Hiệp hội Công nghiệp Điện tử và Công nghệ Thông tin Nhật Bản (JEITA) dự báo rằng các nhà sản xuất chip hàng đầu của Nhật Bản đang cần tuyển thêm khoảng 35.000 nhân sự để đáp ứng nhu cầu mở rộng, vận hành các nhà máy bán dẫn, và con số sẽ còn tăng cao trong nhiều năm nữa. Trong bối cảnh đó, các quốc gia như Ấn Độ, Malaysia và Singapore cũng đang tăng tốc đào tạo nhân lực để giành vị thế trong ngành công nghiệp chiến lược này. Ông Nguyễn Vinh Quang cho rằng, đây là cơ hội vàng để giới trẻ Việt Nam tiến ra thế giới, khẳng định trí tuệ Việt trên bản đồ công nghệ toàn cầu.
Ngành bán dẫn là một trong 5 trụ cột công nghệ chiến lược của Tập đoàn FPT: “AI-Bán-Xe-Số-Xanh” (Trí tuệ nhân tạo AI-Bán dẫn-Công nghệ ô-tô số-Chuyển đổi số-Chuyển đổi xanh). Trong cuộc trao đổi gần đây, ông Quang đã chia sẻ về chiến lược đào tạo nhân lực, khát vọng đưa Việt Nam trở thành điểm sáng trong ngành bán dẫn thế giới và vai trò của FPT trong việc hiện thực hóa tầm nhìn này.
"Cứ khoảng 20 năm, Việt Nam đón nhận một cơ hội lớn về bán dẫn”
Phóng viên: Với nền tảng từ một kỹ sư vi mạch, ông có đánh giá thế nào về ngành vi mạch Việt Nam hiện nay?
Ông Nguyễn Vinh Quang: Nếu nhìn lại lịch sử ngành vi mạch bán dẫn ở Việt Nam, ta sẽ thấy: Cứ khoảng 20 năm thì Việt Nam sẽ đứng trước một làn sóng lớn với rất nhiều cơ hội.
Thế hệ các kỹ sư vi mạch điện tử đầu tiên của Việt Nam là các thầy cô, các anh chị kỹ sư thế hệ 7X, đầu 8X, tham gia vào ngành công nghiệp bán dẫn thông qua các chương trình đào tạo kỹ sư điện tử viễn thông tại các trường đại học lớn. Cột mốc đầu tiên cho ngành vi mạch Việt Nam là nhà máy Z181 trực thuộc Bộ Quốc phòng (thành lập năm 1979).
Tôi thuộc thế hệ kỹ sư vi mạch Việt Nam của “làn sóng thứ hai” - là những năm 2000, khi các tập đoàn nước ngoài bắt đầu mở văn phòng đại diện tại Việt Nam, lập các công ty thiết kế vi mạch (“design house”) và tuyển dụng kỹ sư Việt.
Các công ty tiêu biểu trong làn sóng này có: Renesas Design Vietnam (thành lập năm 2004), Arrives Technologies Vietnam (thành lập năm 2008), Active-Semi Vietnam (bắt đầu hoạt động tại Việt Nam khoảng năm 2004, tập trung vào thiết kế vi mạch bán dẫn). Thế hệ chúng tôi đã được học, được lắng nghe và truyền cảm hứng từ những người thầy, từ đàn anh, đàn chị đi trước.
Hãy nhìn vào những người Việt đã thành công trong ngành này, như cô Lê Duy Loan – nữ kỹ sư gốc Việt đầu tiên tại tập đoàn bán dẫn của Mỹ Texas Instruments, hiện đang là Senior Fellow của TI (chức danh tương đương Phó chủ tịch); cô Nguyễn Bích Yến - chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực vật liệu bán dẫn, nghiên cứu viên cao cấp của Tập đoàn Soitec Hoa Kỳ; cố Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Lương Mô - nhà khoa học kiệt xuất của Việt Nam trong lĩnh vực vi mạch và bán dẫn; Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Công Kha (đang công tác tại Nhật Bản), Giáo sư Lê Hạnh Phúc (chuyên gia tại Mỹ). Tôi có niềm tin lớn lao rằng những thế hệ kỹ sư vi mạch tiếp theo của Việt Nam không chỉ tiếp bước họ, mà còn tạo ra dấu ấn riêng.
Tới thời điểm hiện nay là giai đoạn những năm 2020, chúng ta lại đang đón tiếp một làn sóng mới, khi thế giới có những thay đổi lớn về địa chính trị, khiến Việt Nam đang có lợi thế để trở thành điểm đến hấp dẫn trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.
