Sau khi sốt cao co giật, việc cháu T. bị mất khả năng kiểm soát đầu cổ, không thể lẫy, lật như trước cho thấy cháu có dấu hiệu của tổn thương hệ thần kinh trung ương. Đây là một trong rất nhiều triệu chứng thường gặp ở trẻ bại não.
Bại não là tình trạng bệnh lý tổn thương một hoặc nhiều phần của não bộ và không tiến triển theo thời gian, xảy ra trước 5 tuổi ở trẻ em, gây nên bởi các nguyên nhân trước sinh, trong khi sinh hoặc sau sinh. Trong y học cổ truyền, bại não được xếp vào chứng "ngũ trì" (năm chứng chậm): chậm mọc tóc, chậm mọc răng, chậm biết đi, chậm biết nói và chậm phát triển trí tuệ.
Bại não là một dạng đa tàn tật nặng nề, hiện đang đứng hàng đầu trong mô hình bệnh tật ở trẻ em. Việc phát hiện sớm, can thiệp phục hồi chức năng cho trẻ bại não sẽ giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội đồng thời góp phần giảm tỷ lệ tàn tật ở trẻ nhỏ, giúp trẻ bại não có thể hòa nhập vào cuộc sống bình thường.
Khi nỗi lo đột nhiên xuất hiện
Bé T. con của chị V.A ở Hưng Yên, được chẩn đoán bại não trẻ em đã điều trị được 3 tháng. Trước khi nhập viện, bé trong tình trạng cổ lưng yếu, cổ không mang nổi đầu, không lẫy hay không thể lật người được.
Theo lời kể của chị V.A, lúc 7 tháng tuổi, bé T. bị sốt cao kèm, co giật. Quá hoảng hốt, hai vợ chồng chị lập tức đưa con đến bệnh viện địa phương. Sau khi cắt sốt, bé tiếp tục được chuyển lên tuyến trên để điều trị. Tại đây, sau 9 ngày nằm viện, bé được chẩn đoán tổn thương não do thiếu ô-xy, hậu quả của cơn sốt co giật. Từ sau biến cố đó, bé mất hoàn toàn các chức năng vận động.
Sau 9 ngày nằm viện, bé được chẩn đoán tổn thương não do thiếu ô-xy, hậu quả của cơn sốt co giật. Sau biến cố, bé mất hoàn toàn các chức năng vận động.
Trước khi bị bệnh bé vẫn biết “hóng chuyện”, tự lẫy lật được nhưng sau khi sốt cao co giật thì toàn thân liệt mềm, tay chân không cầm nắm hay vận động như trước được. Vợ chồng chị V.A đã đưa con đến điều trị tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương với hy vọng con cải thiện được chức năng vận động đã bị tổn thương, giúp con hồi phục lại như trước.
![]() |
Hiện bé T. đã lẫy, biết bò, lực chân đạp khỏe, đầu cổ đã cứng hơn và giao tiếp mắt tốt hơn, biết nhận ra bố mẹ và người quen. |
Sau 3 đợt điều trị nội trú (mỗi đợt từ 20-22 ngày, giữa các đợt cách nhau nghỉ 7-10 ngày) tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương, bé T. giờ đã lẫy được, biết bò, lực chân đạp khỏe, đầu cổ đã cứng hơn và giao tiếp mắt cũng tốt hơn, biết nhận ra bố mẹ và người quen. Các bác sĩ cũng nhận xét cháu tiến triển rõ rệt trông thấy, cháu có thể đi và nói được trong thời gian tới.
Một trường hợp khác cũng được các bác sĩ đánh giá rất khả quan và mang lại kết quả rất tốt, đó là trường hợp của cháu B tại Hà Nội. Khi B. được 4,5 tuổi, mắc bại não từ nhỏ sau khi sinh. Gia đình đã đưa cháu đi điều trị bằng nhiều phương pháp nhưng hiệu quả chưa được như mong muốn. Mãi đến gần 3 tuổi mới đưa cháu đến Bệnh viện Châm cứu Trung ương thăm khám và điều trị.
