Tháng 7/2024, Đảng ủy Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã tổ chức đánh giá kết quả thực hiện của các chỉ tiêu trong các Nghị quyết chuyên đề nhiệm kỳ 2020-2025. Kết quả, toàn Tập đoàn đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 52/52 chỉ tiêu các Nghị quyết chuyên đề đã đề ra cũng như các chỉ tiêu nhiệm vụ kế hoạch sản xuất kinh doanh đến năm 2025 của Tập đoàn theo Quyết định 1019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, qua đó thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tập đoàn nhiệm kỳ 2020-2025.

Mục tiêu tổng quát của Đảng bộ VNPT nhiệm kỳ 2020-2025 là “Đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực tổ chức thực hiện của cấp ủy, xây dựng Đảng bộ Tập đoàn trong sạch, vững mạnh; phát triển doanh nghiệp hiệu quả; khẳng định vai trò chủ lực, dẫn dắt của Tập đoàn trong chuyển đổi số tại Việt Nam”. Để hoàn thành mục tiêu này, ngay sau Đại hội Đảng bộ Tập đoàn lần thứ XXIV, Đảng ủy Tập đoàn đã chỉ đạo xây dựng 9 Nghị quyết, Quy chế, hướng dẫn để lãnh đạo chỉ đạo toàn diện các mặt công tác của Đảng ủy Tập đoàn gắn với các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đối với từng lĩnh vực.

Các Nghị quyết nhấn mạnh việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về thực hiện vai trò chủ lực, dẫn dắt của Tập đoàn trong chuyển đổi số quốc gia; về đổi mới mô hình kinh doanh; về đột phá cơ chế chính sách; về thực hiện đột phá cơ sở hạ tầng, công nghệ; về đột phá phát triển nguồn nhân lực VNPT; về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; về nâng cao vị trí, vai trò của Công đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam trong tình hình mới; về phát triển phụ nữ VNPT.

Nhìn lại nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng ủy Tập đoàn VNPT đã có bước tiến quan trọng về phương thức lãnh đạo, thể hiện rõ nét qua việc các nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ Tập đoàn đều được cụ thể hóa bằng các Nghị quyết chuyên đề và các Nghị quyết nhiệm vụ công tác năm kèm quy trình thực hiện, là căn cứ để các cấp ủy và tổ chức đảng trực thuộc triển khai kịp thời bằng các chương trình hành động phù hợp, giảm bớt thời gian chờ đợi hướng dẫn, cụ thể hóa ở các cấp.

Việc tổ chức thực hiện các Nghị quyết cũng được đổi mới thông qua triển khai tới từng chi bộ, đảng viên, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, Bí thư cấp ủy; công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết được chú trọng, phân công rõ ràng đến từng tập thể, cá nhân, kèm tiến độ cụ thể và được rà soát, đánh giá kết quả thực hiện tại kỳ họp Ban Thường vụ hàng tháng; các nội dung có tính dài hạn đều được lồng ghép vào các chương trình kiểm tra, giám sát tại các tổ chức, đơn vị trực thuộc.

Trong nhiệm kỳ, Đảng ủy Tập đoàn đã ban hành gần 2000 văn bản, trong đó có 115 nghị quyết, 36 Chương trình, 70 Kế hoạch, 954 Quyết định, 04 Chỉ thị, 562 Kết luận, 14 Quy định, 23 Quy chế, 03 Quy trình, 48 Hướng dẫn và nhiều văn bản chỉ đạo toàn diện các lĩnh vực công tác xây dựng đảng và thực hiện nhiệm vụ chính trị trong toàn hệ thống.

Đây là cơ sở để lãnh đạo Hội đồng Thành viên, Ban Tổng Giám đốc Tập đoàn chỉ đạo kiện toàn bộ máy, tổ chức hiệu quả mô hình quản trị doanh nghiệp, đổi mới cơ chế nội bộ và mô hình điều hành kinh doanh; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đổi mới, sáng tạo và ứng dụng hiệu quả công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh; đồng thời, tạo sự liên kết, hợp lực, phối hợp chặt chẽ giữa các khối, giữa các đơn vị trong toàn Tập đoàn.