![]() |
Phóng viên: Đâu là lý do để ông trở về và lựa chọn FPT để phát triển sự nghiệp?
Ông Nguyễn Vinh Quang: Tôi bắt đầu làm việc tại FPT từ năm 2014, sau gần 10 năm làm tại một công ty khởi nghiệp của Mỹ. Người sáng lập công ty là anh Steven Huynh, một người Mỹ gốc Việt, từng làm tại một hãng thiết kế chip nổi tiếng ở Mỹ. Khi vào công ty, chúng tôi được đào tạo từ đầu, từng sang Thượng Hải, Trung Quốc làm việc cùng nhau.
Ngày ấy, đứng giữa bờ sông Hoàng Phố, nhìn những tòa nhà chọc trời phủ kín biển hiệu các công ty thiết kế chip trên thế giới mà không thấy bóng dáng một thương hiệu Việt Nam nào, chúng tôi tự hỏi: “Bao giờ người Việt mới có tên tuổi trong ngành này?”
Tôi chọn về FPT vì đây là nơi hội tụ đủ từ định hướng của lãnh đạo, đến tiềm lực để biến giấc mơ “Make in Vietnam” thành hiện thực. Chúng tôi tin rằng, người Việt không chỉ làm được tốt, mà còn có thể từng bước vươn tầm khu vực và thế giới. Đó là lý do FPT đầu tư nghiêm túc, bài bản vào bán dẫn.
Phóng viên: Những sản phẩm bán dẫn “Make in Vietnam” của FPT có khả năng thương mại hóa không, thưa ông?
Ông Nguyễn Vinh Quang: Có. Chúng tôi đã thiết kế thành công chip nguồn đầu tiên – “Make in Vietnam” – thiết kế tại Việt Nam, sản xuất ở nước ngoài. Đây là một dấu mốc quan trọng, khẳng định người Việt hoàn toàn có thể làm chủ các công nghệ, năng lực thiết kế và quy trình thiết kế sản xuất các sản phẩm bán dẫn.
FPT đang tập trung thiết kế các sản phẩm bán dẫn chất lượng cao. Chúng tôi tập trung vào dòng chip nguồn PMIC (Power Management IC), loại chip quan trọng trong các thiết bị điện tử, quản lý và phân phối năng lượng cho các thiết bị điện tử, đặc biệt trong các ứng dụng Internet of Things (IoT), thiết bị thông minh (smarthome devices) và thiết bị di động. PMIC giúp tối ưu hóa hiệu suất và tiết kiệm năng lượng của các thiết bị, bảo đảm hoạt động ổn định và bền.
![]() |
Một sản phẩm chip nguồn do kỹ sư bán dẫn của FPT thiết kế. |
Tới đây, FPT sẽ phát triển các dòng chip MCU, SoC, ứng dụng trong IoT, ô-tô, và AI, hướng tới xây dựng hệ sinh thái bán dẫn nội địa. Chúng tôi kỳ vọng mỗi kỹ sư chúng tôi đang đào tạo sẽ cùng nhau đóng góp vào ngành công nghiệp bán dẫn.
![[Video] Việt Nam hướng tới đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn đến 2030](https://image.nhandan.vn/200x130/Uploaded/2025/wkskxrwsxr/2025_04_14/viet-nam-huong-toi-dao-tao-50000-ky-su-3094-9572.jpg.webp)
[Video] Việt Nam hướng tới đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn đến 2030
Bán dẫn – Con đường lý tưởng để tài năng trí tuệ Việt Nam vươn ra thế giới
Phóng viên: Theo ông, ngành bán dẫn hiện nay đã thật sự hấp dẫn với giới trẻ Việt Nam? So với các nước đang phát triển, liệu chúng ta có lợi thế cạnh tranh?
Ông Nguyễn Vinh Quang: Bán dẫn là con đường lý tưởng để giới trẻ Việt Nam vươn ra thế giới. Các kỹ sư trẻ Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh so với các nước khác trong khu vực.
Thứ nhất, thế hệ trẻ Việt Nam có nền tảng rất tốt về các môn khoa học cơ bản như Toán, Lý, Hóa. Việt Nam thường xuyên nằm trong top 5 thế giới về thành tích Olympic Toán, Lý. Chương trình học phổ thông ở nước ta có thiên hướng STEM, nhấn mạnh tư duy phân tích và khoa học, tạo nền tảng lý tưởng cho ngành kỹ thuật cao như bán dẫn.
Thứ hai, người Việt Nam sáng tạo và giàu nhiệt huyết, có khả năng thích nghi nhanh với các công cụ công nghệ mới. Điều này giúp các kỹ sư trẻ nhanh chóng tiếp cận và học cách sử dụng các công cụ thiết kế vi mạch (EDA), các máy đo kiểm, máy Tester của các hãng bán dẫn nước ngoài.
