Những khu công nghiệp xanh tiên phong
Trong khi nhiều khu công nghiệp (KCN) trên cả nước vẫn đang loay hoay trong mô hình phát triển cũ - “xẻ đất, phân lô, cho thuê” - thì KCN Nam Cầu Kiền, thành phố Hải Phòng lại theo đuổi mô hình sinh thái ngay từ khi còn là một bãi đất trống.
Chủ đầu tư - Công ty cổ phần Shinec - không đợi khách thuê mới bắt đầu xây dựng hạ tầng mà làm điều ngược lại là đầu tư trước vào xử lý chất thải, phát triển cây xanh và kiến tạo các chuỗi cộng sinh công nghiệp. Hệ thống xử lý nước thải công suất 2.000m³/ngày không chỉ đạt chuẩn xả thải, mà còn tái sử dụng tới 25% lượng nước cho các nhu cầu nội khu như tưới cây, vệ sinh, làm mát. Quan trọng hơn, toàn khu được phủ xanh bằng hơn 1 triệu cây xanh, đạt tỷ lệ cây xanh vượt 33% - con số gần như chưa từng có trong hệ thống KCN truyền thống.

Chuyển đổi xanh trong khu công nghiệp để Hải Phòng phát triển nhanh, bền vững
Tuy nhiên, điểm nhấn của KCN Nam Cầu Kiền nằm ở khả năng vận hành 3 chuỗi cộng sinh công nghiệp thực chất: Xỉ thép được tái chế làm vật liệu xây dựng; rác nhựa và bao bì được thu gom, xử lý và tái chế ngay tại chỗ; các bo mạch điện tử được tháo rời, bóc tách để thu hồi nguyên liệu quý. Tư duy tuần hoàn này không chỉ giảm thiểu chi phí xử lý chất thải mà còn biến rác thải thành tài nguyên nội khu, giúp hệ sinh thái công nghiệp khép kín, không xâm hại ra môi trường.
KCN Nam Cầu Kiền song hành cùng KCN Đình Vũ trong kế hoạch của thành phố Hải Phòng nhằm chuyển đổi toàn diện sang mô hình công nghiệp sinh thái. Cả 2 khu đều đã hoàn thành trên 90% các tiêu chí quốc tế về KCN sinh thái, giúp bảo đảm lợi thế cạnh tranh lâu dài cho thành phố trong thu hút đầu tư chất lượng cao và phát triển bền vững.
Nếu Hải Phòng là thí dụ điển hình về tư duy tiên phong từ khu vực doanh nghiệp, thì Bình Dương lại đang thể hiện một hướng tiếp cận bài bản và có chiều sâu. Theo ông Trương Văn Phong, Phó Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Bình Dương, tỉnh kiểm soát chặt chẽ các tiêu chí về môi trường đối với doanh nghiệp vào KCN, từ khâu lựa chọn ngành nghề phù hợp, đánh giá tác động môi trường, đến quy trình xử lý chất thải trước khi đấu nối vào hệ thống chung. Mô hình này cho thấy rõ vai trò “người gác cổng” của chính quyền trong bảo vệ môi trường công nghiệp.
Đáng chú ý, dự án KCN VSIP 3, khởi công tháng 3/2022 với quy mô 1.000ha, đánh dấu bước chuyển chiến lược của Bình Dương sang hướng phát triển xanh. KCN này tích hợp công nghệ thông minh ngay từ khâu thiết kế, đó là sử dụng năng lượng tái tạo, quản lý nước-chất thải, đến hệ thống giám sát thời gian thực cho giao thông và an ninh nội khu. Một trang trại năng lượng mặt trời diện tích 50 ha nằm ngay trong KCN, cung cấp điện sạch cho hoạt động sản xuất.
Điểm nhấn của KCN VSIP 3 không chỉ nằm ở công nghệ mà còn ở mức độ tin tưởng từ nhà đầu tư toàn cầu. Tập đoàn LEGO đã chọn nơi đây để xây dựng nhà máy đầu tiên trên thế giới đạt chuẩn xanh hoàn chỉnh: Không phát thải chôn lấp, phần lớn nhu cầu năng lượng được đáp ứng từ pin mặt trời trên mái và vận hành theo mô hình không carbon. Đây không đơn thuần là câu chuyện đầu tư mà là sự công nhận quốc tế cho năng lực quy hoạch, quản trị và cam kết phát triển bền vững của địa phương.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh khẳng định, định hướng phát triển KCN xanh là mục tiêu trung tâm, với lộ trình hoàn thiện các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy hoạch và chính sách phù hợp để đồng hành cùng doanh nghiệp trong sản xuất xanh.
Nhiều địa phương khác trong cả nước cũng bắt đầu có chuyển động tích cực. Mỗi nơi một cách làm, nhưng sẽ là sự khởi đầu để thoát khỏi mô hình công nghiệp truyền thống, hướng tới giá trị bền vững, lâu dài.