Với tiêu chí đề ra là “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng”, ngay sau khi tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ Tập đoàn lần thứ XXIV nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ VNPT đã ban hành hàng loạt Nghị quyết chuyên đề, cụ thể cho từng lĩnh vực để lãnh đạo toàn diện từ công tác xây dựng Đảng, sản xuất-kinh doanh, thực hiện nhiệm vụ chính trị toàn Tập đoàn. Quan trọng hơn, quá trình triển khai các Nghị quyết và kiểm tra, giám sát việc thực hiện cũng được Đảng bộ Tập đoàn rất quan tâm, là nguyên nhân chính mang lại những kết quả thắng lợi trong nhiệm kỳ vừa qua.
Ông Tô Dũng Thái, Bí Thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT

Nhờ vậy, trong điều kiện hoạt động sản xuất kinh doanh phải đối mặt với rất nhiều thay đổi và khó khăn, trong suốt nhiệm kỳ, Tập đoàn vẫn hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh được giao, nhất là liên tục duy trì được tỷ lệ hoàn thành vượt mức kế hoạch lợi nhuận các năm trên 105% và bảo đảm thu nhập cho người lao động với mức tăng bình quân 5%/năm.

Năng lực tài chính của Tập đoàn tiếp tục được tăng cường, tình hình tài chính lành mạnh, dòng tiền được điều hành tốt bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh và phát triển mạng lưới. Hệ số vốn chủ sở hữu/tổng tài sản luôn đạt ở mức cao và ổn định (khoảng 70%).

Tập đoàn cũng thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước hằng năm đúng thời hạn quy định và luôn được đánh giá là một trong những đơn vị dẫn đầu về thực hiện nộp ngân sách nhà nước với tổng nộp giai đoạn 2020-2024 là gần 26.500 tỷ đồng. Ngoài ra, Tập đoàn cũng bảo đảm chủ động về kế hoạch tài chính và thanh toán các khoản nợ, các chỉ tiêu về cơ cấu nợ, cơ cấu tài sản và nguồn vốn của VNPT an toàn và ổn định.

Trong nhiệm kỳ qua, Đảng ủy Tập đoàn đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tại Tập đoàn và hoàn thành tốt, đầy đủ các mục tiêu đặt ra; ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong việc nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật. Đồng thời, chỉ đạo triển khai đồng bộ, đầy đủ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo Luật Phòng, chống tham nhũng; chú trọng thực hiện các giải pháp để sử dụng hiệu quả nguồn vốn, tài sản, thời gian lao động, tiết giảm chi phí.

Đảng ủy Tập đoàn luôn thường xuyên kiểm tra, giám sát chuyên đề về công tác này, trong đó nhấn mạnh nội dung giám sát việc kê khai tài sản thu nhập của cán bộ, đảng viên theo đúng chỉ đạo của Trung ương “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

Trong nhiệm kỳ 2020-2025, việc triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy Tập đoàn VNPT đã góp phần làm thay đổi nhận thức và hành vi của cán bộ, đảng viên. Các đơn vị trực thuộc Tập đoàn đã hưởng ứng tích cực trong việc mua sắm vật dụng, trang thiết bị làm việc là những sản phẩm do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất.

VNPT cũng định hướng và thực hiện hợp tác với nhiều đối tác cả trong, ngoài nước, cả các tổ chức trong khối chính quyền trong lĩnh vực chuyển đổi số cùng các tổ chức doanh nghiệp nhà nước và tư nhân. Trong nước, hiện VNPT đã ký thỏa thuận hợp tác với 58/63 tỉnh, thành phố, cung cấp các sản phẩm dịch vụ về chuyển đổi số tới 63/63 địa phương; ký thỏa thuận hợp tác với 10 tập đoàn/tổng công ty nhà nước, 7 tập đoàn/tổng công ty tư nhân và 10 ngân hàng.

Đảng bộ Tập đoàn đã được tặng Cờ của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương về thành tích xuất sắc tiêu biểu và là đơn vị có số lượt cá nhân được khen thưởng nhiều nhất trong triển khai, thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" giai đoạn 2019-2024.

Hiện VNPT đã ký thỏa thuận hợp tác với 58/63 tỉnh, thành phố, cung cấp các sản phẩm dịch vụ về chuyển đổi số tới 63/63 địa phương; ký thỏa thuận hợp tác với 10 tập đoàn/tổng công ty nhà nước, 7 tập đoàn/tổng công ty tư nhân và 10 ngân hàng.