Thứ ba, kỹ sư Việt có tính kiên trì và khả năng làm việc dưới áp lực cao. Các dự án vi mạch thường kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Tinh thần bền bỉ, không bỏ cuộc của người Việt là một lợi thế quan trọng để vượt qua các giai đoạn khó khăn trong phát triển sản phẩm.
Thứ tư, kỹ sư Việt Nam vẫn luôn khát khao, vẫn luôn cống hiến, luôn mong muốn phát triển bản thân để hướng tới mục tiêu phát triển các dòng chip "Make in Việt Nam".
Trong khi các nước phát triển như Nhật Bản, Mỹ đang thiếu hụt hàng trăm nghìn kỹ sư bán dẫn, thì Việt Nam – với đặc điểm dân số vàng, năng động – đang ở vị thế lý tưởng để đáp ứng nhu cầu này. Đây là thời điểm để các bạn trẻ biến “trí tuệ Việt” thành thương hiệu toàn cầu.
Phóng viên: Việt Nam đặt ra mục tiêu đào tạo được 50.000 nhân lực cho ngành bán dẫn. Điều này có phù hợp với thực tiễn nhu cầu của thị trường này hiện nay?
Ông Nguyễn Vinh Quang: Mục tiêu 50.000 nhân lực là bước khởi đầu đầy tham vọng nhưng đủ khiêm tốn. Hiện Việt Nam hiện có khoảng 5.000 kỹ sư thiết kế chip, chưa tính đến nhân lực đóng gói, kiểm thử (chỉ tính riêng Intel đã có hơn 1.000 nhân lực chuyên về đóng gói, kiểm thử). Việt Nam đang có trên 50 công ty thiết kế chip, nhu cầu tăng trưởng khoảng 15%-20% mỗi năm.
Ngành bán dẫn phù hợp với bạn trẻ Đông Nam Á nói chung và các bạn trẻ Việt Nam nói riêng. Thị trường châu Á-Thái Bình Dương đang đối mặt với sự thiếu hụt nhân lực lên đến 200.000 kỹ sư bán dẫn trong những năm tới. Ấn Độ và Malaysia hay Singapore cũng bước vào cuộc đua đào tạo.
Việt Nam có tiềm năng vượt xa con số 50.000, trở thành trung tâm nhân lực bán dẫn của khu vực. Hiện nay Chính phủ chúng ta đã nhận diện tầm quan trọng của lĩnh vực này. Nghị quyết 57 và dự thảo Luật Doanh nghiệp công nghệ số đều dành nhiều chính sách ưu tiên cho ngành bán dẫn: Miễn giảm thuế, ưu đãi đầu tư, hỗ trợ đào tạo... Đây là động lực để các địa phương và doanh nghiệp cùng chung tay phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ông Nguyễn Vinh Quang - Tổng Giám đốc FPT Semiconductor, Tập đoàn FPT có hơn 19 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế vi mạch (IC) và trong ngành công nghiệp bán dẫn. Với vai trò là nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bán dẫn FPT (FPT Semiconductor), ông đã dẫn dắt công ty từ một nhóm kỹ sư bán dẫn nhỏ trở thành một doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực bán dẫn tại Việt Nam với tầm nhìn "Chip Make in Vietnam, Made by FPT".
Ông đã mở rộng đội ngũ kỹ sư thiết kế bán dẫn của FPT tại Nhật Bản, nâng tổng số kỹ sư lên gần 120 người ở cả Nhật Bản và Việt Nam. Trước khi gia nhập FPT, ông Quang cùng đội ngũ thiết kế vi mạch đã phát triển thành công hơn 13 sản phẩm PMIC (chip nguồn) trong thời gian làm việc tại một công ty bán dẫn có trụ sở tại Thung lũng Silicon của Mỹ.
![]() |
FPT có lộ trình phát triển “hệ sinh thái FPT Chip Inside” cho các dòng chip ứng dụng nội địa. |
Thế giới đang thiếu hụt hàng triệu nhân tài bán dẫn: “Thời điểm vàng” cho bán dẫn Việt Nam khẳng định tên tuổi trên toàn cầu
Phóng viên: Ngày 28/4 vừa qua, tại sự kiện diễn đàn doanh nghiệp Việt Nhật chủ trì bởi Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru, FPT đã phối hợp cùng các tập đoàn hàng đầu trong việc cung cấp cung cấp giải pháp nguồn lực chất lượng cao tại Nhật Bản và để đào tạo kỹ sư bán dẫn trình độ cao tại Việt Nam, sẵn sàng tham gia các dự án lớn tại Nhật Bản và nhiều quốc gia khác. Lãnh đạo NISSO khẳng định: có thể nhận 10.000 nhân sự bán dẫn Việt Nam đi làm ngay. Chúng ta có tự tin về khả năng đáp ứng của nhân sự ngành bán dẫn Việt Nam với thị trường thế giới, đặc biệt là Nhật Bản?
