
Với hơn 55 năm phát triển trong ngành nông nghiệp, Công ty Cổ phần Thành Thành Công-Biên Hòa (AgriS; HOSE: SBT) đang tích cực góp phần xây dựng thị trường tín chỉ carbon trong nước. Theo chia sẻ từ Giám đốc Môi trường và Xã hội (E&S) - Bà Võ Hoàng Nga, AgriS tin rằng tiềm năng của Việt Nam là rất lớn với một môi trường chính sách thuận lợi, sẽ là sự "trợ lực" từ Chính phủ giúp các doanh nghiệp nông như AgriS phát huy tối đa hiệu quả đầu tư và đóng góp vào nền nông nghiệp xanh, tuần hoàn, ứng dụng công nghệ cao.




Phóng viên: Thưa bà, TTC AgriS là một trong những doanh nghiệp nông nghiệp tư nhân hiếm hoi đã thực hiện các dự án tín chỉ carbon từ sớm. Bà có thể chia sẻ khái quát về những kết quả đã đạt được?
Bà Võ Hoàng Nga: AgriS đã khởi động các dự án liên quan đến tín chỉ carbon cách đây khoảng ba năm, chúng tôi xem đây là một trụ cột quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững dài hạn, đòi hỏi sự đầu tư bài bản và kiên định.
Trong lĩnh vực sản xuất phân bón hữu cơ, AgriS đã triển khai thành công một số dự án lớn phát hành tín chỉ carbon thông qua hoạt động xử lý và tái sử dụng chất thải công nghiệp và nông nghiệp. Điển hình là dự án tại nhà máy phân bón của chúng tôi ở Lào, giai đoạn đầu đã đạt 5.000 tín chỉ carbon và đang được mở rộng với mục tiêu phát hành hơn 300.000 tín chỉ trong vòng 10 năm tới.
Một dự án khác đáng chú ý là ứng dụng công nghệ biochar để xử lý chất thải nông nghiệp như bã mía, lá-ngọn mía, mì, nhánh cao-su, trấu,... nhằm tạo than sinh học. Dự án này được triển khai với sự hợp tác của Chính phủ Hàn Quốc, vận hành ở quy mô 130 tấn biomass/ngày, dự kiến tạo ra khoảng 4.800 tín chỉ carbon mỗi năm. Đến năm 2028, công suất dự kiến nâng lên 500 tấn biomass/ngày, tương đương khoảng 18.600 tín chỉ carbon/năm. Biochar sau đó được phối trộn vào phân bón hữu cơ để cải tạo đất và nâng cao năng suất cây trồng, đặc biệt là cung cấp lại cho các hộ nông dân trồng mía trong chuỗi giá trị của chúng tôi.
AgriS đang khẳng định vai trò tích cực trên thị trường năng lượng tái tạo với Chứng chỉ Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IREC). Kể từ năm 2022, chúng tôi cung cấp hơn 100.000 chứng chỉ IREC từ sinh khối và trên 25.000 chứng chỉ IREC từ các dự án điện mặt trời mỗi năm.
Song song, AgriS đang hiện thực hóa cam kết trồng 10 triệu cây xanh đến năm 2030, dự kiến hấp thụ khoảng 110.000 tấn CO₂, qua đó đóng góp vào việc cải thiện môi trường và nâng cao năng lực hấp thụ carbon dài hạn.
Phóng viên: Vì sao TTC AgriS lại quyết định tham gia sớm vào tín chỉ carbon, khi thị trường này ở Việt Nam còn rất mới?
Bà Võ Hoàng Nga: Luôn ý thức được sứ mệnh và trách nhiệm tiên phong trong ngành nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong thị trường tín chỉ carbon, ngay khi Chính phủ công bố cam kết tại COP26 về mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, cùng với các định hướng chiến lược quan trọng như Quyết định 1658/QĐ-TTg về tăng trưởng xanh, giảm phát thải nhà kính, tăng hấp thu cacbon trong lĩnh vực nông nghiệp và Quyết định 896/QĐ-TTg về Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, AgriS nhận thấy đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội để doanh nghiệp đồng hành và cam kết mạnh mẽ của chúng tôi với các mục tiêu phát triển bền vững quốc gia.
