Hơn 23 tấn báo in, hơn 400.000 tờ báo, hàng trăm đầu báo từ cuối thế kỷ 19 tới hiện tại – đó không chỉ là những con số ấn tượng, mà còn là di sản văn hóa sống động được ông Nguyễn Phi Dũng, kỷ lục gia người Nam Định, người say mê sưu tầm báo chí, lặng lẽ gây dựng suốt gần một thập kỷ qua. Hành trình đặc biệt ấy là câu chuyện về tình yêu chữ nghĩa, ký ức gia đình và khát vọng gìn giữ lịch sử cho cộng đồng, cho thế hệ mai sau.

Từ ký ức của cha đến kho báu nghìn cân

Hành trình với báo chí của ông Nguyễn Phi Dũng (sinh năm 1961) bắt nguồn từ những ký ức sâu đậm về người cha của mình. Cha ông, cụ Nguyễn Phi Hùng, một công chức đam mê sách báo từ thập niên 70 của thế kỷ trước, luôn có thói quen mua báo về đọc và sau đó đóng cẩn thận thành từng tập để lưu giữ.

Ông Dũng nhớ rõ hình ảnh cha mình ngồi cặm cụi bên những chồng báo cũ, cẩn thận dùng kim chỉ đóng lại từng trang báo. Những năm đó, dù cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng cụ Hùng vẫn giữ thói quen lưu trữ sách báo như một cách trân trọng chữ nghĩa và tri thức.

“Những năm 70 đến 80, cha tôi đi mua những tờ báo để đọc, đọc xong cũng đóng thành quyển. Nhưng ông chỉ thích một số thể loại thôi, chẳng hạn như sức khỏe, khoa học thường thức, toán học, đời sống, tuổi trẻ, văn nghệ… Đọc xong thì ông đóng lại thành các quyển tập, có rất nhiều quyển nhưng ông lại bán đi… để có tiền mua báo mới”, ông Dũng chia sẻ đầy xúc động.

Lúc đó, ông Dũng có nói đùa: "Bố đừng bán nữa, nếu bán, ông bán cho con". Tưởng thật, ông cụ bảo bảo: "Ngày xưa không có tiền, năn nhiều khi còn chưa đủ nên phải bán báo cũ để mua báo mới. Chứ bây giờ no đủ rồi, không bán nữa, sau bố để lại cho con cả".

Những tập báo vuông vắn đã in đậm vào tiềm thức ông Dũng. Một lần tình cờ, ông thấy trên mạng có người bán những tập báo giống như cha ông từng sở hữu.

“Lúc đó tôi quyết tâm mua lại để giữ gìn ký ức ấy. Tôi tự nhủ: Đã thế mình phải mua lại, bù vào những gì cha đã bán. Chỉ là suy nghĩ đơn giản như vậy thôi. Cha tôi đã mất vào năm 2020, nhưng trước đó tôi đã bảo cha đừng bán nữa, mà nếu có bán, hãy bán cho con”, ông Dũng kể lại trong niềm hoài niệm sâu sắc.

Năm 2016, sau khi xây dựng xong tòa nhà riêng, ông Dũng mới thực sự bắt tay vào công việc sưu tầm báo chí. Niềm vui ban đầu đơn giản chỉ là cảm giác được "sống lại" tuổi thơ bên cha mình. Thế nhưng, từ niềm vui nhỏ ấy, ông Dũng dần dà mở rộng phạm vi sưu tầm ra nhiều đầu báo cổ, quý hiếm từ khắp nơi trên cả nước.

Nói về phương pháp sưu tầm, ông Dũng cho biết: “Tôi có khá nhiều nguồn. Tôi sưu tầm đến nay đã 9 năm, khối lượng bộ sưu tập đã lên tới gần 22 tấn. Ban đầu mua dần ít một, mua xong thì cảm thấy như bị ‘nghiện’, ham muốn là gặp bất cứ báo gì cũng mua. Từ 2016 đến 2019 tôi mua được 7 tấn báo. Sau này dần có tiếng, nhiều người quen ở khắp cả nước mời chào tôi mua báo. Từ 2019 đến nay, tôi có thêm 15 tấn báo”.

Tôi có khá nhiều nguồn. Tôi sưu tầm đến nay đã 9 năm, khối lượng bộ sưu tập đã lên tới hơn 23 tấn. Ban đầu mua dần ít một, mua xong thì cảm thấy như bị ‘nghiện’, ham muốn là gặp bất cứ báo gì cũng mua...
Nhà sưu tập Nguyễn Phi Dũng

Vốn là người hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nên ông Dũng cũng rất nhanh nhạy, kết hợp nhiều yếu tố công nghệ liên lạc để thu thập số lượng báo lớn như vậy.

