SEA Games 33 sẽ có 7 nội dung thi đấu cầu lông, bao gồm đơn nam, đơn nữ, đôi nam, đôi nữ, đôi nam nữ, đồng đội nam và đồng đội nữ. Đội tuyển Việt Nam đặt mục tiêu giành huy chương vào 1 hoặc 2 nội dung chủ lực. Ông Khoa Trung Kiên, phụ trách bộ môn cầu lông (Cục TDTT Việt Nam) chia sẻ: “Về cơ bản, dựa trên khả năng và lực lượng đang có, chúng tôi phấn đấu giành tối thiểu 1 HCĐ tại Thái Lan năm nay. Nhưng để làm tốt, tất cả sẽ rất tập trung trong quá trình chuẩn bị”.
Trước thực trạng hiện tại, có thể thấy chỉ tiêu 1 HCĐ là vừa sức khi thành tích tốt nhất của cầu lông Việt Nam tại SEA Games là HCĐ vào năm 2022 trên sân nhà. Khi đó, đội tuyển đã mang về 3 tấm HCĐ đầy nỗ lực ở các nội dung: đơn nam (Nguyễn Tiến Minh), đôi nam (Đỗ Tuấn Đức - Phạm Hồng Nam) và đồng đội nữ. Tuy nhiên, tại SEA Games 32 ở Campuchia, cầu lông Việt Nam trắng tay, không giành được bất kỳ huy chương nào.
Dù thường bị xem là vùng trũng thể thao so với các khu vực khác trên thế giới, nhưng khi nói đến cầu lông, Đông Nam Á lại là điểm sáng nổi bật. Kể từ khi môn cầu lông được đưa vào chương trình thi đấu chính thức tại Olympic Seoul 1988, khu vực này đã khẳng định vị thế là nơi duy nhất tại châu Á có thể cạnh tranh sòng phẳng với các cường quốc cầu lông đến từ Đông Bắc Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... Nhóm “tứ cường” Đông Nam Á gồm: Indonesia - quốc gia có truyền thống rực rỡ nhất, liên tục giành HCV Olympic trong suốt 2 thập kỷ qua; Malaysia - sở hữu nhiều tay vợt từng lọt vào top 3 thế giới, đặc biệt ở nội dung đơn nam, đôi nữ, đôi nam nữ; Thái Lan - nổi bật ở các nội dung nữ, luôn có đại diện trong top 10 thế giới; và Singapore - ngày càng tiến bộ, đóng góp lực lượng mạnh trong khu vực.
Thống kê cho thấy, khoảng 70% tay vợt nằm trong top 100 thế giới đến từ 8 đội tuyển hàng đầu châu Á, trong đó Đông Nam Á chiếm phần lớn - điều này khiến cầu lông gần như trở thành môn thể thao nội bộ của châu Á, nơi các quốc gia Đông Bắc và Đông Nam Á liên tục tranh tài đỉnh cao. Chính vì vậy, dù từng sở hữu những tay vợt tài năng như Nguyễn Tiến Minh, Vũ Thị Trang và hiện nay là thế hệ Nguyễn Thùy Linh, Lê Đức Phát, Nguyễn Hải Đăng nhưng cầu lông Việt Nam vẫn chưa thể tạo nên dấu ấn mạnh mẽ tại SEA Games.
Chúng ta thiếu những tay vợt thật sự vượt trội về chuyên môn, có đủ đẳng cấp và bản lĩnh thi đấu ở tầm châu lục. Để rút ngắn khoảng cách với các cường quốc cầu lông Đông Nam Á, Việt Nam sẽ cần một khoản đầu tư lớn - không chỉ về tài chính, mà còn về chiến lược phát triển dài hạn. Bên cạnh đó là tạo điều kiện cho các tay vợt được cọ xát, rèn luyện và thi đấu thường xuyên với những đối thủ hàng đầu thế giới. Việc được thi đấu ở đẳng cấp cao chính là chìa khóa giúp VĐV nâng tầm kỹ thuật và bản lĩnh. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, cầu lông Việt Nam vẫn chưa thể đáp ứng được điều đó, cả về nguồn lực, hệ thống đào tạo trẻ lẫn cơ hội tiếp cận với các giải đấu quốc tế chất lượng. Nhiều lần, các tay vợt Việt Nam phải thi đấu mà không có HLV đi cùng, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu suất và tinh thần thi đấu.
Hiện tại, Nguyễn Thùy Linh được xem là gương mặt sáng giá nhất trong làng cầu lông Việt Nam trên đấu trường quốc tế. Tuy nhiên, thực tế cho thấy cô vẫn gặp khó khi bước ra sân chơi lớn với 4 lần liên tiếp dự Giải Vô địch châu Á từ 2022 đến 2025 đều phải dừng bước ngay vòng đầu tiên ở nội dung đơn nữ. Tại SEA Games 33 sắp tới, hai tay vợt tham dự Olympic Paris 2022 là Nguyễn Thùy Linh và Lê Đức Phát được kỳ vọng sẽ tạo nên đột phá. Đại hội cũng là dịp để Việt Nam đánh giá năng lực thực tế của VĐV, thử nghiệm các phương án chiến thuật mới và rút kinh nghiệm cho những giải đấu quan trọng hơn. Hy vọng, với sự chuẩn bị chu đáo, tinh thần quyết tâm và nỗ lực, các tay vợt của chúng ta sẽ thi đấu bùng nổ vượt chông gai để thực hiện giấc mơ còn dang dở.