Ấm áp tình quân dân
Sáng sớm ở TP Hà Giang trời mưa rả rích, thấy chúng tôi đi xe máy, có người cảnh báo “các anh đi cẩn thận, trên đấy dễ sạt lở”. Gọi điện lên Lũng Cú, Thượng tá Phạm Ngọc Thủy, Bí thư Ðảng ủy, Chính trị viên Ðồn Biên phòng Lũng Cú, giọng sang sảng: “Các anh lên đây được thì quý quá. Ðoạn nào khó bọn mình đón. Trên này đi xe máy là chuyện thường”. Dò dẫm từng đoạn dốc, thận trọng từng khúc cua, vượt qua không ít khu vực đất đá sạt lở, mưa vuốt mặt hơn trăm rưỡi cây số, xẩm tối chúng tôi mới tới nơi.
Lúc chúng tôi đến, đồng chí Chỉ huy trưởng của đồn đi công tác chưa về, một số cán bộ vào bản cũng chưa ra. Mưa lẫn mây mù khiến chiều sập xuống nhanh hơn. Nhá nhem tối, vẫn thấy đồng chí Thủy tìm gọi mấy chiến sĩ bảo vào bản đón ai đó ra. Tôi hỏi, anh bảo “vào đón mấy con ra để học bài, mình là cha đỡ đầu đấy”.
Chẳng là, hồi giữa năm ngoái, trên đường tuần tra, công tác, Thượng tá Thủy và một vài chiến sĩ nhận thấy có một số cháu thường xuyên không đến lớp học, mà đi cắt cỏ, kiếm củi. Trong đó, hoàn cảnh khó khăn nhất là ba cháu: Thò Thị Dính (sinh 2005), học sinh lớp 5; Thò Mí Và (sinh 2008), học sinh lớp 3 và Thò Thị Xúa (sinh 2012), học sinh lớp mẫu giáo 5 tuổi, ở thôn Mã Lủng A, xã Ma Lé. Bố các cháu không may mắc bệnh hiểm nghèo qua đời, mẹ đi lấy chồng xứ khác, các cháu ở với chú ruột, nhưng chú lại mới mất, nên giờ sống cùng ông bà nội đã già yếu. Phải nhiều lần, anh Thủy cùng anh em trong đồn đến nhà vận động, thuyết phục, gia đình mới đồng ý cho các cháu về đồn làm con nuôi, các chiến sĩ làm người đỡ đầu. Ðồn còn nhận đỡ đầu cho chín cháu khác trên địa bàn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Thượng tá Phạm Ngọc Thủy chia sẻ: “Quá trình nhận nuôi dưỡng, chúng tôi thường xuyên quan tâm về cả vật chất và tinh thần; phối hợp với chính quyền địa phương, gia đình và nhà trường để giúp đỡ các cháu. Ðồng thời huy động cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đóng góp kinh phí kết hợp vận động sự ủng hộ, giúp đỡ của các nhà hảo tâm ngoài đơn vị để xây dựng quỹ cho chương trình”.
Chứng kiến cảnh các chiến sĩ vai mang quân hàm xanh vui vẻ, nhiệt tình chăm sóc, bảo ban các cháu nhỏ trong từng bữa ăn, giờ học, càng thấu hiểu và thấm thía sự gắn bó, gần gũi của quân và dân ở nơi biên ải này.
Thiêng liêng lãnh thổ
Ðồn Biên phòng Lũng Cú đóng tại xã Ma Lé, huyện Ðồng Văn, tỉnh Hà Giang, điểm cực Bắc của Tổ quốc. Ðồn có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 26,343 km đường biên giới (trong đó có hơn 8 km đường biên giới nước, còn lại là đường biên giới trên đất liền) với tổng số 26 cột mốc (từ mốc 411 đến mốc 428), quản lý địa bàn hai xã Ma Lé và Lũng Cú. Ðồn thực hiện ba chức năng chính là bảo vệ chủ quyền lãnh thổ; giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và đối ngoại biên phòng. Song song đó, cán bộ, chiến sĩ của đồn còn thực hiện công tác hỗ trợ địa phương trong việc phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội trên địa bàn như: Tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Ðảng và Nhà nước; dạy chữ cho con em đồng bào dân tộc, khám, chữa bệnh cho bà con nhân dân, hướng dẫn người dân về cách canh tác, phát triển kinh tế…
Ðồn Biên phòng Lũng Cú còn có nhiệm vụ bảo vệ Cột cờ Lũng Cú. Di tích thiêng liêng này được xây dựng trên đỉnh núi Rồng - một ngọn núi đá vôi tuổi Cambri hệ tầng Chang Pung với độ cao gần 1.700 m so với mực nước biển, cách huyện lỵ Ðồng Văn 24 km, cách TP Hà Giang 154 km.
Ðồng chí Chính trị viên Phạm Ngọc Thủy mới nhận nhiệm vụ ở đồn được ba năm, song thâm niên công tác trong ngành đã hơn ba mươi năm. Anh chia sẻ dự định sẽ gắn bó lâu dài ở đây vì “mình yêu miền đá này”. Có lẽ cũng bởi tình yêu ấy đã giúp anh thêm động lực khi được điều động về đồn, để nhanh chóng nắm bắt địa bàn. Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, anh còn dành thời gian tìm hiểu địa lý, lịch sử, văn hóa của đồng bào Mông nơi đây. Trong phòng làm việc của anh đang lưu giữ một bộ sưu tập các hình ảnh về Cột cờ Lũng Cú qua các thời kỳ lịch sử, từ khi cột cờ được làm bằng thân cây sa mộc cho đến suốt quá trình được trùng tu, tôn tạo bề thế như hôm nay.
Ðến trụ sở xã Lũng Cú, chúng tôi được đồng chí Bí thư Ðảng ủy xã Vàng Mí Cấu giới thiệu gặp Thiếu tá Tạ Quang Tiến là cán bộ của Ðồn Biên phòng Lũng Cú được tăng cường, làm Phó Bí thư Ðảng ủy xã, phụ trách công tác an ninh - quốc phòng. Ðây là công tác đặc thù ở các xã giáp biên giới của Hà Giang, nhằm tăng cường hiệu quả lãnh đạo, quản lý địa bàn, bảo đảm an ninh trật tự, tăng cường khối đại đoàn kết quân dân.
Khi chúng tôi lên núi Rồng, nơi đặt Cột cờ Quốc gia, trời vẫn chưa ngớt mưa. Trong mưa gió sương giăng mờ mịt, qua 704 bậc thang đá và leo thêm 135 bậc thang xoắn ốc là tới đỉnh cột cờ. Ở đó tôi đã gặp một người cựu chiến binh già đang đứng lặng, ánh mắt xa xăm; gặp một đoàn bà con từ miền nam ra, cổ quàng khăn rằn nghiêm trang hát Quốc ca… Ngước nhìn lá cờ đỏ sao vàng đang tung bay nơi địa đầu Tổ quốc, tôi như đọc thấy, trong mỗi trái tim người đều trào dâng những xúc cảm thiêng liêng.