
Vào những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, báo Văn nghệ giải phóng là cơ quan ngôn luận của Hội văn nghệ giải phóng, thành viên của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền nam Việt Nam. Trong hồi ức của nhà văn Lê Quang Trang, công việc của người làm báo thời kỳ đó vừa có cái gian lao cực khổ của đời sống chiến trường, nhưng lại có sự hấp dẫn của phiêu lãng, tích cực của rèn luyện phẩm chất, sâu bền của tích lũy vốn sống.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chung quanh khu căn cứ Trung ương Cục ở Nam Bộ, báo chí chưa nhiều. Phóng viên đông đảo nhất có lẽ là Thông tấn xã Giải phóng, ngân hàng cung cấp tin, ảnh cho cả trong nước và quốc tế; rồi đến Báo Giải phóng, cơ quan ngôn luận của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền nam Việt Nam, ra số đầu vào ngày 20/12/1964.
Sôi động hơn là Đài phát thanh Giải phóng, vừa có ở tiền tuyến, vừa có ở hậu phương, vùng phủ sóng rộng, thông tin nhiều và công chúng đông. Bên quân sự cũng có báo Quân giải phóng và tạp chí Văn nghệ quân giải phóng.
Lĩnh vực văn nghệ đáng chú ý nhất là Văn nghệ giải phóng, cơ quan ngôn luận của Hội văn nghệ giải phóng, thành viên của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền nam Việt Nam.
Cần biết thêm là Tạp chí Văn nghệ giải phóng ra số 1 đầu năm 1961, ngay sau khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền nam Việt Nam thành lập. Thư ký tòa soạn đầu tiên là nhà văn Lý Văn Sâm, Tổng Thư ký của Hội Văn nghệ giải phóng.
Tạp chí Văn nghệ giải phóng ra số 1 đầu năm 1961, ngay sau khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền nam Việt Nam thành lập.
Tuy nhiên, do điều kiện chiến trường khó khăn và ác liệt, tạp chí không thể ra luôn luôn đúng định kỳ. Lúc phong trào mạnh, vùng giải phóng mở rộng, báo ra đều, số lượng phát hành cũng khá. Lúc kẻ thù đánh phá dữ dội, càn quét liên miên, bom đạn ác liệt, vật tư thiếu, có lúc máy in bị địch càn cướp mất, thì báo ra thưa hơn, thậm chí có lúc phải tạm ngưng.
Trong số học viên lớp viết văn Khóa 4 đi Nam Bộ vào đầu năm 1971, tôi là người đầu tiên được điều từ Phòng nghiên cứu Ban Tuyên huấn Trung ương Cục sang làm Văn nghệ giải phóng. Lúc đó, phụ trách chung là nhà văn Anh Đức. Nhà thơ Diệp Minh Tuyền và tôi lo bài vở và biên tập. Nhà thơ, họa sĩ Nguyễn Chí Hiếu trình bày. Chị Trần Phúc Mộng Loan (vợ nhà văn Anh Đức), và tôi, giám sát khâu in. Nhà văn Bùi Kinh Lăng, Phó Trưởng tiểu ban thường trực, cũng tham gia chỉ đạo và góp ý bài vở. Kịch tác gia Nguyễn Vũ (Ngô Y Linh) gợi nhiều ý mới. Các họa sĩ Lê Lam, Huỳnh Phương Đông, Cổ Tấn Long Châu, Phạm Đỗ Đồng cộng tác nhiều về mỹ thuật.
Công việc đầu tiên với người mới là lo chỗ ở. Tùy điều kiện chiến trường mà sắp xếp cho hợp lý. Căn cứ chúng tôi ở trong rừng già miền đông, nên có điều kiện cất lán trại, không như các đồng nghiệp miền trung hay Tây Nam Bộ sông nước. Địa điểm dựng lán là một vòm cây cao, kín đáo, rồi ra rừng chồi xa, lựa những cây thích hợp, không mọt, thẳng, về làm thành bộ khung. Rồi hái lá trung quân, loại lá rừng khó cháy, lâu mục, chịu nắng mưa, “chằm” thành những tấm lợp. Cẩn thận, hay xềnh xoàng tùy tính người.
