THACO đề xuất đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao bắc-nam

Ngày 26/5/2025, Tập đoàn Trường Hải (THACO) đã chính thức gửi văn bản tới Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, bày tỏ lòng trân trọng và đề xuất được tham gia đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Thaco là tập đoàn đa ngành, đã tham gia nhiều dự án trọng điểm quốc gia (Ảnh minh họa: TTXVN)
Thaco là tập đoàn đa ngành, đã tham gia nhiều dự án trọng điểm quốc gia (Ảnh minh họa: TTXVN)

Đề xuất này được đưa ra dựa trên kinh nghiệm và năng lực của THACO trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xây dựng và vận tải.

Theo văn bản, THACO được thành lập từ năm 1997 tại Việt Nam, bắt đầu hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô-tô. Sau 28 năm hình thành và phát triển, THACO đã trở thành Tập đoàn công nghiệp đa ngành, với hơn 77.000 nhân sự, hoạt động trong các lĩnh vực chính như ô-tô, nông nghiệp, cơ khí, giao nhận vận chuyển, đầu tư xây dựng và thương mại dịch vụ...

Tập đoàn nhấn mạnh kinh nghiệm của mình trong việc ứng dụng công nghệ từ các đối tác hàng đầu thế giới như Đức, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Cụ thể, THACO INDUSTRIES là đơn vị chủ lực, tập trung vào cơ khí và công nghiệp hỗ trợ, đã đầu tư các khu công nghiệp quy mô lớn tại Chu Lai (Quảng Nam) và Bình Dương, với hệ thống các nhà máy sản xuất phụ tùng, tổ hợp gia công cơ khí, chế tạo khuôn mẫu, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và cung cấp cho các hãng ô tô toàn cầu.

THADICO và DAI QUANG MINH có kinh nghiệm trong đầu tư, xây dựng, quản lý các dự án hạ tầng giao thông và khu đô thị. THISO có kinh nghiệm trong đầu tư và vận hành hạ tầng xã hội.

Dựa trên nền tảng đó, THACO đề xuất phương án đầu tư cho Dự án đường sắt tốc độ cao bắc-nam. Dự án được thực hiện theo Nghị quyết số 172/2024/QH15 của Quốc hội về chủ trương đầu tư và Nghị quyết số 61/2020/QH14 về phương thức đầu tư và nguồn vốn.

Mục tiêu của dự án là xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao hiện đại, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu vận tải, tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội bền vững và phát huy lợi thế trên hành lang kinh tế bắc-nam.

Về quy mô và công nghệ, dự án có chiều dài khoảng 1.541 km, điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (Thành phố Hồ Chí Minh), đi qua 20 tỉnh/thành phố. Tuyến đường sắt được thiết kế đường đôi, khổ ray 1.435mm, tốc độ thiết kế 350km/giờ, tốc độ khai thác 225km/giờ đối với tàu khách và 25km/giờ đối với tàu hàng.

Công nghệ chạy tàu sử dụng điện khí hóa, bảo đảm tính hiện đại và tiêu chuẩn quốc tế từ các nước G7. THACO cam kết tiếp nhận và chuyển giao công nghệ một cách hợp lý, phát triển công nghiệp đường sắt trong nước bao gồm sản xuất đầu máy, toa xe, hệ thống tín hiệu, điều khiển, quản lý, vận hành, và phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ liên quan.

Tổng mức đầu tư dự kiến cho toàn bộ dự án được báo cáo là khoảng 1.713.548 tỷ đồng, tương đương khoảng 67,34 tỷ USD. THACO đề xuất phương án đầu tư với tổng giá trị đầu tư khoảng 1.562.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 61,35 tỷ USD. Nguồn vốn được đề xuất gồm hai phần chính:

Vốn góp của THACO và vốn huy động hợp pháp khác: Chiếm 20% tổng giá trị đầu tư, tương đương khoảng 12,27 tỷ USD. Nguồn này đến từ vốn góp của các cổ đông, vốn huy động hợp pháp, vốn của ông Trần Bá Dương và gia đình (khoảng 57.861 tỷ đồng), và hợp tác liên doanh với các đối tác trong nước và quốc tế, bao gồm cả Tập đoàn Jardine Matheson.

Vốn vay thương mại: Chiếm 80% tổng giá trị đầu tư, tương đương khoảng 49,08 tỷ USD. Nguồn vốn vay này dự kiến từ các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước, với sự hỗ trợ của Chính phủ về bảo lãnh khoản vay nước ngoài và hỗ trợ trả nợ đối với khoản vay trong nước trong thời gian 30 năm.

Thời gian thực hiện dự án dự kiến là 7 năm. Dự án được chia thành 2 giai đoạn chính: Giai đoạn 1: Hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt động trong vòng 05 năm kể từ khi dự án được phê duyệt, tập trung vào các đoạn Thành phố Hồ Chí Minh-Nha Trang và Hà Nội-Phan Thiết; Giai đoạn 2: Hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt động các đoạn còn lại là Nha Trang-Phan Thiết trong các năm tiếp theo.

Dự án được kỳ vọng mang lại nhiều lợi ích, bao gồm rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển, chi phí vận hành tàu thấp, và giảm đáng kể tổng vốn đầu tư của dự án trên mỗi km so với các phương thức khác, giúp giảm giá vé cho người dân.

THACO cũng đề xuất các cơ chế hỗ trợ từ Nhà nước để dự án được triển khai hiệu quả, bao gồm hỗ trợ giải phóng mặt bằng, giao đất thực hiện dự án theo mô hình TOD (Phát triển định hướng giao thông công cộng), chính sách ưu đãi thuế, và các cơ chế đặc thù theo Nghị quyết số 172/2024/QH15.

THACO khẳng định năng lực, kinh nghiệm và sự sẵn sàng tham gia đầu tư dự án trọng điểm quốc gia này. Tập đoàn cam kết sẽ tập trung mọi nguồn lực, ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất, phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, và đóng góp toàn bộ dự án sau này cho Nhà nước khi được yêu cầu vì lợi ích quốc gia.