Bàn giải pháp xử lý tài sản trong thi hành án kinh tế

NDO - Sáng 14/5, Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo “Góp ý sửa đổi Luật Thi hành án dân sự với chủ đề “Giải pháp xử lý tài sản trong thi hành án các vụ án kinh tế”.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Ngụy Cao Thắng, Giám đốc Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: HUỲNH THƠ)
Ông Ngụy Cao Thắng, Giám đốc Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: HUỲNH THƠ)

Phát biểu đề dẫn, ông Mai Ngọc Phước, Tổng Biên tập Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Công tác thi hành án dân sự là khâu cuối cùng trong tiến trình tố tụng để thực thi phán quyết của tòa án nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân và Nhà nước, góp phần thực thi công lý, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Có thể thấy, Luật Thi hành án dân sự ngày 14/11/2008 được Quốc hội khóa 12 ban hành đã có những chuyển biến tích cực, tạo hành lang pháp lý quan trọng để nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự trong thực tiễn đời sống.

Đơn cử, tỷ lệ thi hành án thành công tăng từ 38,31% năm 2017 lên 51,84% năm 2024. Số tiền thi hành án thành công cũng tăng gấp ba lần từ 164.000 tỷ đồng năm 2017 lên 500.000 tỷ đồng năm 2024…

Bàn giải pháp xử lý tài sản trong thi hành án kinh tế ảnh 1

Ông Mai Ngọc Phước, Tổng Biên tập Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu đề dẫn hội thảo. (Ảnh: HUỲNH THƠ)

Ngoài ra, công tác thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần xử lý nợ xấu và khơi thông nguồn lực kinh tế.

Tuy nhiên, thực tiễn của lĩnh vực này còn nhiều vướng mắc. Đáng chú ý, tính chất các vụ việc ngày càng phức tạp, đặc biệt là các vụ án kinh tế, tham nhũng phải kê biên, xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản, nhà đất có giá trị lớn.

Tình trạng pháp lý của tài sản để bảo đảm thi hành án thường khá phức tạp, nhiều trường hợp chưa được xác định rõ, đến giai đoạn thi hành án phát sinh nhiều vấn đề pháp lý; nhiều tài sản xử lý là dự án đầu tư, dự án bất động sản để thi hành án nhưng chưa hoàn chỉnh thủ tục pháp lý.

Nhiều vụ việc lớn dù đã tuyên án nhiều năm những vẫn chưa thể thi hành án dứt điểm.

Bàn giải pháp xử lý tài sản trong thi hành án kinh tế ảnh 2

Các đại biểu dự hội thảo. (Ảnh: HUỲNH THƠ)

Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận một số nội dung như: mua tài sản thi hành án; những lưu ý để tránh các rủi ro và cơ chế bảo vệ người mua trúng đấu giá, nhất là bất động sản trong các vụ án kinh tế (phương pháp định giá, thời điểm định giá tài sản...).

Chống hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế

Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW, ngày 4/5/2025 về phát triển kinh tế tư nhân. Theo tinh thần của Nghị quyết 68, Nhà nước bảo đảm tạo môi trường kinh doanh minh bạch, an toàn và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp, doanh nhân.

Đặc biệt, Nghị quyết đã đề ra biện pháp chống hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế bảo đảm nguyên tắc “ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước”.

Theo đó, trường hợp đến mức xử lý hình sự thì ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế trước và là căn cứ quan trọng để xem xét các biện pháp xử lý tiếp theo.

Nghị quyết cũng yêu cầu phải bảo đảm việc niêm phong, kê biên tạm giữ, phong tỏa tài sản liên quan đến vụ việc, vụ án phải theo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục, phạm vi, không xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức…

Theo tinh thần của Nghị quyết 68 thì trong một vụ án, việc xử lý tài sản để khắc phục hậu quả là rất quan trọng.

Nghị quyết 68 sẽ khơi thông môi trường kinh doanh, bảo đảm sự an tâm, an toàn cho doanh nhân, doanh nghiệp. Để tạo môi trường thuận lợi, cơ chế pháp lý rõ ràng, tinh thần đó phải được thể chế hóa vào các văn bản pháp luật liên quan, trong đó có dự thảo Luật Thi hành án dân sự sửa đổi mà Bộ Tư pháp đang chủ trì xây dựng.