Đồng chí Mai Chí Thọ (đứng giữa) và các nhà thơ Giang Nam, Hoài Vũ, Hồ Thiện Ngôn, Trương Bỉnh Tòng cùng các anh em khóa 4 Nguyễn Khắc Thuần, Trần Thị Thắng, Hà Phương, Lê Điệp, Phan An, Hà Công Tài, Phan Xuân Biên tại Hội nghị sáng tác văn học khu Sài Gòn - Gia Định tháng 8-1973. (Ảnh tư liệu của nhà văn Trần Thị Thắng)
Đồng chí Mai Chí Thọ (đứng giữa) và các nhà thơ Giang Nam, Hoài Vũ, Hồ Thiện Ngôn, Trương Bỉnh Tòng cùng các anh em khóa 4 Nguyễn Khắc Thuần, Trần Thị Thắng, Hà Phương, Lê Điệp, Phan An, Hà Công Tài, Phan Xuân Biên tại Hội nghị sáng tác văn học khu Sài Gòn - Gia Định tháng 8-1973. (Ảnh tư liệu của nhà văn Trần Thị Thắng)
Lán của nhà văn Thanh Nghị, người của Liên minh Dân tộc Dân chủ và Hòa bình, to rộng, có thể mắc cả màn lớn tránh muỗi vì ông quen làm việc đêm. Lán các nhà văn nhà thơ Lê Văn Thảo, Diệp Minh Tuyền, Chim Trắng thường đơn giản, gọn ghẽ. Lán bếp nhà văn Trang Thế Hy (Tư Sâm) nhỏ, nhưng luôn đỏ lửa và ngăn nắp. Lán họa sĩ Nguyễn Chí Hiếu kỹ càng, từ vách ngăn, bàn viết, giường nằm, đẹp tinh xảo và sắp xếp một cách cầu kỳ, cẩn thận.
Lán của những anh chị có trẻ con thường khó giữ gọn gàng. Làm lán thường đi đôi với đào hầm, để phòng tránh bom đạn. Có thể làm hầm kèo kiểu chữ A, hoặc ngay dưới giường, nhưng cần chắc chắn, thuận tiện, có giao thông hào ra khu trung tâm hay thoát vây khi có địch. Có thể làm một mình hay hợp tác theo từng nhóm. Cán bộ lãnh đạo, người có tuổi thì anh em bảo vệ giúp thêm. Ngoài ra còn lo gùi lương thực, thực phẩm, lo tìm đất làm rẫy, trồng sắn, ngô. Nghe ở Khu V, gùi gạo còn cực khổ nữa, vì đường xa, hàng thiếu, địch phục kích thường xuyên.
Cuộc sống tuy gian khổ nhưng các văn nghệ sĩ vẫn có những khoảng riêng tư đầy lãng mạn. Có người dành thời gian vào rừng kiếm những giò phong lan hiếm về chơi, thư giãn sau khi viết, vẽ. Người đam mê trà săn tìm và mang theo cả ấm chén cổ, độc đáo. Người đơn giản kiếm chiếc bình tông inox của lính Mỹ, đổ đầy nước sôi, cho trà vào chiếc ca đi kèm, lật ngược lên, là có một bình trà cho cả tiểu đội. Trà, phổ biến là loại thương hiệu “Củ măng” mua qua tiếp phẩm, hay “móc gia đình”, thi thoảng mới có anh em từ bắc vào, mang theo được gói trà Thanh Tâm hay Thanh Hương thì được coi như “liên hoan nhẹ”.
Chống càn tuy không thường xuyên nhưng là một trong những việc gian nan và nguy hiểm với những văn nghệ sĩ trong chiến khu. Trong cơ quan, những người trẻ, khỏe, đều tham gia tự vệ, du kích, khi nhận lệnh chiến đấu là có mặt lập tức.
Nhà văn Lê Quang Trang
Nhà văn Lê Quang Trang
Chống càn tuy không thường xuyên nhưng là một trong những việc gian nan và nguy hiểm với những văn nghệ sĩ trong chiến khu. Trong cơ quan, những người trẻ, khỏe, đều tham gia tự vệ, du kích, khi nhận lệnh chiến đấu là có mặt lập tức. Bên báo Giải phóng, có lần Mỹ và ngụy đổ quân sát căn cứ, lính càn vào khu vực nhà in, cẩu đi cả máy móc, đội du kích của báo phối hợp với đơn vị bạn đánh trả dữ dội, tiêu diệt một số địch. Cơ quan báo cũng có mấy người hy sinh và tự vệ bị thương trong trận càn ấy.
Tất nhiên, công việc chủ yếu của chúng tôi là ra báo. Ngoài bài viết của anh chị em phóng viên, sáng tác mới của văn nghệ sĩ thuộc Tiểu ban văn nghệ và cộng tác viên ở các tiểu ban gần như Báo Giải phóng (B.18), Điện ảnh (B.10), Văn nghệ giải phóng cũng rất cần tác phẩm từ nhiều địa bàn, nhiều mặt trận khác nhau, như Cục chính trị quân giải phóng, Trung và Tây Nam Bộ, Khu 5, Khu 6 hay Trị -Thiên-Huế.
