Cảm xúc dâng trào trong chương trình chính luận nghệ thuật “Người là niềm tin tất thắng”

NDO - Đài Phát thanh-Truyền hình Hà Nội vừa tổ chức chương trình chính luận nghệ thuật “Người là niềm tin tất thắng” tối 19/5, nhân dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chương trình nêu bật cuộc đời, sự nghiệp và di sản tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.
0:00 / 0:00
0:00
Chương trình "Người là niềm tin tất thắng" được dàn dựng công phu, mang đến nhiều cảm xúc.
Chương trình "Người là niềm tin tất thắng" được dàn dựng công phu, mang đến nhiều cảm xúc.

"Người là niềm tin tất thắng” được phát sóng trực tiếp từ Trường quay S5 của Đài Phát thanh-Truyền hình (PTTH) Hà Nội trên kênh Hà Nội 1, ứng dụng Hà Nội On cùng các nền tảng số của đài và Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (HTV1), Trung tâm Báo chí và Truyền thông thành phố Hải Phòng, Báo Hà Tĩnh, Báo Hà Giang, Đài PTTH Huế, Đài PTTH Lai Châu, Báo và Đài PTTH Ninh Bình; Đài PTTH và Báo Bình Phước…, đồng thời được phát sóng thử nghiệm trên kênh Hà Nội 2 có độ nét cao, nhận được phản hồi tích cực từ khán giả.

"Người là niềm tin tất thắng" như một lời tri ân sâu sắc từ Thủ đô Hà Nội - nơi Bác Hồ sống, làm việc trong 15 năm cuối đời với nhiều dấu ấn lịch sử sâu đậm. Đây cũng là chương trình nghệ thuật đặc biệt thể hiện tinh thần của Hà Nội - một thành phố nghìn năm văn hiến, trung tâm văn hóa-chính trị của cả nước, với vai trò gìn giữ và lan tỏa di sản tư tưởng Hồ Chí Minh.

Chương trình mở đầu bằng tác phẩm giao hưởng nổi tiếng "Người về đem tới ngày vui" được nhạc sĩ Trọng Bằng sáng tác năm 1990 nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tác phẩm được viết dưới hình thức sonata giọng Fa trưởng, là một trong những bản khí nhạc thành công nhất viết về Người.

Cảm xúc dâng trào trong chương trình chính luận nghệ thuật “Người là niềm tin tất thắng” ảnh 1

Chương trình thể hiện tình cảm của nhiều thế hệ với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Nối tiếp hành trình nghệ thuật là các tác phẩm gắn liền với từng dấu mốc cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ quê hương Làng Sen ngày thơ ấu cho đến khi rời Bến Nhà Rồng bắt đầu hành trình ra đi tìm đường cứu nước và trở về Pắc Bó lãnh đạo nhân dân cả nước làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đi qua hai cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước.

Hà Nội cũng là nơi Bác Hồ đã làm việc cho tới những năm tháng cuối đời, nơi còn lưu giữ ngôi nhà sàn nhỏ, ao cá, vườn hoa - tất cả đều trở thành biểu tượng sống động của một phong cách sống thanh bạch, giản dị, nhưng vĩ đại.

Mỗi tác phẩm trong chương trình góp phần kể một câu chuyện không thể quên về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Nghe bài "Đôi dép Bác Hồ", khán giả không chỉ xúc động vì hình ảnh giản dị của Người mà còn bởi những câu chuyện thật như việc Bác đi đôi dép cao-su được “chế tạo” từ lốp của một chiếc xe quân sự Pháp bị bộ đội ta bắn cháy tại Việt Bắc. Đôi dép ấy được Bác đi 11 năm, các cán bộ cảnh vệ đôi ba lần “xin” đổi dép, nhưng Bác bảo “vẫn còn đi được”.

Cảm xúc dâng trào trong chương trình chính luận nghệ thuật “Người là niềm tin tất thắng” ảnh 2

Chương trình có sự tham gia biểu diễn của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng.

