Lạ kỳ miền đất giao thoa
Xuân Dương, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn là vùng đất kỳ lạ về giao thoa văn hóa. Là xã miền núi ở vùng cao, nhưng khu vực trung tâm xã chủ yếu là người Kinh dưới xuôi lên mở mang, sinh sống. Những bản làng cheo leo bên núi thì đông đảo cộng đồng dân cư Tày, Nùng và có cả những cô gái người Thái bén duyên về đây làm dâu. Giữa sự giao thoa ấy, hát Sli như một mạch nguồn văn hóa cần mẫn chảy như dòng Bắc Sen bao đời vẫn len lỏi, xanh mầu qua những bản làng.
Kỳ lạ hơn là phiên chợ tình ở vùng đất này. Phải chăng đi chợ tình là tìm người yêu? Chuyện xưa kể lại, ngày xửa ngày xưa, bên dòng Bắc Sen có đôi vợ chồng thương yêu nhau hết mực. Một ngày nọ, hai vợ chồng cùng ra đồng đi làm, chồng cuối ruộng, vợ đầu ruộng.
Chiều muộn, chồng cất tiếng gọi vợ thì chỉ nghe thấy tiếng mình vọng lại trong rừng núi. Vội vã chạy tới đầu ruộng, chỉ thấy dấu tích của cuộc vật lộn. Người chồng vất vả đi tìm, mãi sau mới biết, người vợ yêu đã bị bắt đi. Nàng đã chống trả quyết liệt, kêu cứu nhưng vì đám ruộng dài quá nên người chồng không nghe thấy để đến cứu.
Biết chuyện, cả làng ai ai cũng động lòng thương cảm. Thời gian dần trôi, sau này gặp lại, hai vợ chồng mừng mừng, tủi tủi nhưng không còn có thể quay lại với nhau vì đã yên bề gia thất.
Cảm động trước tình yêu của hai người, dân làng đồng ý cho hai vợ chồng có một ngày gặp gỡ, ôn lại chuyện xưa là ngày 25/3 âm lịch.
Kể từ đó, ngày này trở thành ngày diễn ra phiên chợ tình Xuân Dương độc đáo. Cứ ngày này, những người yêu nhau nhưng không đến được với nhau đến chợ tình để gặp nhau ôn lại chuyện xưa. Đám ruộng của đôi vợ chồng nọ được gọi là ruộng dài, từ này trong tiếng Tày là Nà Rì, sau đọc chệch thành Na Rì ngày nay.
Bên dòng Bắc Sen xanh, những nam thanh, nữ tú và cả những ông, bà cao tuổi đứng bên nhau hát giao duyên, đối đáp. Đó chính là hát Sli, những câu hát thổn thức làm nên “căn cước văn hóa” cho vùng Xuân Dương này và cũng là điểm nhấn quan trọng nhất của chợ tình Xuân Dương.
Tựa lưng vào dãy núi Nà Càng, thôn Nà Tuồng có tới hàng trăm ngôi nhà sàn cổ. Dưới mái nhà sàn, những chiều nông nhàn hay những đêm trăng, người già dạy hát Sli cho người trẻ. Câu Sli thổn thức, bay bổng trở thành sinh hoạt thường kỳ để rồi bùng cháy bên dòng Bắc Sen vào ngày chợ tình nối lại.
Cô gái Nùng Hoàng Thị Nơi ở Thiện Long, xã Bình Gia (Lạng Sơn) đi chợ tình Xuân Dương mà nên duyên chồng vợ, rồi về làm dâu ở Nà Tuồng. Cô khoe với chúng tôi những tấm vải chàm thơm mùi nắng. “Vải chàm để dệt áo chàm mặc đi hát Sli ở chợ tình”, cô nói. Không chỉ bén duyên chồng vợ, cô còn nên duyên với điệu hát Sli ở Xuân Dương. Cô học từ người già, biết hát và giờ hát hay có tiếng ở Nà Tuồng.
Cụ bà Lô Thị Mai đã trải qua biết bao phiên hát đối đáp bên dòng Bắc Sen. Cụ kể, Sli trong tiếng Nùng nghĩa là thơ. Hát Sli là hát thơ bằng hình thức đối đáp giữa một bên là nam và một bên là nữ. Thông thường, sẽ có người hát lĩnh xướng kiểu mở đầu. Người hát lĩnh xướng phải có giọng vang, trong và khả năng ứng đối khéo léo. Khi bên này vừa ngừng tiếng Sli hỏi thì bên kia cũng phải có người nhanh chóng cất lời hát để đáp lại. Điều đặc biệt là người hát tự phối bè với nhau, giao lưu, trình diễn theo một chủ đề, cốt truyện nhất định kết hợp với cử chỉ, điệu bộ của tay để diễn tả nội dung.
![]() |
Chị Hoàng Thị Nơi phơi vải chàm chuẩn bị cho may áo mới để đến chợ tình hát Sli. Ảnh: TUẤN SƠN |
Bên dòng Bắc Sen
Bên dòng Bắc Sen, hàng chục năm qua, Nghệ nhân Ưu tú Nông Văn Hồ say sưa truyền dạy cho lớp trẻ học hát Sli. Ông kể, ngay từ khi còn nằm trong nôi đã nghe mẹ hát Sli ru giấc ngủ. Rồi cứ thế, những điệu Sli thổn thức thấm dần vào lúc nào không hay, để rồi từ 16 tuổi ông đã biết hát Sli và cho đến giờ dù đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng niềm yêu hát Sli trong ông chưa bao giờ vơi cạn.