Trong điều kiện khó khăn, phải tìm mọi cách để liên hệ với văn nghệ sĩ hoặc cộng tác viên ở cơ sở hay các đơn vị. Ban biên tập cũng phân công người theo dõi và đọc báo chí từ miền bắc gửi vào, báo chí công khai từ đô thị gửi ra, qua đó chọn tác phẩm phù hợp. Những sáng tác tốt trên sóng phát thanh được ghi âm và đánh máy lại. Rồi lên trang, vẽ minh họa và khắc gỗ, chạy giấy, lo in, phát hành.
Không thể kể hết việc cho một số báo ra đời trong hoàn cảnh thiếu thốn và bom đạn, trong khi cơ quan lúc nào nhân sự cũng thiếu. Thời gian tôi về làm Văn nghệ giải phóng đã thuận lợi hơn rất nhiều. Đội ngũ cộng tác đã đông vui hơn, chất lượng hơn. Nhiều cây bút trưởng thành từ cơ sở, từ miền bắc chi viện, từ trong các đô thị ra tham gia kháng chiến, cộng tác, khiến lực lượng không quá ít như thời kỳ đầu trứng nước, với bao khó khăn chồng chất, cả về người và vật chất như các nhà văn Lý Văn Sâm, Anh Đức từng kể lại cùng chúng tôi lúc tâm tình hay viết công khai trong hồi ký từng xuất bản.


Ở chiến trường, nhà báo cũng đồng thời là người sáng tác.
Muốn vậy phải thường xuyên thâm nhập thực tế tại các đơn vị chiến đấu, các nơi có phong trào hay. Có thể đi dài ngày, người ở nhà cáng đáng cho người vắng mặt.
Thời gian nhà văn Anh Đức đi Tây Nam Bộ viết tập Bức thư Cà Mau và lấy tư liệu cho tiểu thuyết Hòn Đất, thì nhà văn Trần Hiếu Minh (Nguyễn Văn Bổng) thay thế. Khi Nguyễn Văn Bổng đi Bến Tre rồi vào nội thành hoạt động thì Giang Nam và Anh Đức gánh vác tiếp. Rồi Nguyễn Thi đi lâu về Củ Chi và Mỹ Tho. Lê Anh Xuân “trở lại quê nhà” Bến Tre tới bảy, tám tháng để viết “Hoa dừa”. Các anh Lê Văn Thảo, Từ Sơn, Diệp Minh Tuyền, đều có các chuyến công tác dài ngày để sáng tác.
Nhiều người bạn chúng tôi như Cao Xuân Phách, Thanh Thảo, Phạm Quang Nghị, Vũ Ân Thy… đều có những đợt đi dài đến các vùng sâu chiến sự ở Tây Ninh, Mỹ Tho. Rồi Phan An, Trần Thị Thắng, Hà Phương về với mảnh đất Củ Chi và vùng tam giác sắt để lấy tư liệu, tích lũy vốn sống và viết. Ngoài khu V, các bạn Vũ Thị Hồng, Bùi Thị Chiến, Nguyễn Bá Thâm, Nguyễn Bảo, Nguyễn Hồng, Đoàn Tử Diễn… đều như vậy.
Bản thân tôi, cũng từng được cử tham gia đoàn cán bộ tuyên huấn đi nhiều nơi, riêng tôi và Vũ Ân Thy (bên Đài phát thanh) về với bà con ở vùng tranh chấp thuộc các xã Lộc Hưng, Lộc Thuận của huyện Trảng Bàng, tiếp giáp với Củ Chi. Những chuyến đi không chỉ giúp hiểu sâu hơn đời sống chiến đấu của vùng đất, mà thông qua những việc cụ thể như: ban ngày cùng bà con đi làm đồng, đêm cùng cán bộ và du kích đột ấp, phổ biến nghị quyết mới, thực hành công tác binh vận, vận động chống kềm kẹp, khuyến khích sản xuất, trồng tỉa, chống đói giáp hạt... góp phần xây dựng phong trào và lấy tư liệu cho bài viết.