Trong chương trình, khán giả cũng được thưởng thức những ca khúc viết bằng tình yêu thương vô hạn với Bác như: "Bác Hồ một tình yêu bao la" (nhạc sĩ Thuận Yến), "Những bông hoa trong vườn Bác" (nhạc sĩ Văn Dung), "Lời ca dâng Bác" (nhạc sĩ Trọng Loan), "Người là niềm tin tất thắng" (nhạc sĩ Chu Minh)... - những bài hát đã nói thay tình cảm của hàng triệu người dân đất Việt gửi tới Người cha già kính yêu của dân tộc.

Xen lẫn các ca khúc là những phóng sự đặc sắc về hoàn cảnh ra đời của nhiều tác phẩm âm nhạc nổi tiếng về Người, trong đó bài “Ca ngợi Hồ Chủ tịch” là ca khúc duy nhất nhạc sĩ Văn Cao viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh và được nhạc sĩ giới thiệu vào đúng dịp sinh nhật Bác năm 1949. Ngay sau đó, bài hát nhận được sự yêu mến và trở thành một trong những bài hát hay nhất viết về Bác.

Theo ông Văn Thao, con trai nhạc sĩ Văn Cao, để sáng tác ca khúc, nhạc sĩ Văn Cao đã đi nhiều nơi trong chiến khu Việt Bắc, tiếp xúc với nhiều người dân, hỏi chuyện bộ đội để cảm nhận tình cảm mà mọi người dành cho Bác. Chính những tình cảm thiêng liêng và thành kính của nhân dân đã thôi thúc nhạc sĩ nhanh chóng hoàn thành ca khúc “Ca ngợi Hồ Chủ tịch”.

Giai điệu và ca từ mở đầu bài hát được lấy cảm hứng từ chính hình ảnh Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945. Lúc đó, nhạc sĩ Văn Cao đứng ngay phía dưới lễ đài cùng với hàng vạn đồng bào hướng lên khán đài lắng nghe từng lời của Người.

Ông Văn Thao chia sẻ, trong bài hát này, nhạc sĩ Văn Cao đã viết hoa chữ "Người" để nói về Bác Hồ. Từ đây, danh xưng này được được phổ biến, trở thành cách gọi thiêng liêng, trang trọng mà nhân dân dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi nói đến Người là nói về Bác. Điều này thể hiện sự tôn kính, gần gũi và coi Bác như người cha thân yêu của toàn dân, tương đồng với cách nhìn nhận vị cha già của dân tộc mà Văn Cao đã chứng kiến trong nhân dân.

Cảm xúc dâng trào trong chương trình chính luận nghệ thuật “Người là niềm tin tất thắng” ảnh 3

"Người là niềm tin tất thắng" như cuốn phim sống động về cuộc đời, sự nghiệp vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.

Phóng sự khiến khán giả vừa xúc động, vừa tự hào là ca khúc “Ballad Hồ Chí Minh” (Bài ca Hồ Chí Minh) - kể lại đêm ngày 7/5/1954, khi cả thế giới chấn động vì chiến thắng Điện Biên Phủ. Cùng lúc ấy, tại một câu lạc bộ Lao động ở phía nam London, nhạc sĩ người Anh Ewan MacColl bước lên sân khấu, ôm cây đàn guitar và hát “Ballad of Ho Chi Minh” - một bài hát ngợi ca vị lãnh tụ Việt Nam và cũng là nhà cách mạng, người chiến sĩ Cộng sản quốc tế lỗi lạc bằng giai điệu dân gian Saxon.

Cả khán phòng lắng đọng trong âm hưởng “Bài ca Hồ Chí Minh”. Mỗi khi Ewan MacColl hát xong một đoạn, lập tức trên các hàng ghế chật ních những thủy thủ, binh sĩ, công nhân, sinh viên và cả một số nghị sĩ Quốc hội Anh… tất cả cùng đồng thanh hô vang: “Hồ, Hồ, Hồ Chí Minh!”.

Bài hát ấy sau đó lan tỏa khắp châu Âu, châu Á, châu Mỹ Latinh, được dịch ra nhiều thứ tiếng. Nó không còn là một ca khúc đơn thuần mà là minh chứng sống cho sự ngưỡng mộ mà bạn bè quốc tế dành cho Bác Hồ - một con người suốt đời đấu tranh cho tự do và phẩm giá con người.

