Yên tâm bám biển dài ngày
Nhận tủ thuốc và dụng cụ y tế cấp cứu ban đầu cho ngư dân do Bộ Y tế trao theo Chương trình "Ngành y tế cùng ngư dân bám biển", ngư dân Lê Văn Thanh, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà (TP Ðà Nẵng) không khỏi xúc động chia sẻ với chúng tôi: Trước đây, mỗi chuyến đi biển chỉ kéo dài vài ba ngày, nhưng khi ra khơi đánh bắt mà trên tàu có người không may bị bệnh thì phải gấp rút cho tàu vào bờ ngay. Nhưng hiện nay, các tàu đã được trang bị phương tiện hiện đại hơn, trọng tải lớn cho nên mỗi chuyến đi biển thường kéo dài từ 15 đến 20 ngày, có khi cả tháng. Song điều quan trọng nhất là giờ đây, chúng tôi luôn yên tâm về vấn đề sức khỏe, không còn cảm giác "nơm nớp lo sợ" lúc ốm đau, hay bị tai nạn. Có được điều đó, vì các tàu đã được trang bị thuốc và các dụng cụ sơ cấp cứu tương đối đầy đủ. Ðồng thời, ngư dân được cán bộ y tế tập huấn kiến thức về phòng, chống dịch bệnh, kỹ năng chăm sóc và sơ cứu nếu có người bị bệnh, tai nạn... Trong trường hợp bệnh nặng, ngư dân còn được các lực lượng chức năng trên biển cử cán bộ y tế, phương tiện cấp cứu, vận chuyển để đưa người bệnh vào đất liền điều trị kịp thời. Bởi vậy, tất cả bà con ngư dân trên địa bàn đã yên tâm bám biển dài ngày...
Bác sĩ Nguyễn Xuân Từ, Trạm trưởng Y tế xã Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) cho biết: Trước đây, do còn mê tín cho rằng việc mang phao cứu sinh khi đi biển sẽ gặp điều không may cho nên hầu như các chủ tàu, thuyền khi vươn khơi không thật sự quan tâm việc này. Không chỉ vậy, các tàu đánh cá gần bờ, xa bờ đều không có tủ thuốc, trang thiết bị sơ cấp cứu, vì thế khi có tai nạn hay ốm đau bất thường trên biển, ngư dân không biết cách xử lý, không được điều trị và cấp cứu kịp thời cho nên đã có nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra. Trong khi đó, ngư dân đánh cá xa bờ ngày đêm đối mặt thời tiết khắc nghiệt, điều kiện sinh hoạt không bảo đảm, cho nên thường mắc các bệnh về hô hấp, đường ruột, sốt, cảm cúm và một số bệnh nguy hiểm khác...
Bác sĩ Nguyễn Xuân Từ cho biết thêm: Từ thực trạng nêu trên, trong nhiều năm qua, được sự hỗ trợ của ngành y tế tỉnh Hà Tĩnh, cán bộ trạm y tế xã thường xuyên phối hợp các cơ quan chức năng, nhất là bộ đội biên phòng kiểm tra sức khỏe định kỳ, cung cấp thuốc cho ngư dân; kiểm tra các cơ số thuốc thiết yếu; dụng cụ sơ cấp cứu, phao cứu sinh trên tàu... Nếu các tàu đủ điều kiện thì lực lượng biên phòng mới cấp giấy phép cho tàu ra khơi. Bên cạnh đó, cán bộ của trạm thường xuyên vận động, tuyên truyền, tổ chức các buổi tập huấn kiến thức cơ bản về việc sử dụng các loại thuốc thiết yếu, sử dụng trang thiết bị cấp cứu ban đầu cho ngư dân. Nhờ vậy, mấy năm trở lại đây, trên địa bàn xã không xảy ra trường hợp nào chết khi đi biển, cho dù có nhiều người bị các bệnh nặng như đau ruột thừa, chấn thương sọ não...
Tập trung mọi nguồn lực cho y tế biển, đảo
Bộ trưởng Y tế, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về y tế biển, đảo Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Trong những năm qua, đối với công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân đang sinh sống, làm việc trên các huyện đảo, xã đảo, người dân ven biển, nhất là các ngư dân đánh cá xa bờ, ngành y tế đã triển khai nhiều giải pháp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiện nay cả nước vẫn còn 31,1% số trung tâm y tế huyện thuộc các huyện đảo chưa có cơ sở riêng; 33,5% số trạm y tế cần xây mới; hơn 50% số trạm y tế xã đảo không có bác sĩ và 80% số hộ gia đình khu vực biển, đảo cần khám, chữa bệnh. Trước đây, chúng ta đưa mô hình y tế trong đất liền ra áp dụng ở các khu vực này, mà chưa tính đến những đặc thù về dịch bệnh còn có nhiều điểm khác biệt so với đất liền. Chính vì vậy, nhiều trang thiết bị y tế khi triển khai, áp dụng tại đây không phát huy hiệu quả, có những trang, thiết bị không sử dụng được do cơ sở hạ tầng còn thiếu. Nguồn nhân lực thiếu, yếu về chuyên môn, nhất là kiến thức về y học biển; chế độ, chính sách đối với cán bộ y tế ra công tác tại huyện đảo, xã đảo còn nhiều bất cập...