“Sau gần 2 năm kiên trì điều trị, đến nay, B. đã tự đứng lên được và đang tập đi, biết nói được các từ đơn. Quá trình tiến triển bệnh của cháu làm các bác sĩ thực sự không ngờ tới, bởi kết quả ngoài mong đợi”, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Giám đốc Trung tâm Điều trị và chăm sóc trẻ Tự kỷ-Bại não, Bệnh viện Châm cứu Trung ương chia sẻ.

Trẻ tự kỷ và hành trình hòa nhập nhờ kết hợp y học cổ truyền
Hằng năm, bệnh viện tiếp nhận rất nhiều trường hợp trẻ mắc các chứng bệnh như bại não, tự kỷ, liệt vận động, rối loạn ngôn ngữ, chậm nói, chậm đi, chậm phát triển trí tuệ…
Độ tuổi các cháu đến khám thường gặp là từ 12-48 tháng tuổi nhưng cũng có trường hợp trẻ đến khám muộn, khoảng 5-6 tuổi. Những trường hợp này thường vì trẻ rất lâu chưa biết đi, chậm các kỹ năng tự nhiên, gia đình không biết hoặc không nghĩ đến việc đi khám.
Đây là những độ tuổi phát triển mạnh về thể chất và tinh thần, bao gồm có vận động, ngôn ngữ và trí tuệ. Ở độ tuổi này, các gia đình dễ phát hiện ra các dấu hiệu bất thường như trẻ kiểm soát đầu cổ kém, không lẫy lật được, không đi được hoặc không biết nói nên mới đưa con đi khám.
Chú ý những biểu hiện bất thường ở trẻ từ sớm
Triệu chứng thường gặp ở trẻ bại não chủ yếu là những rối loạn về vận động, thường là không ngồi hay không lẫy lật được hoặc không đứng, không đi được, chiếm khoảng 40-60%. Còn khoảng 10-15% các trường hợp có rối loạn về ngôn ngữ và nhận thức.
Theo các bác sĩ, tập phục hồi chức năng chỉ là một trong nhiều phương pháp điều trị. Để đạt kết quả điều trị như mong muốn cần kết hợp nhiều phương pháp, điều trị kết hợp giữa y học cổ truyền và y học hiện đại. Các phương pháp như châm cứu, thủy châm, xoa bóp bấm huyệt, cấy chỉ, tập vận động, tập giao tiếp, vật lý trị liệu, ngôn ngữ trị liệu… sẽ được áp dụng trong các liệu trình điều trị cho trẻ, giúp trẻ phục hồi các rối loạn một cách toàn diện mong muốn.
Chi phí điều trị bệnh tự kỷ và bại não tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương được Quỹ bảo hiểm y tế chi trả 100% nếu có giấy chuyển tuyến và có giá trị điều trị trong một năm.
Hiện nay, chi phí điều trị bệnh tự kỷ và bại não tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương được Quỹ bảo hiểm y tế chi trả 100% nếu có giấy chuyển tuyến và có giá trị điều trị trong một năm. Mỗi đợt điều trị cho trẻ kéo dài từ 20-22 ngày, giữa các đợt điều trị trẻ nghỉ từ 7-10 ngày.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Phương Thảo chia sẻ: “Về nguyên tắc điều trị, trẻ cần được phát hiện sớm, điều trị can thiệp sớm thì hiệu quả điều trị cao hơn, thời gian điều trị cũng ngắn lại. Việc kết hợp giữa y học cổ truyền với y học hiện đại sẽ giúp trẻ hồi phục nhanh hơn, toàn diện hơn. Tùy theo mức độ bệnh, mức độ tổn thương não hiệu quả điều trị cũng sẽ khác nhau và thời gian điều trị cũng khác nhau”.

Cần kết hợp y học hiện đại và y học cổ truyền trong đào tạo và thực hành y tế
Mỗi trẻ đến Trung tâm điều trị sẽ được áp dụng từ 6 đến 8 kỹ thuật, bao gồm: điện châm, thủy châm, nhĩ châm, xoa bóp bấm huyệt, cấy chỉ và tập vận động thụ động hoặc tập vận động chủ động, chiếu đèn hồng ngoại, ngôn ngữ trị liệu. Ngoài ra, bệnh viện còn kết hợp dùng thuốc y học cổ truyền, cho sắc thuốc, các chế phẩm thuốc đông y cho các cháu uống. Đa số các thuốc có tác dụng bổ can thận, kích thích tiêu hóa, hỗ trợ các cháu ngủ tốt hơn.
