Linh hoạt sản xuất trong mùa nắng hạn

Nhằm ứng phó hạn hán, thiếu nước ngọt, xâm nhập mặn, chính quyền và nông dân tỉnh Bạc Liêu đã chủ động, linh hoạt trong trồng lúa, rau màu, nuôi tôm nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra trước diễn biến bất lợi của thời tiết trong những tháng cao điểm khô hạn năm nay…
0:00 / 0:00
0:00
Tỉnh Bạc Liêu hiện có hơn 39.600 ha sản xuất theo mô hình lúa-tôm.
Tỉnh Bạc Liêu hiện có hơn 39.600 ha sản xuất theo mô hình lúa-tôm.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Lưu Hoàng Ly, diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2025 củatỉnh hơn 72.000 ha, tương đương năm 2024 với các mô hình như nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh và bán thâm canh; nuôi tôm kết hợp tôm-rừng... Có diện tích nuôi tôm siêu thâm canh và thâm canh lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nên nếu không chủ động, linh hoạt, sáng tạo và quyết liệt phòng, tránh vào những tháng khô hạn gay gắt, Bạc Liêu sẽ khó tránh khỏi thiệt hại. Dự báo trong tháng 3 này, toàn tỉnh có ít nhất khoảng 3.000 ha tôm nuôi sẽ bị ảnh hưởng do nắng hạn.

Hiện chính quyền và ngành chức năng tỉnh Bạc Liêu đã khuyến cáo các hộ nuôi trồng thủy sản cần gia cố bờ bao, bơm trữ nước mặn vào ao lắng, đầm, vuông; đồng thời theo dõi tình hình điều tiết nước và chủ động hơn trong sản xuất. Đối với mô hình nuôi tôm sú thâm canh, bán thâm canh, khuyến cáo nông dân chỉ nên nuôi một đến hai vụ/năm và chỉ thả hai vụ/năm đối với mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh. Đồng thời, nông dân cần tập trung gia cố bờ bao, cống bọng, nạo vét mương nội đồng để trữ nước trên ao nuôi, nhất là ở vùng nam Quốc lộ 1A để phòng, tránh các đợt triều cường.

Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã kiến nghị Trung ương quan tâm hỗ trợ nguồn kinh phí đầu tư xây dựng các công trình phục vụ sản xuất. Cụ thể là cống Xẻo Chích thuộc huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu) và huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang), kinh phí đầu tư khoảng hơn 300 tỷ đồng. Xây dựng mới hệ thống các cống phía bắc kênh Quản Lộ Phụng Hiệp gồm 16 cống, dự kiến kinh phí đầu tư hơn 350 tỷ đồng. Nạo vét tám trục kênh cấp 1 với tổng chiều dài 120,5 km, dự kiến kinh phí đầu tư hơn 475 tỷ đồng...

Nông dân các huyện, thị xã ở Bạc Liêu đã tích cực, chủ động trong phòng, tránh nắng hạn, nước mặn xâm nhập sâu vào vùng đất trồng lúa, nuôi tôm bằng nhiều cách làm sáng tạo, cụ thể, linh hoạt. Nhiều nông hộ đã chọn những giống lúa có sức chống chịu hạn, độ mặn cao để sản xuất. Những hộ nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp chủ động bảo đảm đủ nguồn nước sạch, đồng thời chọn thời điểm phù hợp thả nuôi tôm, “né” thời điểm hạn, mặn gay gắt...

Hiện nay, mô hình lúa-tôm ở Bạc Liêu mang lại hiệu quả kinh tế khá cao và được nông dân nhân rộng. Năm 2001, toàn tỉnh chỉ có gần 6.000 ha sản xuất theo mô hình tôm-lúa, thì đến đầu năm 2025 này, đã có hơn 39.600 ha, chiếm hơn 33% diện tích nuôi tôm trong tỉnh. Mô hình này cho tổng thu nhập bình quân hơn 90 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận 40-60 triệu đồng/ha/năm.

Bạc Liêu cũng đã thành lập Liên hiệp Hợp tác xã lúa thơmtôm sạch với 21 hợp tác xã thành viên, diện tích hơn 4.000 ha. Ông Tạ Hoàng Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Bạc Liêu cho biết: “Việc xây dựng các cánh đồng tôm lớn thông qua hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã là rất cần thiết nhằm hình thành vùng nguyên liệu đủ lớn để cung ứng cho doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản…”.

Theo nhiều chuyên gia, nhà khoa học, những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nguồn nước ngọt cung cấp cho các mô hình canh tác lúatôm luân canh không còn thuận lợi, điều kiện sinh thái vùng nuôi tôm thay đổi theo chiều hướng bất lợi. Nhằm chủ động phòng tránh, nhất là vào những tháng cao điểm khô hạn và nước biển lấn sâu vào diện tích đất sản xuất nông nghiệp, nhiều nông dân Bạc Liêu đã và đang chuyển đổi sản xuất từ độc canh cây lúa sang các mô hình đa cây, đa con đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Điển hình là mô hình lúa-tôm, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi trên cùng đơn vị diện tích.

Hộ ông Danh Ía, người dân tộc Khmer ở ấp Ngô Kim, xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân, sau khi chuyển đổi sản xuất, đời sống gia đình ông từng bước được cải thiện, thu nhập tăng lên và có tích lũy. Với gần 4 ha đất sản xuất, mùa nắng ông Danh Ía thả nuôi tôm sú, cua; mùa mưa trồng lúa kết hợp với thả nuôi tôm càng xanh cùng các loại cá. Ông còn chăn nuôi thỏ, dê...

Còn tại xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long, những năm gần đây, sau khi chuyển đổi trồng rau cần nước thay cây lúa thành công, hiện nông dân tiếp tục đưa rau má xuống ruộng với diện tích hơn 70 ha, có hơn 450 hộ tham gia, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

“Thời gian tới, huyện sẽ nhân rộng mô hình đưa cây màu xuống ruộng, sản xuất theo hướng luân canh. Đồng thời, khuyến khích người dân tận dụng đất trống chung quanh nhà và bờ ruộng để trồng rau màu tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phước Long Trần Văn Liêm chia sẻ…