Tuy nhiên, nguồn điện hiện tại của Côn Đảo được cấp từ Nhà máy phát điện diesel gồm chín tổ máy phát điện, với tổng công suất 11.820 kW, chỉ đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của người dân và một phần phục vụ kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp trên địa bàn huyện cho nên không thu hút được các nhà đầu tư lớn đến Côn Đảo. Dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 16/6/2023 tại Quyết định 708/QĐ-TTg. Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cùng các bên có liên quan đang hoàn tất những thủ tục cần thiết để sớm triển khai dự án kéo điện lưới ra Côn Đảo. Tập đoàn Điện lực Việt Nam là đơn vị được giao làm chủ đầu tư dự án, Bộ Công thương cấp quyết định đầu tư dự án với nguồn vốn trên 4.950 tỷ đồng. Trong đó, vốn từ ngân sách trung ương hơn 2.500 tỷ đồng và vốn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam hơn 2.400 tỷ đồng. Dự án được triển khai trong giai đoạn 2023-2026, sử dụng vốn đầu tư công nhóm A, công trình năng lượng cấp 3, quy mô xây dựng mới đường dây 110 kV, một mạch, từ ngăn xuất tuyến 110 kV tại trạm biến áp 220 kV Vĩnh Châu-tỉnh Sóc Trăng đến trạm biến áp 110/22 kV Côn Đảo. Tổng chiều dài toàn tuyến gần 104 km, từ thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) vượt biển ra Côn Đảo gồm bốn đoạn: Đoạn trên bờ Vĩnh Châu 4,5 km, đoạn đường dây không trên biển Vĩnh Châu 18 km, đoạn cáp ngầm vượt biển hơn 73 km và đoạn cáp ngầm phía Côn Đảo là 8,43 km, bề rộng hành lang tuyến trung bình 14,5m. Mục tiêu của dự án là bảo đảm cung cấp điện ổn định và an toàn, đáp ứng các mục tiêu phát triển của huyện Côn Đảo, góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng và chủ quyền biển đảo quốc gia.
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đơn vị tư vấn đã khảo sát, lựa chọn được hướng tuyến phù hợp nhất trong việc kéo lưới điện ra Côn Đảo, hạn chế thấp nhất việc thu hồi, giải phóng mặt bằng, cũng như hạn chế việc tác động đến đất rừng. Điểm tiếp bờ (phía huyện Côn Đảo) gồm hầm cáp và điểm chuyển tiếp phục vụ hoạt động đấu nối, bảo trì tại bãi Ông Câu có diện tích thiết kế khoảng 300m2. Qua thẩm định, toàn bộ diện tích này thuộc đất rừng đặc dụng nhưng không có cây rừng; tuy nhiên, vẫn phải thực hiện thủ tục thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất rừng theo quy định. Đoạn tuyến cáp ngầm trên địa bàn huyện Côn Đảo sẽ đi theo tuyến hành lang đường giao thông và dọc theo đường tuần tra bảo vệ rừng hiện hữu cho nên không tác động đến diện tích đất có cây rừng, vì vậy không phải thực hiện thủ tục thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, sử dụng rừng.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Phạm Viết Thanh cho biết: Địa phương sẽ chỉ đạo các sở, ngành có liên quan khẩn trương phối hợp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án. Đối với phần diện tích cần phải thực hiện thủ tục thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất rừng để thực hiện điểm tiếp bờ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trung ương trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án chuyển mục đích sử dụng đất rừng để dự án được triển khai thuận lợi nhất, đúng theo quy định. Vị trí xây dựng trạm biến áp 110 kV có tổng diện tích sử dụng đất khoảng 1.800m2 thuộc khu đất nhà máy điện An Hội, huyện Côn Đảo do Công ty Điện lực Bà Rịa-Vũng Tàu đang sử dụng từ năm 2014 đến nay. Khu đất này được đưa vào quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 là đất công trình năng lượng, không cần phải thực hiện thủ tục thu hồi đất. Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam Đặng Hoàng An cho rằng: Để sớm có cơ sở thực hiện các bước tiếp theo nhằm bảo đảm tiến độ dự án, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có ý kiến đề nghị Bộ Công thương sớm có kết quả thẩm định hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt; đồng thời, sớm xem xét việc cập nhật quy hoạch sử dụng đất của huyện Côn Đảo phù hợp với quy hoạch tỉnh và sớm phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2024 của huyện để có cơ sở triển khai dự án, bảo đảm khoảng cách an toàn theo quy định.
Thứ trưởng Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cùng đoàn công tác trung ương đã đi khảo sát thực địa và làm việc với Ủy ban nhân dân các tỉnh Sóc Trăng, Bà Rịa-Vũng Tàu về tình hình triển khai và các nội dung liên quan của dự án. Dự án hoàn thành vào năm 2026 sẽ khắc phục được tình trạng thiếu điện phục vụ sinh hoạt, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn huyện; đồng thời, là cơ sở rất quan trọng thu hút đầu tư phát triển Côn Đảo trở thành đô thị sinh thái biển, là khu du lịch văn hóa-lịch sử, sinh thái biển đảo quốc gia, tầm cỡ khu vực và quốc tế; là khu vực bảo tồn di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, có giá trị tôn vinh và giáo dục truyền thống lịch sử; là khu vực bảo tồn hệ sinh thái đa dạng, rừng, biển của quốc gia và quốc tế, bảo đảm nguồn điện đến năm 2030 phục vụ 1,7 triệu khách du lịch, năm 2045 là 2,3 triệu khách du lịch; đồng thời, góp phần bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh của Tổ quốc ■