Xử lý nghiêm hành vi lợi dụng chức vụ để trục lợi cá nhân
Chiều 10/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp. Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thành Trung (Đoàn Yên Bái) đánh giá cao việc sửa đổi, bổ sung về đối tượng được thành lập, tham gia quản lý, điều hành, làm việc tại doanh nghiệp, trong đó có viên chức.
Theo đại biểu, đây là bước tiến quan trọng nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, theo đó cho phép viên chức được tham gia góp vốn, tham gia quản lý, điều hành, làm việc tại doanh nghiệp.
![]() |
Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) phát biểu. (Ảnh: TTXVN) |
Chung quan điểm, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng, quy định cho phép viên chức được thành lập doanh nghiệp trong trường hợp thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu là phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế tri thức và khuyến khích đổi mới sáng tạo.
Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị cần giới hạn rõ các lĩnh vực được phép, thời gian tham gia, trách nhiệm báo cáo và cơ chế phòng ngừa xung đột lợi ích giữa công việc công và hoạt động kinh doanh, đồng thời bổ sung quy định xử lý nghiêm hành vi lợi dụng chức vụ, sử dụng người thân đứng tên doanh nghiệp để trục lợi cá nhân.
Đại biểu Đoàn Trà Vinh dẫn báo cáo của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trước đây cho biết, có hiện tượng một số viên chức dùng danh nghĩa người thân để đứng tên doanh nghiệp, từ đó gây khó khăn trong quản lý và dễ dẫn đến vi phạm nguyên tắc liêm chính công vụ.
Do vậy, đại biểu kiến nghị cần có quy định rõ về xử lý vi phạm trong trường hợp lạm dụng chức vụ quyền hạn để phục vụ lợi ích cá nhân.

Hoàn thiện chính sách, pháp luật về doanh nghiệp dân tộc góp phần tạo nền tảng cho phát triển bền vững
Về cập nhật thông tin doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp, theo ông Bình, dự thảo bổ sung nghĩa vụ cập nhật thông tin là cần thiết nhằm tăng cường minh bạch, giúp cơ quan quản lý dễ dàng kiểm soát, đồng thời bảo vệ lợi ích của các bên thứ ba liên quan.
Tuy nhiên, cần làm rõ thời hạn tối đa để doanh nghiệp thực hiện cập nhật khi có thay đổi, thí dụ trong vòng 5 hoặc 10 ngày làm việc, và bổ sung quy định xử phạt nếu vi phạm.
Cũng theo đại biểu, việc cập nhật nên được thực hiện trực tuyến qua cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp để tăng tính thuận tiện và hiệu quả.
Ngăn chặn doanh nghiệp “ma” thông qua xử lý khai khống vốn điều lệ
![]() |
Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) phát biểu. (Ảnh: quochoi.vn) |
Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) đánh giá cao chủ trương tạo điều kiện thuận lợi cho thành lập doanh nghiệp trong bối cảnh mở cửa, cải thiện môi trường kinh doanh.
Tuy nhiên, qua khảo sát thực tiễn tại địa phương, đại biểu phản ánh tình trạng nhiều doanh nghiệp đăng ký thành lập nhưng không hoạt động thực chất, thậm chí lợi dụng pháp nhân để mua bán hóa đơn, thực hiện các giao dịch không minh bạch, gây khó khăn cho công tác quản lý.
Dẫn thực tế từ địa phương, nữ đại biểu cho biết: “Chúng tôi đã đi khảo sát và đại diện Sở Tài chính cũng chia sẻ rằng: Việc quy định thủ tục quá đơn giản, phần vốn góp ghi một kiểu, nhưng thực tế lại không thể kiểm soát được.
Chính vì vậy, mặc dù số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng lên đáng kể, nhưng hiệu quả hoạt động thực chất lại không đạt kỳ vọng, đồng thời làm cho việc quản lý gặp rất nhiều khó khăn”.
Từ thực tiễn đó, đại biểu Đoàn Hoà Bình đề nghị, trong quá trình sửa đổi Luật Doanh nghiệp lần này cần cân nhắc kỹ lưỡng theo hướng không đặt vấn đề tăng thêm quy trình, thủ tục, nhằm giữ nguyên tinh thần cải cách và tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh.
Tuy nhiên, cần có các biện pháp kiểm soát hiệu quả hơn, tránh tình trạng các doanh nghiệp đăng ký thành lập chỉ để thực hiện những mục tiêu không theo đăng ký ban đầu, thậm chí mua bán hóa đơn giá trị gia tăng, gây khó khăn cho các cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý, quản trị.

Một công ty ở Bà Rịa-Vũng Tàu bị phạt 115 triệu đồng vì khai khống vốn điều lệ
Về quy định sửa đổi Khoản 4 Điều 28 liên quan xử lý hành vi kê khai khống vốn điều lệ, đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng, đây là bước cần thiết nhằm ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp “ma”, góp phần tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần hướng dẫn rõ tiêu chí xác định "khống", đặc biệt đối với các loại hình doanh nghiệp góp vốn bằng tài sản vô hình hoặc góp vốn (tiền mặt, tài sản, quyền tài sản) theo lộ trình.
Đại biểu cũng dẫn báo cáo của VCCI cho biết, có tới 30% doanh nghiệp kê khai vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở lên nhưng không có năng lực tài chính thực sự, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong giao dịch với đối tác, ngân hàng khi ký kết hợp đồng, mở tín dụng.
Vì vậy, theo đại biểu, cần làm rõ cơ quan có thẩm quyền xác minh hành vi vi phạm và quy trình xử lý cụ thể, nhằm bảo đảm tính tính minh bạch và công bằng trong thực thi pháp luật.