“Phải làm gì để tháo gỡ những “nút thắt” chính sách, hiện thực hóa giấc mơ an cư cho người lao động?” cũng là điều mà các đại biểu trăn trở.
Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021- 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 3/4/2023 đã đi được gần nửa chặng đường, song quá trình thực hiện lại đã và đang vấp phải nhiều điểm nghẽn, bất cập phát sinh.
Trong khi đó, ngoài đời sống, thị trường phân khúc nhà ở này đang khá “nóng”. Mới đây, một số cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội đã phải phát đi cảnh báo: Người dân cần bình tĩnh, tránh bị lừa bởi môi giới, "cò" thông tin không đúng sự thật, cũng không cần thiết phải vội vàng đi xin xác nhận tình trạng nhà ở (một trong những điều kiện để mua nhà ở xã hội) vì có nguy cơ phải làm lại sau khi sáp nhập xã/phường mới.
Thực tế cho thấy: Bên cạnh những vướng mắc gây khó khăn cho người có nhu cầu tiếp cận chính sách, ở phía các doanh nghiệp - chủ đầu tư cũng gặp phải không ít điểm nghẽn. Bởi thế, nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển nhà ở xã hội; kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, có cơ chế ưu đãi hơn, giảm bớt các trình tự, thủ tục để thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng phân khúc này, các đại biểu Quốc hội tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết để đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng ít nhất một triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030.
Sáng 20/5/2025, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Xây dựng Trần Hồng Minh đã trình bày trước Quốc hội Tờ trình dự thảo Nghị quyết, nhằm giải quyết những “nút thắt” trên, đồng thời bổ sung cơ chế, chính sách ưu đãi về nhà ở xã hội để góp phần nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, trong đó có cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là đối tượng chịu sự tác động của việc sáp nhập các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Góp ý, hoàn thiện hơn cho dự thảo, về phía Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng đã trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết. Theo đó, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tán thành việc Chính phủ đề xuất ban hành Nghị quyết thí điểm. Ông Hoàng Thanh Tùng cho rằng: Các chính sách được đề nghị trong dự thảo Nghị quyết đều là những chính sách mới, lớn, có tác động sâu rộng đến nguồn lực nhà nước, quyền, nghĩa vụ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhiều giải pháp đột phá rất thông thoáng, tuy cần thiết để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn nguy cơ sơ hở, lạm dụng dẫn đến tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Trước đó, Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị dự thảo Nghị quyết cần bổ sung quy định “giao Chính phủ có trách nhiệm xây dựng cơ chế phòng ngừa sơ hở, tiêu cực, tham nhũng, tránh việc trục lợi chính sách gây thất thoát, lãng phí nguồn lực, bảo đảm chất lượng xây dựng nhà ở xã hội”, nhưng dự thảo Nghị quyết lại chưa thể hiện nội dung này. Do đó, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị bổ sung quy định này vào dự thảo Nghị quyết; đồng thời, trong quá trình ban hành văn bản quy định chi tiết, đề nghị Chính phủ quan tâm thể hiện rõ các cơ chế kiểm tra, giám sát, hậu kiểm, xử lý vi phạm để thực hiện đúng Kết luận của Bộ Chính trị, là “Tăng cường cơ chế giám sát, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, triệt để phòng, chống lãng phí”.
Trao đổi bên hành lang phòng họp hay tại các cuộc thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội nêu ý kiến, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung các thông tin, số liệu cụ thể hơn để minh chứng cho các vướng mắc cần tháo gỡ hiện nay làm cơ sở đề xuất chính sách đặc thù. Cụ thể, đòi hỏi có đánh giá tác động đầy đủ và kỹ lưỡng hơn đối với các chính sách được thí điểm để bảo đảm cơ sở cho Quốc hội xem xét, quyết định, đặc biệt là về nguồn lực tài chính, nhân lực, điều kiện, khả năng bảo đảm thực hiện chính sách.
Trong đó, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp có một số ý kiến tập trung vào mấy vấn đề như sau: Tán thành việc thành lập Quỹ Nhà ở quốc gia (Điều 4 dự thảo Nghị quyết) với các lý do nêu tại Tờ trình của Chính phủ; Tán thành việc xác định đây là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách để bảo đảm rõ ràng về địa vị pháp lý, mô hình tổ chức của Quỹ; Cơ bản tán thành cơ chế đặc thù tại Điều 5 về việc giao chủ đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời giao chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội không thông qua đấu thầu.
Riêng nội dung Nhà nước hoàn trả tiền cho chủ đầu tư trong trường hợp chủ đầu tư có quyền sử dụng đất hoặc thỏa thuận nhận chuyển quyền sử dụng đất (khoản 2 và khoản 3 Điều 11), nhiều ý kiến trong Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội đề nghị cân nhắc thận trọng. Một số ý kiến đồng ý với nội dung này tại Dự thảo nhưng đề nghị quy định cần báo cáo, xin ý kiến cấp có thẩm quyền; đồng thời, cần quy định chặt chẽ thời điểm hoàn trả, có thể phải đến khi chủ đầu tư hoàn th ành dự án, tránh trường hợp chủ đầu tư vi phạm nghĩa vụ dẫn đến mục tiêu xây dựng nhà ở xã hội không đạt được, làm thất thoát nguồn lực mà Nhà nước đã hoàn trả.
Theo chương trình nghị sự, dự kiến, ngày 24/6/2025, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội. Nếu Nghị quyết được thông qua sẽ chính thức có hiệu lực ngay từ ngày 1/8 năm nay, thực hiện trong thời gian 5 năm.