Lai Châu: Tạo điểm nhấn trong thu hút đầu tư

Thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt từ 8% trở lên, theo hướng xanh và bền vững, tỉnh Lai Châu đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, vận dụng sáng tạo nhiều mô hình, tạo điểm nhấn trong thu hút đầu tư... 
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo tỉnh Lai Châu khảo sát các mô hình phát triển kinh tế tại địa phương.
Lãnh đạo tỉnh Lai Châu khảo sát các mô hình phát triển kinh tế tại địa phương.

Với quyết tâm chính trị cao và đường hướng rõ ràng, Lai Châu có cơ sở thực hiện thành công mục tiêu này, góp phần tạo nền tảng vững chắc cùng cả nước hướng tới đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo.

Khai thác hiệu quả, hợp lý và tiết kiệm tài nguyên

Là tỉnh có vị trí địa chiến lược đặc biệt quan trọng, nhưng so với các vùng kinh tế lân cận, Lai Châu lại chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư như một số địa phương khác. Đồng chí Vũ Mạnh Hà, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lai Châu chia sẻ: Tỉnh Lai Châu ở vị trí “rẻ quạt”, vắt giữa hai hành lang kinh tế phát triển năng động là Hà Nội-Điện Biên và Hải Phòng-Lào Cai cho nên chưa tạo được sức hút mạnh mẽ với nhà đầu tư. Thực tế này đặt ra yêu cầu Lai Châu phải xây dựng chiến lược phát triển kinh tế-xã hội có hướng đi riêng, bản sắc riêng và sức hút riêng.

Từ định hướng đó, nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh xác định thực hiện chiến lược phát triển: Một trục, hai vùng, ba trụ cột và bốn nhiệm vụ đột phá. Trong đó, nhiệm vụ đột phá là tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ; đẩy mạnh cải cách hành chính; tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung tạo sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản có giá trị, hiệu quả kinh tế cao.

Các trụ cột kinh tế của Lai Châu (du lịch cộng đồng gắn với bản sắc văn hóa và kinh tế biên mậu; công nghiệp năng lượng, khai khoáng và chế biến nông, lâm thủy sản; nông nghiệp đa giá trị, nông nghiệp hữu cơ) đều hướng đến những ngành công nghiệp không khói, phát thải các-bon thấp; khai thác sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên, đều là các nội hàm của kinh tế xanh. Nhờ chiến lược phát triển đúng hướng, phù hợp điều kiện tự nhiên và xã hội, Lai Châu có nền tảng vững chắc để thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng 8%/năm do Trung ương đề ra.

Kết quả tăng trưởng GRDP trung bình giai đoạn 2021-2024 của tỉnh đạt 4,75%, trong đó năm 2024 đạt 10,52%, vượt kế hoạch đề ra (đứng thứ 5 cả nước). GRDP bình quân/người năm 2024 đạt 56,45 triệu đồng (tăng 11,75 triệu đồng so với năm 2021). Đáng chú ý, diện tích rừng lớn với giá trị thu được từ dịch vụ môi trường rừng đạt gần 500 tỷ đồng/năm; tỷ lệ che phủ rừng đạt 52,86%... Riêng lĩnh vực nông nghiệp, nhiệm kỳ qua, tỉnh hình thành được các vùng sản xuất hàng hóa tập trung với gần 4.000 ha lúa hàng hóa, gần 11.000 ha chè, 8.100 ha cây ăn quả, gần 7.500 ha cây mắc-ca, 13.000 ha cây quế, hơn 11.000 ha cây dược liệu...