Như lời đề tặng trích từ một bài thơ của thi sĩ người Mỹ: “Trên đời có những điều không thể thay đổi/Có những con chim không khuất phục bao giờ/Có những tên người sống mãi với thời gian - Hồ Chí Minh!”.

Cảm xúc dâng trào trong chương trình chính luận nghệ thuật “Người là niềm tin tất thắng” ảnh 4

Chương trình được dàn dựng công phu, kỹ lưỡng, thu hút sự quan tâm của khán giả.

Trong chương trình, liên khúc thiếu nhi với "Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ" (Xuân Giao), "Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng" (Phong Nhã) do các em thiếu nhi câu lạc bộ Sao tuổi thơ và Dàn nhạc Đài PTTH Hà Nội thể hiện, cũng mang lại một không gian âm nhạc trong trẻo, đầy cảm xúc.

"Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó" (Nguyễn Tài Tuệ), "Dấu chân phía trước" (Phạm Minh Tuấn - thơ Hồ Thi Ca), “Lời ca dâng Bác” (Trọng Loan), “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người” (Trần Kiết Tường), “Bác Hồ một tình yêu bao la” (Thuận Yến)… mỗi ca khúc trong chương trình là một lát cắt của lịch sử, một trang nhật ký âm nhạc ghi lại những khoảnh khắc đời thường mà vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Góp mặt trong chương trình là những nghệ sĩ đã nhiều năm gắn bó với dòng nhạc cách mạng: Nghệ sĩ Nhân dân Phạm Phương Thảo sâu lắng với “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”, “Đôi dép Bác Hồ”; Nghệ sĩ Ưu tú Lan Anh thanh thoát mà đầy hào khí trong “Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó”; Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Thắng Lợi truyền cảm trong “Dấu chân phía trước”, trầm hùng với “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người”…

Tham gia chương trình, các nghệ sĩ Trường Linh, Phạm Viết Tuân, Đỗ Tố Hoa, Mộc An, câu lạc bộ Sao Tuổi Thơ, Vũ đoàn Tre… cũng gửi tới khán giả những ca khúc ý nghĩa nhất về Bác.

Dưới bàn tay phối khí của nhạc sĩ Thành Vương, những ca khúc vốn quen thuộc được làm mới bằng một tinh thần âm nhạc trẻ trung, hiện đại, nhưng vẫn giữ chất liệu dân gian thuần Việt - mộc mạc, sâu lắng và gần gũi.

Trong chương trình, khán giả có nhiều phút giây lặng đi xúc động khi được xem lại những phóng sự tư liệu quý giá về Chủ tịch Hồ Chí Minh - từ hành trình là chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành rời Bến Nhà Rồng năm 1911 ra đi tìm đường cứu nước, đến những năm tháng bôn ba qua nhiều quốc gia, sống giữa nhân dân lao động và kiên trì tìm con đường giải phóng dân tộc.

Cảm xúc dâng trào trong chương trình chính luận nghệ thuật “Người là niềm tin tất thắng” ảnh 5

Chương trình để lại nhiều dư âm, mang đến những cảm xúc sâu lắng, hào hùng.

Đặc biệt xúc động là những thước phim tái hiện thời khắc Người trở về Tổ quốc - từ chiến khu Việt Bắc về lại Hà Nội, khi Người đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Và, cả những hình ảnh quý giá về những năm tháng cuối đời của Bác - giản dị trong ngôi nhà sàn nhỏ, ra đi để lại muôn vàn tiếc thương khôn nguôi trong trái tim đồng bào cả nước.

Chương trình “Người là niềm tin tất thắng” được Đài PTTH Hà Nội - đơn vị luôn tiên phong trong các chương trình nghệ thuật mang dấu ấn chính luận, thực hiện sâu sắc, lắng đọng và nhiều ý nghĩa.

Âm nhạc, dàn dựng, biểu diễn đều được đầu tư kỹ lưỡng theo lối kể chuyện nhẹ nhàng, tinh tế. Chương trình khép lại, nhưng hình ảnh về cuộc đời, con người và tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn còn dư âm mãi, như ngọn lửa âm thầm cháy sáng trong lòng mỗi người dân đất Việt.