Tháo bung "rào cản" để phát triển kinh tế tư nhân

NDO - Ở thời khắc quan trọng có tính chất bước ngoặt của lịch sử hiện nay, kinh tế tư nhân đang được kích hoạt để tăng tốc trên đường ray phát triển mới. Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đưa ra 5 quan điểm chỉ đạo mang tính chất đột phá về phát triển kinh tế tư nhân, trong đó có yêu cầu xoá bỏ định kiến, đánh giá đúng vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân đối với phát triển đất nước.
0:00 / 0:00
0:00
Sản xuất các sản phẩm ống nhựa tại Nhà máy của Tập đoàn Hoa Sen. (Ảnh: HOÀI THU)
Sản xuất các sản phẩm ống nhựa tại Nhà máy của Tập đoàn Hoa Sen. (Ảnh: HOÀI THU)

Với khoảng hơn 940 nghìn doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, khu vực kinh tế tư nhân hiện đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách Nhà nước và sử dụng 82% tổng số lao động vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm.

Tạo xung lực mới, khí thế mới

Từ xuất phát điểm đó, Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đặt mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, 20 doanh nghiệp hoạt động/nghìn dân; có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Tốc độ tăng trưởng bình quân của kinh tế tư nhân đạt khoảng 10-12%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; đóng góp khoảng 55-58% GDP, khoảng 35-40% tổng thu ngân sách Nhà nước, giải quyết việc làm cho khoảng 84-85% tổng số lao động. Tầm nhìn đến năm 2045, kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển nhanh, mạnh, bền vững, chủ động tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu; phấn đấu có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, đóng góp khoảng hơn 60% GDP.

Tiến sĩ Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam nhấn mạnh, Nghị quyết 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đã đưa ra những tư tưởng mang tính nền tảng và có tính đột phá để phát triển kinh tế tư nhân trong giai đoạn mới. Đó là việc khẳng định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đổi mới tư duy, thống nhất cao về nhận thức và hành động, khơi dậy niềm tin, khát vọng dân tộc, tạo xung lực mới, khí thế mới để phát triển kinh tế tư nhân.

Đặc biệt, Nghị quyết khẳng định việc tạo điều kiện thuận lợi để doanh nhân tham gia quản trị đất nước. Những thông điệp mạnh mẽ, rõ ràng như những lời hiệu triệu này có ý nghĩa quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế vào năm 2030 và 3 triệu doanh nghiệp vào năm 2045. Đây là những mục tiêu rất tham vọng, nhưng hoàn toàn khả thi khi xét về những tiềm năng của nền kinh tế, về tiềm năng của khu vực hộ kinh doanh, các cá nhân kinh doanh hiện đang là lực lượng dự bị quan trọng để trở thành doanh nghiệp.

Tháo bung "rào cản" để phát triển kinh tế tư nhân ảnh 1

Người tiêu dùng tham quan, mua sắm các sản phẩm trang sức tại cửa hàng của Tập đoàn Doji. (Ảnh: DUY LINH)

Nhưng điều quan trọng là những nguyên tắc mang tính nền tảng, những tư tưởng tiến bộ, giải pháp đề ra trong Nghị quyết cần được nhanh chóng chuyển thành các tư duy được đổi mới, thành sự thống nhất cao về nhận thức và hành động bởi các cơ quan xây dựng và thực thi pháp luật.

“Học hỏi từ những kinh nghiệm thành công và chưa thành công trong quá khứ khi cải cách khu vực hộ kinh doanh, đổi mới tư duy; học hỏi từ kinh nghiệm quốc tế; đẩy mạnh cải cách, nâng cao chất lượng thể chế, chính sách đối với khu vực hộ kinh doanh theo đúng tinh thần của Nghị quyết sẽ là chìa khóa để chúng ta hiện thực hóa được mục tiêu quan trọng này vào hai điểm mốc thời quan trọng của nền kinh tế trong thời gian tới”, Tiến sĩ Lê Duy Bình nói.

Tiến tới xoá bỏ hình thức thuế khoán đối với hộ kinh doanh vào năm 2026 như nhiệm vụ Nghị quyết đề ra, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 70/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP về hóa đơn, chứng từ. Một trong những nội dung đáng chú ý của Nghị định là từ ngày 1/6/2025, các hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu hằng năm từ 1 tỷ đồng trở lên phải sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền kết nối, chuyển dữ liệu với cơ quan thuế thay vì nộp thuế khoán như hiện nay.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho biết, cả nước có gần 6 triệu hộ kinh doanh nhưng chỉ có khoảng 1,3 triệu hộ kê khai nộp thuế. Việc áp dụng các giải pháp công nghệ số sẽ thúc đẩy minh bạch hoá hoạt động trong khu vực kinh tế hộ, tiến tới xây dựng hệ sinh thái kinh doanh minh bạch và chuyên nghiệp hơn. Theo các chuyên gia kinh tế, nếu hoạt động trong môi trường phi chính thức, thiếu minh bạch kéo dài, doanh nghiệp Việt Nam sẽ không có động lực để nâng cao năng lực quản trị, mở rộng quy mô, phát triển bền vững.