Không biết bao nhiêu lứa trẻ ở Xuân Dương này đã thành thục hát Sli nhờ “thầy” Hồ, bản thân ông cũng không nhớ nổi, chỉ biết chắc một điều, ai đến xin học ông đều truyền dạy với tất cả niềm say mê, yêu quý. Niềm mê mải ấy đem lại cho ông không chỉ sự yêu quý của cộng đồng, những người làm văn hóa mà còn được Nhà nước công nhận, phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú.
“Đi chợ tình mà không “quyện” vào câu Sli thì coi như chưa đến, chưa về Xuân Dương bởi lẽ người Xuân Dương từ lúc thấy ánh mặt trời cho đến khi rời cõi tạm đều có tiếng Sli thổn thức đi cùng. Hát Sli là điều thường ngày, cũng là nét độc đáo ở Xuân Dương này”, Nghệ nhân Nông Văn Hồ chia sẻ.
Theo Nghệ nhân Ưu tú Nông Văn Hồ kể, thuở trước, khi chưa nặng gánh về kinh tế, lớp cha ông hát Sli kéo dài từ 3 đến 8 đêm là chuyện bình thường. Thậm chí, thanh niên trẻ đi hát Sli giao duyên ở chợ tình còn giữ phương châm đi hát giao duyên bao giờ lấy được vợ mới về. Thành ra, có những người đi hát Sli nhiều cuộc trong cả tháng trời, bỏ bê cả việc đồng áng. Bản thân ông Hồ cũng đã có vài cuộc hát kéo dài tới 3 đêm. “Say mê lắm, không dứt ra được, cứ hát mà quên cả thời gian”, ông Hồ cười nói.
![]() |
Một cuộc hát Sli ngoài cánh đồng ở Xuân Dương. Ảnh: CÔNG LUẬN |
Là người con của quê hương Na Rì, cũng lớn lên bên những điệu hát Sli nên dù giờ đã là quản lý, giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhưng chị Hoàng Thị Dung vẫn nói say mê về Sli và luôn sẵn sàng cất lời hát Sli. “Hát Sli phổ biến ở đồng bào dân tộc Nùng nhưng gắn với chợ tình thì chỉ có ở Xuân Dương. Nhờ chợ tình nên hát Sli không chỉ còn là sinh hoạt văn hóa cộng đồng mà đã được nhiều du khách biết tới”, chị Dung chia sẻ.
Tuy nhiên, cũng như nhiều di sản văn hóa phi vật thể khác, đời sống hiện đại đang tạo nên nhiều áp lực, đe dọa tới sự tồn vong của hát Sli. Những người say mê, am hiểu như Nghệ nhân Ưu tú Nông Văn Hồ ngày càng vắng bóng. Những cây đa, cây đề của nghệ thuật hát Sli rời cõi tạm để lại nhiều “quãng đứt” trong mạch nguồn hát Sli. Dù cũng có nhiều người trẻ đam mê, nhưng hiện số lượng người biết nhiều, hay thực hành diễn xướng chủ yếu từ 45 tuổi trở lên.
“Hình thức dạy chủ yếu là truyền miệng trong khi lại chưa có sưu tầm, ghi chép, ký âm để bảo lưu theo phương pháp khoa học và có hệ thống dẫn đến khó phổ biến rộng rãi là điều rất đáng lo ngại”, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Kạn Hoàng Thị Dung trăn trở.
Một điểm độc đáo của hát Sli ở Xuân Dương đó là không gian diễn xướng không bị giới hạn mà luôn mở. Có thể hát ở ngoài trời trong các dịp chợ phiên, chợ tình, đôi khi lại chỉ là ở quán nhỏ ven đường, dưới tán cây già hoặc ven rừng, ven suối… Miễn là những người yêu hát Sli gặp nhau để đồng điệu cất lời.
Nhưng muộn còn hơn không và việc Bắc Kạn chỉ đạo bảo tồn bài bản đã giúp những điệu hát Sli hồi sinh. Năm 2021, hát Sli của người Nùng xã Xuân Dương được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Năm 2022, Câu lạc bộ hát Sli xã Xuân Dương ra đời với 37 thành viên. Đây là hoạt động nằm trong dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Lễ hội chợ tình Xuân Dương cũng được phục hồi và tổ chức nguyên bản.
Rời Xuân Dương khi chiều tà, bắt gặp những cô gái Nùng xinh xắn trở về nhà sau một ngày lao động vất vả nhưng vẫn khe khẽ hát những câu Sli mới thấy hát Sli ở vùng đất này quả tình độc đáo và có vô vàn tiềm năng để khai phá, phát huy. Nhất là khi Xuân Dương vẫn là xã lưu giữ nhiều bậc nhất những ngôi nhà sàn cổ ở Bắc Kạn và đang được định hướng để phát triển du lịch cộng đồng.