Hạ tầng tốt hơn đã góp phần quan trọng đưa tổng khách du lịch đến tỉnh giai đoạn 2021-2025 đạt hơn 5 triệu lượt người, tăng bình quân 33,4%/năm; tổng doanh thu ước đạt hơn 3.800 tỷ đồng. Tại xã Bản Hon, huyện Tam Đường, mô hình làng sinh thái bản Thẳm (Bản Thẳm Ecolodge) của 44 gia đình dân tộc Lự là sự kết hợp giữa hạ tầng và du lịch cộng đồng trên nền tảng giữ gìn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa. Từ việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện Tam Đường đã đầu tư các công trình hạ tầng như: cầu, đường, trại chăn nuôi. Người dân bản Thẳm kêu gọi thu hút đầu tư từ doanh nghiệp, hình thành mô hình làng sinh thái gắn với du lịch cộng đồng. Đến nay, Bản Thẳm Ecolodge là một địa điểm du lịch sinh thái hấp dẫn du khách.

Thời gian tới, theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu Hà Trọng Hải, để hoàn thành mục tiêu đề ra, bên cạnh việc bám sát các chỉ đạo của Trung ương, Lai Châu đã xác định một số giải pháp trọng tâm. Trong đó, tỉnh đầu tư mạnh cho các lĩnh vực trụ cột như: khai thác hết công suất các nhà máy thủy điện; đẩy mạnh xuất nhập khẩu, nhất là qua cửa khẩu Ma Lù Thàng. Tỉnh ủy chỉ đạo các địa phương chú trọng mở rộng quy mô sản xuất, tăng thêm sản phẩm; tăng năng suất, sản lượng chè, tăng chu kỳ sản xuất, kinh doanh theo quy mô trang trại, phấn đấu đạt tối đa công suất, chu kỳ quay vòng; phát triển thủy sản, hỗ trợ tăng quy mô đàn ong, cây dược liệu, cây công nghiệp ngắn ngày; phát triển du lịch sinh thái...

Lai Châu: Tạo điểm nhấn trong thu hút đầu tư ảnh 1

Mô hình ươm, trồng cây sâm bản địa Lai Châu dưới tán rừng nguyên sinh.

Một lợi thế nữa, theo ông Hải là Lai Châu đang đẩy nhanh tiến độ các thủ tục đầu tư dự án hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên (kết nối thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai với huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu); phối hợp đẩy mạnh thực hiện dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía bắc (tuyến đường nối thành phố Lai Châu với cao tốc Nội Bài-Lào Cai)…

Trước đây, việc phát triển kinh tế ở tỉnh Lai Châu rất khó khăn bởi ngành kinh tế nào cũng chịu tác động từ thiên nhiên. Các cấp ủy, chính quyền tỉnh Lai Châu đã đồng lòng, thống nhất phương châm “bốn giữ” là giữ đất, giữ nước, giữ rừng và giữ dân để thúc đẩy kinh tế, trong đó, việc giữ dân được đặt lên hàng đầu.

Chăm lo toàn diện đời sống người dân

Lai Châu còn nhiều khó khăn, địa hình phức tạp, chia cắt, hạ tầng hạn chế. Vì thế, song song với tăng trưởng kinh tế, Tỉnh ủy xác định mục tiêu chăm lo toàn diện đời sống người dân, từ giáo dục, văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh, đào tạo nghề, giải quyết việc làm... nhằm bảo đảm an sinh xã hội, đáp ứng các yêu cầu về phát triển bền vững.

Ngành giáo dục Lai Châu nỗ lực rất lớn để vừa bảo đảm tỷ lệ tốt nghiệp THCS đạt 99,61% năm 2024, vừa quan tâm, chăm lo đời sống của học sinh.

Theo đó, ngành giáo dục Lai Châu nỗ lực rất lớn để vừa bảo đảm tỷ lệ tốt nghiệp THCS đạt 99,61% năm 2024, vừa quan tâm, chăm lo đời sống của học sinh. Giáo dục ở xã vùng cao Tà Mung, huyện Than Uyên là một thí dụ. Học sinh các trường bán trú được dân nuôi thêm một bữa tối, từ tiểu học hầu như học sinh đều học tại trường từ thứ hai đến thứ sáu. Thời gian ngoài giờ học, các em được dạy kỹ năng sống và truyền thống văn hóa của dân tộc mình như: May vá, thêu thùa, múa hát dân ca, dân vũ... theo mô hình trường học sinh thái.

