Chuyện "mái ấm" của hải âu trên đảo Đá Lớn

NDO - Ai đã một lần đặt chân tới đảo Đá Lớn B thuộc quần đảo Trường Sa, đều nhớ mãi hình ảnh chiếc pông-tông (xà lan) cũ - chứng tích cho chủ quyền biển đảo thiêng liêng. Thời gian trôi qua, nơi ấy trở thành "mái ấm" của gia đình chim hải âu với vẻ đẹp bình yên trước bão tố, phong ba.
0:00 / 0:00
0:00
Đảo Đá Lớn thuộc quần đảo Trường Sa.
Đảo Đá Lớn thuộc quần đảo Trường Sa.

"Đá Lớn trụ giữa trùng khơi/ Không cây, không bóng, không lời mẹ ru/Chỉ san hô giữa mịt mù/Cắm cờ Tổ quốc, vững như đá ngầm..." Nơi sóng nối sóng đến tận chân trời, đảo Đá Lớn là một thềm san hô rộng, nằm cách đảo Nam Yết khoảng 32 hải lý về phía tây-tây nam.

Giữa làn sóng bạc đầu, ba điểm chốt A, B, C tựa ba ngọn đèn sáng trấn giữ biển. Các nhà chốt được xây dựng vững chãi trên nền san hô, cách nhau vài hải lý, tạo thành thế chân kiềng.

Khí hậu ở Đá Lớn mang đậm đặc trưng của Trường Sa: Từ tháng 2 đến tháng 5, trời khô khốc, nắng hun người, như đổ lửa lên mái chốt, trên vai áo, trên từng khẩu phần cơm lính. Nhưng đó là lúc biển dịu êm, thuận tiện cho tàu thuyền đi lại.

Chuyện "mái ấm" của hải âu trên đảo Đá Lớn ảnh 1

Những chuyến xuồng rời tàu vào thăm đảo Đá Lớn.

Do sóng gió khắc nghiệt, mặn mòi, chiếc pông-tông lao mình lên bãi cạn năm xưa ngày thêm hoen gỉ và trầm mặc, nhưng mấy ai ngờ được, trong lòng nó lại ẩn chứa những sự sống mới nảy nở từng ngày: Tổ ấm của loài chim hải âu.

Giữa khơi xa bốn bề gian khổ, đôi chim biển đã tìm thấy chốn yên bình để canh giữ những quả trứng màu da trời - sắc màu trong trẻo, tự do và hy vọng. Khi biển gào thét, khi bão giông cuồn cuộn, nhịp sống tổ nhỏ vẫn âm thầm chuyển động. Vỏ trứng nứt ra trong ngày biển động, để rồi từ đó, cặp mắt chim non chớp mở trước cuộc đời: "Trong lòng con tàu lao mình lên bãi cạn/Tổ ấm hải âu canh ổ trứng màu trời/Ngày biển động nhịp đời nứt vỏ/Nở cặp mắt buồn, mà dữ dội, điềm nhiên".

Chuyện "mái ấm" của hải âu trên đảo Đá Lớn ảnh 2

Đá Lớn là đảo chìm còn nhiều gian khó.

Hải âu mái đã kiên nhẫn ấp từng quả trứng còn hải âu trống lặn lội giữa đại dương, mang từng con cá nhỏ về tổ. Những chú chim non cất tiếng hót đầu đời trong sự ấm ủ của hải âu mẹ và dãi dầu của hải âu cha.

Trên nền sắt hoen gỉ ấy, chúng lớn lên bằng tất cả những gì giản dị mà vĩ đại nhất: Sự sống, tình yêu thương và cả tinh thần bất khuất như những người lính biển.

Thực tế, mái nhà nhỏ ấy chưa bao giờ là chốn yên bình hoàn toàn. Ngoài kia, vẫn có những loài chim dữ ngày đêm rình rập, lấn lướt, tấn công. Từ đôi chim đầu tiên, cả một đàn hải âu kéo về. Đảo Đá Lớn bỗng chốc rộn ràng bởi tiếng đập cánh, tiếng gọi nhau da diết giữa trời xanh, biển thẳm.