Không ngần ngại khó khăn, ông Dũng chủ động tìm đến các làng giấy tái chế nổi tiếng ở Bắc Ninh, Hà Nội, và thậm chí tận TP Hồ Chí Minh để săn lùng những tờ báo quý giá trước khi chúng bị nghiền nát thành bột giấy.

Những cuộc hành trình xa xôi, không ít lần rủi ro ấy, lại trở thành niềm đam mê không thể dứt của ông. Có khi chỉ nghe tin ở đâu đó có người bán báo cũ, ông lập tức lên đường, bất kể ngày đêm, chỉ mong mang được những tờ báo quý trở về.

“Khi tìm được một tờ báo hiếm, tôi luôn cảm thấy trong cơ thể có một cảm giác vui sướng rất đặc biệt. Nó như một chất gây nghiện, nhưng là nghiện một cách tích cực. Chính cảm giác đó đã thôi thúc tôi tiếp tục hành trình sưu tầm, không ngừng nghỉ”, ông chia sẻ chân thành.

Trọn hai tầng trong căn nhà nằm giữa con phố trung tâm thành phố Nam Định của ông, đáng lẽ có thể dùng vào mục đích thương mại, nay hoàn toàn được chuyển đổi mục đích sử dụng thành nơi lưu giữ và trưng bày báo chí. Trong hai tầng nhà ấy, từng cuốn báo được ông phân loại kỹ lưỡng, cẩn thận đóng thành từng tập, đánh dấu theo năm, theo quý để thuận tiện cho việc tra cứu.

“Tôi luôn nghĩ rằng, mỗi tờ báo là một chứng nhân lịch sử, ghi lại chân thực những sự kiện, bối cảnh xã hội tại thời điểm xuất bản. Chính vì vậy, tôi muốn bảo quản chúng một cách tốt nhất để thế hệ sau có thể tiếp cận được nguồn tri thức này một cách trọn vẹn nhất”, ông tâm sự.

Với ông Nguyễn Phi Dũng, mỗi tờ báo không chỉ là hiện vật giấy mực cũ kỹ, mà còn là một phần ký ức sống động, là trách nhiệm ông tự đặt lên vai mình trong việc bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc, phục vụ cộng đồng cũng như để lại cho thế hệ mai sau.

Ông Nguyễn Phi Dũng bên kho tàng báo chí đồ sộ của mình.

Ông Nguyễn Phi Dũng bên kho tàng báo chí đồ sộ của mình.

Báo được phân loại thành các thư mục để tiện việc tìm kiếm, tham khảo.

Báo được phân loại thành các thư mục để tiện việc tìm kiếm, tham khảo.

Kho báo của ông Nguyễn Phi Dũng hiện được đặt tại hai tầng của ngôi nhà riêng ở số 595 Trường Chinh, thành phố Nam Định, với diện tích sử dụng khoảng 300m2 (Tầng 3 là nơi lưu trữ các báo mới, còn những bản quý hiếm thì được giữ trên tầng 4).

Đây là không gian được ông cải tạo thành kho lưu trữ chuyên biệt, dành trọn để gìn giữ gần 22 tấn báo in, tương đương hơn 400.000 tờ, trong đó có khoảng 100 đầu báo xuất bản trước năm 1954. Toàn bộ kho báo được ông phân loại cẩn thận theo từng giai đoạn lịch sử: trước 1954, từ 1954 đến 1975, từ 1975 đến 1990 và từ 1990 đến nay.

Những tờ báo quý hiếm được bọc trong túi ni-lông zipper, đặt vào thùng nhựa có nắp khóa để hạn chế ẩm mốc và mối mọt. Hệ thống bảo quản hiện đại với điều hòa nhiệt độ, máy hút ẩm, ánh sáng mức thấp được duy trì thường xuyên nhằm bảo đảm điều kiện tối ưu cho giấy in.

Các tập báo được sắp xếp khoa học trên giá sắt, chia theo năm, quý để tiện tra cứu.

Trong bộ sưu tập có gần 20 tờ báo đầu tiên (số 1) như: Tờ Cờ Giải Phóng (Cơ quan tuyên truyền cổ động Trung ương của Đảng Cộng sản Đông Dương) phát hành ngày 10/10/1942; tờ báo Cứu Quốc, số Xuân năm Quý Mùi, xuất bản ngày 5/1/1943; tờ Gia Định báo (xuất bản số đầu tiên năm 1865 ở Sài Gòn); Phụ nữ tân văn (xuất bản số đầu năm 1929 ở Sài Gòn)...

