Diễn đàn đổi mới sáng tạo khu vực Tây Nguyên định hình tương lai nông nghiệp xanh

NDO - Kiến tạo hệ sinh thái nông sản thích ứng, phát triển và “xanh hóa” từ gốc rễ - đó là mục tiêu cốt lõi mà Diễn đàn Đổi mới sáng tạo khu vực Tây Nguyên (CHIC) đang hướng tới. Sáng kiến này đang từng bước khẳng định vai trò trung tâm trong hành trình xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững tại khu vực.
0:00 / 0:00
0:00
PGS,TS Lê Đức Niêm, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên, chia sẻ với đoàn công tác Tổng lãnh sự quán Australia tại Thành phố Hồ Chí Minh Diễn đàn đổi mới sáng tạo. (Ảnh: HẢI YẾN)
PGS,TS Lê Đức Niêm, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên, chia sẻ với đoàn công tác Tổng lãnh sự quán Australia tại Thành phố Hồ Chí Minh Diễn đàn đổi mới sáng tạo. (Ảnh: HẢI YẾN)

Sầu riêng và bài toán chất lượng: Thách thức từ một loại cây chủ lực

Một trong những chủ đề “nóng” thu hút nhiều sự quan tâm của các thành viên Diễn đàn Đổi mới sáng tạo khu vực Tây Nguyên thời gian gần đây là câu chuyện về sầu riêng, loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, nhưng cũng đang đối mặt với không ít thách thức kỹ thuật và thị trường. Việc một số lô hàng bị phát hiện chứa kim loại nặng cadimi hoặc chất vàng O (Auramine O), dù tỷ lệ chỉ khoảng 0,1%, đã dấy lên lo ngại về khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Khi câu hỏi về nguyên nhân và giải pháp được đặt ra, các nhà khoa học từ Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) đã nhanh chóng đưa ra phương pháp kiểm tra dư lượng kim loại nặng trong đất và nước, đồng thời khuyến nghị quy trình canh tác an toàn.

Những vấn đề chưa có lời giải lập tức được chuyển tiếp tới các đơn vị chuyên môn trong và ngoài nước. Mỗi mảnh ghép kiến thức được cập nhật và chia sẻ theo thời gian thực, với phản hồi đến gần như tức thì.

Diễn đàn đổi mới sáng tạo khu vực Tây Nguyên định hình tương lai nông nghiệp xanh ảnh 1

TS. Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng WASI, chia sẻ cùng đoàn công tác Tổng lãnh sự quán Australia tại Thành phố Hồ Chí Minh về Diễn đàn đổi mới sáng tạo. (Ảnh: HẢI YẾN)

Chia sẻ về câu chuyện về chủ đề “nóng” với báo giới trong một sự kiện gặp gỡ mới đây được Tổng lãnh sự quán Australia tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, TS. Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng WASI, cho biết: “Điểm đặc biệt của Diễn đàn Đổi mới sáng tạo khu vực Tây Nguyên là tính phản hồi nhanh và khả năng kết nối đa chiều. Khi có vấn đề nảy sinh từ thực địa, chúng tôi có thể đồng thời tiếp cận thông tin từ phòng thí nghiệm và mạng lưới chuyên gia quốc tế”.

Câu chuyện về sầu riêng chỉ là một trong vô số câu chuyện và vấn đề đã và đang được các nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học và người nông dân cùng nhau bàn bạc suốt gần ba năm qua. Mục tiêu không chỉ dừng lại ở giải quyết sự vụ, mà hướng tới bài toán lớn hơn: gia tăng liên kết chuỗi, kiểm soát chất lượng và nâng cao năng lực thích ứng của nông nghiệp Tây Nguyên.

Đưa đổi mới sáng tạo đến gần hơn với đời sống người nông dân

Trong bối cảnh nông nghiệp Việt Nam đang chịu sức ép từ biến đổi khí hậu và yêu cầu chuyển đổi số, Diễn đàn Đổi mới sáng tạo khu vực Tây Nguyên chính là một bước đi chiến lược và kịp thời.

Không chỉ đưa đổi mới sáng tạo rời khỏi các phòng họp, phòng thí nghiệm để bước chân vào thực tiễn sản xuất, diễn đàn còn góp phần xây dựng một hệ sinh thái tri thức mang tính cộng đồng - nơi người nông dân không còn là “đối tượng thụ hưởng”, mà trở thành chủ thể kiến tạo.

