Sáng 9/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội làm việc tại hội trường nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp.
Giản lược nhiều thủ tục cho doanh nghiệp khi đăng ký kinh doanh
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng, cho biết qua rà soát, đánh giá quá trình tổ chức thực hiện pháp luật về doanh nghiệp cho thấy có một số khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp và quản lý của nhà nước đối với doanh nghiệp cần phải sửa đổi.
Do đó, việc sửa đổi luật này nhằm tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý về thành lập, tổ chức và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp; thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư vào sản xuất kinh doanh; góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn và minh bạch.
Theo Bộ trưởng Tài chính, dự thảo luật đã ứng dụng chuyển đổi số mạnh mẽ trong công tác đăng ký doanh nghiệp thông qua việc sử dụng định danh cá nhân để thay thế cho toàn bộ giấy tờ truyền thống. Trong đó, bãi bỏ hai nội dung quy định về tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn sử dụng chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử hoặc sử dụng tài khoản đăng ký kinh doanh để đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử (khoản 3 Điều 26); bỏ quy định về nội dung tài khoản đăng ký kinh doanh là tài khoản được tạo bởi hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, cấp cho cá nhân để thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử. Cá nhân được cấp tài khoản đăng ký kinh doanh chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đăng ký để được cấp và việc sử dụng tài khoản đăng ký kinh doanh để đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử.
![]() |
Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp. (Ảnh: DUY LINH) |
Nêu lý do, Bộ trưởng cho hay, các quy định về việc sử dụng tài khoản đăng ký kinh doanh quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 26 Luật Doanh nghiệp 2020 không còn phù hợp tại thời điểm hiện nay. Trong thời gian tới sẽ sử dụng mã số định danh cá nhân để đăng ký thành lập doanh nghiệp.
Đồng thời, sửa đổi không tiếp tục quy định nội dung người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp phiếu lý lịch tư pháp cho cơ quan đăng ký kinh doanh (điểm e khoản 2 Điều 17), để giảm gánh nặng về thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.
Để tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, đặc biệt là trách nhiệm đối với các nội dung “hậu kiểm” nhằm giảm tối đa tình trạng vốn ảo, đăng ký khống vốn điều lệ, tăng cường tính minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định rõ phạm vi, trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trong tổ chức đăng ký kinh doanh; thanh tra, kiểm tra, giám sát doanh nghiệp theo quy định pháp luật trong phạm vi địa phương; ban hành quy trình kiểm tra, giám sát đăng ký kinh doanh; ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập.
Về các quy định để thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; đảm bảo phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước và khuyến nghị của lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế, dự thảo Luật sửa đổi, hoàn thiện 6 nội dung gồm: Sửa đổi, bổ sung quy định trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp trong việc thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho doanh nghiệp về doanh nghiệp mà mình, người có liên quan của mình làm chủ hoặc là chủ sở hữu hưởng lợi, có cổ phần, phần vốn góp theo quy định; Sửa đổi quy định bổ sung nội dung chủ sở hữu hưởng lợi tại hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp, thông tin chủ sở hữu hưởng lợi cần công khai và trách nhiệm của doanh nghiệp phải thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh khi có thay đổi thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi.
Tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp thực hiện các quyền về tự do kinh doanh với chi phí thấp
Thẩm tra tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi đề nghị tiếp tục rà soát, quy định rõ hơn chủ thể doanh nghiệp cần kê khai trên cơ sở tối ưu hóa thông tin khai thác từ hệ thống cơ sở dữ liệu sẵn có, ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý nhà nước về doanh nghiệp, giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.
![]() |
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi trình bày Báo cáo thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp. (Ảnh: DUY LINH) |
Cùng với đó, quy định thống nhất tại dự án Luật này các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp theo hướng sửa đổi quy định tại điểm b khoản 2 và điểm b khoản 3 Điều 17 Luật Doanh nghiệp, bổ sung trường hợp viên chức làm việc tại cơ sở giáo dục đại học công lập được quyền góp vốn vào doanh nghiệp do cơ sở đó thành lập hoặc tham gia thành lập để thương mại hóa kết quả nghiên cứu do cơ sở đó tạo ra.
Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành có liên quan khẩn trương xây dựng Nghị định của Chính phủ bảo đảm có hiệu lực đồng thời với luật và đáp ứng yêu cầu của lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế.
Đồng thời, thực hiện các biện pháp hỗ trợ và bảo đảm điều kiện thực hiện khác để không tạo thêm áp lực hoạt động doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp thực hiện các quyền về tự do kinh doanh với chi phí thấp.
Bên cạnh đó, nâng cấp hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp bảo đảm thông tin được tích hợp, chuẩn hóa, cập nhật đầy đủ, có sự liên thông, kết nối, chia sẻ.