Nhận thức rõ một số hủ tục đã cản trở người dân phát triển kinh tế hộ gia đình nên Bí thư Chi bộ Sùng A So của bản Hua Than (xã Mường Than, huyện Than Uyên) đã quyết tâm xóa bỏ, xây dựng nếp sống văn minh trong thôn, bản mình. A So là người dân tộc H’Mông, có nhận thức tiến bộ và cởi mở, đã hướng đến việc vận động người dân xóa bỏ những nghi lễ tang ma rườm rà, tốn kém. Từ sáng kiến của A So, Huyện ủy thảo luận và thống nhất thực hiện thí điểm tại xã Phúc Than (có 5 bản người H’Mông).

Đến nay, mô hình được nhân rộng ở tất cả 21 thôn, bản của người H’Mông trong huyện Than Uyên. Mô hình này trở thành mô hình điểm của Lai Châu khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 22/12/2023 của Tỉnh ủy về xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc, góp phần bồi đắp sức mạnh nội sinh thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững.

Cùng với xóa bỏ hủ tục, việc vận động người dân thay đổi vật nuôi cây trồng, cụ thể là trồng cây chè và thực hiện mô hình chăn nuôi tập trung, cũng được cấp ủy các xã quan tâm, chú trọng. Bí thư Đảng ủy xã Tà Mung Vàng A Mang chia sẻ: Từ đầu nhiệm kỳ, Đảng ủy xã đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, vận động người dân thay đổi vật nuôi cây trồng. Ban đầu, chủ trương này gặp phải sự phản đối từ phía người dân. Người dân lo rằng, “trồng cây chè không làm no cái bụng được”. Đảng ủy xã đã bàn bạc, tìm giải pháp bằng cách xây dựng mô hình điểm với những người tiên phong là đảng viên và quần chúng ưu tú. Qua một, hai vụ thành công, người dân phần lớn đã chuyển đổi từ làm nương trồng lúa sang trồng chè. Bộ mặt nông thôn có sự khởi sắc, chất lượng cuộc sống nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm mạnh, từ 63,53% (năm 2021) đến nay còn 12,83%.

Lo “cái ăn”, Đảng ủy xã lại lo thêm “cái học”. Đảng ủy xã cùng hệ thống chính trị đến từng nhà, vận động người dân để con, em được tới trường. Mục tiêu là học sinh trong xã phải tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên. Đảng ủy xã đã mạnh dạn tìm kiếm, kết nối với các trường đào tạo nghề tại Hà Nội, Hải Phòng, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để gửi con, em của xã học tập và lao động. Hiệu quả rất rõ, đến nay, lớp học sinh đầu tiên được đào tạo nghề tại Hải Phòng đã sắp tốt nghiệp. Từ đây, nhận thức của người dân về việc học văn hóa, nâng lên đáng kể, tạo nền tảng phát triển bền vững.

Vận dụng sức mạnh tổng hợp của gia đình, cộng đồng và mỗi cá nhân, hệ thống chính trị cơ sở tỉnh Lai Châu đã phát huy vai trò hạt nhân trong thực hiện các nhiệm vụ kinh tế-xã hội tại địa phương. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 1.095 mô hình học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Những mô hình này góp phần thúc đẩy tăng trưởng của địa phương, thí dụ như mô hình cây chè theo hướng sản xuất hàng hóa, sản phẩm hữu cơ theo tiêu chuẩn VietGAP đã góp phần giúp nhiều bản làng thoát nghèo, đạt tiêu chí về thu nhập trong xây dựng nông thôn mới.

Mô hình sinh hoạt chi bộ kiểu mẫu làm rõ thêm vai trò của mỗi cán bộ, đảng viên trong giúp đỡ vận động người dân xây dựng kinh tế hộ gia đình. Trong bối cảnh địa phương còn nhiều khó khăn, cấp ủy các cấp phát huy tốt vai trò gương mẫu, tiên phong của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, làm tròn nhiệm vụ trong quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy và tổ chức mô hình chính quyền địa phương hai cấp.