Trồng cây, xây dựng chờ đền bù từ dự án trọng điểm

Trong những tháng qua, tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi, nơi dự kiến tuyến cao tốc đi qua, người dân đã ồ ạt mua bán đất đai, trồng cây, tạo dựng tài sản để chờ hưởng lợi từ đền bù, giải phóng mặt bằng dự án trọng điểm này.
0:00 / 0:00
0:00
Chính quyền địa phương xã Ba Tô, huyện Ba Tơ kiểm tra tình trạng trồng cây chờ đền bù trên địa bàn xã.
Chính quyền địa phương xã Ba Tô, huyện Ba Tơ kiểm tra tình trạng trồng cây chờ đền bù trên địa bàn xã.

Theo Quyết định số 12/QĐ-TTg ngày 3/1/2025 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Quảng Ngãi-Kon Tum có chiều dài 136km và hoàn thành trước năm 2030. Để thực hiện dự án này, các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh triển khai các bước khảo sát, tiền khả thi dự án.

Trong những tháng qua, tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi, nơi dự kiến tuyến cao tốc đi qua, người dân đã ồ ạt mua bán đất đai, trồng cây, tạo dựng tài sản để chờ hưởng lợi từ đền bù, giải phóng mặt bằng dự án trọng điểm này.

Ồ ạt trồng cây, mua bán đất, rừng

Gần hai tháng qua, tại huyện Ba Tơ, nhiều thương lái, cá nhân từ các nơi về thôn, xã tìm mua đất vườn, đất rừng của người dân. Ở các xã Ba Động, Ba Cung, Ba Tô, Ba Vì, việc mua, bán đất nông nghiệp, vườn cây cũng nhộn nhịp khác thường.

Cuối năm 2024, hai anh em Phạm Văn Hiếu và Phạm Văn Đùn ở thôn Làng Xi 2, xã Ba Tô trồng rừng keo hơn 3.200 cây trên 1,5ha. Sau Tết, qua nhiều lời môi giới, anh Hiếu bán hơn 2.000 cây keo vừa trồng cho chủ mới. Hơn một tuần sau, anh Đùn cũng bán 1.200 cây keo non còn lại. Theo thỏa thuận, thương lái chỉ mua cây keo non và sẽ hoàn trả 1,5ha đất rừng sau khi thu hoạch. Và gần một tháng sau, rừng keo hơn 3.200 cây trên 1,5ha được trồng thêm hàng trăm cây huỳnh đàn non xen lẫn.

Người dân ở đây cho biết, cây keo và huỳnh đàn không thể trồng chung vì không phù hợp với điều kiện sinh trưởng và thu hoạch. Trưởng thôn Làng Xi 2 Phạm Văn Khách khẳng định: Huỳnh đàn và cây keo trồng chung là bất thường. Cây keo vài năm thu hoạch và dọn, đốt để trồng mới; trong khi đó, cây huỳnh đàn trồng hàng chục năm.

Hơn hai tháng qua, nhiều cơ sở kinh doanh, hộ dân ở huyện Ba Tơ tập kết, mua, bán cây giống các loại như keo, cau, huỳnh đàn... Các thương lái vào thôn, làng ở các xã để thỏa thuận trồng cây, xây công trình phụ trợ ăn chia đền bù với người dân. Không những trồng cây trên rẫy, vườn nhà, nhiều người lấn chiếm đường bộ, hành lang đường bộ để trồng cây chờ đền bù.

Theo anh Phạm Văn Thương ở xã Ba Dinh: “Ở đây nhà nào có tiền thì mua keo giống để trồng, nếu không có thì người bán cây cung cấp và thỏa thuận ăn chia với họ. Sau này trúng bồi thường thì hai bên chia tiền với nhau”.

Toàn xã Ba Tô, huyện Ba Tơ có bốn thôn, với 4.000ha rừng sản xuất, rừng phòng hộ. Sau khi có thông tin tuyến cao tốc Quảng Ngãi-Kon Tum sẽ qua địa bàn xã, nhiều hộ dân đã “bán non” vườn cây, rừng keo cho thương lái từ nơi khác đến.

Trong khi Ủy ban nhân dân xã chưa biết cao tốc đi qua khu vực nào, tỉnh, huyện chưa có văn bản, chưa triển khai thực địa thì người dân, thương lái đã thỏa thuận mua, bán đất, thâm canh vườn, trồng rừng đón đầu dự án.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ba Tô Phạm Văn Hiền

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ba Tô Phạm Văn Hiền cho biết: Trong khi Ủy ban nhân dân xã chưa biết cao tốc đi qua khu vực nào, tỉnh, huyện chưa có văn bản, chưa triển khai thực địa thì người dân, thương lái đã thỏa thuận mua, bán đất, thâm canh vườn, trồng rừng đón đầu dự án.