Để từng bước giải quyết vấn đề này, Bộ Y tế phối hợp các bộ, ngành liên quan xây dựng Ðề án "Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020" và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 317/QÐ-TTg, ngày 7-2-2013. Theo đó, Ðề án 317 sẽ được triển khai tại 151 quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc 28 tỉnh, thành phố ven biển, với tổng ngân sách lên đến 8.200 tỷ đồng. Mục tiêu của đề án là bảo đảm cho người dân sinh sống, làm việc ở vùng biển đảo được tiếp cận, sử dụng dịch vụ y tế cơ bản; mở rộng khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng cao. Ðồng thời, hướng đến củng cố mạng lưới y tế đủ năng lực và phù hợp đặc thù hoạt động bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân vùng biển, đảo; phát triển nguồn nhân lực đủ về số lượng và chất lượng, qua đó tăng năng lực cấp cứu, vận chuyển khám, chữa bệnh, phòng, chống dịch bệnh và các bệnh tật đặc thù vùng biển, đảo...
Kết quả sau một năm thực hiện đề án, hầu hết các bộ, ngành liên quan và các tỉnh, thành phố đã thành lập được ban chỉ đạo. Riêng trong năm 2013, trên toàn tuyến biển, đảo Việt Nam, các cơ sở y tế đã cấp cứu cho hơn 1.600 người; khám bệnh và cấp thuốc hơn 32 nghìn lượt người; phẫu thuật cho hơn 750 người bệnh; cấp thuốc miễn phí cho hơn 13 nghìn lượt người.... Ðiều đáng mừng, một số địa phương đã sớm phê duyệt kế hoạch triển khai đề án phát triển y tế vùng biển, đảo trên địa bàn của mình. Ðiển hình như tỉnh Khánh Hòa từ nay đến năm 2015 sẽ đầu tư 51 tỷ đồng xây dựng Bệnh viện huyện đảo Trường Sa, với quy mô 30 giường bệnh; Trung tâm thu nhận và điều trị bệnh đặc thù vùng biển, đảo tại Bệnh viện Quân y 87...
Bộ Y tế đã ban hành Danh mục thuốc và dụng cụ y tế cho tàu cá của ngư dân, áp dụng cho các loại tàu đánh cá xa bờ từ bảy đến 15 người. Chỉ đạo các Trường đại học Y- Dược Huế, Y- Dược TP Hồ Chí Minh xây dựng đề án thành lập Bộ môn Y học biển, nhằm tăng cường cơ sở đào tạo nguồn nhân lực y tế phục vụ y tế biển, đảo trên cả nước. Viện Y học biển (Bộ Y tế) phối hợp các địa phương tổ chức các lớp tập huấn cho ngư dân tại 28 tỉnh, thành phố ven biển về kiến thức, kỹ năng cơ bản trong sử dụng các loại thuốc thông thường và sơ cứu ban đầu...
Thời gian tới, Bộ Y tế cần tiếp tục phối hợp các bộ, ngành, địa phương xây dựng quy chế phân công tổ chức, cá nhân chuyên trách hoặc kiêm nhiệm về y tế biển, đảo; rà soát, tổng hợp nhu cầu đào tạo (các loại hình) về y học biển cho cán bộ, nhân viên y tế công tác tại các cơ sở y tế ven biển, với phương châm cầm tay chỉ việc; tăng cường năng lực cấp cứu, vận chuyển khám, chữa bệnh, phòng, chống các dịch bệnh và các bệnh đặc thù vùng biển đảo. Nghiên cứu, ban hành các chính sách đầu tư và tài chính phù hợp với hoạt động khám, chữa bệnh, phòng, chống dịch, bệnh, phòng, chống bệnh nghề nghiệp, công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển, công tác vận chuyển người bệnh, nhất là xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm thu hút cán bộ y tế ra công tác và làm việc tại các khu vực này. Hỗ trợ ngân sách mua và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho toàn bộ người dân sinh sống tại các huyện đảo, xã đảo, cũng như có chế độ thanh toán bảo hiểm y tế, giá dịch vụ y tế, hỗ trợ giá vận chuyển người bệnh phù hợp với điều kiện biển, đảo. Ðó là những việc làm cần thiết để bảo đảm cho người dân sinh sống và làm việc ở vùng biển, đảo được tiếp cận, sử dụng dịch vụ y tế cơ bản...