Đóng góp kịp thời và hiệu quả vào công tác an sinh xã hội của đất nước, VNPT luôn tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội với tổng số tiền ủng hộ các hoạt động an sinh xã hội trong nhiệm kỳ là 643,8 tỷ đồng. Một số nội dung tiêu biểu bao gồm: Đồng hành cùng Chính phủ và người dân đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 trong giai đoạn 2020-2021; gói hỗ trợ đặc biệt dành cho người dân và khách hàng bị ảnh hưởng của bão số 3 năm 2024; chương trình chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước; hỗ trợ đường truyền dẫn tín hiệu truyền hình và các dịch vụ phục vụ các chương trình nhân đạo, từ thiện hàng năm; hỗ trợ quỹ “Vì người nghèo” hằng năm;…

Cùng với đó, Tập đoàn đã tập trung xây dựng, nâng cấp và vận hành ổn định hệ thống bảo đảm an toàn thông tin mạng, hệ thống thông tin quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, trong đó có hệ thống quản lý và khai thác vệ tinh VINASAT 1, 2. Công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng cũng được triển khai toàn diện, giám sát tập trung 100% hệ thống trọng điểm, xử lý hiệu quả các nguy cơ từ tên miền độc hại, thư rác, cuộc gọi giả mạo… đáp ứng đầy đủ yêu cầu từ các cơ quan chức năng.

 Trong nhiệm kỳ 2020-2025, hạ tầng mạng lưới viễn thông của VNPT đã có sự đột phá mạnh mẽ, sẵn sàng đáp ứng sự bùng nổ về kết nối và truy cập internet tốc độ cao; hạ tầng mạng di động, mạng băng rộng cố định được phát triển với các tính năng công nghệ mới, tiên tiến nhất.

Vùng phủ sóng 4G của VNPT được mở rộng và hiện đạt 98% dân số; cáp quang triển khai tới 100% xã, phường và 96% số thôn, bản trên toàn quốc; mạng 5G đã triển khai thương mại, đáp ứng nhu cầu kết nối tốc độ cao và phát triển các nhóm dịch vụ số mới; mạng truyền dẫn, cáp quang quốc tế và nội địa được đầu tư mở rộng, từng bước xây dựng VNPT trở thành trung tâm kết nối trong khu vực.

Tập đoàn cũng đã chủ động triển khai phương án thay thế vệ tinh VINASAT-1 nhằm bảo đảm duy trì năng lực viễn thông vệ tinh trong dài hạn.

Song song với đó, VNPT đã triển khai nhiều gói dịch vụ tích hợp kết hợp giữa di động, cố định, internet băng rộng và truyền hình trả tiền nhằm mang lại trải nghiệm liền mạch cho khách hàng. Chiến lược này đã giúp VNPT duy trì vị trí số 1 với dịch vụ băng rộng cố định và số 2 với dịch vụ di động, đồng thời tăng tốc phát triển dịch vụ số, đưa dịch vụ số trở thành một nguồn doanh thu mới, quan trọng của Tập đoàn.

Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn dịch vụ số giai đoạn 2020-2025 dự kiến là 18,7%/năm.

Việc kết hợp các dịch vụ di động với các dịch vụ cố định, internet băng rộng và truyền hình trả tiền còn giúp VNPT tận dụng tối đa hiệu quả từ hệ sinh thái, góp phần bảo vệ và mở rộng thị phần trước áp lực cạnh tranh từ các đối thủ.

Trong nhiệm kỳ vừa qua đã có những biến động và thay đổi lớn cả trong nước và trên toàn thế giới. Ảnh hưởng đầu tiên là đại dịch Covid-19, sau đó là liên tiếp các xung đột địa chính trị xảy ra khắp toàn cầu. Nhưng “trong nguy có cơ”, VNPT xác định giữa bối cảnh có nhiều biến động lớn như vậy, vai trò dẫn dắt của những doanh nghiệp công nghệ hàng đầu đất nước là rất quan trọng trong xây dựng cơ sở hạ tầng để bảo đảm công cuộc chuyển đổi số quốc gia; trong phát triển mạng lưới viễn thông di động 4G và 5G cũng như xây dựng các trung tâm và cơ sở dữ liệu lớn;… Đặc biệt, nhờ Quỹ Viễn thông công ích, hệ thống cáp quang của Tập đoàn đã được kéo tới những nơi xa xôi, hẻo lánh nhất của Tổ quốc, phục vụ công cuộc chuyển đổi số quốc gia với sự tham gia của mọi người dân.
Ông Tô Dũng Thái, Bí Thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT

Sẵn sàng đáp ứng sự bùng nổ thông tin, xử lý dữ liệu, VNPT hiện sở hữu tổng cộng 8 trung tâm dữ liệu (IDC) hàng đầu tại Việt Nam, cung cấp các giải pháp lưu trữ dữ liệu an toàn và hiệu quả, đáp ứng nhu cầu đa dạng của các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp. Với cơ sở hạ tầng hiện đại, VNPT IDC được trang bị những thiết bị công nghệ tiên tiến, bảo đảm hiệu suất hoạt động ổn định và liên tục.

Hạ tầng điện toán đám mây của VNPT (VNPT SmartCloud) hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn của Bộ Thông tin và Truyền thông; năng lực hạ tầng điện toán đám mây mới đáp ứng lộ trình dịch chuyển sang công nghệ điện toán đám mây theo từng giai đoạn.

Chủ động tham gia các chương trình số hóa quốc gia, trong nhiệm kỳ vừa qua, VNPT đã tiếp tục hoàn thiện và triển khai hàng loạt nền tảng số, cơ sở dữ liệu có phạm vi ứng dụng ở quy mô quốc gia, bảo đảm vận hành ổn định hệ thống và hỗ trợ Chính phủ khai thác, hoạt động hiệu quả.

Tính đến tháng 2/2025, VNPT đã triển khai 11 nền tảng và 6 cơ sở dữ liệu quy mô cấp quốc gia. Các nền tảng số do VNPT phát triển đã được ứng dụng trong nhiều giải pháp chuyển đổi số tại 63 tỉnh/thành phố và nhiều cơ quan bộ, ngành.

IDC Hòa Lạc 1

IDC Hòa Lạc 1

VNPT cũng tích cực tham gia triển khai các cơ sở dữ liệu chuyên ngành như đất đai, y tế, giáo dục, an sinh xã hội, xây dựng, công thương, văn hóa thể thao du lịch,... trong đó, Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ công chức viên chức đã kết nối, đồng bộ dữ liệu với 100% các bộ, ngành, địa phương, quản lý 2,4 triệu hồ sơ cán bộ công chức viên chức trên cả nước; Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai bao gồm 7 cơ sở dữ liệu thành phần đã hỗ trợ cho công tác quản lý ngành tài nguyên môi trường.

Hướng tới xây dựng giải pháp nền tảng đô thị thông minh toàn diện, trên cơ sở khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh, VNPT đã xây dựng giải pháp Trung tâm điều hành thông minh IOC, tập trung vào các lĩnh vực như giám sát phân tích dữ liệu chỉ tiêu kinh tế-xã hội; giám sát hiệu quả hoạt động của chính quyền; giám sát, điều hành lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch, nông nghiệp… Đến hiện tại giải pháp lõi cho đô thị thông minh của VNPT đã được triển khai tại 47 tỉnh, thành phố.

Tập đoàn cũng tích cực tham gia tư vấn xây dựng các đề án, cung cấp các giải pháp công nghệ thông tin để xây dựng Chính quyền điện tử, Chính quyền số, đô thị thông minh cho các bộ ngành, địa phương. Đẩy mạnh chuyển đổi số tại các đơn vị, VNPT đã ký thỏa thuận hợp tác với 58/63 tỉnh/thành phố và nhiều cơ quan như Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo,...

Nhờ các hợp tác chiến lược, VNPT đã đạt được mức tăng trưởng doanh thu ấn tượng từ dịch vụ số. Theo số liệu thị trường đấu thầu các năm từ 2022 đến nay, VNPT luôn là đơn vị có doanh thu lớn nhất từ các dự án của khối chính quyền địa phương. Riêng năm 2024, doanh thu từ sản phẩm dịch vụ số tăng 34% so cùng kỳ 2023, đạt mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 5 năm qua. Bên cạnh việc gia tăng doanh thu, VNPT cũng dần khẳng định vị thế của mình là đơn vị dẫn dắt quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực chính phủ số.

Không dừng ở đó, VNPT còn đóng góp nhiều ứng dụng ICT trong doanh nghiệp và thương mại điện tử. Các giải pháp về quản trị doanh nghiệp như chứng thực chữ ký số, hóa đơn điện tử, hộ kinh doanh, hợp đồng điện tử, kê khai bảo hiểm xã hội, vé điện tử, quản lý bán lẻ, vận tải,… trên nền tảng trí tuệ nhân tạo, blockchain, IoT, an ninh mạng và điện toán đám mây của VNPT đã thâm nhập hơn 335.000 tổ chức, doanh nghiệp và hơn 33.000 hộ kinh doanh tại Việt Nam ở hầu hết các lĩnh vực như nông nghiệp, y tế, giáo dục, bán lẻ, logistic... giúp mang lại những cải biến tích cực về kinh doanh và tối ưu các nguồn lực. 

VNPT cũng tiếp tục tập trung phát triển nền tảng OneSME chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ với hơn 160.000 khách hàng sử dụng, cung cấp gần 100 sản phẩm, không chỉ từ VNPT mà còn từ hơn 20 đối tác uy tín. Năm 2025, nền tảng sẽ mở rộng hệ sinh thái, bổ sung danh mục sản phẩm, nâng cấp công nghệ AI để tối ưu hóa trải nghiệm người dùng, hướng tới mục tiêu đạt 500.000 tài khoản hoạt động thường xuyên và phát sinh đơn hàng.