Diễn đàn đổi mới sáng tạo khu vực Tây Nguyên định hình tương lai nông nghiệp xanh ảnh 3
Diễn đàn nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo để hỗ trợ sự phát triển bền vững và cân bằng của ngành nông nghiệp và chế biến nông sản tại 5 tỉnh Tây nguyên là Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng. (Ảnh: HẢI YẾN)

Ông Brent Stewart, Phó Tổng lãnh sự Australia tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhấn mạnh: “Diễn đàn Đổi mới sáng tạo khu vực Tây Nguyên không chỉ là một chương trình hỗ trợ đơn lẻ, mà là chiến lược lâu dài nhằm đưa đổi mới sáng tạo đến gần hơn với đời sống người dân. Chúng tôi kỳ vọng đây sẽ là mô hình nơi các đối tác địa phương có thể làm chủ tri thức và đổi mới một cách bền vững”.

Từ cà-phê, rau củ đến sầu riêng - những sản phẩm chủ lực của Tây Nguyên đang được “xanh hóa” qua việc đổi mới quy trình canh tác, ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc, cải tiến khâu chế biến và xây dựng mạng lưới tiêu thụ gắn với doanh nghiệp.

“Không có đổi mới thực chất nếu thiếu liên kết giữa bốn nhà: nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và doanh nghiệp”, TS. Phan Việt Hà nhận định. Theo ông, chính sách cần đi kèm định hướng rõ ràng và mô hình vận hành cụ thể - điều mà Diễn đàn Đổi mới sáng tạo khu vực Tây Nguyên đang đóng vai trò thúc đẩy.

Diễn đàn Đổi mới sáng tạo khu vực Tây Nguyên được khởi xướng từ năm 2022 với sự đồng thuận của Ủy ban nhân dân 5 tỉnh Tây Nguyên - Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng - trong khuôn khổ chương trình Aus4Innovation.

Diễn đàn là kết quả hợp tác giữa CSIRO (Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Khối Thịnh vượng chung của Australia), Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và các đối tác địa phương, với sự hỗ trợ toàn diện từ Chính phủ Australia, từ tài trợ kinh phí, cử chuyên gia đến cung cấp tài liệu nghiên cứu.

Thông qua việc kết nối các nông dân, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp, hợp tác xã và chính quyền địa phương, Diễn đàn Đổi mới sáng tạo khu vực Tây Nguyên tạo cơ hội phát triển các giải pháp thực tiễn, có khả năng mở rộng, đồng thời nâng cao tính bền vững và giá trị gia tăng cho nông sản vùng Tây Nguyên.

Diễn đàn tạo ra một không gian kết nối liên tục giữa nông dân, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp, hợp tác xã và chính quyền địa phương. Tính đến nay, đã có hơn 850 thành viên từ nhiều lĩnh vực tham gia chia sẻ, thảo luận về các mô hình nông nghiệp bền vững trên nền tảng trực tuyến, dưới sự điều phối của Trung tâm Đổi mới sáng tạo tỉnh Đắk Lắk.

Diễn đàn đổi mới sáng tạo khu vực Tây Nguyên định hình tương lai nông nghiệp xanh ảnh 4

TS. Tống Thị Lan Chi, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo tỉnh Đắk Lắk chia sẻ cùng đoàn công tác Tổng lãnh sự quán Australia tại Thành phố Hồ Chí Minh về Diễn đàn đổi mới sáng tạo. (Ảnh: HẢI YẾN)

TS. Tống Thị Lan Chi, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo tỉnh Đắk Lắk (Trường Đại học Tây Nguyên), nhận định: “Diễn đàn hoàn toàn có thể coi là 'mô hình win-win', có lợi cho tất cả mọi người chứ không phải chỉ riêng một nhóm lợi ích nào, bởi tất cả đồng kiến tạo, đồng làm và đồng hưởng”. Theo bà, nông dân không chỉ là đối tượng thụ hưởng mà còn là người xác thực thông tin quan trọng, từ đó hỗ trợ giới khoa học định hướng nghiên cứu và chính quyền địa phương triển khai chính sách sát thực tiễn hơn.

Các chủ đề thu hút sự quan tâm như bệnh trên cây trồng, rủi ro môi trường hay kỹ thuật canh tác mới đều được tiếp cận theo cách này. Viện nghiên cứu và các trường đại học chủ động tổ chức hội thảo, tọa đàm chuyên đề để kịp thời giải đáp cho bà con, tăng cường năng lực ứng phó tại chỗ.

Việc nâng cao năng lực cho Việt Nam để tăng trưởng bền vững và công bằng, đặc biệt ở ba khu vực trọng điểm gồm Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và Tây Bắc, là mục tiêu trung tâm trong chiến lược hợp tác Việt Nam-Australia về nghiên cứu nông nghiệp giai đoạn 2017-2027. Trong bối cảnh đó, những mô hình kết nối hiệu quả như Diễn đàn Đổi mới sáng tạo khu vực Tây Nguyên không chỉ có giá trị hiện tại, mà còn đóng vai trò nền tảng cho nhiều dự án phát triển trong tương lai.