Lý Sơn, ánh mây và bọt biển

Chúng tôi đặt chân lên Cù Lao Ré (tên cổ của huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) vào đúng ngày mở đầu lễ hội đua ghe (mồng 4 đến mồng 7 Tết ). Lễ hội được xem là lớn nhất của cư dân vùng biển Quảng Ngãi nói riêng, Nam Trung Bộ nói chung. Dọc con đường bao biển, nhấp nhô hàng trăm chiếc ô cầm tay nhiều mầu sắc mà người dân cầm che nắng, đứng cổ vũ. Và ngoài khơi, vào 11 giờ 30 phút, nước bắt đầu lên ngấp nghé các lá cờ đua cắm mốc. Tiếng hò reo, tiếng kèn mô phỏng tiếng Ốc u nổi lên sôi động cả một vùng đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Ánh mây và lớp bọt biển đang cuộn lên từng lớp trước mắt kia, không chỉ là một cảnh tượng của thiên nhiên vùng đảo mà còn là một huyền tích dẫn lối cho người đất liền hiểu về một tiến trình địa chất, lịch sử và văn hóa sâu dày đến thế ở Lý Sơn.
0:00 / 0:00
0:00
Nụ cười du khách đến thăm đảo Lý Sơn.
Nụ cười du khách đến thăm đảo Lý Sơn.

Lắng trong trầm tích giao thoa

Đình làng An Hải - mái đình làng biển ngả rêu xám, đầy vết thời gian trên khắp công trình, hiện vật. Cát phủ đầy sân đình, dưới chân nghê. Là công trình di tích cấp quốc gia với đặc điểm phối thờ tiêu biểu cho giao lưu văn hóa Chăm-Việt, mái đình qua 6 lần trùng tu từ buổi đầu khởi dựng vào thế kỷ XIX như trầm mặc thêm. Ông từ họ Nguyễn đã 25 năm trông giữ nơi này đang chuẩn bị cho buổi lễ đua ghe, cho tôi biết đình làng An Hải thờ Ngu Ma Nương (Thánh Mẫu) hay còn gọi là Poh Yang Ina Nagar theo người Chăm và Thiên Y A Na theo cách gọi của người Việt. Nữ thần Poh được sinh ra do sự kết hợp ở ngoài biển khơi của bọt nước biển và ánh mây trời.

Mỗi bước chân trên đảo cho thấy dày đặc những di tích đình, chùa, miếu, dinh, lăng, nhà thờ, giếng cổ và rất nhiều nhà thờ họ, trong đó nhiều công trình được tạo dựng từ hàng trăm năm trên nền di chỉ hàng nghìn năm của văn hóa Sa Huỳnh. Những đình, miếu, nhà thờ họ… đặc trưng vùng biển với phổ mầu đa sắc, trong đó nổi lên sắc xanh lam và họa tiết sóng biển nối tiếp nhau trên đảo, tưởng không đếm xuể. Một hình ảnh đầy sức sống vào mùa xuân trên đảo là mầu cờ Tổ quốc rực đỏ khắp những ngôi nhà, ngõ phố, di tích. Điểm đặc biệt là cách treo cờ Tổ quốc ở Lý Sơn đa phần nằm chính giữa công trình, sát mái, trước hiên, tạo thành một bức tranh nền đỏ, sao vàng ấm áp đẹp lạ lùng trong không gian biển đảo.

Nhà thờ một chi họ Phạm nằm ở thôn Đông, An Hải là công trình chủ yếu bằng gỗ dựng từ những năm 1960 nổi lên trong xóm làng với hình ảnh lá cờ chính giữa. Người cháu đang quét nốt hiên nhà sạch sẽ còn ông nội ở trong gian trái đang loay hoay cài chiếc áo dài, kịp làm lễ hóa vàng tiễn các cụ. Ông Phạm Nhã (chi họ Phạm) nói với tôi rằng, nhà thờ họ Phạm thì lớn còn các nhà thờ chi họ thì nhỏ hơn. Không chỉ là không gian thờ họ, những ngôi nhà ở Lý Sơn nằm dọc theo những con dốc, những ngõ nhỏ tạo nên một địa thế không gian cư trú đặc trưng vùng biển đảo. Trong đó, mỗi sắc màu, hình ảnh không thể không gợi nhắc về lịch sử giao lưu văn hóa sâu dày. Cây nêu trước nhà gắn đầu chim phụng hoặc đầu cá chép là sự tiếp nối nghi lễ lâu đời “thượng điểu nghinh xuân” vừa đuổi tà ma, vừa đón chào năm mới an vui. Nhưng tôi cứ mê mẩn cái mầu xanh nước biển ở cánh cửa, hàng rào, mầu sơn, thậm chí là mầu rèm cửa. Một mầu rất đặc trưng trên họa tiết di sản văn hóa ở Lý Sơn. Mầu xanh đặc trưng của biển cả bao đời quanh những hòn đảo của Cù Lao Ré.

Bao nhiêu là câu hỏi giăng ra. Như khi bắt gặp di chỉ khảo cổ Xóm Ốc, di chỉ khảo cổ Suối Chình nằm trên đồng ruộng Lý Sơn với những chứng tích của một nền văn hóa cách nay trên dưới 3.000 năm. Lại nhớ đến những vò, bình, bát gốm, công cụ lao động bằng vỏ ốc, lọ sành… phát hiện ở Lý Sơn được trưng bày tại bảo tàng tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi, phô bày những sáng tạo đáng kinh ngạc của các lớp cư dân cổ nơi đây.