Các văn nghệ sĩ ở chiến khu trước ngày giải phóng. (Ảnh tư liệu của nhà văn Trần Thị Thắng)
Các văn nghệ sĩ ở chiến khu trước ngày giải phóng. (Ảnh tư liệu của nhà văn Trần Thị Thắng)
Tôi bám trụ ở đây gần một năm, viết nhiều bài cho báo và sáng tác thơ, sau tập hợp trong các tập Cây tín hiệu và Ngây thơ trẻ nhỏ. Vũ Ân Thy có tập Vùng trắng nói. Những tư liệu sống thời ấy không chỉ có giá trị kịp thời mà còn cho lâu dài về sau.
Khi một số nhà văn, nhà thơ gắn bó lâu với chiến trường, được đưa ra miền bắc dưỡng bệnh, như vợ chồng nhà văn Anh Đức, các nhà văn nhà thơ: Đinh Quang Nhã, Chim Trắng, Lê Văn Thảo, Nguyễn Chí Hiếu, cùng một số nghệ sĩ điện ảnh, ca múa nữa, tôi được rút về để tăng cường khâu biên tập và in ấn.
Hội nghị sáng tác văn học Sài Gòn-Gia Định năm 1973. Các đại biểu trong ảnh: Phan An, Nguyễn Khắc Thuần, Phan Xuân Biên, Nguyễn Văn Sơn (hàng trên, từ phải qua); Trần Ấm, Trần Thị Thắng, Hà Phương (hàng dưới, từ phải qua) tại Hội nghị Văn nghệ Sài Gòn-Gia Định năm 1973. (Ảnh: Tư liệu của nhà văn Trần Thị Thắng)
Hội nghị sáng tác văn học Sài Gòn-Gia Định năm 1973. Các đại biểu trong ảnh: Phan An, Nguyễn Khắc Thuần, Phan Xuân Biên, Nguyễn Văn Sơn (hàng trên, từ phải qua); Trần Ấm, Trần Thị Thắng, Hà Phương (hàng dưới, từ phải qua) tại Hội nghị Văn nghệ Sài Gòn-Gia Định năm 1973. (Ảnh: Tư liệu của nhà văn Trần Thị Thắng)
Như vậy, công việc của người làm báo thời kỳ đó vừa có cái gian lao cực khổ của đời sống chiến trường, nhưng lại có sự hấp dẫn của phiêu lãng, tích cực của rèn luyện phẩm chất, sâu bền của tích lũy vốn sống.
Cây bút chính luận Trần Quang, tức Trần Bạch Đằng, nguyên Bí thư Khu ủy Sài Gòn- Gia Định, nguyên Ủy viên Đoàn Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền nam Việt Nam phụ trách về văn hóa và giáo dục, từng nhận định “Trong vòng mười sáu năm Văn nghệ giải phóng ra được 135 số. Nếu chỉ đơn thuần nhìn trên số lượng, ta thấy bình quân hằng năm tờ báo chỉ ra được 8 số, khiêm tốn biết bao nhiêu. Nhưng nếu đặt tờ báo trong khung cảnh tồn tại của nó, ta sẽ trân trọng từng trang, thậm chí từng chữ của một công trình sản sinh không hẳn chỉ bằng tủy não. Những người chủ trì hoặc cộng tác tờ Văn nghệ giải phóng viết dưới mưa bom, trong chiến hào, kê đầu gối làm bàn và sang nhất cũng chỉ trên chiếc võng tòng teng giữa khu rừng nhiều vắt và muỗi. Khái niệm làm báo cũng khá rộng: viết, tự tay chép bản thảo, lên khuôn, cùng nhà in sửa morat, chạy giấy, phát hành, đó là chưa nói phải tải gạo, phải sản xuất, phải đào hầm, phải làm tự vệ và du kích, phải chống càn. Chỉ có hai tay nhưng cầm luôn nhiều thứ: viết, xẻng, súng…”[1]


Sang năm 1974, thấy tình hình cách mạng có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, Báo đã đề đạt lên Tiểu ban văn nghệ và Ban Tuyên huấn Trung ương Cục đồng ý quyết định cho củng cố, cải tiến, phát triển Văn nghệ giải phóng, xem như một bước tập dượt để khi giải phóng Sài Gòn, có ngay một cơ quan báo chí văn nghệ đủ mạnh trong công chúng, đủ sức tập hợp giới văn nghệ trong toàn miền và cả nước. Đây là một bước chuyển đặc biệt quan trọng, làm cho hoạt động báo sôi động hẳn lên.
Ban Tuyên huấn điều nhà thơ Giang Nam, đang biệt phái ở văn nghệ Khu Sài Gòn- Gia Định (T.4), về phụ trách báo. Anh Giang Nam từ 1962 từng là Trưởng ngành văn của Tiểu ban văn nghệ, phụ trách Văn nghệ giải phóng, nhưng từ 1965 đã được “giải phóng” để sáng tác.