Tạp chí Giáo dục Nhân dân số 1.

Tạp chí Hình ảnh Việt Nam số 1.

Những cuộc “săn” báo và sự gắn kết gia đình

Không phải tất cả các tờ báo đều đến với ông Nguyễn Phi Dũng một cách dễ dàng. Có những ấn phẩm ông phải theo đuổi suốt nhiều năm, với số tiền không nhỏ và cả những nỗi lo nó sẽ thất lạc khỏi đất nước.

Như khi kể về tờ "Cờ Giải phóng" số 1 (xuất bản ngày 10/10/1942), ông vẫn chưa hết xúc động: “Đây là tờ duy nhất còn lại ở Việt Nam. Tôi phải mua kèm với 4 tờ báo khác với giá 50 triệu vào năm 2022”.

Tờ báo ấy không chỉ đặc biệt vì sự hiếm hoi, mà còn bởi tính biểu tượng của nó. “Tra trên mạng thì không ai biết tờ số 1 có hình thù ra sao. Bản thân Thư viện Quốc gia cũng chưa từng sở hữu. Họ đã có 32 số nhưng lại thiếu số đầu tiên. Tôi hiểu rằng nếu không nỗ lực tìm kiếm thì chắc chắn nó sẽ bị thất lạc ra nước ngoài”.

Nhưng còn một lý do nữa khiến ông kiên quyết săn bằng được: Tờ báo lại do đồng chí Trường Chinh – người cùng quê Hành Thiện với ông – phụ trách. Ông cảm thấy đây là tờ báo của lịch sử, của quê hương, của Đông Dương Cộng sản Đảng. Không thể để nó rơi vào quên lãng.

"Thực ra, trong giới sưu tầm báo chí, những tờ càng hiếm thì càng khiến người ta khao khát được sở hữu. Có những tờ báo, khi mình đã biết đến sự tồn tại của nó rồi, chỉ cần nhìn thấy là lập tức muốn có được bằng mọi cách”, ông nói.

Trong số các tờ báo khiến ông phải trăn trở nhiều năm, có “Nỗ Lực” – một ấn phẩm xuất bản tại Nam Định năm 1946. Chủ nhân tờ báo là một nhà sưu tầm trẻ tuổi. Khi biết ông Dũng quan tâm, anh ra điều kiện đổi lấy một chiếc đài cổ trị giá hơn 20 triệu đồng.

“Tôi tiếc lắm, nhưng không thể nhận mức giá quá cao ấy, vì nếu tôi chấp nhận, mặt bằng giá của giới sưu tầm sẽ bị đẩy lên”. Ông đề nghị 5 triệu thì bị từ chối. Vài tháng sau, anh cần tiền, chủ động gọi lại. Và rồi, ông Dũng cuối cũng đã có được tờ báo ấy, không phải bằng tiền, mà bằng sự kiên nhẫn và chân thành.

Giá trị báo chí không nằm ở thương mại, ông Dũng khẳng định điều đó: “Báo chí không giống đồ cổ. Có những tờ mang về rồi, để đó mãi không ai hỏi đến. Nhưng cũng có tờ, như “Gia Định báo” thì không thể bán, dù có người trả 20 triệu đồng. Vì sao ư? Vì đó là một phần lịch sử”.

Nhà sưu tầm Nguyễn Phi Dũng kể về cơ duyên và quyết tâm sưu tập bằng được tờ Cờ Giải phóng số 1.

Nhà sưu tầm Nguyễn Phi Dũng kể về cơ duyên và quyết tâm sưu tập bằng được tờ Cờ Giải phóng số 1.

“Báo chí Việt Nam tính đến nay đã có lịch sử gần 160 năm, kể từ khi tờ Gia Định báo ra đời năm 1865. Dù xuất hiện muộn hơn so với nhiều nước trên thế giới, nhưng báo chí Việt Nam lại mang những đặc điểm rất đặc thù, phản ánh quá trình phát triển gắn chặt với lịch sử chính trị-xã hội của đất nước.

Ngay từ khi Pháp mới đặt chân đến Việt Nam năm 1858, chỉ vài năm sau, báo chí đã bắt đầu xuất hiện. Điều đặc biệt là tờ Gia Định báo, dù ra đời trong bối cảnh thuộc địa, đã sử dụng ngay ngôn ngữ tiếng Việt – đó là một dấu mốc rất quan trọng”, ông Dũng nhấn mạnh.

