Tháo gỡ khó khăn, quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công

Trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước, mặc dù đã có nhiều nỗ lực, cố gắng nhưng tình hình giải ngân vốn đầu tư công tại tỉnh Cà Mau vẫn chưa được như mong đợi. Địa phương cần quyết tâm hơn nữa mới có thể hoàn thành mục tiêu của năm 2025.
0:00 / 0:00
0:00
Thiết bị thi công phục vụ công trình xây dựng bệnh viện 1.200 giường tại Cà Mau.
Thiết bị thi công phục vụ công trình xây dựng bệnh viện 1.200 giường tại Cà Mau.

Kết thúc tháng 4 vừa qua, Cà Mau mới giải ngân được hơn 1.329 tỷ đồng, chiếm khoảng 20,8% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025. Mức giải ngân trên tuy cao hơn tỷ lệ ước giải ngân của cả nước (15,56%) nhưng lại thấp hơn tỷ lệ giải ngân của cùng kỳ năm 2024.

Theo báo cáo từ Sở Tài chính tỉnh Cà Mau, trong tổng số hơn 6.396 tỷ đồng đầu tư công năm 2025 (đã bao gồm chuyển tiếp của năm 2024) của tỉnh Cà Mau, hơn 3.327 tỷ đồng thuộc nguồn vốn ngân sách địa phương. Đây là nguồn vốn có tỷ lệ giải ngân khá, được hơn 1.003 tỷ đồng, chiếm khoảng hơn 30,1% kế hoạch vốn. Trong khi, hơn 3.000 tỷ đồng còn lại từ ngân sách Trung ương, kết thúc tháng 4 năm 2025 mới giải ngân được hơn 313,7 tỷ đồng, chỉ bằng 10,5% kế hoạch vốn.

Tại hội nghị sơ kết công tác chỉ đạo điều hành tháng 4 và bốn tháng đầu năm 2025 của tỉnh Cà Mau, các nguyên nhân dẫn đến giải ngân thấp đã được phân tích. Trong đó, một số dự án lớn, quan trọng của tỉnh có tiến độ thực hiện còn chậm, như: Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa Cà Mau quy mô 1.200 giường bệnh; Dự án đầu tư xây dựng cầu sông Ông Đốc, tuyến trục Đông-Tây và cầu Gành Hào...

Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Hồ Hải chia sẻ: Để đẩy nhanh hơn tiến độ công trình, dự án đang triển khai tại địa phương, các chủ đầu tư, đơn vị thi công cần tổ chức phát động thi đua ngay trên công trường, kịp thời biểu dương, khen thưởng đối với các đơn vị, bộ phận làm tốt. Các đơn vị có liên quan bám sát công trình, thường xuyên kiểm tra, kịp thời báo cáo để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trên tinh thần trách nhiệm cao nhất vì nhân dân phục vụ.

Kiểm tra tại công trường Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa Cà Mau quy mô 1.200 giường bệnh, theo báo cáo từ chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án công trình xây dựng tỉnh Cà Mau), dù đã rất nỗ lực nhưng đến giữa tháng 5 vừa qua, mới chỉ giải ngân được hơn 267 tỷ đồng, bằng khoảng 13% tổng giá trị kế hoạch vốn được phân bổ của năm 2025. Đây cũng là dự án chiếm hơn 35% tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 của tỉnh Cà Mau, khi được phân khai nguồn vốn đến hơn 2.229 tỷ đồng.

Theo ông Dương Chí Trung, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án công trình xây dựng tỉnh Cà Mau, gói thầu quan trọng nhất của dự án là khối nhà chính của bệnh viện (hơn 700 tỷ đồng) vừa mới đấu thầu lại và chính thức triển khai thi công từ giữa tháng 4/2025. Tuy tiến độ có phát sinh nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu, do gặp một số khó khăn ảnh hưởng đến thi công, như: thời tiết mưa nhiều vào mùa mưa, thiếu nguồn vật liệu, nền đất yếu… Mặc dù gặp một số bất lợi, nhưng phía đơn vị thi công đã cam kết đến cuối năm 2025, tức sau khoảng gần 50% số thời gian thi công, tổng giá trị khối lượng gói thầu khối nhà chính phải hoàn thành hơn 355 tỷ đồng, tương đương khoảng 49,5%.

Theo kế hoạch, tỉnh Cà Mau đặt mục tiêu mỗi quý giải ngân đầu tư công khoảng 25%, đến cuối năm 2025 hoàn thành giải ngân ít nhất 95%. Dẫu vậy, quý đầu tiên và những tháng đầu năm thường không đạt theo yêu cầu. Nguyên nhân được chỉ ra là do công trình, dự án đầu năm phải thực hiện các thủ tục liên quan đến mời thầu, đấu thầu, hoặc mới triển khai, chưa phát sinh khối lượng lớn để giải ngân. Thêm cái khó chung năm 2025 là việc thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính, bỏ cấp huyện, sáp nhập xã theo Kết luận số 127-KL/TW. Một số dự án từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia do Ủy ban nhân dân cấp xã làm chủ đầu tư ít nhiều bị ảnh hưởng do thay đổi tên chủ đầu tư, phải nhanh chóng thực hiện thêm thủ tục thay đổi quyết định đầu tư.

Bước sang quý II, bức tranh giải ngân đầu tư công ở tỉnh Cà Mau có dấu hiệu sáng hơn khi đầu tháng 5 có thêm hơn 129 tỷ đồng được giải ngân, nâng tổng giải ngân toàn tỉnh lên hơn 1.459 tỷ đồng, bằng 22,8% kế hoạch năm. Trong số này, có 8/16 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân trên mức bình quân chung của tỉnh, như: Ủy ban nhân dân huyện U Minh, huyện Ngọc Hiển, huyện Cái Nước, huyện Năm Căn, huyện Phú Tân… với tỷ lệ giải ngân từ 33% đến hơn 70%.

Giải ngân đầu tư công không chỉ đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng mà còn là “vốn mồi”, khơi dậy, phát triển đầu tư tư nhân, góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế thúc đẩy kinh tế-xã hội của tỉnh Cà Mau, góp phần giúp tăng trưởng từ 8% trở lên trong năm 2025. Để giải ngân đạt kế hoạch đề ra trong thời gian còn lại năm 2025, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau yêu cầu các chủ đầu tư và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ công trình, dự án trọng điểm; quyết liệt, chủ động hơn nữa trong xử lý, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc có liên quan đến thực hiện các dự án.

Qua đó, thực hiện cơ chế phân công, giao trách nhiệm, phối hợp rõ ràng, cụ thể về thẩm quyền và trách nhiệm giữa các bộ phận chuyên môn thuộc đơn vị phụ trách, bảo đảm không để gián đoạn do thực hiện chủ trương sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh. Lãnh đạo tỉnh xác định, giải ngân đầu tư công là một trong các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tập trung ưu tiên trong chỉ đạo điều hành, gắn với đó là trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị.