AgriS đồng hành cùng Chính phủ trong chiến lược đột phá nền kinh tế tư nhân và nông nghiệp công nghệ cao

Chia sẻ cảm nhận về ý nghĩa của các quyết sách lớn gần đây, bà Đặng Huỳnh Ức My - Chủ tịch hội đồng quản trị TTC AgriS cho rằng đây không chỉ thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc kiến tạo động lực tăng trưởng mới, mà còn mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp như AgriS.
0:00 / 0:00
0:00

Kinh tế tư nhân - động lực tăng trưởng và khơi thông nguồn lực

Nghị quyết 68-NQ/TW được xây dựng, ban hành dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và thách thức đan xen. Một mặt, quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng mở ra nhiều cánh cửa thị trường và công nghệ mới. Mặt khác, những biến động khó lường của kinh tế toàn cầu, cùng với những hạn chế nội tại của nền kinh tế, đòi hỏi Việt Nam phải có những bước đi đột phá để duy trì đà tăng trưởng và nâng cao sức cạnh tranh.

Trong bối cảnh đó, kinh tế tư nhân được xác định là một động lực quan trọng, có khả năng khơi thông những nguồn lực tiềm tàng và tạo ra những đột phá mới. Nghị quyết 68-NQ/TW thể hiện sự nhất quán trong chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, đảm bảo quyền bình đẳng của kinh tế tư nhân và khuyến khích đổi mới sáng tạo.

Chia sẻ cảm nhận về ý nghĩa của các quyết sách lớn gần đây, bà Đặng Huỳnh Ức My - Chủ tịch hội đồng quản trị TTC AgriS nhấn mạnh: “Các quyết sách gần đây của Chính phủ như Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, cùng với Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, không chỉ thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc kiến tạo động lực tăng trưởng mới, mà còn mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp tiên phong như AgriS - những hạt nhân đổi mới - tiếp tục đồng hành cùng quốc gia trên hành trình xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao, sáng tạo và phát triển bền vững”.

Đồng hành cùng Quốc gia đột phá kinh tế tư nhân và nông nghiệp công nghệ cao

Bên lề Hội nghị, AgriS giới thiệu hệ sinh thái nông nghiệp bền vững, tích hợp AgTech-FoodTech-FinTech-ESG và các mô hình chia sẻ giá trị và vinh dự được đón tiếp Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, cùng đoàn đại biểu Quốc hội từ các tỉnh thành.

AgriS đồng hành cùng Chính phủ trong chiến lược đột phá nền kinh tế tư nhân và nông nghiệp công nghệ cao ảnh 1

AgriS giới thiệu hệ sinh thái nông nghiệp bền vững, tích hợp AgTech-FoodTech-FinTech-ESG và các mô hình chia sẻ giá trị.

Chia sẻ với các lãnh đạo tại sự kiện, ông Thái Văn Chuyện - Tổng giám đốc AgriS nhấn mạnh: “Tại AgriS, chúng tôi tin rằng sự phát triển của kinh tế tư nhân và chuyển đổi số nông nghiệp là hai động lực không thể tách rời để đưa nền nông nghiệp Việt Nam tiến lên. Chúng tôi cam kết tiên phong ứng dụng công nghệ số một cách sáng tạo, không chỉ để nâng cao năng lực sản xuất và tối ưu hóa chuỗi giá trị, mà còn để mở rộng thị trường cho nông sản Việt Nam, mang lại lợi ích cho môi trường và xã hội thông qua những hỗ trợ bền vững cho người nông dân. Chúng tôi coi đây là trách nhiệm, đồng thời là cơ hội để AgriS đóng góp vào sự thịnh vượng chung của đất nước".

AgriS đồng hành cùng Chính phủ trong chiến lược đột phá nền kinh tế tư nhân và nông nghiệp công nghệ cao ảnh 2

AgriS vinh dự được đón tiếp Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và đoàn đại biểu tham quan gian hàng.

Mô hình chuỗi giá trị tuần hoàn và nông nghiệp thông minh do TTC AgriS triển khai gồm ba trụ cột:

(1) Chuỗi giá trị thương mại tuần hoàn: Từ vùng nguyên liệu số hóa (Farm Design - Thiết kế nông trại thông minh; Farm Care - Vận hành nông trại số; và Farm Service - Dịch vụ nông nghiệp tích hợp), truy xuất blockchain, đến quản trị nhà máy bằng hệ thống thông minh (DigiFactory), thương mại điện tử đa kênh, và tái sử dụng phụ phẩm theo chuẩn “Zero Waste”;

(2) Kinh tế nông nghiệp thông minh: Phát triển sản phẩm dinh dưỡng có nguồn gốc thực vật, áp dụng canh tác chính xác, truy xuất toàn chuỗi, kết nối nông dân-nhà máy-người tiêu dùng trên nền tảng số hóa toàn diện;

(3) Liên kết quốc tế theo mô hình G2G-B2B: TTC AgriS đang triển khai hợp tác tại Indonesia với Chính phủ và doanh nghiệp bản địa, nhằm nhân rộng mô hình nông nghiệp bền vững trong khu vực.

Với 4 trung tâm và Hub R&D tại Việt Nam, Singapore, Indonesia và Úc, AgriS đi đầu trong nghiên cứu và phát triển (R&D), cung cấp cho người tiêu dùng toàn cầu các sản phẩm tốt cho sức khỏe, chuyển hóa phụ phẩm nông nghiệp thành các sản phẩm xanh, có giá trị gia tăng cao. Những nỗ lực này không chỉ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, mà còn hiện thực hóa mục tiêu Net Zero vào năm 2035 và thúc đẩy một nền nông nghiệp bền vững cho tương lai.

Trước đó, vào ngày 10/5/2025, trong khuôn khổ Hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị trong ngành Nông nghiệp và Môi trường, AgriS và Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng đã chính thức ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác toàn diện nhằm thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao, phát triển mô hình nông nghiệp tuần hoàn, chuyển đổi số, và xây dựng chuỗi giá trị bền vững. Hợp tác toàn diện này đánh dấu bước tiến quan trọng của AgriS trong việc góp phần cùng Chính phủ thúc đẩy sự phát triển đột phá tương lai ngành Nông nghiệp Việt Nam.

AgriS đồng hành cùng Chính phủ trong chiến lược đột phá nền kinh tế tư nhân và nông nghiệp công nghệ cao ảnh 3

Bà Đặng Huỳnh Ức My - Chủ tịch AgriS trong phiên ký kết biên bản ghi nhớ (MOU) phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường về triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW về chuyển đổi số trong nông nghiệp.

TTC AgriS cam kết tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, phát triển nông trường kiểu mẫu, đào tạo nhân lực và xây dựng hệ sinh thái số - từ vùng nguyên liệu đến bàn ăn, sẵn sàng trở thành đối tác chiến lược của Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp trong công cuộc phát triển kinh tế tư nhân và nông nghiệp công nghệ cao.