Cùng về từ T.4 còn có nhà thơ Hoài Vũ, nhà văn Thạch Cương và một số cây bút của lớp viết văn khóa 4: Trần Thị Thắng, Hà Phương, Phan Xuân Biên, Hà Công Tài... Ban cũng điều động thêm một số cán bộ, cũng từng là học viên khóa này, công tác xung quanh Ban Tuyên huấn như: Trần Đức Cường, Dương Trọng Dật, Phùng Đức Thắng… về tăng cường cho Văn nghệ giải phóng.
Anh Giang Nam phụ trách chung, anh Hoài Vũ như một “tổng tham mưu” lo cấu trúc, sắp xếp bài vở và tổ chức in, phát hành. Anh chị em khác tùy khả năng, phân theo nhóm thể loại để viết và tổ chức bài.
Bản tin về báo Văn nghệ giải phóng đăng trên báo Hà Nội mới ngày 29/5/1975.
Bản tin về báo Văn nghệ giải phóng đăng trên báo Hà Nội mới ngày 29/5/1975.
Tòa soạn quyết định ra bộ mới, đổi khổ, ra định kỳ hằng tuần, bắt đầu từ số 43 ra ngày 1/1/1975. Quyết tâm được nêu rõ trong thư tòa soạn: “Để phản ánh kịp thời hơn cuộc chiến đấu sôi sục, để cho văn nghệ gắn liền với thời cuộc góp phần thúc đẩy và phục vụ cho cuộc sống và chiến đấu, bắt đầu từ số này (43), Văn nghệ giải phóng có cải tiến một bước về nội dung và hình thức. Văn nghệ giải phóng xuất bản theo khuôn khổ mới với định kỳ ngắn hơn”.
Để thực hiện, từ lãnh đạo đến phóng viên đều rất nhiệt tình. Mở thêm trang mục. Đổi mới cách trình bày. Nhiều phóng viên đi chiến dịch cùng bộ đội để có những bài viết gắn với thời cuộc hơn: Diệp Minh Tuyền đi mặt trận Núi Bà Đen, Trần Đức Cường đi Đồng Xoài, rồi đi tiếp theo các hướng tiến quân. Trần Thị Thắng, Hà Phương, Phùng Đức Thắng đi về các tỉnh vùng Đồng bằng Trung và Tây Nam Bộ…
Trung tuần tháng 4/1975, cơ quan chúng tôi được lệnh chuẩn bị vào tiếp quản và làm báo ngay trong thành phố Sài Gòn. Báo họp khẩn và chia làm hai nhóm: thê đội 1 gọn nhẹ có thể lên đường ngay. Thê đội 2 gồm những người tuổi cao hoặc con nhỏ. Tôi được phân vào thê đội 1. Không khí vô cùng náo nức. Và không thể nào quên, vào trưa 30/4/1975, khắp mọi nơi trên cả nước, không khí như òa vỡ bởi niềm vui giải phóng Sài Gòn và hoàn toàn miền nam, đã đến.
Với những cải tiến mạnh mẽ và chuẩn bị chu đáo, ngay sau khi thành phố Sài Gòn và miền nam hoàn toàn giải phóng, Văn nghệ giải phóng đã ra mắt kịp thời, tập hợp được đông đảo các tầng lớp văn nghệ sĩ, với nội dung phong phú, đa dạng. Các văn nghệ sĩ tên tuổi của cả nước, từ các ngả đường chiến khu, từ hậu phương miền bắc đi với các cánh quân giải phóng, những văn nghệ sĩ bí mật hay công khai từ trong lòng đô thị, từ phong trào học sinh sinh viên, từ các tỉnh thành đều nhiệt thành cộng tác với Văn nghệ giải phóng. Bạn đọc háo hức đón đợi những số báo mới, gương mặt mới của báo chí văn nghệ cách mạng. Số lượng phát hành mỗi số lên đến mấy trăm ngàn bản (cũng là con số phát hành kỷ lục khi đó và nhiều thời kỳ sau này) vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu của bạn đọc.
Được góp sức trong những ngày ấy, thực sự là niềm hạnh phúc lớn của những người làm báo chúng tôi. Bây giờ, hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng nhớ lại những giây phút ấy, trong lòng vẫn rưng rưng xúc động.


Xuất bản: Ngày 24/5/2025
Tổ chức sản xuất: HỒNG MINH
Nội dung: Nhà văn LÊ QUANG TRANG
Ảnh: TƯ LIỆU, NGÂN ANH
Trình bày: DIỆP LINH