Ông Nguyễn Vinh Quang: Tại diễn đàn Việt-Nhật vừa qua, FPT đã ký kết với các tập đoàn hàng đầu Nhật Bản như Restar Corporation – nhà phân phối về điện tử hàng đầu Nhật bản với doanh thu 350 tỷ yên năm 2024; NISSO Corporation – chuyên gia cung cấp nhân lực công nghệ cao, và MRIV - đơn vị nghiên cứu trực thuộc tập đoàn Mitsubishi tại ASEAN.
Các đối tác này không chỉ hỗ trợ FPT đưa kỹ sư sang làm việc tại các nhà máy mà còn đồng hành xây dựng các chương trình đào tạo “may đo” 3-6 tháng, sát với nhu cầu thực tế.
Việc cung cấp đội ngũ kỹ sư offshore từ Việt Nam là một phần quan trọng trong hợp tác này, cho thấy Việt Nam chúng ta không chỉ là điểm đến về gia công, đóng gói, mà đã bước vào giai đoạn tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu nhiều hơn bằng chất xám.
Chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tự tin rằng: Việt Nam đang từng bước xây dựng được lực lượng kỹ sư bán dẫn có năng lực cạnh tranh quốc tế, đặc biệt trong các mảng thiết kế vi mạch, đóng gói tiên tiến và kiểm thử bán dẫn – những lĩnh vực rất phù hợp với mô hình phát triển fabless và dịch vụ offshore mà thị trường toàn cầu, trong đó có Nhật Bản, đang rất cần.
Điểm đặc biệt là chúng tôi sẽ đưa các chương trình đào tạo tiên tiến từ Nhật Bản về Việt Nam, giúp sinh viên tiếp cận công nghệ mới nhất mà không cần ra nước ngoài. Thí dụ, mô hình hợp tác với NISSO, Restar cho phép FPT thiết kế khóa học dựa trên yêu cầu cụ thể của các tập đoàn Nhật, giúp sinh viên ra trường làm việc ngay. Đây là bước đi chiến lược để Việt Nam nhanh chóng lấp đầy khoảng trống nhân lực bán dẫn toàn cầu.
![]() |
FPT ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với các tập đoàn công nghệ hàng đầu Nhật Bản tại ”Diễn đàn hợp tác Việt Nam-Nhật Bản về công nghệ cao, chuyển đổi xanh và chất bán dẫn”. |
Phóng viên: Để tiến tới mục tiêu đào tạo được 50.000 nhân lực cho ngành bán dẫn, Trường Đại học FPT đã ngay lập tức mở chuyên ngành đào tạo về bán dẫn năm 2024 và đã tuyển sinh hơn 1.500 sinh viên. Được biết, FPT đặt ra mục tiêu sẽ đào tạo 10.000 nhân sự bán dẫn đến năm 2030. Đâu là sự khác biệt trong chương trình đào tạo của FPT để những kỹ sư bán dẫn có thể làm việc ngay sau khi ra trường, đáp ứng được cả thị trường nhân lực thế giới?
Ông Nguyễn Vinh Quang: Chúng tôi đã đặt ra mục tiêu đào tạo 10.000 nhân lực bán dẫn cho đến 2030 và con số này có thể mở rộng hơn nếu nhu cầu tiếp tục tăng như hiện nay. Đơn cử như trong năm đầu tiên, FPT đã tuyển được khoảng 1.000 sinh viên đại học theo học ngành này. Hệ cao đẳng hiện cũng có khoảng 500 sinh viên.
Điểm khác biệt lớn nhất trong đào tạo bán dẫn của FPT là tính thực tiễn và tốc độ cập nhật. Khác với mô hình đào tạo truyền thống, chúng tôi hợp tác trực tiếp với các tập đoàn và đại học hàng đầu thế giới để xây dựng chương trình sát nhu cầu thị trường.