Dù tuyến cao tốc chưa triển khai nhưng nhiều cá nhân, cơ sở cây giống dựa vào bản đồ quy hoạch tuyến đường cao tốc Quảng Ngãi-Kon Tum từ nhiều năm trước, cột mốc cũ để tạo dựng tài sản, cơi nới hình thành công trình mới để trục lợi từ công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.

“Ở đây nhiều người tính xây dựng chuồng trại chăn nuôi, làm tường rào, công trình phụ của gia đình để sau này được đền bù. Không có tiền thì mượn hay vay làm rồi chờ đền bù trả sau”, anh P.V.D, xã Ba Động cho biết.

Cần có biện pháp ngăn chặn kịp thời

Trồng cây, xây dựng chờ đền bù từ dự án trọng điểm ảnh 2

Tình trạng trồng cây chờ đền bù ồ ạt tại nhiều nơi dự kiến có cao tốc Quảng Ngãi-Kon Tum đi qua.

Dự án cao tốc Quảng Ngãi-Kon Tum được đầu tư khoảng 44.355 tỷ đồng, với bốn làn xe, vận tốc từ 80-100km/giờ và thuộc nhóm dự án quan trọng quốc gia. Tuyến cao tốc qua địa bàn thị xã Đức Phổ và huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi với chiều dài 58km; qua hai huyện Kon Plông, Kon Rẫy và thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum với chiều dài 78km. Thực hiện Quyết định số 335/QĐ-BXD của Bộ trưởng Xây dựng, đến nay, Ban Quản lý dự án 85 lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, phối hợp với địa phương khảo sát, lập báo cáo tiền khả thi dự án.

Các ngành chức năng đang khẩn trương hoàn thành các thủ tục để sớm triển khai dự án cũng như thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tuyến cao tốc Quảng Ngãi-Kon Tum. Trong điều kiện sáp nhập hành chính cấp tỉnh, kết nối vùng thì dự án càng cấp thiết, quan trọng, được bộ, ngành Trung ương và các địa phương sớm triển khai.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ba Cung Phạm Văn Rạch: Từ sau Tết đến nay, nhiều người từ nơi khác đến mua đất, người dân trong xã trồng cây ồ ạt nhưng địa phương cũng khó ngăn cản vì chưa cắm mốc, chưa triển khai thực địa. Chính quyền địa phương tăng cường vận động nhân dân, kiểm tra, xử lý việc xây dựng trái phép.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ba Tơ Thành Minh Thuận khẳng định: Trước đây nhiều dự án chậm tiến độ do vướng đền bù, giải phóng mặt bằng vì người dân trục lợi, kiện cáo kéo dài. Vì vậy, huyện chỉ đạo các địa phương nắm tình hình trên địa bàn và mong muốn dự án sớm triển khai để quản lý chặt chẽ hơn.

Trước đây nhiều dự án chậm tiến độ do vướng đền bù, giải phóng mặt bằng vì người dân trục lợi, kiện cáo kéo dài. Vì vậy, huyện chỉ đạo các địa phương nắm tình hình trên địa bàn và mong muốn dự án sớm triển khai để quản lý chặt chẽ hơn.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ba Tơ Thành Minh Thuận

Những năm trước, khi tỉnh Quảng Ngãi thu hút đầu tư, triển khai dự án ở các khu kinh tế, khu công nghiệp, xây dựng nhiều công trình trọng điểm thì tình trạng người dân xây dựng công trình trái phép, cơi nới nhà cửa để hưởng lợi từ đền bù dự án cũng đã diễn ra. Vấn nạn này đã ảnh hưởng đến công tác giải phóng mặt bằng, thất thoát ngân sách, tiến độ dự án, hiệu quả đầu tư của Nhà nước, doanh nghiệp. Dự án cao tốc Quảng Ngãi-Kon Tum kết nối vùng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội sau khi sáp nhập đơn vị hành chính. Vì vậy, ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi cần có giải pháp hiệu quả.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền khẳng định: Dự án cao tốc Quảng Ngãi-Kon Tum thuộc nhóm dự án quan trọng quốc gia, phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội. Vì vậy, tỉnh sẽ chỉ đạo cơ quan, đơn vị và địa phương đánh giá hiện trạng đất, rừng trong phạm vi tuyến cao tốc đi qua để tránh tình trạng phát sinh, trục lợi từ dự án. Đồng thời, yêu cầu các địa phương vận động nhân dân, ngăn chặn tình trạng trồng cây, xây dựng chờ đền bù.