Giới thiệu thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh qua thư họa

NDO - Công chúng có dịp tìm hiểu về nghệ thuật thơ ca Chủ tịch Hồ Chí Minh qua gần 40 tác phẩm thư họa độc đáo, thể hiện tình cảm của các nghệ sĩ, nghệ nhân đối với Bác tại Bảo tàng Hà Nội.
0:00 / 0:00
0:00
Giới thiệu tác phẩm thư họa về thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Giới thiệu tác phẩm thư họa về thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2025), ngày 17/5, tại Bảo tàng Hà Nội (đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), Bảo tàng Hà Nội, Trung tâm điều phối các hoạt động sáng tạo Hà Nội đã tổ chức khai mạc Triển lãm “Thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh qua nét chữ sắc màu”.

Giới thiệu thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh qua thư họa ảnh 1

Giới thiệu một số tác phẩm thơ Hồ Chí Minh thể hiện bằng thư pháp.

Trong cuộc đời hoạt động của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng tác hàng trăm bài thơ. Trong đó có hơn 100 bài thơ chữ Hán. Thơ ca được Bác sáng tác chủ yếu từ khi về nước (năm 1941) cho đến cuối đời, tiêu biểu cho sáng tác trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là tập Nhật ký trong tù (được sáng tác từ tháng 8/1942 đến tháng 9/1943).

Ngoài Nhật ký trong tù, Bác còn sáng tác nhiều bài tuyên truyền cách mạng trong cả thời kỳ hoạt động bí mật cũng như sau này trở thành lãnh tụ cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Thơ Bác có đặc điểm chung là rất giản dị, mộc mạc, dễ hiểu, mang phong vị thơ ca dân gian, nhưng lại có tác dụng tuyên truyền, cổ vũ nhân dân hiệu quả và thiết thực.

Thơ ca Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thấm đượm tinh thần lạc quan, tình yêu thiên nhiên, đất nước, thí dụ như những tác phẩm: Nguyên tiêu, Báo tiệp, Tặng Bùi Công, Tức cảnh Pắc Bó, Cảnh khuya, Đi thuyền trên sông Đáy... hay những chùm thơ tặng đồng bào thi đua sản xuất và chiến đấu; chùm thơ chúc Tết và những bài ứng khẩu trong các bài nói chuyện với chiến sĩ, đồng bào…

Tại triển lãm “Thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh qua nét chữ sắc màu”, Ban tổ chức gần 40 tác phẩm, tư liệu nhằm tôn vinh cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua hình thức nghệ thuật thư họa.

Các tác phẩm được trưng bày là thành quả sáng tạo của các nghệ sĩ thuộc Câu lạc bộ Thư họa Ngôi trường Cuộc sống sắc màu tự nhiên, cùng sự đồng hành của Câu lạc bộ Di sản và Văn hóa Á Đông, Làng nghề khắc in mộc bản Thanh Liễu (Hải Dương). Với tinh thần kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, triển lãm mang đến không gian nghệ thuật sâu lắng, thiêng liêng và đầy cảm xúc.

Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Tiến Đà nhấn mạnh, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh không bao giờ tự nhận mình là nhà văn, nhà thơ, mà chỉ nhận là người bạn của văn nghệ sĩ. Dẫu vậy, di sản thơ ca của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nguồn cảm hứng sáng tác cho các nghệ sĩ đương đại trong đó có các nhà thư pháp, các nghệ nhân làng nghề truyền thống. Với việc tổ chức triển lãm, Bảo tàng Hà Nội mong muốn tạo cơ hội để công chúng gặp gỡ, giao lưu, thưởng lãm các giá trị văn hóa và nghệ thuật đặc sắc, cùng lan tỏa tinh thần yêu nước và tri ân công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Tại lễ khai mạc, công chúng được trải nghiệm thông qua nhiều hoạt động như: quan sát trình diễn san khắc bài thơ Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh do nghệ nhân Nguyễn Công Đạt sáng tác và trải nghiệm trình diễn kỹ thuật in mộc bản truyền thống từ làng nghề Thanh Liễu-Hải Dương.

Trực tiếp trải nghiệm in khắc mộc bản tranh chân dung Bác Hồ kính yêu, thưởng thức trình diễn thư pháp của họa sĩ Thái Tĩnh, Chủ tịch Câu lạc bộ Ngôi trường cuộc sống sắc màu tự nhiên; trải nghiệm viết thư pháp; lưu dấu cảm xúc về triển lãm trên tác phẩm thư họa…

Triển lãm mở cửa từ nay đến ngày 29/5 tại Trung tâm điều phối các hoạt động sáng tạo Hà Nội, trong khuôn viên Bảo tàng Hà Nội.