xuất ngân sách bổ sung
Chính phủ Hàn Quốc vừa đề xuất một khoản ngân sách bổ sung trị giá 10.000 tỷ won (6,8 tỷ USD) để hỗ trợ nền kinh tế đang bị ảnh hưởng bởi bất ổn chính trị và vụ cháy rừng lịch sử. Trong cuộc họp khẩn mới đây, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Choi Sang Mok cho biết, chính phủ có kế hoạch thúc đẩy khoản ngân sách trên để giúp giải quyết các vấn đề kinh tế cấp bách. Số tiền này sẽ được chi cho công tác ứng phó thảm họa và tai nạn, tăng cường năng lực thương mại và trí tuệ nhân tạo (AI), cũng như hỗ trợ tài chính cho sinh kế của người dân. Theo Phó Thủ tướng Choi Sang Mok, kế hoạch ngân sách bổ sung chi tiết sẽ được trình Quốc hội thông qua trong tháng 4, nếu được các chính đảng ủng hộ.
Trong khi đó, vụ cháy rừng tồi tệ nhất lịch sử Hàn Quốc đã được khống chế gần như hoàn toàn. Thảm họa cháy rừng này đã khiến ít nhất 30 người thiệt mạng, 37 người bị thương, khoảng 38.000 người phải sơ tán. Tổng diện tích rừng bị thiêu rụi tại hai tỉnh Gyeongsang Bắc và Gyeongsang Nam lên đến 48.000 ha, tương đương 80% diện tích Thủ đô Seoul, vượt xa mức thiệt hại 23.794 ha trong vụ cháy rừng năm 2000 tại bờ biển phía đông. Theo Cơ quan quản lý di sản quốc gia Hàn Quốc, cháy rừng làm hư hại 30 di sản văn hóa, trong đó có 11 di sản cấp quốc gia, đồng thời thiêu rụi đền Goun ở Uiseong, được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO) công nhận là di sản thế giới.
Ngoài ngân sách để phục hồi các khu vực bị ảnh hưởng do cháy rừng, Chính phủ Hàn Quốc cũng phải “bơm” tiền giúp nền kinh tế vượt qua bất ổn, khôi phục đà tăng trưởng, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh để giành vị trí dẫn đầu trong ngành AI đang thay đổi nhanh chóng.
Dù đón nhận thông tin tích cực về ngân sách bổ sung hỗ trợ nền kinh tế, nhưng đồng nội tệ Hàn Quốc lại “ngược sóng” giảm mạnh giá trị, với tỷ giá 1.470 won/USD, đã phản ánh tâm lý lo lắng của các nhà đầu tư và giới tài chính. Đây là mức giá thấp nhất của đồng nội tệ Hàn Quốc kể từ ngày 13/3/2009 khi Hàn Quốc phải đối phó hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Đồng nội tệ Hàn Quốc được duy trì ở mức 1.450 won/USD kể từ tháng 12 năm ngoái trong bối cảnh khủng hoảng chính trị kéo dài do lệnh thiết quân luật của Tổng thống Yoon Suk Yeol và việc Mỹ cảnh báo áp mức thuế quan mới.