Thiếu cả cung lẫn cầu
Thị trường công nghệ đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Đây là nơi kết quả nghiên cứu được ứng dụng, các công nghệ được trao đổi, mua bán, định giá và chuyển giao đến doanh nghiệp để tạo ra sản phẩm phục vụ xã hội. Nếu thiếu một thị trường công nghệ vận hành hiệu quả, minh bạch và có cơ chế hỗ trợ rủi ro, quá trình đổi mới sẽ bị gián đoạn, chi phí triển khai tăng cao và nguy cơ đầu tư sai hướng sẽ rất lớn.
Một thực tế đang cản trở nhiều doanh nghiệp trong hành trình đổi mới sáng tạo là thiếu thông tin đáng tin cậy về công nghệ, mặc dù đã có các “chợ” công nghệ và thiết bị (techmart) cùng một số sàn giao dịch ảo về công nghệ. Lãnh đạo Công ty cổ phần Sao Thái Dương chia sẻ, trong rất nhiều khó khăn mà doanh nghiệp đang đối mặt, có một rào cản vô hình chính là khoảng cách giữa doanh nghiệp với kết quả nghiên cứu.
Nhiều giải pháp tưởng chừng đơn giản, nhưng nếu doanh nghiệp có thông tin kịp thời và tiếp cận được để ứng dụng, có thể tạo ra giá trị gia tăng rất lớn. Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng Nhà nước xây dựng một cơ sở dữ liệu đáng tin cậy về các nhà khoa học, giúp doanh nghiệp nhận diện chính xác ai là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực mình cần, từ đó đặt đúng đầu bài, nâng cao hiệu quả đổi mới sáng tạo.
Tình trạng không biết tìm mua công nghệ ở đâu khiến nhiều doanh nghiệp chậm đổi mới hoặc lệ thuộc công nghệ nhập khẩu.
Lãnh đạo Công ty cổ phần Dược mỹ phẩm CVI cũng nhận định, điểm nghẽn lớn nhất trong hoạt động thương mại hóa và chuyển giao công nghệ hiện nay là việc “chợ” thông tin khoa học, công nghệ chưa vận hành đúng nghĩa; các thông tin về quá trình thực hiện, khả năng ứng dụng, chi phí chuyển giao hay chi phí tiếp theo đều chưa được công khai, minh bạch. Điều này khiến bên bán và bên mua rất khó để gặp gỡ, trao đổi và đi đến hợp tác hiệu quả.
Tình trạng không biết tìm mua công nghệ ở đâu khiến nhiều doanh nghiệp chậm đổi mới hoặc lệ thuộc công nghệ nhập khẩu. Báo cáo giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (2018- 2022) cho thấy, trong gần 5 năm, cả nước có 479 hợp đồng chuyển giao công nghệ trị giá hơn 97 nghìn tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm hơn 90 nghìn tỷ đồng (92%).
Nguyên nhân chính là nguồn cung công nghệ từ cơ sở nghiên cứu còn dở dang, chưa thành hàng hóa thị trường; các tổ chức trung gian hoạt động hiệu quả thấp; và hỗ trợ thị trường còn hạn chế.
Theo đánh giá của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), việc thiếu thị trường công nghệ vận hành thực chất dẫn đến chi phí đổi mới sáng tạo tại Việt Nam cao hơn khoảng 1,5 lần so với mức trung bình của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).
Cần khung pháp lý đồng bộ, thực chất
Theo các chuyên gia, đổi mới sáng tạo không thể thực hiện nếu thiếu một thị trường công nghệ hiệu quả. Thị trường này giúp doanh nghiệp nâng cao trình độ sản xuất, tăng doanh thu, lợi nhuận và tái đầu tư cho khoa học-công nghệ. Khi doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, họ cũng trở thành nguồn cung công nghệ trên thị trường. Vì vậy, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật để gỡ bỏ nút thắt là nhiệm vụ then chốt hiện nay.
Nghị quyết số 57-NQ/TW xác định đổi mới sáng tạo là trụ cột chiến lược, then chốt trong phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, với mục tiêu đến năm 2030 có ít nhất 40% doanh nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạo, tỷ lệ khai thác thương mại sáng chế đạt từ 8-10%. Nghị quyết số 68-NQ/TW nhấn mạnh đổi mới sáng tạo là động lực quan trọng để phát triển bền vững khu vực kinh tế tư nhân.
Cả hai nghị quyết đều yêu cầu hoàn thiện thể chế, nhất là các quy định về thị trường công nghệ, từ chuyển giao, định giá tài sản trí tuệ đến thương mại hóa kết quả nghiên cứu, làm điều kiện tiên quyết thúc đẩy khoa học và công nghệ. Để thúc đẩy đổi mới sáng tạo thực chất, Dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cần quy định rõ đối tượng, phạm vi, trách nhiệm và thẩm quyền các cơ quan liên quan phát triển thị trường công nghệ. Cần xây dựng hệ sinh thái gồm chợ công nghệ, sàn giao dịch minh bạch, có cơ chế trọng tài khi tranh chấp xảy ra.
Việc thành lập Quỹ bảo lãnh công nghệ giúp giảm rủi ro cho người mua và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn; đồng thời, đào tạo đội ngũ môi giới công nghệ chuyên nghiệp, chuẩn hóa và định giá công nghệ minh bạch là rất cần thiết. Khu vực công cần mua sắm công nghệ qua sàn có kiểm soát và công cụ đánh giá hiệu quả đầu tư.