"Mỗi năm lượng nước giảm đi ngày càng nhiều. Khoan giếng thì vừa tốn kém, vừa không chắc có nước hay không", ông Đặng Văn Thanh, một nông dân trồng cà-phê và sầu riêng ở thôn Đồi Đá, xã Krông Buk, chia sẻ với đoàn công tác Tổng Lãnh sự quán Australia tại Thành phố Hồ Chí Minh trong một sự kiện gần đây về Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn thích ứng với biến đổi khí hậu (WEIDAP).
Tương tự, ông Phạm Đăng Sơ ở thôn 15, xã Krông Buk, nói thêm: "Tôi chỉ mong có một giải pháp lâu dài để đối phó với hạn hán. Khi nghe nói về dự án này, tôi thấy nó thực sự rất cấp thiết và thiết thực với chúng tôi".
Những lời chia sẻ ấy cũng đại diện cho kỳ vọng cho một sự thay đổi mang tính cộng đồng khi dự án Phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn thích ứng với biến đổi khí hậu (WEIDAP) được triển khai.
![]() |
Người dân xã Krông Buk chia sẻ kỳ vọng về dự án. (Ảnh: HẢI YẾN) |
WEIDAP là một sáng kiến trị giá hơn 124 triệu USD, được triển khai tại 5 tỉnh miền trung-Tây Nguyên gồm Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk và Đắk Nông - những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đợt hạn lịch sử 2014-2016.
Riêng tại Đắk Lắk, tiểu dự án tập trung nâng cao hiệu quả sử dụng nước cho khoảng 2.600ha đất nông nghiệp - khu vực hiện phụ thuộc phần lớn vào giếng khoan, vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro và thiếu bền vững.
Dự án được Chính phủ Việt Nam ký kết các hợp đồng vay và viện trợ không hoàn lại với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nhằm hiện đại hóa 8 hệ thống công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu cho các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, từ đó nâng cao tính bền vững trong quản lý và sử dụng nước tưới.
Điểm nổi bật của WEIDAP là sự hỗ trợ từ Chính phủ Australia thông qua các sáng kiến kỹ thuật và chuyển giao công nghệ. Những kinh nghiệm hơn 200 năm trong ngành nông nghiệp và quản lý nước của Australia, một trong những lục địa khô hạn nhất thế giới, đang được chuyển giao trực tiếp cho Việt Nam thông qua dự án này.

Khu vực Tây Nguyên khả năng có 4.300 đến 7.000 ha cây trồng bị hạn hán, thiếu nước
Australia đồng hành cùng Việt Nam “cách mạng hoá” hệ thống tưới tiêu
Theo ông Phan Thanh Sơn, đại diện Ban thiết kế dự án tại Đắk Lắk, hệ thống tưới tiêu mới sẽ tận dụng nguồn nước còn dư trong các hồ chứa để cung cấp cho những vùng thiếu nước thông qua 8 trạm bơm đặt tại 5 hồ trên địa bàn 4 huyện. Đặc biệt, tại hồ Krông Buk Hạ, một điểm nóng về thiếu nước, sẽ lắp đặt 4 trạm bơm điện hiện đại, điều khiển bằng cảm biến và radar, lần đầu tiên áp dụng tại địa phương.
“Nhờ có sự hỗ trợ kỹ thuật từ phía Australia trong giai đoạn thiết kế, chúng tôi đã có thể áp dụng giải pháp tưới tiên tiến - bơm nước trực tiếp vào hệ thống đường ống thay vì xây bể chứa trên cao như trước đây”, ông Sơn cho biết.
Ông nói thêm: “Giải pháp này không chỉ tiết kiệm chi phí và năng lượng mà còn linh hoạt hơn nhiều, phù hợp với nhu cầu thực tế của từng nhóm hộ dân. Thực tế, biện pháp thiết kế này, ngành nước sạch đã áp dụng lâu rồi nhưng với hệ thống tưới tiêu thuỷ lợi thì gần như chưa được phổ biến”.
![]() |
Ông Phan Thanh Sơn, đại diện Ban thiết kế dự án tại Đắk Lắk, chia sẻ về dự án với đoàn công tác Tổng Lãnh sự quán Australia tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: HẢI YẾN) |
Ông Nguyễn Duy Thuận, đại diện Ban Quản lý dự án công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, nhận định: “Từ trước đến nay, nông dân chủ yếu sử dụng nước từ giếng khoan, nhưng với hệ thống mới này, bà con có thể tiếp cận nguồn nước ổn định hơn. Hơn nữa, cách tưới theo đường ống giúp hạn chế thất thoát và chủ động hơn trong việc canh tác các loại cây trồng có giá trị cao như sầu riêng, bơ, cà-phê”.
Chia sẻ với người dân xã Krông Buk, ông Brent Stewart, Phó Tổng Lãnh sự Australia tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhấn mạnh: “Australia là lục địa khô hạn nhất thế giới, chỉ sau Nam Cực. Thế nhưng chúng tôi vẫn phát triển được một nền nông nghiệp vững mạnh, nhờ hệ thống tưới tiêu thông minh”. Ông cho biết, những kinh nghiệm quý báu đó đang từng bước được chuyển giao cho phía Việt Nam thông qua các dự án như WEIDAP.
Dự án WEIDAP là một phần trong chuỗi nỗ lực của Chính phủ Australia nhằm hỗ trợ Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu, hiện đại hóa nông nghiệp và thúc đẩy phát triển bền vững.
![]() |
Ông Brent Stewart, Phó Tổng Lãnh sự Australia tại Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ với người dân xã Krông Buk, Đắk Lắk. (Ảnh: HẢI YẾN) |
Trong những năm gần đây, Australia đã đồng hành cùng Việt Nam trong nhiều dự án về nước sạch, nông nghiệp thông minh và năng lượng tái tạo, đặc biệt tại các vùng chịu ảnh hưởng nặng nề như đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên.
WEIDAP cũng đại diện cho hướng đi mới của ngành nông nghiệp Việt Nam: Hiện đại hóa hệ thống tưới tiêu, gia tăng giá trị thay vì mở rộng diện tích, và quan trọng nhất là bảo đảm tính bền vững trong dài hạn.
Nếu thành công, mô hình tại Đắk Lắk hoàn toàn có thể nhân rộng ra nhiều địa phương khác trên cả nước, như một giải pháp thực tiễn cho bài toán phát triển nông nghiệp bền vững giữa "thời đại" biến đổi khí hậu.