Chuyện "mái ấm" của hải âu trên đảo Đá Lớn ảnh 3

Pông-tông neo mình trên bãi cạn của đảo Đá Lớn.

Người lính đảo coi chim hải âu như những người bạn thân thiết. Có lúc, lính trẻ cũng đùa nghịch, tò mò dõi theo, ngắm nghía trứng, để rồi bị cả đàn hải âu "đuổi cho tơi bời". Ai nấy đều hiểu, tình yêu và sự sống của loài chim biển là điều thiêng liêng mà gần gũi như hơi thở của chính mình.

Đôi khi, giữa ánh nắng chan hòa, từng nhịp sóng hòa ca, các đôi hải âu cũng "cãi nhau" chí chóe. Thế nhưng, chỉ cần một loài chim lạ xâm phạm lãnh địa, cả đàn lập tức tụ hội, cùng nhau chiến đấu không lùi bước.

Chuyện "mái ấm" của hải âu trên đảo Đá Lớn ảnh 4

Pông-tông cũ thành nơi để mái ấm chim hải âu trú ngụ.

Nơi biển trời hòa một dải mênh mông, hải âu sải cánh tựa nét vẽ mềm mại trên nền xanh biếc. Thân hình thanh thoát, đôi cánh rộng trắng muốt căng ra như vành trăng lưỡi liềm lướt chao liệng giữa không gian ung dung, khoáng đạt, đầy kiêu hãnh.

Gió biển thổi ràn rạt xuyên từng lớp lông vũ, cánh chim vẫn thản nhiên thăng bằng trên tầng không, tự tại như chính bản chất đại dương đã nuôi dưỡng mình. Có lúc, hải âu sà xuống sát mặt nước, cánh gần như chạm sóng, ánh mặt trời phản chiếu lên lưng như dát vàng. Có khi, hải âu bay vút lên cao, ngẩng đầu đối mặt với gió ngược, mắt sắc lạnh mà bình thản, sẵn sàng vượt mọi phong ba.

Chuyện "mái ấm" của hải âu trên đảo Đá Lớn ảnh 5

Đôi hải âu sải cánh giữa trùng khơi.

Vẻ đẹp của chim hải âu vừa ở hình dáng mạnh mẽ mà uyển chuyển cũng ở vẻ đẹp của loài chim suốt đời gắn bó với biển, sống cùng bão tố. Trong đường bay của hải âu, dường như có âm vang tự do, có hơi thở của sóng gió và cả sự kiêu hãnh thầm lặng khi chọn biển làm nhà.

Trên các đảo tiền tiêu, nơi bốn bề toàn sóng vỗ, gió gào, trời nước mênh mông, tình bạn giữa con người và thiên nhiên càng trở nên đặc biệt. Hải âu trở thành người bạn thân thiết, gần gũi và trung thành của những người lính biển.

Chuyện "mái ấm" của hải âu trên đảo Đá Lớn ảnh 6

Sải cánh giữa mênh mông.

Hải âu như đã có mặt ở đó từ bao giờ, nên khi những người lính trẻ đặt chân tới đảo với ba-lô trĩu nặng tình yêu Tổ quốc thì hải âu cứ thế quây quần, xúm xít như lẽ tự nhiên, rồi ở lại, quẩn quanh, bầu bạn với lính đảo qua từng mùa gió.

Có những người lính trẻ sáng dậy sớm, tay cầm chút lương khô, giây lát sau đã thấy hải âu lượn vòng, gọi nhau chiu chíu muốn chia phần. Lúc rảnh rỗi, bộ đội thư giãn bằng cách ngắm hải âu vui, gọi tên từng con quen thuộc. Hải âu không hề sợ người, chúng đáp xuống mái nhà, đậu lên lan can, có khi vào tận bếp của đảo. Còn bộ đội chẳng bao giờ nỡ xua đi, với họ, hải âu là bạn, là một phần trong đời sống nơi đảo xa đầy gian lao mà cũng không kém phần lãng mạn.

  1. Chuyện "mái ấm" của hải âu trên đảo Đá Lớn ảnh 7

Hải âu bắt cá nhỏ mang về tổ.