Chính vì vậy, AgriS đã chủ động đặt ra mục tiêu tham vọng hơn là Net Zero vào năm 2035, sớm hơn 15 năm so với cam kết quốc gia, xem đây là kim chỉ nam cho mọi hoạt động và là lợi thế cạnh tranh cốt lõi trong dài hạn. Để hiện thực hóa tầm nhìn này, AgriS đã tiên phong nhận diện và khai thác tiềm năng to lớn từ việc xây dựng mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, biến phụ phẩm hữu cơ - nguồn tài nguyên dồi dào trong ngành thành các sản phẩm giá trị gia tăng, phục vụ sản xuất xanh và tạo ra tín chỉ carbon. Chúng tôi đã khẩn trương xây dựng và hoàn thiện hệ thống kiểm kê phát thải nội bộ theo các tiêu chuẩn quốc tế, nhằm lượng hóa chính xác và quản lý hiệu quả các cơ hội giảm phát thải trên toàn bộ chuỗi giá trị, từ đó đưa ra các giải pháp tối ưu nhất.
Chúng tôi ý thức sâu sắc rằng, tín chỉ carbon là một xu thế tất yếu và không thể đảo ngược trên toàn cầu. Việc AgriS chủ động tham gia từ giai đoạn sơ khai của thị trường trong nước chính là bước đi cụ thể để không chỉ làm chủ công nghệ, chuẩn hóa quy trình, mà còn đóng góp kinh nghiệm thực tiễn, chung tay cùng Chính phủ và các bên liên quan xây dựng và hoàn thiện thị trường carbon tại Việt Nam, sẵn sàng nắm bắt cơ hội khi thị trường vận hành chính thức, qua đó thúc đẩy nhanh hơn nữa lộ trình tiến tới Net Zero của cả doanh nghiệp và quốc gia.
Phóng viên: Để hiện thực hóa tiềm năng của thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam, theo bà, cần tập trung vào những giải pháp trọng tâm nào nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn hiện nay và tạo nền tảng phát triển bền vững cho thị trường?
Bà Võ Hoàng Nga: Để hiện thực hóa tiềm năng to lớn của thị trường tín chỉ carbon và đưa Việt Nam trở thành một thành viên trung tâm năng động trong thị trường này, đòi hỏi một chiến lược phát triển đồng bộ và tầm nhìn vĩ mô của cả Chính phủ và Doanh nghiệp.
Đặc biệt, với sự trợ lực của Chính phủ như Kế hoạch triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, cùng Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, loại bỏ các rào cản vướng mắc cho doanh nghiệp, sự đồng hành cùng chuyển mình hướng tới mục tiêu Netzero giữa Chính phủ và doanh nghiệp sẽ là sự cộng hưởng có tác tác động vô cùng lớn trong việc giảm phát thải trong nền nông nghiệp nước nhà.
Trọng tâm cốt yếu là việc cấp tốc hoàn thiện hành lang pháp lý và ban hành bộ tiêu chuẩn quốc gia minh bạch, phù hợp với bối cảnh nội địa, tạo tiền đề vững chắc, giảm thiểu rào cản và sự phụ thuộc vào quy trình và quy chuẩn phức tạp của các thị trường khó tính trên trường quốc tế, từ đó rút ngắn đáng kể thời gian và chi phí triển khai giảm phát thải cho doanh nghiệp.
Song hành là sự đầu tư chiến lược vào hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ, nâng cao hiệu quả của chuyển đổi số trong vận hành và thu thập dữ liệu, cùng với nỗ lực bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng hệ sinh thái dịch vụ tư vấn, thẩm định nội địa có năng lực.
Những bước đi chủ động này không chỉ giúp thị trường vận hành hiệu quả hơn, mà còn kiến tạo một nền tảng vững chắc để thị trường tín chỉ carbon Việt Nam bứt phá, thu hút đầu tư, và đóng góp hiệu quả vào các mục tiêu phát triển bền vững và cam kết khí hậu quốc gia.
Phóng viên: Với kinh nghiệm thực tiễn, bà có đề xuất gì về mặt chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hiệu quả vào thị trường tín chỉ carbon?
Bà Võ Hoàng Nga: Việt Nam đã thể hiện quyết tâm phát triển thị trường carbon nội địa thông qua việc phác thảo lộ trình ban đầu và các cấu phần cốt lõi như sàn giao dịch hay khung đăng ký tín chỉ. Tuy nhiên, để biến tiềm năng thành hiện thực và tạo đòn bẩy mạnh mẽ cho sự tham gia sâu rộng, hiệu quả của cộng đồng doanh nghiệp, đòi hỏi những bước đi chiến lược và cấp bách hơn. Trọng tâm hàng đầu là việc khẩn trương ban hành một khung pháp lý đủ cụ thể, đồng bộ và mang tính định hướng cao, trong đó cần thiết lập cơ chế và chính sách khuyến khích riêng biệt cho nhóm doanh nghiệp tham gia tự nguyện - vốn chiếm đa số hiện nay nhằm tạo động lực và điều kiện thuận lợi để họ chủ động hòa nhập và phát triển bền vững.
