Các thế hệ "bậc thầy" khắc họa Bác
Như đông đảo mọi tầng lớp trong xã hội, giới mỹ thuật tạo hình nhanh chóng hòa cùng đội ngũ văn nghệ sĩ theo con đường cách mạng của Bác ngay từ những ngày đầu. Một thế hệ tên tuổi của các họa sĩ Trường Mỹ thuật Đông Dương, lớp họa sĩ tham gia kháng chiến, họa sĩ tài năng say mê sáng tác về Người bằng tất cả niềm ngưỡng mộ, kính yêu sâu sắc, cho ra đời nhiều tác phẩm nổi tiếng, như: Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc (sơn mài, Dương Bích Liên - tác phẩm được công nhận Bảo vật quốc gia), Hồ Chủ tịch cùng các em nhi đồng (khắc gỗ, Tô Ngọc Vân), Bác Hồ đi công tác (lụa, Nguyễn Thụ), Đêm nay Bác không ngủ (khắc gỗ, Nguyễn Nghĩa Duyện), Nhà Bác ở Phủ Chủ tịch (sơn dầu, Lương Xuân Nhị), Chân dung Bác (sơn dầu, Trần Văn Cẩn), Bác Hồ làm thơ ở Pác Bó (ký họa, Phan Kế An)…
Người đầu tiên vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp trong không khí cách mạng sôi nổi của Hà Nội những ngày tháng 10/1945 là Văn Giáo (1916-1996), một trong những họa sĩ thuộc thế hệ đầu tiên của nền hội họa cách mạng Việt Nam, cũng là người dành trọn cả cuộc đời thể hiện hình tượng Bác.
Có điều kiện được tiếp xúc trực tiếp với Bác; từng đến sống và vẽ ở những nơi Bác sống, làm việc như quê hương xứ Nghệ, Pác Bó, Cao Bằng...; bằng phương pháp trực họa giàu cảm xúc, những tác phẩm về Bác của Văn Giáo chạm đến trái tim đông đảo người Việt Nam, ghi dấu ấn sâu đậm trong nền mỹ thuật cách mạng. Đó là các tác phẩm: Chân dung Hồ Chủ tịch, Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập, Bác về thăm quê…,
Lịch sử mỹ thuật nước nhà còn mãi ghi câu chuyện xúc động về bức tranh vẽ Bác Hồ bằng máu của một thanh niên miền nam sau Cách mạng Tháng Tám, đó là họa sĩ, nhà điêu khắc Diệp Minh Châu (1919-2002). May mắn có được bức ảnh Bác khổ nhỏ cắt từ một tờ báo, ông cất kỹ trong ví, đặt trong túi áo ngực trái ngay tim mình; từ đó đi đâu cũng vẽ Bác.
Quê ở Bến Tre, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, Diệp Minh Châu tham gia cách mạng và sáng tác về cuộc sống, chiến đấu của quân dân Nam Bộ. Trước đó, nhân kỷ niệm năm thứ hai Ngày thành lập nước 2/9/1947, ông đã chích máu ở tay vẽ bức tranh Bác Hồ với ba em thiếu nhi ba miền bắc, trung, nam trên lụa, gửi tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh; kèm theo những dòng thư tha thiết tỏ lòng biết ơn “cha Hồ” đã giải phóng cho nghệ thuật của mình, đưa ông đến với cuộc đời cách mạng...
Giữa năm 1950, Diệp Minh Châu ra Việt Bắc nhận nhiệm vụ mới, may mắn được sống gần Bác, nghiên cứu rất kỹ diện mạo và tâm hồn của Người; đem hết tâm sức tìm tòi thể hiện, cho ra đời hàng loạt tác phẩm tiêu biểu, như Bố cục nhà Bác trên đồi (lụa), Bác làm việc ở nhà sàn Việt Bắc (sơn dầu), Bác câu cá bên bờ suối (sơn dầu), Ánh nắng trưa trước sân nhà Bác (sơn dầu).
Đặc biệt, ông làm rất nhiều tượng Bác, trong đó có tượng đồng Bác Hồ với thiếu nhi (đặt trước trụ sở UBND Thành phố Hồ Chí Minh vào dịp Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Bác).
Diệp Minh Châu là nhà điêu khắc thuộc thế hệ đầu tiên của nền điêu khắc cách mạng, nền điêu khắc hiện đại Việt Nam và cũng là nhà điêu khắc duy nhất được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 (năm 1996) cho cụm tác phẩm với phần lớn sáng tác về Bác: Tranh Hồ Chủ tịch và các cháu thiếu nhi bắc-trung-nam (vẽ bằng máu trên lụa - 1947); Bác Hồ bên suối Lênin (thạch cao - 1980); Bác Hồ với thiếu nhi (tượng đồng - 1993).
Trong hành trình cách mạng, đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được các họa sĩ khắc họa chân thực và sinh động ở nhiều thể loại, với sự đa dạng về chất liệu. Tuy bút pháp và phong cách sáng tạo khác nhau, nhưng các tác phẩm đều thể hiện sự giản dị, thanh cao; vẻ đẹp ngời sáng ở tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người.
Tiếp mạch nguồn sáng tạo
Tiếp nối những “bậc thầy” đi trước, các thế hệ họa sĩ sau này vẫn tiếp tục mạch nguồn sáng tạo về Hồ Chủ tịch, nhưng đa số ở thể loại tranh cổ động, in trên máy, sáng tác theo tư liệu với các chủ đề: Bác Hồ với thiếu nhi, bộ đội, công nhân, nông dân... Có thể thấy, thời gian qua các tác giả trẻ sáng tác về Bác không nhiều, khó khăn bởi không được trực tiếp vẽ Bác mà phải lấy cảm hứng từ tư liệu, sử dụng nhiều ngôn ngữ đồ họa, ít ngôn ngữ tạo hình,...