Hải âu còn như những "nhà dự báo thời tiết" kỳ tài. Nhìn cánh chim bay ở tầm cao hay thấp, cách liệng, vỗ nhịp thế nào, thêm tiếng kêu các cấp độ khác nhau nữa là bộ đội biết biển sắp động, sắp có bão đến gần. Những lần như thế, cả đảo khẩn trương ứng phó, còn hải âu lặng lẽ đồng hành cùng con người.

Ngày trời yên, biển lặng, từng cánh chim cao vút, vẽ những đường bay diệu vợi, đẹp như mơ giữa trời xanh ngắt mang đến tín hiệu của bình yên.

Mỗi sáng đắm chìm trong bình minh, mỗi chiều miên man gió lộng, người lính thả hồn theo cánh chim xa. Trong ánh mắt những người lính canh biển trời, trong dáng bay khoáng đạt của hải âu, dường như tụ lại một điểm chung đó là tình yêu biển cả, là sự bền gan vững chí đến tận cùng.

Chuyện "mái ấm" của hải âu trên đảo Đá Lớn ảnh 8

Cất cánh trên sóng biển.

Nơi đầu sóng ngọn gió, vẫn luôn vang lên tiếng gọi ríu ran, nụ cười rạng ngời của những người lính can trường nương theo nhịp vút cao của loài chim biển. Trong những chuyến công tác đến các đơn vị Hải quân, chúng tôi khá bất ngờ khi phát hiện có những người lính mang tên Hải Âu.

Càng đi, càng gặp, càng hiểu rằng cái tên không đơn thuần là lựa chọn ngẫu nhiên mà chất chứa tình yêu, niềm tự hào, khát vọng của cha mẹ gửi gắm vào những đứa con với niềm đau đáu khôn nguôi về Tổ quốc.

Chuyện "mái ấm" của hải âu trên đảo Đá Lớn ảnh 9

Những mảng màu đối lập mà nên thơ.

Hải âu được mệnh danh là loài chim của tự do, thuộc về cả đại dương và bầu trời, chưa từng biết sợ hãi như chính những người lính bình thản, kiên cường bám trụ giữa trùng khơi. Nhiều người biết đến hải âu qua những đường bay giữa biển trời, qua dáng vẻ tự do mà ít khi tận mắt chiêm ngưỡng hình hài mái ấm.

Những mái ấm nhỏ nhoi, cheo leo bên thềm sóng trong lòng chiếc pông-tông cũ kỹ, rỉ sét tưởng tạm bợ, cằn cỗi lại trở thành điều kỳ diệu. Sự sống nảy mầm, tình yêu được ấp ủ, nơi bản năng làm cha, làm mẹ hiện lên đầy xúc động qua câu chuyện của loài chim.

Hình hài, câu chuyện về tổ ấm ấy xoa dịu những trái tim thổn thức nhớ nhà, trở thành biểu tượng cho vẻ đẹp ẩn sâu trong gian lao một cách lặng thầm, bền bỉ.

Chuyện "mái ấm" của hải âu trên đảo Đá Lớn ảnh 10

Giờ đây đã có rất nhiều tổ ấm chim hải âu trên pông-tông cũ.

Chúng tôi vẫn còn nhớ câu chuyện về mái ấm của cô giáo Đỗ Thị Thơm (huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội). Năm 2018, chồng chị là Trung úy Nguyễn Viết Tưởng công tác trên đảo Đá Lớn. Bảy năm làm vợ, cả hai lần chị sinh con đều không có chồng bên cạnh. Cháu lớn được tám tháng tuổi anh mới về. Còn cháu bé thì 15 tháng tuổi bố về phép mới được ẵm bồng con.

Khi trở về đất liền, anh Tưởng cũng như bao nhiêu người lính biển, sẽ luôn kể cho cha mẹ, vợ con nghe về những tổ ấm hải âu ấm lòng người giữ đảo.

Đá Lớn là một trong những đảo chìm còn nhiều gian khó, sự sống phải chắt chiu qua từng giọt nước, mầm cây, nhưng tình yêu và hy vọng đã không ngừng nảy nở, âm vang tới tận đất liền.