Theo thông lệ hằng năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025.
Nhận diện những vấn đề trọng tâm
Mục tiêu tổng quát của Nghị quyết là tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh theo hướng giảm chi phí tuân thủ, bảo đảm an toàn và phù hợp với thông lệ quốc tế tốt; thực hiện phân cấp, phân quyền; thúc đẩy tinh thần kinh doanh; khuyến khích đổi mới, sáng tạo. Cùng với đó, có những mục tiêu cụ thể về số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động. Cụ thể, trong năm 2025, số doanh nghiệp gia nhập thị trường (thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng ít nhất 10% so với năm 2024; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng dưới 10% so với năm 2024 (năm 2024, số doanh nghiệp rút lui là 197.900, tăng 14,7% so với năm 2023).
Nhìn nhận về những mục tiêu này, bà Nguyễn Thị Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, Nghị quyết 02 hiện nay và Nghị quyết 19 trước đây là loạt nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh được ban hành hằng năm có tính kế thừa và phát triển. Theo đó, mỗi năm sẽ nhận diện những vấn đề trọng tâm để có những cải cách trong ngắn hạn và dài hạn. Trong năm qua, dù hầu hết chỉ số kinh tế vĩ mô như tăng trưởng GDP, kim ngạch xuất nhập khẩu, chỉ số sản xuất công nghiệp đều tích cực nhưng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn tăng cao theo các tháng. Thậm chí, có những tháng còn cao hơn số doanh nghiệp gia nhập thị trường.
Về nguyên nhân, theo bà Thảo, ngoài những khó khăn do biến động tình hình chính trị, kinh tế thế giới và nội tại từ doanh nghiệp thì những rào cản về môi trường kinh doanh vẫn chưa được tháo gỡ đáng kể, đặc biệt có tình trạng chưa đồng bộ về cải cách, có những vấn đề tháo gỡ ở điểm này thì lại phát sinh vướng mắc ở điểm khác. “Đáng lưu ý, chưa nhiều thủ tục hành chính có thể thực hiện được trên môi trường điện tử và quá trình tham vấn chính sách đôi khi mang tính chất hình thức, chưa thật sự có độ mở để các đối tượng bị tác động có thể đóng góp được ý kiến”.
Đồng tình với quan điểm này, PGS, TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính cho rằng, năm 2025 tiếp tục là năm khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp trong nước trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức như xung đột và căng thẳng địa chính trị, chuỗi cung ứng toàn cầu còn yếu do bất ổn địa chính trị, thiếu hụt nguồn cung, lạm phát đang hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, rủi ro lãi suất tăng và biến động tỷ giá hối đoái. Bên cạnh đó, những chính sách kinh tế mới của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tác động sâu sắc hơn đến tình hình kinh tế thế giới nói chung và nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Trong nước, tình hình sản xuất, kinh doanh vẫn có nhiều khó khăn. Tháng 1/2025, chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng nhẹ 0,6% so với cùng kỳ, chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI ở mức dưới 50 điểm trong 2 tháng liên tiếp, cho thấy các điều kiện kinh doanh của khu vực sản xuất ở Việt Nam thu hẹp. Trong bối cảnh đó, việc cải thiện môi trường kinh doanh được coi là một trong những yếu tố quan trọng để tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài cũng như đầu tư tư nhân vào tăng trưởng và phát triển nền kinh tế. Đồng thời, cũng trở thành một trong những biện pháp quan trọng giúp nền kinh tế tăng trưởng và phát triển bền vững trong cả giai đoạn 2025 - 2030.
Đâu là yếu tố thành công của cải cách?
Trong quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết 02, các yêu cầu thực thi được liệt kê chi tiết. Đó là kịp thời tạo lập và hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm tháo bỏ rào cản; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, chi phí thấp để khơi thông nguồn vốn đầu tư ngoài nhà nước, nhất là đầu tư tư nhân và thúc đẩy hợp tác công - tư; khuyến khích các hoạt động đổi mới sáng tạo…
Đáng chú ý, trong yêu cầu tập trung vào tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, bên cạnh các nội dung thường thấy, như sửa đổi đồng bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm các quy định, thủ tục hành chính đơn giản, giảm gánh nặng tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp… Nghị quyết đưa ra chỉ đạo cụ thể hơn. Đó là quy trình lấy ý kiến cần thực chất; tham vấn rộng rãi các đối tượng chịu tác động; tổ chức đối thoại công khai. Nâng cao chất lượng thực thi văn bản pháp luật; giải quyết thủ tục hành chính bảo đảm đúng thời hạn và không đặt thêm các yêu cầu, điều kiện đối với doanh nghiệp. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực và tăng cường giám sát, kiểm tra; thực hiện phân cấp hơn nữa cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trên tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”…
Qua theo dõi hằng năm, TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, sự vào cuộc của người đứng đầu sẽ quyết định thành công của cải cách. Vì vậy, những chỉ đạo thường xuyên, liên tục từ Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ sẽ giúp triển khai đồng bộ và liền mạch, tránh ngắt quãng và chững lại trong hoạt động cải cách. Trước hết, những công việc trong thẩm quyền, người đứng đầu sẽ phải là người chịu trách nhiệm và chủ động đề ra các biện pháp để thực hiện một cách đầy đủ và hiệu quả theo đúng luật pháp và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Song, có những vấn đề vượt qua khỏi quyền hạn, họ cũng là người nhận thức được và đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền, thậm chí là đến cả Thủ tướng và Quốc hội, để thay đổi về cơ chế, chính sách - đáp ứng được yêu cầu thay đổi. Từ đó, các hoạt động sẽ trở nên thông thoáng, dễ dàng và hiệu quả trong lĩnh vực đó sẽ được nâng cao. “Vai trò này cần được nâng cao trong bối cảnh đang có thay đổi quyết liệt về cơ chế, chính sách cũng như biện pháp giúp cho cộng đồng doanh nghiệp thực hiện các mục tiêu đã đề ra, để phục hồi tốt nhất và phát triển kinh tế nhanh nhất”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Còn theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM, việc triển khai Nghị quyết 02 trong năm nay, có một thuận lợi chưa từng có là toàn bộ hệ thống chính trị, đặc biệt là Tổng Bí Thư Tô Lâm đã nhấn mạnh thể chế là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, cũng là “đột phá của đột phá” là “động lực, nguồn lực” cho sự phát triển. Vì vậy, phải thay đổi luật lệ theo hướng bỏ hết tư duy “không quản được thì cấm” và xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển.
Tuy vậy, để làm được việc này, Chính phủ cần thực hiện phân cấp, phân quyền triệt để, tức là để địa phương tự quyết định và chịu trách nhiệm. Từ đó, sẽ tạo ra không khí cạnh tranh giữa các địa phương với nhau trong việc tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh và thu hút đầu tư vào địa bàn. Đối với các cơ quan nhà nước, ngoài áp lực từ bên ngoài thông qua phản ánh của hiệp hội doanh nghiệp, những tổ chức nghiên cứu độc lập và cộng đồng báo chí thì Thủ tướng Chính phủ cần có những chỉ đạo liên tục nhằm tạo áp lực hành chính bên trong. “Lúc đó, toàn bộ hệ thống sẽ chuyển động theo hướng cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp”, ông Cung nhìn nhận.
Trong tháng 1/2025, cả nước có gần 10,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, giảm 30,3% so với cùng kỳ năm trước và có 52,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 20,2%. Tính chung, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao gấp 5 lần số doanh nghiệp thành lập mới.