Xác lập vị thế chiến lược của kinh tế tư nhân

Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đã đề cập đến toàn bộ các thành phần của khu vực kinh tế tư nhân, từ hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa đến các doanh nghiệp quy mô lớn. Cách tiếp cận toàn diện này chắc chắn sẽ giúp phát huy được tiềm lực to lớn của khu vực kinh tế tư nhân, tiến tới trở thành một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia.

Theo Tiến sĩ Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), Nghị quyết 68-NQ/TW đã thể hiện rõ quan điểm của Đảng trong việc xác lập vị thế chiến lược của kinh tế tư nhân.

Trong đó, coi “kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, là lực lượng tiên phong trong thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng xanh, tuần hoàn, bền vững; cùng với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân giữ vai trò nòng cốt để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, đưa đất nước thoát khỏi nguy cơ tụt hậu, vươn lên phát triển thịnh vượng”.

Với tinh thần như vậy, các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết chắc chắn sẽ tạo ra nhiều đột phá trong thời gian tới.

Thứ nhất, Nghị quyết đặt mục tiêu tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, minh bạch, công bằng theo hướng doanh nghiệp tốt, đóng góp nhiều sẽ được hưởng hỗ trợ, ưu đãi nhiều, thuận lợi cho sự phát triển. Đây là điều các doanh nghiệp luôn kỳ vọng để có được sự công bằng, từ đó tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và thuận lợi cho sự phát triển.

Tháo bung "rào cản" để phát triển kinh tế tư nhân ảnh 2

Khách hàng lựa chọn các sản phẩm tại cửa hàng của Công ty cổ phần Văn phòng phẩm Hồng Hà. (Ảnh: ĐĂNG ANH)

Thứ hai, Nghị quyết cũng tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận tốt hơn các nguồn lực vốn, đất đai, nguồn nhân lực… tháo gỡ nhiều rào cản đối với doanh nghiệp tư nhân, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo Tiến sĩ Tô Hoài Nam, từ trước đến nay, việc tiếp cận đất đai luôn là điểm nghẽn, khó khăn lớn nhất đối với doanh nghiệp tư nhân, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các doanh nghiệp nhỏ thường bị đẩy ra ngoài lề trong “cuộc chơi” tìm kiếm, tiếp cận mặt bằng ổn định để sản xuất kinh doanh.

Trong khi đó, mặt bằng sản xuất lại gắn chặt với sự phát triển bền vững và lâu dài của doanh nghiệp. Nghị quyết 68-NQ/TW đã tháo gỡ được điểm nghẽn mấu chốt này, giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận một cách thuận lợi, công bằng với mặt bằng sản xuất, là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất kinh doanh lâu dài.

Việc cho phép các địa phương sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ là bước mở đột phá quan trọng, giúp các địa phương chủ động hơn trong việc phát triển hạ tầng, tạo điều kiện cho khu vực doanh nghiệp tư nhân có điều kiện tiếp xúc thuận lợi hơn với nguồn lực đất đai trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Tương tự, việc quy định các địa phương bảo đảm bình quân tối thiểu 20 ha/khu, cụm công nghiệp hoặc 5% tổng quỹ đất đã đầu tư kết cấu hạ tầng dành cho các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cũng là “điểm nhấn” trong thiết kế chính sách. Bởi doanh nghiệp có quy mô khác nhau, có doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ, nếu chỉ quy định cơ chế ưu đãi chung cho cả khối doanh nghiệp thì theo nguyên tắc thị trường, doanh nghiệp lớn với nhiều lợi thế sẽ dễ dàng “ôm” hết ưu đãi, còn các doanh nghiệp nhỏ và vừa yếu thế sẽ rất khó chen chân vào “cuộc chơi”. Chính vì vậy, việc thiết kế chính sách phân tầng rõ ràng theo quy mô doanh nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng.

Định hướng đã rõ ràng, nhưng nếu chúng ta không thể chế hoá được các chủ trương của Nghị quyết một cách cụ thể thì sẽ không thể đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống. Trên cơ sở đó, Tiến sĩ Tô Hoài Nam kiến nghị, khi thể chế hoá Nghị quyết cần đưa vào quy định bắt buộc tỷ lệ đất tối thiểu trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vườm ươm công nghệ dành cho doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trong các văn bản quy phạm pháp luật cần quy định việc xây dựng quy trình lựa chọn, giám sát quá trình phân bổ nguồn lực một cách công khai, minh bạch và cần có tổ chức đại diện doanh nghiệp trong đó, nhất là đại diện của khối doanh nghiệp nhỏ và vừa - các đối tượng yếu thế.

“Chúng ta cần khẩn trương thể chế hóa, cụ thể hóa các mục tiêu, chủ trương của Nghị quyết thành Chương trình hành động cụ thể, rõ ràng, có lộ trình phù hợp, nhưng cũng không vội vàng, gấp gáp. Việc gì có làm nhanh ta làm nhanh; việc gì chưa thể làm nhanh, làm ngay thì phải quy định rõ mốc thời gian thực hiện", Tiến sĩ Tô Hoài Nam nói.