Trong khuôn khổ phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn vừa ký ban hành Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính năm 2025 (thay thế Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030). Theo nghị quyết, ngân sách nhà nước bố trí kinh phí thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.
Trước đó, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương, ngày 12/4, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 60-NQ/TW Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Một trong những nội dung quan trọng là đồng ý chủ trương tổ chức chính quyền địa phương hai cấp: cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), cấp xã (xã, phường, đặc khu trực thuộc tỉnh, thành phố); kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện từ ngày 1/7/2025 sau khi Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (sửa đổi) có hiệu lực thi hành. Ban Chấp hành Trung ương cũng đồng ý số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố (28 tỉnh và sáu thành phố trực thuộc Trung ương); tên gọi và trung tâm chính trị-hành chính của đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sắp xếp được xác định theo các nguyên tắc nêu tại tờ trình và đề án của Đảng ủy Chính phủ; đồng ý sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã bảo đảm cả nước giảm khoảng 60-70% số đơn vị hành chính cấp xã.
Có thể nói, diện mạo mới của đất nước đã cơ bản được định hình, những điều kiện cần thiết để thực hiện công việc hệ trọng này cũng đã được tính toán chuẩn bị... Song, đi đôi với đó là những thách thức cần được hóa giải liên quan đến những lo lắng về nguy cơ phai nhạt bản sắc văn hóa, truyền thống địa phương hay những khó khăn “sát sườn” về thủ tục hành chính, phương án bố trí cán bộ sau sáp nhập... Việc khớp nối, “miết phẳng” những chỗ “cập kênh” giữa các đơn vị được sáp nhập về điều kiện sống, về hạ tầng kinh tế-xã hội… để tạo thành những thực thể thống nhất đòi hỏi thời gian và rất nhiều nỗ lực của cả hệ thống chính trị.
Một nền quản trị hiện đại đòi hỏi bộ máy phải tinh giản nhưng hiệu quả, có khả năng điều hành linh hoạt trong bối cảnh biến đổi nhanh chóng của thế giới. Sự chủ động trong cải cách hành chính, sắp xếp lại bộ máy nhà nước, từ Trung ương đến địa phương chính là yếu tố then chốt bảo đảm cho sự phát triển lâu dài và bền vững. Bên cạnh đó, việc này còn góp phần quan trọng trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân.
Trong bối cảnh hiện nay, nhiệm vụ đặt ra cấp bách chính là ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và khẩn trương xây dựng Đề án hướng dẫn của cấp có thẩm quyền, thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sắp xếp cấp xã theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết số 60-NQ/TW. Cùng với đó, triển khai tổ chức hoạt động chính quyền địa phương hai cấp bảo đảm đúng lộ trình, gắn với tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; giải quyết thủ tục hành chính bảo đảm không ngắt quãng và không gián đoạn...
Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh tinh thần thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy là “khoa học, đột phá, sáng tạo, bám sát thực tiễn và có tầm nhìn 100 năm”. Điều đó cho thấy, đây không chỉ là quyết sách nhất thời mà là một bước đi chiến lược trong lộ trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, quản trị quốc gia hiện đại.