Cái giá đắt cho Boeing

Boeing, một trong những tập đoàn sản xuất máy bay hàng đầu thế giới, vừa đạt thỏa thuận với Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) để tránh bị truy tố hình sự liên quan hai vụ tai nạn máy bay 737 MAX thảm khốc xảy ra vào năm 2018 và 2019, khiến tổng cộng 346 người thiệt mạng.
0:00 / 0:00
0:00
Một chiếc máy bay Boeing 737 MAX lắp ráp tại nhà máy ở Mỹ. Ảnh: REUTERS
Một chiếc máy bay Boeing 737 MAX lắp ráp tại nhà máy ở Mỹ. Ảnh: REUTERS

Theo Reuters, Boeing chấp nhận chi 1,1 tỷ USD, bao gồm tiền phạt và tiền bồi thường cho gia đình nạn nhân và các khoản dàn xếp dùng cho đầu tư cải thiện an toàn. Bê bối pháp lý của Boeing bắt đầu từ năm 2021, sau khi công ty thừa nhận một số cựu nhân viên đã cố tình lừa dối các cơ quan quản lý an toàn hàng không, dẫn đến hai vụ tai nạn của Lion Air (Indonesia) năm 2018 và Ethiopian Airlines (Ethiopia) năm 2019.

Vào năm 2021, để tránh bị truy tố hình sự, Boeing đã ký một thỏa thuận hoãn truy tố với DOJ, cam kết cải thiện chương trình tuân thủ chống gian lận và đạo đức kinh doanh. Song, đầu năm 2023, Thẩm phán Reed O’Connor tại bang Texas (Mỹ) đã đưa vụ việc trở lại tâm điểm khi lên án: “Tội ác của Boeing có thể được coi là tội ác trong kinh doanh chết người nhất trong lịch sử Mỹ”. Một sự cố nghiêm trọng xảy ra vào ngày 5/1/2024 càng làm gia tăng áp lực lên Boeing.

Khi đó, một chiếc 737 MAX 9 của hãng Alaska Airlines gặp sự cố giữa không trung khi thiếu bốn chốt khóa, khiến một tấm cửa bị bung ra. Vụ việc đã phơi bày các vấn đề an toàn nghiêm trọng, buộc Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) áp đặt giới hạn sản lượng 38 máy bay mỗi tháng và tạm thời ngừng bay 170 máy bay của hãng này. Mike Whitaker, một quản trị viên FAA thừa nhận rằng, việc giám sát trước đây “quá buông lỏng” và yêu cầu Boeing thực hiện kế hoạch cải thiện chất lượng, an toàn từ tháng 2/2024. Ông Whiteker cho hay: “Điều cần thiết là một sự thay đổi văn hóa cơ bản tại Boeing hướng đến sự an toàn và chất lượng hơn là lợi nhuận”.

Giữa năm 2024, DOJ tiếp tục phát hiện Boeing vi phạm thỏa thuận năm 2021, dẫn đến việc tái khởi động các cuộc điều tra. Tháng 7/2024, Boeing đồng ý nhận tội về âm mưu gian lận hình sự, nộp khoản tiền phạt 487,2 triệu USD và chịu ba năm giám sát độc lập. Tuy nhiên, vào tháng 12/2024, một thẩm phán đã bác bỏ thỏa thuận nhận tội này, khiến DOJ phải đàm phán lại. Kết quả là thỏa thuận mới được công bố vừa qua. Thỏa thuận đạt được ngay trước phiên tòa dự kiến diễn ra ngày 23/6. Theo đó, Boeing chi 455 triệu USD để tăng cường an toàn nội bộ, 444,5 triệu USD bồi thường gia đình nạn nhân và 487,2 triệu USD tiền phạt hình sự, trong đó khấu trừ 243,6 triệu USD đã nộp trước đó. DOJ cho biết: “Boeing phải tiếp tục cải thiện hiệu quả của chương trình tuân thủ và đạo đức chống gian lận và giữ lại một cố vấn tuân thủ độc lập”.

Thỏa thuận này đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ gia đình nạn nhân. Ông Paul Cassell, luật sư đại diện cho nhiều gia đình, khẳng định: “Loại thỏa thuận không truy tố này là chưa từng có và không thể chấp nhận với một sai phạm kinh doanh chết người nhất lịch sử nước Mỹ”. Ông Javier de Luis, kỹ sư hàng không vũ trụ ở Massachusetts, cũng là người nhà nạn nhân trong vụ rơi máy bay Ethiopia, bày tỏ sự thất vọng: “Với hồ sơ này, DOJ đã từ bỏ mọi lý do tìm kiếm công lý cho các nạn nhân”. Dù vậy, DOJ nhấn mạnh, đây là “kết quả công bằng nhất với những lợi ích thiết thực”.

Kể từ đầu năm ngoái, FAA cũng đã tăng cường giám sát Boeing. Ông Whitaker cho biết, cơ quan này đã tiến hành nhiều cuộc kiểm toán không báo trước và đánh giá hằng tháng với các giám đốc điều hành Boeing. Ông khẳng định: “Hoạt động giám sát nâng cao của chúng tôi sẽ tiếp tục được duy trì”. Sự cố năm 2024 cùng hàng loạt bê bối pháp lý liên tiếp không chỉ khiến Boeing đối mặt khủng hoảng uy tín mà còn gây tổn thất tài chính nặng nề, khi cổ phiếu công ty giảm 32% trong năm qua. Tổng Giám đốc điều hành (CEO) Dave Calhoun buộc phải từ chức, đánh dấu một giai đoạn đầy sóng gió cho tập đoàn này.

Thỏa thuận vừa qua chưa đủ để làm giảm bớt làn sóng chỉ trích từ dư luận và gia đình các nạn nhân, đồng thời đặt Boeing dưới sự giám sát chặt chẽ hơn từ cơ quan quản lý. Boeing cũng đang phải trả giá đắt bằng uy tín và tín nhiệm trong ngành hàng không dân dụng vì những hành vi gian lận và thiếu trách nhiệm. Cuộc khủng hoảng của Boeing là lời cảnh tỉnh cho các doanh nghiệp lớn về tầm quan trọng của đạo đức kinh doanh và an toàn.