Toàn bộ đời sống trên đảo đã làm nên một sức hấp dẫn khó cưỡng. Tất cả đều có thể viết nên một câu chuyện về vùng đất lịch sử, văn hóa nơi sinh ra hải đội Hoàng Sa vẫn còn nguyên những ngôi mộ gió, đền, chùa ghi nhớ công ơn những người lính hy sinh vì biển trời Tổ quốc.

Lý Sơn, ánh mây và bọt biển ảnh 1

Mùa rêu trên đảo Lý Sơn.

Giữ xanh biển đảo

Có lẽ, bất kỳ người dân nào trên đảo cũng là một chứng nhân giữ đảo. Thật vậy, sự sống mà họ gieo trồng không chỉ là mưu sinh. Cuộc vật lộn với sóng gió không chỉ là nghề nghiệp. Bờ xa, tiếng ru của bà của mẹ, nhịp trống ngày hội đua ghe, lễ hội khao lề thế lính Hoàng Sa là tiếng gọi sâu thẳm để người dân gắn bó tự nhiên với đảo.

Anh Trung (sinh năm 1988) lái xe điện ở đảo, là người họ Lê ở An Vĩnh, đi biển từ năm 16 tuổi, từng đánh cá ở Hoàng Sa, Trường Sa. Trung kể, ra Hoàng Sa rồi Trường Sa, biển nhồi thuyền trồi lên dập xuống, nằm yên không được, phải có cây để chống, kẹp người lại. Tháng 10-11 biển động nhất. Nhưng biển động mà đi được thì vẫn đi. Tàu vỏ gỗ trọng tải 60-70 tấn, đánh cá bạc má, cá nục là chính. “Cá gì nó đứng thì mình đánh cá đó”. Trung còn bảo thêm, ở đây chủ yếu dùng lưới vây đêm (một kỹ thuật đánh cá phổ biến của ngư dân ta).

Nói đến Lý Sơn còn là nói đến những cánh đồng tỏi. Buổi sớm, có hôm sương từ phía núi tràn về trắng xóa như khói, dần phủ lên khắp cánh đồng. Nhìn màn sương khói nhẹ nhàng trườn vào như chiếc voan mỏng ấy, bỗng nghi ngờ hay là thuốc trừ sâu. Hớt hải mãi, hỏi người nông dân ở một cánh đồng khác phía bên kia đường thì là sương thật!

Cánh đồng còn chừng một tháng nữa thì được thu hoạch, thân tỏi xanh cao khoảng hơn 40 phân. Sớm tinh mơ trên đồng tỏi, hệ thống bơm nước tự động bắt đầu hoạt động, tạo nên cảnh tượng thú vị. Và “đất ruộng” phủ một lớp cát trắng có dấu vết những nhuyễn thể từ biển. Đất làm nên ruộng tỏi là sự pha trộn đặc biệt từ cuộc hôn phối đại dương và đất liền vùng biển đảo Lý Sơn. Trên dưới một mét sâu trong lòng đất kia có chỗ là đất thịt-hẳn là kết quả sau cuộc kiến tạo địa chấn phun trào núi lửa 25-30 triệu năm trước, trên đất thịt là thảm thực vật làm phân bón cho tỏi và phủ trên cùng là lớp cát với các nhuyễn thể biển. Ruộng tỏi xanh trên nền cát trắng và những chân ruộng mầu nâu, xám, đen, ghi của đá núi lửa, đá san hô điểm hoa văn. Một bức họa thiên nhiên không nói quá!

Người nông dân ra thăm ruộng tỏi đi xe máy nhưng không giày, dép, chân in dấu sâu vào cát. Tôi cứ đứng nhìn, có phải họ làm thành một thực thể gắn liền giữa con người và loài thực vật mà họ gửi gắm trong cuộc sinh tồn? Trong thân tỏi có biển rì rào, có ánh dương ấm áp, có những hạt cát lẫn trong bọt biển, lại có cả cái nóng bỏng của lớp đất bazan núi lửa… và có cả giọt mồ hôi bao đời của người dân.

Huyện đảo Lý Sơn có khoảng 320 ha đất trồng tỏi, tổng sản lượng tỏi tươi thu được khoảng 2.800-3.000 nghìn tấn/năm. Hiện cũng thấy xuất hiện trên đảo những ruộng tỏi hữu cơ với mong muốn tạo ra sản phẩm mang lại giá trị cao hơn cho người dân. Nhưng hơn 300 ha đất trồng tỏi của Lý Sơn không phải lúc nào cũng cho bội thu. Vì biển mang đến nguồn sinh dưỡng nhưng cũng mang đến nhiều thử thách. Chị Dương Thị Lại ở An Hải, có 5 sào tỏi, bảo năm nay được mùa, nhưng có năm mất mùa thì có khi mất trắng vì gió to tỏi hỏng. Quả thật, gió biển mạnh những khi trời bão có thể làm mất mùa tỏi, mất trắng luôn vì kỹ sư Nguyễn Văn Lợi ở Trạm Khí tượng Hải văn Lý Sơn bảo rằng, ở đây bão giật cấp 14 là thường.

Rời Lý Sơn, tôi cứ nghĩ trên những chồng lớp đất và cát biển, bọt nước và mây trời này là sự sinh sôi, tiếp nối và nảy nở mãi của đời sống. Những cuộc tạo sinh không ngừng là cách làm giàu mãi hương sắc một vùng đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Đây cũng là cách sâu rễ bền gốc để giữ gìn, bảo vệ biển trời quê hương.

Và không thể không nhắc tới nhà thơ Tế Hanh của quê hương Quảng Ngãi với những lời thơ da diết:

“Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới:

Nước bao vây cách biển nửa ngày sông.

Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng,

Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá…

Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ

Màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi,

Thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi,

Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá!”.