Chính sách nhà ở xã hội cần hướng đến người thu nhập thấp có nhu cầu thực sự

NDO - Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc rà soát, điều chỉnh chính sách phát triển nhà ở xã hội nhằm bảo đảm phục vụ đúng đối tượng thu nhập thấp có nhu cầu thực sự về chỗ ở.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh một dự án nhà ở xã hội tại thành phố Buôn Ma Thuột. (Ảnh: HOÀI BÃO)
Quang cảnh một dự án nhà ở xã hội tại thành phố Buôn Ma Thuột. (Ảnh: HOÀI BÃO)

“Xin đừng để giấc mơ có nhà của người lao động mãi là điều không thành”

Tại phiên thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) đã thay lời hàng triệu công nhân, người lao động thu nhập thấp gửi gắm đến Quốc hội.

Theo bà Trân, với thu nhập chỉ trên dưới 10 triệu đồng mỗi tháng, người lao động phải oằn mình lo toan chi tiêu thiết yếu, nên việc tiếp cận nhà ở - kể cả nhà ở xã hội - vẫn là điều ngoài tầm với dù Luật Nhà ở đã ban hành và nhiều chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội đã được triển khai.

Mức giá dù mang danh “xã hội” nhưng vẫn vượt quá khả năng chi trả; quy trình xét duyệt còn xa thực tế; nhiều người muốn đăng ký nhưng đành từ bỏ vì không đủ điều kiện hoặc không dám gánh thêm nợ trong cuộc sống vốn đã quá chật vật, đại biểu cho biết.

Chính sách nhà ở xã hội cần hướng đến người thu nhập thấp có nhu cầu thực sự ảnh 1

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương). (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

“Tôi xin được thay lời cho những người lao động thu nhập thấp đang mơ ước có một mái nhà nhỏ để an cư, yên tâm làm việc, nuôi dạy con cái và phụng dưỡng cha mẹ. Dù chỉ đơn giản như thế nhưng là cả một ước mơ”, nữ đại biểu xúc động chia sẻ.

Đại biểu Trân đề nghị Quốc hội xem xét các cơ chế hỗ trợ thiết thực hơn như được trợ giá, bù giá từ ngân sách nhà nước hoặc Quỹ phát triển nhà ở quốc gia, bảo đảm giá thuê, thuê mua sát với thu nhập thực tế của người lao động; đồng thời cần công khai, minh bạch trong xét duyệt để người lao động có cơ hội công bằng tiếp cận nhà ở xã hội.

“Đừng để những khu nhà ở xã hội phải bị bỏ hoang, xuống cấp với sự tiếc rẻ và khát khao của bao người lao động. Xin đừng để giấc mơ có nhà của người lao động mãi mãi là giấc mơ không thành”, đại biểu Trân nhấn mạnh, đồng thời khẳng định an cư cho người lao động không chỉ là chuyện phúc lợi cá nhân, mà còn là động lực thiết thực để phát triển đất nước bền vững.

Chính sách nhà ở xã hội cần hướng đến người thu nhập thấp có nhu cầu thực sự ảnh 2

Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh). (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Chung quan điểm, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) nhấn mạnh, nhà ở xã hội phải đến đúng tay người có nhu cầu thực.

Ông cho biết, hiện nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn, đặc biệt là tại các khu đô thị, khu công nghiệp. Tuy nhiên, nguồn cung đang rất hạn chế và thiếu hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và hơn hết người dân có nhu cầu thật thì khó tiếp cận được sản phẩm phù hợp.

Ông Tuấn cho rằng, chính sách phát triển nhà ở xã hội hiện nay vẫn còn thiếu “mảnh ghép cốt lõi” - đó là ưu tiên đặc biệt cho người dân có nhu cầu thực sự. Theo đại biểu, nếu không bảo đảm người thu nhập thấp, công nhân được tiếp cận sản phẩm phù hợp, chính sách sẽ khó đi vào cuộc sống.

Do đó, ông Tuấn kiến nghị thiết kế thêm cơ chế lựa chọn đúng người thụ hưởng để tạo lực kéo thực chất cho thị trường nhà ở xã hội.

Cần phân định rõ tính chất xã hội và thương mại trong các dự án nhà ở xã hội

Chia sẻ với phóng viên bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang) nhấn mạnh, chính sách phát triển nhà ở xã hội hiện nay đã có nhiều ưu đãi về vốn, đất đai và cơ chế đầu tư, tuy nhiên hiệu quả thực tế vẫn chưa tương xứng với kỳ vọng. Nhiều địa phương chưa cung cấp được sản phẩm nhà ở xã hội phù hợp cho người có thu nhập thấp, trong khi nhu cầu an cư của người dân vẫn rất lớn.

Chính sách nhà ở xã hội cần hướng đến người thu nhập thấp có nhu cầu thực sự ảnh 4

Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) chia sẻ với phóng viên bên hành lang Quốc hội. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Theo đại biểu, tính chất xã hội và tính chất thương mại trong việc triển khai xây dựng nhà ở xã hội vẫn chưa thực sự cụ thể, rõ ràng. Thực tế cho thấy, nhiều khu nhà ở ban đầu được xây dựng nhằm mục đích phục vụ người dân theo chủ trương phát triển nhà ở xã hội nhưng sau một thời gian, những khu nhà này lại biến thành nhà ở thương mại.

"Việc này vô hình trung khiến những người có nhu cầu thực sự về nhà ở thiệt thòi, gặp khó khăn trong trong vấn đề an cư. Người có thu nhập thấp sẽ khó có thể mua, sở hữu một căn nhà, trong khi một nhóm người khác lại thông qua việc trục lợi chính sách để thu lợi nhuận", ông Lâm thẳng thắn nhìn nhận.

Từ đó, đại biểu kiến nghị cần làm rõ ranh giới giữa tính chất xã hội và tính chất thương mại trong phát triển nhà ở xã hội. Theo ông Lâm, với mục tiêu an sinh, nhà ở xã hội chỉ nên dành cho người thu nhập thấp, có nhu cầu thực sự về chỗ ở ổn định.

Để bảo đảm hiệu quả, nên tập trung phát triển mô hình nhà ở xã hội cho thuê với với mức giá vừa phải. Sau một thời gian tích lũy, người thuê nhà ở xã hội có thể nâng điều kiện kinh tế để mua nhà ở thương mại và trả lại nhà ở xã hội đang thuê để những người kế tiếp đến thuê và sinh sống, tạo nên một vòng quay hỗ trợ bền vững.

“Cứ như vậy, những người thu nhập thấp với sự trợ giúp của Nhà nước sẽ từng bước tiếp cận để sở hữu căn nhà cho riêng mình”, ông Lâm giải thích.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng kiến nghị cần đa dạng hóa các phân khúc nhà ở để người dân có thể lựa chọn theo khả năng tài chính của mình. Vai trò của Nhà nước lúc này là xây dựng quy hoạch, cung cấp quỹ đất; việc đầu tư xây dựng có thể giao cho doanh nghiệp đảm nhiệm.

Từ thực tiễn nêu trên, ông Lâm đề nghị cần sớm rà soát, điều chỉnh chính sách nhà ở xã hội để đi đúng hướng, bảo đảm công bằng, hiệu quả và phục vụ đúng lợi ích căn bản của người dân.