Thống nhất quản lý hệ thống giáo dục nghề nghiệp

Việc chuyển lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) sang Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quản lý được đánh giá không chỉ nhằm thống nhất hệ thống giáo dục quốc gia, mà còn tạo điều kiện để giáo dục nghề nghiệp tiếp cận tốt hơn với các chính sách đồng bộ, từ quản lý, hạ tầng, đến phát triển nguồn nhân lực.
Giờ thực hành với trang thiết bị hiện đại tại Trường cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội.
Giờ thực hành với trang thiết bị hiện đại tại Trường cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội.

Thuận lợi liên thông giữa các cấp học

Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp; 13 trường cao đẳng và 3 trường đại học sư phạm sẽ chuyển giao về Bộ Giáo dục và Đào tạo để thực hiện chức năng quản lý và chỉ đạo điều hành theo Nghị quyết số 18 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

PGS, TS Nguyễn Tiến Đông, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Lý Thái Tổ (Bắc Ninh) cho hay, sự thay đổi này mang lại nhiều thuận lợi rõ rệt.

Thứ nhất, tối ưu hóa quản lý dữ liệu. Hệ thống dữ liệu tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT giúp mở rộng khả năng tiếp cận thí sinh, tối ưu hóa quy trình tuyển sinh và tăng cường tính minh bạch, công bằng. Thứ hai, thống nhất lộ trình học tập. Sự kết nối giữa các bậc học từ phổ thông đến cao đẳng, đại học trong cùng một hệ thống sẽ giúp học sinh có lộ trình học tập liền mạch, tạo điều kiện thuận lợi cho việc liên thông và phát triển năng lực toàn diện. Thứ ba, nâng cao nhận thức về vai trò, sứ mệnh của giáo dục nghề nghiệp hệ thống giáo dục quốc dân. Mỗi cấp học trong hệ thống giáo dục đóng vai trò là một mắt xích quan trọng để phát triển toàn diện năng lực của học sinh.

Đồng tình với quan điểm trên, ThS Trần Phương, Hiệu trưởng Trường trung cấp Việt Giao (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, việc quản lý tập trung ở một đầu mối là Bộ GD&ĐT sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc liên thông các cấp học, giúp học sinh dễ dàng chuyển tiếp từ trung cấp lên cao đẳng, đại học. Một đầu mối quản lý sẽ giúp giảm bớt rườm rà trong thủ tục hành chính, tạo sự đồng bộ trong các quy định và chính sách.

Đồng thời, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ có cơ hội hợp tác chặt chẽ hơn với các trường đại học, tạo điều kiện cho việc nâng cao chất lượng đào tạo và là nguồn tuyển sinh của các trường đại học. Việc Bộ GD&ĐT thực hiện quản lý nhà nước cũng sẽ giúp nâng cao uy tín cho nhà trường, từ đó dễ dàng kêu gọi đầu tư, thu hút nhiều học sinh hơn.

Nhà giáo Ưu tú, TS Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội chia sẻ, việc chuyển cơ quan quản lý nhà nước từ Bộ LĐ-TB&XH sang Bộ GD&ĐT sẽ góp phần giúp sự chỉ đạo được thống nhất, đồng bộ ở tất cả các cấp học. Hơn nữa, công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT, hoạt động giảng dạy văn hóa THPT tất yếu cũng sẽ thuận lợi hơn.

Để chuẩn bị cho sự chuyển giao này, hiện nhà trường đang bắt đầu chuyển đổi toàn bộ mô hình đào tạo từ đào tạo theo mô-đun sang đào tạo theo tín chỉ để phù hợp với chương trình đào tạo của bậc đại học. Ngoài ra, nhà trường cũng đang áp dụng chuyển đổi số trong mô hình quản lý toàn trường và sắp tới sẽ tổ chức hoạt động theo mô hình tự chủ. Từ đó, bảo đảm tính liên thông từ cao đẳng lên đại học được thuận lợi hơn.

Điều chỉnh Luật Giáo dục nghề nghiệp

Cũng theo Hiệu trưởng Trường cao đẳng Lý Thái Tổ, sự chuyển giao này chắc chắn là một cơ hội quan trọng để rà soát và điều chỉnh Luật Giáo dục nghề nghiệp sau 10 năm triển khai. Thực tế hiện nay, cơ chế quản lý và bảo đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp hiện nay còn phân tán, thiếu sự thống nhất và hiệu quả, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

Chính vì vậy, việc điều chỉnh luật giúp thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục. Chuyển giao toàn bộ chức năng quản lý giáo dục nghề nghiệp về một cơ quan duy nhất để bảo đảm sự đồng bộ và hiệu quả. Hơn nữa, giúp thiết lập các tiêu chuẩn và quy trình đánh giá chất lượng đào tạo, bảo đảm các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuân thủ và liên tục cải tiến.