Phát triển xã hội số, Tập đoàn đã tập trung vào các giải pháp trong lĩnh vực giáo dục và y tế, hình thành hệ sinh thái sản phẩm phục vụ cho công tác quản lý của các cơ sở y tế, giáo dục đến người dân như học và thi trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa... Đặc biệt, trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, nền tảng học trực tuyến VNPT Edu đã được cung cấp miễn phí cho các trường học tại khu vực chịu tác động của dịch bệnh, giúp học sinh tiếp tục học tập mà không bị gián đoạn; hệ thống quản lý thông tin Covid-19 (VNPT NCOVI-CDC) do VNPT phát triển đã hỗ trợ miễn phí cho công tác quản lý dịch bệnh tuyến đầu và được vinh danh giải thưởng y tế thông minh năm 2020.

Ngoài ra, VNPT đã xây dựng hệ sinh thái sản phẩm dịch vụ số, ứng dụng thương mại điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt, mang đến các dịch vụ thanh toán trực tuyến an toàn, tiện lợi cho khách hàng. Đến cuối năm 2024, chuyển đổi số khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt đạt 9,2 triệu tài khoản, trong đó có 2,2 triệu tài khoản mobile money.

Tập đoàn cũng triển khai thành công giải pháp QR đa năng VNPT Money cho thanh toán gần 5.000 dịch vụ công, thủ tục hành chính như thu phạt giao thông, thu phí lệ phí thủ tục hành chính, thu nộp thuế, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội… tại toàn bộ các điểm chạm thanh toán dịch vụ công trên cả nước. Giải pháp QR đa năng đã giúp cho dòng tiền dịch vụ qua VNPT Money tăng trưởng mạnh mẽ, đạt  khoảng 1.700 tỷ đồng đến cuối năm 2024.

VNPT có hệ sinh thái sản phẩm số toàn diện, bao trùm nhiều lĩnh vực để tham gia chuyển đổi số quốc gia, từ phục vụ công tác điều hành của Chính phủ cho đến Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu quốc gia về công chức, viên chức hay các sản phẩm Platt Form về giáo dục, y tế, nông nghiệp,… Bên cạnh đó, nhờ mạng lưới rộng khắp toàn quốc đến tận cấp phường/xã, khi cần thiết, VNPT có thể triển khai các sản phẩm/dịch vụ một cách nhanh chóng và đạt hiệu quả, phục vụ chuyển đổi số quốc gia, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, trong đó có lợi ích khách hàng của VNPT.
Ông Tô Dũng Thái, Bí Thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT

Trong nhiệm kỳ 2020-2025, VNPT còn chú trọng vào công tác mở rộng thị trường, tạo hệ sinh thái cho phát triển dịch vụ, công nghệ, tăng năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế. Tập đoàn đã tiến hành đầu tư tại nhiều thị trường trọng điểm, có quan hệ truyền thống như Lào, Campuchia, Myanmar và các quốc gia tiềm năng tại khu vực châu Á như Philippines, Indonesia, Nepal, Bangladesh… đồng thời mở rộng tìm kiếm cơ hội kinh doanh ở các châu lục khác.

Tập đoàn cũng chủ động phát triển quan hệ hợp tác quốc tế song phương với các đối tác nước ngoài uy tín như Nokia, Ericsson, Qualcomm, Google Cloud… nhằm hợp tác kinh doanh, phát triển công nghệ và sản phẩm mới; chủ động tham gia các tổ chức quốc tế như GSMA, Conexus, TM Forum... để tiếp cận các xu hướng phát triển về công nghệ, sản phẩm dịch vụ mới, đào tạo nguồn nhân lực, tìm kiếm cơ hội hợp tác và không gian tăng trưởng mới.

Nhờ vậy, hoạt động xuất khẩu sản phẩm ra thị trường nước ngoài đã được tăng cường rõ nét với việc ký hợp đồng cung cấp giải pháp số E-Office cho Lào và Campuchia; xuất khẩu giải pháp An toàn thông tin sang thị trường Campuchia; xuất khẩu các thiết bị công nghệ công nghiệp như modem quang (ONT) sang nhiều nước trong khu vực; khai phá thêm một số thị trường xuất khẩu mới tại Trung và Nam Mỹ. Doanh thu xuất khẩu năm 2024 của VNPT đã tăng trưởng 40% so năm 2023, là tín hiệu tích cực, tiền đề thúc đẩy định hướng vươn mình ra thế giới trong nhiệm kỳ tới.

Ngày xuất bản: 23/5/2025
Trình bày: Nhị Hà Khôi