Chung tay xóa nhà tạm ở Cà Mau

Chương trình xóa 4.400 nhà tạm, nhà dột nát ở Cà Mau nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng xã hội. Người người giúp nhau trên tinh thần “nhường cơm, xẻ áo”, “tương thân tương ái”, không ai bị bỏ lại phía sau…
0:00 / 0:00
0:00
Đoàn viên, thanh niên Cà Mau hỗ trợ ngày công giúp chủ hộ tiết kiệm chi phí xây dựng nhà mới.
Đoàn viên, thanh niên Cà Mau hỗ trợ ngày công giúp chủ hộ tiết kiệm chi phí xây dựng nhà mới.

Cho mượn đất xây nhà

Cả tháng nay, ông Trương Văn Na (ở xã Rạch Chèo, huyện Phú Tân) hầu như không rảnh tay. Hết khiêng đất đắp nền, ông quay sang phụ giúp thợ trộn hồ, lợp mái… để sớm hoàn thành căn nhà mới. “Vợ chồng tôi mừng lắm vì nhà sắp xong rồi, kịp vào ở trong mùa mưa này, không sợ dông gió lớn nữa. Mình phụ giúp thợ để làm nhà nhanh hơn, lại tiết kiệm chi phí”, ông Na chia sẻ.

Đầu năm 2025, gia đình ông Na được xét hỗ trợ xây mới căn nhà. Niềm vui đi liền với nỗi lo bởi nhiều năm nay, gia đình ông ở nhờ trên phần đất của một hộ dân trong xóm nên không có đất để xây nhà. Biết được tình cảnh trên, gia đình ông Lý Minh Tuấn đã cho ông Na mượn 50m2 đất để có mặt bằng xây dựng nhà mới.

“Chỗ xóm giềng với nhau, biết gia đình ông Na khó khăn nhưng chí thú làm ăn nên khi chính quyền địa phương vận động, tôi đã làm giấy cho gia đình ông Na mượn đất để xây dựng căn nhà, sớm có chỗ ở ổn định”, ông Tuấn nói.

Chương trình xóa 4.400 nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Cà Mau có 272 trường hợp đối tượng được hỗ trợ nhà nhưng không có đất ở như gia đình ông Na. Nhưng với cách thực hiện linh hoạt trên tinh thần “nhường cơm, xẻ áo”, “lá lành đùm lá rách”, đến nay, hầu hết các đối tượng đã có đất để xây nhà. Trong số này, có 137 trường hợp chính quyền địa phương đến từng hộ gia đình để vận động thân tộc, chòm xóm… cho mượn đất (từ 20 năm trở lên), số còn lại được bố trí quỹ đất công tại địa phương hoặc vào các khu tái định cư…

Đến giữa tháng 4/2025, thành phố Cà Mau và huyện Ngọc Hiển đã hoàn thành 100% chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát với tổng số 352 căn, trở thành hai địa phương đầu tiên “về đích” chương trình, sớm hơn khoảng 5 tháng so với mục tiêu chung của cả nước.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Lê Thanh Triều nhấn mạnh: “Mấu chốt của việc xóa nhà tạm, nhà dột nát là sự chung tay của cộng đồng xã hội, trên tinh thần ai có gì giúp nấy, có ít giúp ít, có nhiều giúp nhiều, thể hiện sự đoàn kết quý báu từ bao đời nay của dân tộc Việt Nam”.

Không ai đứng ngoài cuộc

Đến đầu tháng 5, Cà Mau đã phân bổ hơn 248 tỷ đồng cho chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Trong số này, hơn 162 tỷ đồng từ “Quỹ vì người nghèo”, trong đó hơn 5,4 tỷ đồng do đảng viên, tổ chức cơ sở đảng các cấp trong tỉnh quyên góp ủng hộ.

Theo Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Hồ Trung Việt, từ thông báo kêu gọi của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các đảng viên đã chung tay đóng góp nâng cao giá trị, chất lượng căn nhà của các đối tượng được hỗ trợ bằng cách ủng hộ ít nhất 1 ngày lương.

Chương trình xóa 4.400 nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Cà Mau đặt mục tiêu hoàn thành vào cuối tháng 6/2025. Đến nay, toàn tỉnh đã khởi công được 3.954 căn, có 2.835 căn đã hoàn thành. Trong số này, có 2.227 căn xây mới, 608 căn sửa chữa. Ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ theo quy định (60 triệu đồng/ căn xây mới; 30 triệu đồng/căn sửa chữa), có 3.124/4.400 căn chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh đã được các địa phương trong tỉnh hỗ trợ thêm từ 5 triệu đồng/căn để xây dựng.

Các địa phương còn vận động được hàng nghìn ngày công lao động trong dân giúp tháo dỡ nhà, phụ hồ, đắp nền, lợp mái… để hộ thụ hưởng giảm chi phí xây nhà. Một số địa phương còn có cách làm hay khi phối hợp với các cửa hàng, đại lý để mua chịu vật tư nhưng không tính lãi suất hoặc cho tạm ứng kinh phí của xã để đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Hồ Hải, để có được kết quả khả quan trong thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, thời gian qua, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tỉnh đã quan tâm chỉ đạo quyết liệt, chủ động phân công, phân nhiệm rõ ràng và linh hoạt, sáng tạo trong thực hiện; đặc biệt là vận động cho mượn đất xây nhà, huy động ngày công lao động trên tinh thần người khá giúp người khó, lá rách ít đùm lá rách nhiều…

Việc giúp đỡ thể hiện tình người, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của người dân Việt Nam, cần được tiếp tục lan tỏa và tuyên dương kịp thời. Để “không ai bị bỏ lại phía sau”, khối mặt trận và chính quyền tỉnh cần nghiên cứu: Sau khi xóa nhà tạm, nhà dột nát, giúp bà con an cư rồi thì làm thế nào để giúp bà con “lạc nghiệp”, có cuộc sống ổn định, không để tái nghèo...?