Sản lượng hằng năm đạt hơn 1,8 triệu tấn với các loại trái cây đặc sản nổi tiếng, như: sầu riêng, thanh long, xoài cát Hòa Lộc, bưởi da xanh, vú sữa lò rèn Vĩnh Kim, khóm Tân Phước..
Tỉnh Tiền Giang cũng như các tỉnh, thành phố khác của vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu. Nhiệt độ có xu thế tăng, lượng mưa ngày càng thất thường; hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng lấn sâu vào nội đồng cùng hiện tượng sụt lún đất đã và đang đe dọa trực tiếp đến năng suất, chất lượng cây ăn quả và sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp.
Những năm gần đây, dòng chảy mùa lũ giảm mạnh, tần suất lũ lớn giảm; trong khi ranh mặn dự báo có xu thế tăng đột biến, ngày càng xuất hiện bất thường, gây áp lực lớn lên nguồn nước tưới cho cây ăn quả. Từ đó, hạn mặn đã làm thiệt hại nhiều vườn cây ăn quả có giá trị cao, làm suy giảm năng suất và chất lượng cây ăn quả trên diện rộng. Điển hình như mùa khô năm 2019-2020, tỉnh Tiền Giang thiệt hại hơn 14.500 ha. Nếu so với cây trồng khác, cây ăn quả khi thiệt hại là tổn thất lớn, bởi 3 đến 4 năm sau mới phục hồi lại vườn cây.
Ông Lê Văn Đẹt, ngụ xã Long Trung, huyện Cai Lậy trồng 0,6 ha sầu riêng. Hạn mặn lịch sử năm 2019-2020, vườn cây ăn quả của ông chết hết do thiếu nước ngọt để tưới. Sau đó, ông quyết định chuyển đổi sang trồng mít ruột đỏ bởi loại cây này chống chịu với hạn mặn tốt, dễ chăm sóc, năng suất cao, giá trị kinh tế nhiều. Dẫn chúng tôi tham quan khu vườn, ông Đẹt chia sẻ: “Trước đây, mít ruột đỏ rất ít người trồng. Sau khi vườn sầu riêng bị thiệt hại hoàn toàn, gia đình quyết định chuyển sang trồng loại cây ăn quả này. 1,5 đến 2 năm tuổi cây bắt đầu cho thu hoạch. Giá mít không dưới 30 nghìn đồng/kg. Có thời điểm, tôi bán được hơn 50 nghìn đồng/kg, lợi nhuận thu được hằng năm hơn 300 triệu đồng/0,6 ha. Hiện nay, gia đình đang dự kiến mở rộng trồng thêm 0,2 ha để ươm mít giống bán cho người dân”.
Tại các huyện phía bắc Quốc lộ 1 của tỉnh Tiền Giang, trong những năm gần đây nông dân cũng chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Ông Nguyễn Văn Trường, ngụ xã Mỹ Thành Bắc, huyện Cai Lậy chuyển từ đất lúa sang trồng sầu riêng chuyên canh cách đây hơn 5 năm. Hiện vườn sầu riêng của gia đình đang chuẩn bị xử lý cho cây trái vụ lần 2 (mỗi năm 1 vụ). Ông Trường cho biết: “Trồng lúa ngày càng sâu bệnh nhiều, năng suất không cao, giá bán thấp trong khi chi phí vật tư tăng vọt, lợi nhuận không có. Vì vậy tôi quyết định chuyển đổi để mong cuộc sống gia đình tốt hơn. Mặc dù cây sầu riêng cũng khá bấp bênh nhưng hiệu quả mang lại cao hơn nhiều so với trồng lúa”.
Tỉnh Tiền Giang đã và đang tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với điều kiện khí hậu, nguồn nước, xâm nhập mặn; tăng cường áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến và công nghệ cao để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng cho cây ăn quả. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Nguyễn Đức Thịnh cho biết, các vùng ven biển như Gò Công Đông, thành phố Gò Công đã mở rộng diện tích cây ăn quả đặc sản gồm thanh long, chanh tứ quý, sơri, cây có múi trên đất giồng cát và vùng đất khó khăn; góp phần giảm thiểu rủi ro do biến đổi khí hậu và tăng thu nhập cho người dân. Ngoài ra, địa phương cũng chú trọng xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất-chế biến-tiêu thụ, phát triển các mô hình sản xuất bền vững; đồng thời chuẩn bị tổ chức Lễ hội trái cây cấp khu vực nhằm quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc sản, góp phần nâng cao giá trị ngành cây ăn quả trên thị trường trong nước và quốc tế.
Những năm qua, tỉnh Tiền Giang đã đẩy mạnh sản xuất rải vụ thu hoạch, chuyển giao các giải pháp kỹ thuật mới nhằm hạn chế tác động xấu của biến đổi khí hậu. Ngoài các giống chủ lực, địa phương tiếp tục phát triển thêm các giống cây trồng mới có sức chống chịu với hạn mặn cao, như: dừa xiêm Mã Lai, mít, chanh... Việc cấp mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc cũng được tỉnh quan tâm để có thị trường tiêu thụ ổn định. Bên cạnh đó, xây dựng, nhân rộng mô hình áp dụng các biện pháp sản xuất tiên tiến góp phần giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm theo hướng an toàn, đạt quy chuẩn VietGAP và tương đương; xây dựng vùng sản xuất cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao; chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nhằm cải thiện đất, sử dụng các chế phẩm hữu cơ, vi sinh vào sản xuất, từng bước chuyển dịch sang sản xuất theo hướng hữu cơ. Tỉnh Tiền Giang tập trung nâng cao năng lực hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác để tổ chức sản xuất, tạo ra sản phẩm có số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu của từng loại thị trường; tạo điều kiện liên kết trong sản xuất, hợp tác trong tiêu thụ sản phẩm.
Mới đây, tại một cuộc họp ở Viện Cây ăn quả miền nam (xã Long Định, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang), Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã khẳng định: “Biến đổi khí hậu đang ở trong giai đoạn cấp bách, làm thay đổi nhiều đến bức tranh sản xuất nông nghiệp của nước ta, nhất là tại các vùng sản xuất trái cây nhiệt đới, nơi cây ăn quả vừa là trụ cột kinh tế, vừa là sinh kế của hàng triệu nông dân. Vì vậy, chúng ta phải có những phản ứng cấp thiết dựa trên khoa học và hướng tới phát triển bền vững. Trong đó, việc chọn giống cây phù hợp, áp dụng các kỹ thuật canh tác tiên tiến, xây dựng vùng sản xuất tập trung và chú trọng liên kết tiêu thụ sản phẩm là cần thiết”.