Cùng với đó, việc chuyển đổi từ sự phụ thuộc vào các tiêu chuẩn quốc tế phức tạp sang xây dựng và áp dụng bộ tiêu chuẩn quốc gia minh bạch, nhất quán, cùng với việc thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung và các hướng dẫn kỹ thuật chi tiết, sẽ là nền tảng quan trọng để đơn giản hóa quy trình, nâng cao năng lực nội tại và giảm thiểu đáng kể chi phí, thời gian cho doanh nghiệp.
Cuối cùng, chính sách hỗ trợ đầu tư vào công nghệ xử lý, tái chế, và đặc biệt là cơ giới hóa, chuyển đổi số trong các ngành tiềm năng như nông nghiệp, là cực kỳ cần thiết để nâng cao chất lượng, tính xác minh và minh bạch của tín chỉ carbon, giúp doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu khắt khe từ thị trường toàn cầu và kiến tạo lợi thế cạnh tranh trong cuộc đua chống biến đổi khí hậu.
Phóng viên: Gần đây, ESG và tiêu chuẩn quốc tế như IFC Performance Standards cũng được nhiều doanh nghiệp quan tâm. TTC AgriS đã áp dụng như thế nào?
Bà Võ Hoàng Nga: ESG là xu hướng toàn cầu và không thể đảo ngược. Tại AgriS, chúng tôi xác định ESG không chỉ là trách nhiệm với môi trường, xã hội và quản trị, mà còn là nền tảng cho tăng trưởng bền vững và năng lực cạnh tranh dài hạn. Chúng tôi đã chủ động tiếp cận và triển khai hệ thống quản lý môi trường-xã hội (ESMS) dựa trên các tiêu chuẩn hiệu quả hoạt động của IFC (IFC Performance Standards).
Trong quá trình áp dụng, AgriS tiến hành đánh giá toàn diện hiện trạng của tổ chức, xác định rõ các “khoảng cách” so với chuẩn mực quốc tế. Từ đó, chúng tôi xây dựng kế hoạch hành động cụ thể để từng bước cải thiện bao gồm cả việc đào tạo nhân sự, cập nhật quy trình, điều chỉnh hệ thống quản trị, và tích hợp ESG vào chiến lược điều hành.
Việc áp dụng khung ESG và tiêu chuẩn IFC không chỉ giúp chúng tôi nâng cao hiệu quả vận hành, quản lý rủi ro tốt hơn, mà còn mở rộng cơ hội tiếp cận nguồn vốn quốc tế và tăng độ tin cậy với các đối tác toàn cầu. Đây là một hành trình chuyển đổi cần sự kiên trì và cam kết từ cấp lãnh đạo cao nhất, nhưng chúng tôi tin đó là hướng đi đúng đắn và lâu dài.
Phóng viên: Trong bối cảnh doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn về tài chính và năng lực nội tại, bà đánh giá thế nào về triển vọng phát triển tín chỉ carbon trong ngành này?
Bà Võ Hoàng Nga: Tôi cho rằng, tín chỉ carbon là một cơ hội rất lớn, đặc biệt đối với ngành nông nghiệp, nơi có nhiều tiềm năng giảm phát thải thông qua các hoạt động tái chế, tái sử dụng chất thải hữu cơ và cải tiến quy trình sản xuất. Đây không chỉ là hướng đi phù hợp với xu thế toàn cầu mà còn giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, nâng cao giá trị sản phẩm và mở rộng khả năng tiếp cận các thị trường xanh.
Tuy nhiên, để nắm bắt được cơ hội này, chúng ta cần vượt qua không ít rào cản từ nhận thức, năng lực kỹ thuật đến hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ. AgriS có thể là một trong những đơn vị tiên phong, nhưng chúng tôi không muốn đi một mình. Chúng tôi kỳ vọng sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, và nông hộ cùng đồng hành, cùng xây dựng một hệ sinh thái tín chỉ carbon bền vững cho ngành nông nghiệp Việt Nam.
Với sự chung tay từ cả khu vực công và tư, cùng những chính sách thiết thực từ phía Nhà nước, tôi tin rằng tín chỉ carbon không chỉ là công cụ môi trường mà còn có thể trở thành một ngành kinh tế xanh mới, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi bền vững của nông nghiệp Việt Nam trong tương lai gần.
Phóng viên: Xin cảm ơn bà!


Ngày xuất bản: 18/5/2025
Chỉ đạo: Kim Phương Bình
Tổ chức: Trường Sơn-Xuân Bách
Thực hiện: Minh Phương-Ngô Hương-Hà Khôi