Còn những tờ như "Nông cổ mín đàm", "Đăng cổ tùng báo" trong bộ sưu tầm của ông Dũng đều ra đời rất sớm, rất hiếm. Giá mỗi tờ có thể từ 4 đến 6 triệu đồng. Với những hiện vật như vậy, nếu thật sự đam mê thì người sưu tầm phải chấp nhận trả giá cao mới có thể sở hữu được.

Ông nhận định: Báo chí hiếm khi là món hàng trao đổi có lời. Nó có giá trị tinh thần, văn hóa hơn là giá trị thương mại. Chỉ một số tờ báo đặc biệt, gắn với sự kiện lớn hoặc mang giá trị lịch sử sâu sắc thì mới có thể gọi là “có giá” theo nghĩa thị trường.

Đôi khi, những món quà không tên cũng đến đầy bất ngờ. Một ngày, ông nhận được cuộc gọi lạ: “Anh ơi, anh có phải anh Phi Dũng sưu tầm báo đúng không? Cho em địa chỉ, em gửi tặng vài tờ báo. Xong rồi anh cứ xóa số em đi cũng được”.

Người lạ cúp máy. Một thời gian sau, báo tới thật, kèm lời nhắn ngắn gọn. Ông không thể gọi lại số máy trước đó để cảm ơn, nhưng vẫn luôn ghi nhớ: “Người ta thực sự có lòng tốt, nhưng không phải tốt với tôi, mà với quan niệm rằng tặng báo sẽ góp phần vào kho lưu trữ để bảo quản. Đó là việc tốt cho xã hội”.

Song song với những gian truân của việc săn lùng báo là một thử thách không nhỏ: Sự hoài nghi và phản đối từ chính gia đình ông.

Thời gian đầu, vợ ông không khỏi lo lắng khi thấy chồng tiêu tốn tiền bạc để thu gom những tập giấy cũ kỹ. “Vợ tôi bảo tôi đang đốt tiền vào mớ giấy lộn. Mỗi khi thấy báo chất đầy nhà, bà lại lắc đầu”. Cả con gái và con dâu cũng không mấy mặn mà.

Thế nhưng, khi báo chí truyền hình tới đưa tin, các thành viên trong gia đình mới nhận ra ý nghĩa thực sự đằng sau công việc tưởng như kỳ quặc ấy. Sự ghi nhận từ cộng đồng đã làm thay đổi suy nghĩ của họ. Dần dần, những người từng phản đối lại trở thành đồng minh. “Giờ cả nhà thành đội hậu cần - những người ‘đồng lõa’ của tôi”, ông cười nhẹ.

Minh chứng rõ nhất là cuộc sưu tầm đặc biệt vào năm ngoái: 63 tờ báo của 63 tỉnh, thành phố đều có bài viết liên quan đến lễ tang cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Một dự định tưởng chừng bất khả thi. Nhưng cả nhà đã cùng bắt tay thực hiện. Vợ ông - người từng gay gắt phản đối, lại là người đầu tiên nhắn hỏi bạn bè, thậm chí liên hệ với lãnh đạo tỉnh Hòa Bình - một người bạn cũ để xin báo. Con gái ở Đà Nẵng viết thư cho tòa soạn báo tỉnh xin lại báo. Con dâu cũng hỗ trợ tương tự, viết thư đến tòa soạn các tỉnh còn thiếu để xin thêm.

Từ những ngày đầu báo chất hàng đống, đến nay khi kho lưu trữ đã gần 22 tấn, ông Dũng không chỉ đi một mình. Gia đình ông, từ chỗ không hiểu,  không đồng tình, nay đã trở thành "đội hậu cần" đắc lực nhất. Và có lẽ, đó là điều ông trân quý hơn cả những tờ báo quý hiếm nhất trong đời.

Giấc mơ số hóa ký ức báo chí

Với khối lượng hơn 400.000 tờ báo được sưu tầm, ông Nguyễn Phi Dũng đã chính thức được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) xác lập kỷ lục là người sở hữu bộ sưu tập báo chí lớn nhất Việt Nam, vào ngày 21/6/2024.

Nhưng điều khiến ông trân trọng hơn cả là sự ghi nhận này không đến từ mối quan hệ hay tài chính, mà thông qua quá trình thẩm định nghiêm túc, khách quan.

"Họ cử cả đoàn chuyên môn về tận nơi kiểm tra, yêu cầu thống kê chi tiết, đối chiếu với tư liệu báo chí, video đã phát sóng… rồi mới quyết định xác lập. Tôi thực sự biết ơn vì sự thẩm định ấy, nó minh chứng cho sự nỗ lực thực chất, chứ không phải hình thức", ông nói.