Thí dụ, chương trình 2+2 với Đại học Á Châu (đơn vị đào tạo hàng đầu về bán dẫn tại Đài Loan, Trung Quốc) cho phép sinh viên học 2 năm tại Việt Nam và 2 năm tại Đài Loan (Trung Quốc) tiếp cận công nghệ tiên tiến. Chúng tôi cũng đang đàm phán với thành phố Yongin (Hàn Quốc) – nơi đã được chính phủ Hàn Quốc phê duyệt quy hoạch trung tâm chip lớn nhất Hàn Quốc, thu hút các tập đoàn lớn như SK Hynix, Samsung đầu tư xây dựng 6 nhà máy sản xuất chip trong vòng 25 năm, với tổng vốn đầu tư lên tới 360 nghìn tỷ won (khoảng 250 tỷ USD).
Mục tiêu của FPT là đưa chương trình đào tạo nhân lực bán dẫn theo tiêu chuẩn của các tập đoàn hàng đầu như Samsung, SK về Việt Nam. Sinh viên FPT được tham gia dự án thực tế ngay từ năm thứ hai, bảo đảm ra trường làm việc ngay mà không cần đào tạo lại. Mục tiêu là tạo ra đội ngũ kỹ sư không chỉ phục vụ Việt Nam mà còn đủ sức cạnh tranh tại các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ.
Đi để trở về – đó là tinh thần của các chương trình hợp tác đào tạo mà FPT xây dựng, tức là học cái hay ở nước bạn, rồi mang về Việt Nam để xây nền móng cho một ngành công nghiệp mới.
Việt Nam có nhiều tên tuổi lớn trong ngành bán dẫn thế giới. Và các bạn trẻ hoàn toàn tự tin mình sẽ trở thành người nổi tiếng trong thời đại tiếp theo.
Ông Nguyễn Vinh Quang
Như vậy, thông qua việc đưa các chương trình đào tạo bán dẫn từ các nước tiên tiến về Việt Nam, kết hợp với hợp tác đào tạo với nhiều trường đào tạo top đầu thế giới, các chương trình đào tạo bán dẫn của FPT sẽ gắn liền với thực tiễn để cung cấp được ngay nguồn nhân lực cho thị trường sau khi ra trường.
Chúng tôi mong trong số 100 người đào tạo, sẽ có nhiều bạn ra nước ngoài làm việc, phục vụ cho ngành bán dẫn toàn cầu. Khi các bạn có thành tích, chỗ đứng trong ngành sẽ có khoảng 10 người về Việt Nam xây dựng ngành bán dẫn trong nước là tín hiệu tích cực.
![]() |
FPT khai trương Trung tâm R&D về công nghệ cao và chip bán dẫn đầu tiên tại công viên phần mềm số 2 thành phố Đà Nẵng. |
Phóng viên: Ông muốn gửi gắm gì tới các bạn trẻ Việt Nam đang cân nhắc theo đuổi ngành này?
Ông Nguyễn Vinh Quang: Tôi muốn nói rằng: Đây là thời điểm vàng để người Việt bước vào sân chơi lớn, toàn cầu. Chưa bao giờ ngành bán dẫn Việt Nam đón nhận nhiều cơ hội và sự hỗ trợ như vậy, từ chính sách và tầm nhìn của quốc gia, cam kết hỗ trợ và nhiều ưu đãi của chính phủ Việt Nam, sự đồng hành và cam kết đầu tư của nhiều doanh nghiệp tập đoàn lớn cả trong và ngoài nước, cho đến hợp tác quốc tế, đặc biệt là với Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) – các quốc gia có nền công nghiệp bán dẫn phát triển hàng đầu.
Các bạn trẻ ngày nay không chỉ có điều kiện học tập mà còn có cơ hội được tiếp xúc với máy móc, thiết bị bán dẫn, được tham gia ngay từ đầu vào các dự án thiết kế chip "Make in Vietnam". Chính sự kết hợp giữa tầm nhìn dài hạn và môi trường thực tế như vậy sẽ thực sự tạo động lực cho các bạn.
Học bán dẫn không khó, cũng không đắt đỏ. Nếu bạn đang học ngành liên quan như điện tử, công nghệ thông tin, chỉ cần 6-12 tháng bổ sung kiến thức là có thể bước vào ngành. Hãy tự tin, bởi “trí tuệ Việt” đang được cả thế giới chờ đón. “Giấc mơ” thiết kế chip “Make in Vietnam” của những kỹ sư Việt Nam thế hệ 40 năm trước, hay 20 năm trước không còn là những hình dung mơ hồ nữa, mà đang từng ngày được viết tiếp bằng chính bàn tay và khối óc của những kỹ sư Việt – thế hệ của 20 năm tiếp theo và nhiều thập kỷ sau nữa, khi đất nước ta vươn mình đón kỷ nguyên mới.
Xin cảm ơn ông Nguyễn Vinh Quang!