Trong bối cảnh đó, ở lĩnh vực điêu khắc vẫn có những nỗ lực tìm tòi của một số gương mặt trẻ, đó là các nhà điêu khắc Lê Lạng Lương, Khổng Đỗ Tuyền, giảng viên Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam cùng cộng sự.
Lê Lạng Lương cho biết, anh ít nhận lời các dự án tượng về Bác nếu thấy không có ý tưởng phù hợp, ấn tượng. Từng tham gia làm chung nhiều công trình tượng đài về Bác, trong đó một số công trình lớn được giải thưởng, như: Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên, Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang..., nhưng hai tác phẩm mà anh tâm đắc nhất là tượng Bác ở Phòng trưng bày Khu di tích Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An (năm 2021) và tượng Bác Hồ ở Tân Trào đang thực hiện, dự kiến hoàn thành vào dịp 19/8.
Tác phẩm về Bác trong Phòng trưng bày Khu di tích Kim Liên có kích thước vừa phải (cao 1,9m), được làm bằng chất liệu đồng. Trong cuộc đời, có hai lần Bác về thăm quê, lần đầu vào năm 1957, lần thứ hai và cũng là lần cuối vào năm 1961. Khi Bác ra đi quê hương vẫn nô lệ, khi trở về Bác đã là Chủ tịch nước, là công dân tự do, cũng là một người già trở về đứng trước bàn thờ của gia đình nhưng bố mẹ, anh em, họ hàng không còn. Từ cảm xúc đặc biệt đó, tác giả khắc họa hình ảnh Bác tay cầm điếu thuốc với gương mặt, ánh mắt rưng rưng, bước đi đầy dồn nén, tâm tư...
Vào những ngày này, tượng Bác Hồ ở Tân Trào do Lê Lạng Lương làm trưởng nhóm đang được khẩn trương thực hiện, dự kiến đặt tại quảng trường Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang dịp 19/8 nhân kỷ niệm 80 năm Ngày Quốc dân Đại hội Tân Trào.
Tượng cao 7,5m (tổng chiều cao 12m) bằng chất liệu đồng, khắc họa hình ảnh Bác trong bối cảnh đặc biệt: Bác ở lán Nà Nưa tháng 7/1945 - vào một thời điểm, đứng trước một quyết sách mang tính quyết định, thể hiện ý chí, quyết tâm của Đảng và dân tộc tiến hành Cách mạng Tháng Tám giành chính quyền (Bác nói với Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết dành cho được độc lập...”). Thời gian này sức khỏe Bác rất yếu, tưởng có lúc ra đi.
Hoàn cảnh tạo ra góc điêu khắc thú vị nhưng cũng khó. Với cảm hứng sáng tạo đến từ nhiều hướng (nghe kể chuyện, nghiên cứu tư liệu, đến những nơi Bác từng ở, tưởng tượng...), cuối cùng các tác giả đã tìm tòi, sử dụng ngôn ngữ điêu khắc đặc biệt để khắc họa hình ảnh một “ông Ké cách mạng” giản dị với áo nhuộm chàm, khăn vắt vai, tuy gày gò nhưng vẫn tinh anh, quắc thước...
Lê Lạng Lương chia sẻ, cái khó khi làm tượng Bác là ở chỗ có nhiều người đi trước đã thành công, vì vậy mình phải cố gắng để tìm ra điểm đặc biệt, có những sáng tạo mới, gây ấn tượng. Và nỗ lực của anh cùng đồng nghiệp đã đem đến những nét riêng giàu biểu cảm trong hình tượng Bác.
Theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, mỹ thuật nước nhà đang ở thời kỳ chuyển giao thế hệ những người sáng tác về Hồ Chủ tịch; điêu khắc tượng đài Bác vẫn tiếp tục dòng chảy với những cố gắng tìm tòi, thể nghiệm. Và thời gian gần đây, điểm mới của các dự án công trình tượng, tượng đài Bác là Hội đồng nghệ thuật có sự tham gia của nhiều nhà chuyên môn hơn trước; trực tiếp chọn, mời các tác giả có nhiều đóng góp, chuyên môn nghệ thuật tốt về đề tài này thay vì tổ chức các cuộc thi chọn mẫu như trước kia. Vì thế các công trình đơn giản gọn nhẹ về thủ tục và đạt chất lượng hơn.
Dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Bác, Tượng đài Bác Hồ về thăm quê do các nhà điêu khắc Lê Lạng Lương, Khổng Đỗ Tuyền và cộng sự thực hiện cũng vừa ra mắt; đặt tại Sân vận động Làng Sen, Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Tượng đài có kích thước lớn (thân tượng cao 7,9m) được đúc bằng đồng theo công nghệ hiện đại, thể hiện hình ảnh Bác giản dị, đầy tâm trạng trong lần về thăm quê năm 1961.
Thời gian qua, Bộ Công an đã chủ trì xây dựng một số tượng đài Bác tặng các địa phương, đơn vị. Cùng với tác phẩm Bác Hồ về thăm quê ở Nghệ An, tượng đài Bác Hồ ở Tân Trào cũng đang được khẩn trương hoàn thành để tặng tỉnh Tuyên Quang vào dịp 19/8 kỷ niệm 80 năm Ngày Quốc dân Đại hội Tân Trào; tiếp tục làm tượng Bác Hồ với ngày hội non sông tặng tỉnh Phú Thọ dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2026,...
Những công trình tượng đài về Bác không chỉ mang giá trị lịch sử, văn hóa-kiến trúc đặc sắc, mà còn là những “địa chỉ đỏ” nhằm tôn vinh, ghi khắc công ơn Người và góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.