![]() |
Các phương pháp kết hợp giữa y học cổ truyền và y học hiện đại nhằm hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ. |
Chia sẻ cụ thể về các phương pháp, bác sĩ Thảo cho biết, tất cả các phương pháp kết hợp giữa y học cổ truyền và y học hiện đại đều nhằm hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ. Châm cứu giúp kích thích hệ thần kinh trung ương, kích thích phản xạ, thư cân giãn cơ, tăng tuần hoàn, phục hồi vận động, ngôn ngữ, nhận thức.
Thủy châm kết hợp tiêm thuốc vào huyệt nhằm tăng dẫn truyền thần kinh, điều chỉnh các cơ quan bị bệnh về trạng thái bình thường. Nhĩ châm tác động lên các điểm trên tai để cải thiện lưu thông máu ở các cơ quan bị bệnh..
Xoa bóp bấm huyệt giúp tăng lưu thông khí huyết, làm mềm gân cơ, giảm phù nề, hạn chế teo cơ và cứng khớp. Cấy chỉ đưa chỉ tự tiêu vào huyệt để kích thích thần kinh, hỗ trợ điều trị các chứng liệt do các nguyên nhân. Tập vận động giúp tăng sức cơ, giữ thăng bằng và nâng cao khả năng tự di chuyển của trẻ.
Ngoài ra còn điều trị kết hợp vật lý trị liệu, tập giao tiếp và ngôn ngữ cho trẻ bại não để tăng cường các kỹ năng bao gồm: kỹ năng tập trung, kỹ năng bắt chước, kỹ năng chơi đùa, giao tiếp bằng cử chỉ, tranh ảnh, kỹ năng xã hội, kỹ năng hiểu ngôn ngữ, kỹ năng diễn đạt bằng ngôn ngữ.
Dấu hiệu phát hiện sớm trẻ bại não:
Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Phương Thảo, để phát hiện sớm các dấu hiệu của trẻ bại não cần chú ý những nguy cơ xảy ra ở giai đoạn trước, trong và sau sinh.
- Nguyên nhân gây bại não trước sinh như: mẹ có tiền sử mắc bệnh lý mãn tính như tiểu đường, động kinh, tâm thần. Trong quá trình mang thai, mẹ mắc các bệnh như nhiễm virus như cúm, sởi, rubella… Cuối cùng là nguyên nhân trong quá trình sinh đẻ như trẻ ngạt, đẻ non, nhẹ cân (từ 1,2-1,5kg), đẻ forceps, sau khi sinh trẻ bị xuất huyết não, vàng da nhân, viêm não cũng có thể khiến trẻ mắc bệnh.
- Các dấu hiệu dễ phát hiện bại não đối với trẻ sau sinh gồm: phản xạ bú, nuốt rất yếu hoặc không làm được, cổ yếu mềm, không lẫy, không lật được. Theo quan niệm dân gian “3 tháng biết lẫy, 7 tháng biết bò, 9 tháng lò dò biết đi” nên khi trẻ 3 tháng mà chưa biết lẫy, cổ yếu hay lật ra sau cũng là dấu hiệu để nhận biết sớm đối với trẻ bại não.
- Thông thường, khi được 2-3 tháng tuổi trẻ sẽ biết “hóng chuyện”, phụ huynh cần lưu ý nếu không thấy dấu hiệu này ở trẻ.
“Trên thực tế, bại não là những tổn thương thần kinh trung ương ở một vùng hay nhiều vùng của não bộ nên điều trị cũng gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, việc áp dụng các phương pháp của y học cổ truyền và y học hiện đại trong việc điều trị bại não chủ yếu để phục hồi các chức năng bị tổn thương ở não gây ra các rối loạn về vận động, ngôn ngữ, trí tuệ”, bác sĩ Thảo chia sẻ.