Việc điều chỉnh các yếu tố trên trong Luật Giáo dục nghề nghiệp sẽ tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2045, trở thành quốc gia phát triển và có thu nhập cao. Mặt khác, theo thầy Đông, hệ thống giáo dục nghề nghiệp hiện đã có những thay đổi lớn cả về quy mô lẫn chất lượng, đặc biệt là yêu cầu gắn kết chặt chẽ hơn với thị trường lao động và các doanh nghiệp.

Về nhu cầu nhân lực trong các lĩnh vực công nghệ, bán dẫn và công nghiệp số tại Việt Nam đang gia tăng mạnh mẽ, phản ánh xu hướng phát triển và hội nhập quốc tế của nền kinh tế. Sự thiếu hụt nhân lực trong các lĩnh vực công nghệ, bán dẫn và công nghiệp số đặt ra thách thức lớn cho Việt Nam trong việc duy trì và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Do đó, việc đầu tư vào giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực này là cấp thiết để đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Việc cập nhật luật sẽ bảo đảm phù hợp với bối cảnh mới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và tay nghề cao trong các lĩnh vực như công nghệ bán dẫn và nền công nghiệp số.

Không những vậy, việc điều chỉnh luật sẽ tạo cơ chế rõ ràng hơn trong việc phối hợp giữa các trường với doanh nghiệp, đặc biệt là mô hình đào tạo theo địa chỉ.

Theo thầy Đông, mặc dù Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 đã đề cập việc khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp, thế nhưng, các quy định cụ thể về trách nhiệm và quyền lợi của doanh nghiệp trong việc hợp tác với cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn chưa rõ ràng.

Để khắc phục hạn chế trên, cần điều chỉnh luật theo hướng tạo cơ chế pháp lý rõ ràng. Cụ thể, trong luật cần quy định cụ thể trách nhiệm và quyền lợi của doanh nghiệp khi tham gia vào quá trình đào tạo, bao gồm việc xây dựng chương trình, tổ chức thực tập, và tuyển dụng. Xây dựng chính sách ưu đãi, chẳng hạn miễn giảm thuế hoặc hỗ trợ tài chính, để khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào mô hình đào tạo theo địa chỉ.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh vai trò của doanh nghiệp trong tuyển sinh. Theo đó, doanh nghiệp cần phối hợp với nhà trường ngay từ giai đoạn tuyển sinh để bảo đảm số lượng và chất lượng đầu vào phù hợp với nhu cầu lao động của ngành.

Chương trình đào tạo hiện tại cần cập nhật với các công nghệ và phương pháp mới, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Lộ trình học tập cần được thiết kế mở, cho phép học sinh sau khi tốt nghiệp cao đẳng có thể dễ dàng tiếp tục học lên bậc đại học hoặc các chương trình đào tạo chuyên sâu mà không bị rào cản bởi quy định cứng nhắc.

Đề xuất Luật mới quy định rõ ràng về các điều kiện liên thông, bao gồm công nhận tín chỉ từ các chương trình cao đẳng, đồng thời giảm thiểu các yêu cầu bổ sung không cần thiết. Người học có thể tích lũy tín chỉ trong các mô-đun ngắn hạn hoặc các chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế để nâng cao năng lực mà vẫn được công nhận khi học liên thông.

Các chương trình liên thông cần được xây dựng dựa trên sự đổi mới về công nghệ, tích hợp các kỹ năng số (digital skills) và năng lực giải quyết vấn đề phức tạp để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong kỷ nguyên số. “Đối với hệ thống giáo dục nghề nghiệp, có một triết lý xuyên suốt của giáo dục mà tôi rất tâm đắc. Đó là “Học để làm” - tức là làm theo vị trí việc làm và học tập suốt đời”, thầy Đông nhấn mạnh.

Thầy Phương cũng cho rằng, việc chuyển giao quản lý giáo dục nghề nghiệp từ Bộ LĐ-TB&XH sang Bộ GD&ĐT thật sự là một cơ hội tốt để điều chỉnh Luật Giáo dục nghề nghiệp cho phù hợp hơn sau 10 năm triển khai. Trong kỷ nguyên số, việc đổi mới và thích ứng là vô cùng quan trọng. Việc áp dụng công nghệ vào giáo dục nghề nghiệp sẽ giúp nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người học.

Còn theo thầy Khánh, sự chuyển giao này là thời điểm để điều chỉnh Luật Giáo dục nghề nghiệp phù hợp với điều kiện mới, tình hình mới. Theo đó, có thể là đưa Luật Giáo dục nghề nghiệp vào một phần trong Luật Giáo dục đại học để bảo đảm tính xuyên suốt, hệ thống.

Theo thông tin từ Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH), tính đến năm 2023, cả nước có 2.464 cơ sở dạy nghề, trong đó có 1.520 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (bao gồm 416 trường cao đẳng, 376 trường trung cấp và 728 trung tâm giáo dục nghề nghiệp).