Hà Nội đóng góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp năm 2013:

Cần sớm ban hành hướng dẫn để thực hiện tổ chức chính quyền 2 cấp

NDO - Ngày 19/5, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị góp ý đối với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 (Hiến pháp năm 2013). Phần lớn đại biểu thống nhất với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Nhiều ý kiến quan tâm, góp ý đối với Điều 110 về các đơn vị hành chính, đặc khu và Điều 9 về vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm góp ý, cần sớm ban hành hướng dẫn để thực hiện tổ chức chính quyền 2 cấp.
Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm góp ý, cần sớm ban hành hướng dẫn để thực hiện tổ chức chính quyền 2 cấp.

Đối với Điều 110 dự thảo quy định, các đơn vị hành chính gồm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, hầu hết ý kiến đề nghị quy định thể hiện rõ đơn vị hành chính địa phương là 2 cấp.

Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp là cần thiết, hợp lý và cấp bách. Trong đó, Điều 110, Điều 111 là đột phá đổi mới để phù hợp với yêu cầu phát triển. Tuy nhiên việc diễn đạt đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố còn chung chung, chưa bám sát công tác tổ chức đang triển khai. Vì vậy, đề nghị sửa thành "Đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bao gồm xã, phường, thị xã do Quốc hội quy định".

Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm cho rằng: "Kế hoạch tổ chức chính quyền 2 cấp từ ngày 1/7 cần có hướng dẫn cụ thể và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần có điều chỉnh 2 nghị quyết đã ban hành là Nghị quyết 1210/2016 về phân loại đô thị và Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 về tiêu chuẩn đơn vị hành chính, phân loại đơn vị hành chính; đồng thời sớm ban hành 2 nghị quyết trên để tạo hiệu lực, hiệu quả để các điều sửa Hiến pháp lần này đi vào thực tiễn".

Góp ý vào khoản 3, Điều 110 quy định "Việc xác định các loại đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính do Quốc hội quy định", Tiến sĩ Đinh Hạnh, Chủ tịch Hội đồng Kinh tế, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, đề nghị giữ quy định "phải lấy ý kiến nhân dân địa phương" như Hiến pháp năm 2013.

Một số ý kiến băn khoăn về việc các tổ chức chính trị-xã hội "trực thuộc" Mặt trận Tổ quốc. Bà Trịnh Huyền Thái, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội cho rằng, tại Điều 9 của dự thảo, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được bổ sung là bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đã nâng tầm vai trò, vị trí, trước tiên về thể chế khẳng định thực quyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Có ý kiến cho rằng, để phát huy tối đa sức mạnh, không làm mất tính chủ động đặc thù của từng tổ chức thành viên thì cơ chế chủ trì cần được cụ thể hóa, đồng thời cần có cơ chế pháp lý bảo đảm hiệu quả hơn chức năng giám sát, phản biện xã hội, khắc phục tình trạng né tránh, hình thức sau giám sát phản biện.

Vì vậy, đại biểu này đề nghị sửa đổi tiếp theo trong Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các văn bản hướng dẫn quy chế phối hợp giữa Ban Thường trực Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức cùng cấp.

Phát biểu tiếp thu các ý kiến đóng góp, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương đánh giá cao các ý kiến chất lượng, sâu sắc, trí tuệ của các chuyên gia, các đồng chí nguyên lãnh đạo thành phố. Các ý kiến đã được đúc rút từ kinh nghiệm thực tiễn, đề cập toàn diện, đa chiều. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố sẽ tập hợp khách quan, chính xác để gửi tới cơ quan liên quan tiếp thu, chỉnh sửa.