Nhưng với ông Dũng, hành trình vẫn chưa dừng lại. Ông đang tính đến việc tiếp tục làm hồ sơ để xin xác lập kỷ lục khu vực Đông Nam Á hoặc Châu Á. “Kỷ lục thế giới thì tôi chưa dám nghĩ tới”, ông cười, “nghe nói ở Mỹ có người được công nhận với hơn 1 triệu tờ báo từ năm 1986, gấp hơn hai lần tôi. Vậy nên cứ đi từng bước, khu vực trước, rồi mới tính xa hơn”.

Song song với đó, một giấc mơ khác cũng đang được ông ấp ủ hiện thực hóa: Số hóa toàn bộ kho báo.

Cơ duyên bắt đầu từ cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Thành Nam – cựu Tổng Giám đốc FPT, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường Đại học FPT, hiệu trưởng Trường Đại học Trực tuyến FUNIX. "Anh Nam hỏi tôi có muốn số hóa kho báo không. Tôi bảo: Tốt quá! Thực lòng mà nói tôi không kham nổi khối lượng khổng lồ này nữa rồi".

Ông Dũng giải thích, "Không kham nổi ở đây không chỉ là tài chính, mà còn là nhân lực kỹ thuật, người viết phần mềm, quản trị công nghệ thông tin… mọi thứ đều vượt ngoài khả năng cá nhân".

Ngay sau đó, ông Nam kết nối với Công ty NTQ – một đơn vị công nghệ có hơn 1.000 nhân sự đang làm việc tại 6 quốc gia. Họ đã hai lần về tận nơi khảo sát và đánh giá đây là một dự án chưa từng có tại Việt Nam. Bởi lẽ, quá trình số hóa phải bảo đảm ba yếu tố: Giữ nguyên kích thước tờ báo khi scan lại, chuyển toàn bộ nội dung sang định dạng văn bản để tìm kiếm, đồng thời bảo mật và lưu trữ lâu dài.

"Mặc dù có sự hỗ trợ của AI, nhưng bên công ty cũng xác định đây là dự án rất phức tạp", ông Dũng nói. "Bởi kích thước cũng như chất lượng báo thì không đồng đều, có tờ in mờ, giấy mục, mất chữ; lại còn ngôn ngữ thay đổi theo thời kỳ".

Đơn cử, báo giai đoạn 1945-1954 chủ yếu dùng văn nói, thể hiện quan điểm chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh: báo chí phải viết đơn giản để ai cũng hiểu. Một số báo thậm chí còn đan xen tiếng Pháp – do ảnh hưởng ngôn ngữ thời kỳ đó. “Văn phong thời ấy không giống bây giờ, AI cũng phải học lại để hiểu, để dịch chính xác”, ông Dũng giải thích.

Kho báo của ông hiện nay không chỉ gồm báo chí trong nước. Khoảng 10% là báo quốc tế - các ấn phẩm từ Đức, Nga, Cuba, Tiệp Khắc, Mỹ, Trung Quốc…

Thách thức kỹ thuật khác là về mặt hình ảnh. “Báo của tôi đều đã đóng quyển. Nếu tách ra để scan sẽ làm hỏng kết cấu. Vậy nên phải giữ nguyên dạng cuốn, rồi dùng phần mềm tinh chỉnh, làm sáng đều, xử lý nếp gấp... cho rõ nét”.

Theo kế hoạch, dự án có thể kéo dài gần 2 năm. Phần mềm đang được phát triển riêng, tích hợp các chức năng nhận diện các phần như tên báo, ngày tháng, số hiệu, phân loại, và xử lý hình ảnh. Toàn bộ quá trình đều đặt chất lượng lên hàng đầu.

 "Điều tôi rất quý trọng là anh Nam không đặt bất cứ điều kiện nào về sở hữu hay kiểm soát dữ liệu. Dự án này không chỉ phục vụ kho báo của tôi, mà còn hướng đến việc xây dựng một mô hình mẫu, một giải pháp mà các thư viện, bảo tàng, nhà nghiên cứu trong nước có thể sử dụng sau này. Đó là một tầm nhìn dài hạn mà tôi vô cùng trân trọng", ông Dũng chia sẻ.

 Giờ đây, với một kế hoạch số hóa toàn diện đang thành hình, những tờ báo tưởng chừng chỉ còn là vật lưu trữ sẽ sớm được sống lại – trong không gian số, sẵn sàng cho thế hệ mai sau tiếp cận.

Ngày xuất bản: 5/2025
Tổ chức sản xuất: BÙI NAM ĐÔNG
Nội dung và trình bày: PHAN THẠCH, SƠN BÁCH, TRỌNG TRUNG