Từ mô hình thí điểm đến động lực chính sách quốc gia
Đến nay, cả nước đã có 447 KCN được thành lập với tổng diện tích công nghiệp khoảng 93.000 ha, trong đó, có 304 KCN đã đi vào hoạt động, thu hút được lượng vốn đầu tư lớn, bổ sung nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Từ năm 2015, Việt Nam bắt đầu thí điểm mô hình KCN sinh thái ở Ninh Bình, Đà Nẵng và Cần Thơ với sự hỗ trợ của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc và Chính phủ Thụy Sĩ. Tại đây, các doanh nghiệp được hỗ trợ áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn và sử dụng hiệu quả tài nguyên. Sau 4 năm triển khai, 72 doanh nghiệp tiết kiệm được hơn 22.000 MWh điện, 600.000m³ nước, giảm phát thải hơn 32.000 tấn CO2 mỗi năm - tương đương lượng khí thải của hàng chục nghìn xe ô-tô; tiết kiệm chi phí hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Giai đoạn 2020-2024, mô hình được nhân rộng thêm tại KCN Hiệp Phước (Thành phố Hồ Chí Minh), Amata (Đồng Nai), Đình Vũ (Hải Phòng) và Hòa Khánh (Đà Nẵng); trong đó, 429 giải pháp đã được thực hiện góp phần tiết kiệm năng lượng, nước, giảm phát thải CO2 và đem lại lợi ích kinh tế cho các doanh nghiệp; đề xuất thực hiện 62 cơ hội cộng sinh công nghiệp, cộng sinh công nghiệp-đô thị cho 3 KCN Hiệp Phước, Amata, Đình Vũ với 18 trường hợp có tính khả thi cao, góp phần tối ưu hóa việc tái sử dụng chất thải, cụ thể hóa việc thực hiện kinh tế tuần hoàn.
Tính đến nay, hơn 90 doanh nghiệp tại 4 KCN trên đã triển khai gần 900 giải pháp về tài nguyên, năng lượng, môi trường. Đáng chú ý, 18 cơ hội cộng sinh công nghiệp-đô thị có tính khả thi cao đã được xác định. Điều này đồng nghĩa với việc chất thải của doanh nghiệp này có thể trở thành nguyên liệu của doanh nghiệp khác, đúng theo nguyên lý của kinh tế tuần hoàn.
Ngoài kết quả kỹ thuật, KCN sinh thái đang từng bước được thể chế hóa thành chính sách. Trong dự thảo Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế, Bộ Tài chính đã đề xuất nhiều tiêu chí mang tính bước ngoặt: Từ yêu cầu tích hợp xử lý nước thải tuần hoàn, năng lượng tái tạo, diện tích cây xanh tối thiểu… đến điều kiện cấp phép hạ tầng phải có kế hoạch quản trị môi trường, lộ trình phát thải nhà kính. Bên cạnh đó, việc xây dựng sàn giao dịch tín chỉ carbon nội địa cần sớm được triển khai và vận hành. Khi đó, mỗi tấn CO2 giảm được sẽ có thể bán mở ra thị trường môi trường, khiến “xanh” không còn là chi phí, mà là tài sản, lợi nhuận cho mỗi doanh nghiệp.
Theo bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó Cục trưởng Đầu tư nước ngoài (Bộ Tài chính), để hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững, thời gian tới, các KCN cần mạnh dạn thay đổi hướng phát triển các mô hình KCN mới. Theo đó, cần tập trung đẩy mạnh phát triển mô hình KCN sinh thái, KCN xanh; thu hút đầu tư có chọn lọc, chủ động tiếp xúc, bám sát các tập đoàn hàng đầu thế giới trong các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam ưu tiên; phát triển kinh tế phải đi liền với phát triển hạ tầng xã hội; bảo đảm bền vững về môi trường. Bên cạnh đó, khuyến khích phát triển sản xuất, công nghiệp, dịch vụ trên nguyên tắc tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, gắn với liên kết phát triển vùng, hình thành cụm liên kết ngành; hạn chế phát triển KCN trên đất nông nghiệp có năng suất ổn định và tại các khu vực khó có khả năng đền bù, giải phóng mặt bằng.
Ngoài ra, cần tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, xây dựng nhà máy xử lý nước thải; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, thực thi hiệu quả thủ tục một cửa tại ban quản lý KCN, khu kinh tế, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư tại các KCN, khu kinh tế...
Có thể nói, KCN sinh thái đang dần trở thành tiêu chuẩn phát triển tất yếu, góp phần hiện thực hóa mục tiêu của Việt Nam là phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đây không chỉ là lựa chọn đúng đắn cho môi trường, mà còn là lợi thế cạnh tranh chiến lược cho Việt Nam.
-----------------------
Chuyển đổi xanh, thúc đẩy tăng trưởng bền vững
(*) Xem Báo Nhân Dân số ra ngày 23/5/2025.