Theo ông Nguyễn Cao Thắng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hải Dương: Trong nhiều năm liên tiếp, Hải Dương thuộc tốp 15 tỉnh có chỉ số cao về chuyển đổi số. Trung tâm dữ liệu DC của tỉnh đã đi vào hoạt động đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn của Bộ Khoa học và Công nghệ. Hiện có hơn 20 hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu của tỉnh, các sở, ngành đã và đang được cài đặt, vận hành tại Trung tâm Dữ liệu tỉnh. Về cấp độ an toàn thông tin, tỉnh Hải Dương năm 2024 được đánh giá đứng thứ 3 toàn quốc.
Đến nay, Hải Dương đã tích hợp được 543 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh cung cấp 1.960 thủ tục hành chính; trong đó có 335 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 664 dịch vụ công trực tuyến một phần, 961 dịch vụ cung cấp thông tin trực tuyến. Cổng dịch vụ công Hải Dương được xếp hạng đứng thứ 7 toàn quốc. Việc chuyển đổi số, nâng cao chất lượng các dịch vụ công nghệ thông tin, phát triển hạ tầng viễn thông hiện đại đi đôi với tăng cường thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Bà Trần Thị Hương, Giám đốc Bảo hiểm xã hội Hải Dương cho biết: Thời gian qua, đơn vị đã ứng dụng hiệu quả công nghệ số, sửa đổi quy trình nghiệp vụ thủ tục hành chính trên cơ sở kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ sở dữ liệu để cắt giảm chi phí, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi giao dịch. Kết quả, cuối năm 2024, toàn tỉnh có 1,76 triệu người có căn cước công dân, định danh cá nhân được đồng bộ với thẻ bảo hiểm y tế còn hiệu lực để đi khám, chữa bệnh, đạt tỷ lệ 99,67%. Tất cả 285 cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế thực hiện tra cứu thông tin bằng căn cước công dân với 3,2 triệu lượt tra cứu, trong đó có 2,89 triệu lượt tra cứu thành công phục vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip. Tỷ lệ người nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng bằng hình thức không dùng tiền mặt của tỉnh đạt hơn 93%; tỷ lệ nhận trợ cấp thất nghiệp đạt 100%.
Theo lãnh đạo ngành văn hóa, thể thao và du lịch, đến nay, Hải Dương đã thực hiện số hóa thông tin 170 di tích, trong đó có 4 di tích được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt. Thông tin về di tích được số hóa, du khách đến tham quan chỉ cần dùng điện thoại thông minh quét mã QR là có thể chủ động tìm hiểu toàn bộ nội dung liên quan về lịch sử hình thành, giá trị văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, đặc điểm lễ hội, phong tục tín ngưỡng của di tích. Công trình số hóa thông tin di tích có ý nghĩa quan trọng trong ứng dụng công nghệ số vào việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa, góp phần quảng bá thông tin, hình ảnh về các “địa chỉ đỏ”, di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh đến du khách trong và ngoài nước.
Năm 2024, tỉnh Hải Dương triển khai hơn 1.400 dự án đầu tư công. Trong quá trình thực hiện một số dự án, công trình vẫn còn hạn chế như việc lập, thẩm định tổng mức đầu tư, thiết kế, dự toán còn chưa sát thực tiễn; việc phân chia gói thầu, xác định giá gói thầu, thời gian thực hiện các gói thầu còn chưa phù hợp... gây khó khăn trong kiểm soát tiến độ, điều hành giải ngân vốn đầu tư công. Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm Công nghệ thông tin cập nhật, hoàn chỉnh phần mềm “Quanlydautucong.haiduong.info.vn” để có đầy đủ thông tin phục vụ chỉ đạo điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh đối với việc triển khai thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công; hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, các chủ đầu tư dự án trong quá trình cập nhật bảo đảm thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời. Phần mềm này được ứng dụng cho cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã tương ứng với 3 tầng dự án cấp tỉnh, huyện, xã. Đối với cấp tỉnh sẽ bao quát toàn bộ tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công triển khai trong toàn tỉnh; tiến độ triển khai, giải ngân của từng dự án cụ thể. Từ đó, lãnh đạo tỉnh sẽ giám sát, kịp thời chỉ đạo điều hành, giải quyết các khó khăn, vướng mắc đối với từng dự án…, qua đó đã thúc đẩy triển khai nhanh các công trình, dự án và giải ngân vốn đầu tư công.
Năm 2024, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh được giao thực hiện 66 dự án, công trình với nguồn vốn hơn 3.800 tỷ đồng. Từ giữa tháng 10/2024, đơn vị được Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh chuyển giao ứng dụng phần mềm theo dõi kế hoạch, tiến độ đầu tư công. Việc áp dụng phần mềm đã giúp đơn vị theo dõi kế hoạch, tiến độ đầu tư công kịp thời, chính xác đến từng dự án, công trình. Ông Lê Tiến Dũng, cán bộ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cho biết, với phần mềm này, tất cả thông tin về dự án như tổng mức đầu tư, kế hoạch vốn, vốn ngân sách Trung ương, vốn ngân sách địa phương, giá trị giải ngân… đều được cập nhật hằng ngày. Qua đó, đã giúp đơn vị nắm được tiến độ giải ngân nhanh hay chậm của từng công trình, dự án và đưa ra các giải pháp cụ thể để đôn đốc các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ.
Hiện nay, phần mềm theo dõi kế hoạch, tiến độ đầu tư công tỉnh đang quản lý, vận hành theo dõi khoảng 1.500 dự án đầu tư. Việc hoàn thiện xây dựng và đưa vào vận hành phần mềm theo dõi kế hoạch, tiến độ đầu tư công đã mang lại nhiều lợi ích, góp phần thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Tính đến cuối năm 2024, Hải Dương có 323 doanh nghiệp công nghệ số; 77 doanh nghiệp nền tảng số; 2.026 doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận, tham gia chương trình SMEdx25 (chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số). Tỉnh đang tính các giải pháp nhằm tập trung thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo tại các doanh nghiệp, nâng cao vai trò tiên phong của các doanh nghiệp công nghệ thông tin, truyền thông trong quá trình chuyển đổi số.