Là địa bàn tập trung các khu công nghiệp lớn, cảng biển quốc tế, trung tâm tài chính hàng đầu cả nước, vùng Đông Nam Bộ không chỉ đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn là bộ mặt của nền kinh tế Việt Nam trong hội nhập quốc tế.
Vùng động lực kinh tế cả nước
Với đóng góp khoảng 32% GDP, gần 45% tổng thu ngân sách nhà nước và hơn 32% kim ngạch xuất khẩu, Đông Nam Bộ đóng vai trò đầu tàu trong xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), phát triển công nghiệp, dịch vụ… của cả nước.
Vùng kinh tế trọng điểm phía nam với tứ giác kinh tế: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu giữ vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế cho toàn vùng.
Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh được xem là hạt nhân vùng với thế mạnh là địa bàn tập trung các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học, trung tâm y tế; nơi có nguồn nhân lực dồi dào, có kỹ năng và là trung tâm đầu mối dịch vụ, thương mại tầm cỡ khu vực và quốc tế, có môi trường đầu tư hấp dẫn.
Thạc sĩ Lê Đức Lãm, Trường đại học Kinh tế-Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Vùng Đông Nam Bộ được xem là đầu tàu kinh tế số, xã hội số; trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ của Việt Nam; đóng vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa các mục tiêu phát triển quốc gia.
Đến nay, vùng đã hình thành mạng lưới đô thị vệ tinh trong một không gian mở thông thoáng, liên kết với nhau thông qua các tuyến trục và vành đai giao thông đang được xây dựng. Đồng thời, có sức hấp dẫn đầu tư lớn, dẫn đầu trong thu hút FDI, chiếm khoảng 40% tổng vốn đầu tư trực tiếp của cả nước.
Đây là nguồn vốn đầu tư quan trọng để phát triển sản xuất, kinh doanh, đổi mới công nghệ. Theo các chuyên gia, có thể khẳng định, vùng Đông Nam Bộ đã đạt được những thành tựu quan trọng trong quá trình phát triển, góp phần tạo động lực kinh tế quốc gia.
Cùng với đó, vùng đang hội tụ những lợi thế vượt trội và có nhiều điều kiện để phát triển công nghiệp, dịch vụ, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; là tiền đề quan trọng để đẩy nhanh phát triển kinh tế- xã hội góp phần bảo đảm vai trò đầu tàu kinh tế.
Đổi mới tầm nhìn chiến lược
Hiện, vùng Đông Nam Bộ đang đứng trước những thách thức không nhỏ, nhất là những điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, thiếu thể chế điều phối liên vùng, sự chồng chéo trong quy hoạch, cạnh tranh cục bộ giữa các địa phương.
Đông Nam Bộ có lợi thế lớn về logistics, cảng biển, công nghiệp nhưng chưa được khai thác, tận dụng hiệu quả; chưa có chiến lược tối ưu để phát huy tối đa các lợi thế. Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, Đại học Indiana (Hoa Kỳ) cho rằng, với vai trò đầu tàu của vùng Đông Nam Bộ, Thành phố Hồ Chí Minh cần thúc đẩy hành lang kết nối với Tây Nam Bộ và giải quyết bài toán vùng trũng của cả nước.
Thành phố cùng với các địa phương ở Tây Nam Bộ thúc đẩy tiến trình xây dựng hệ thống đường bộ và đường sắt kết nối; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến đường cao tốc kết nối với địa phương và làm các tuyến đường vành đai để tạo ra các vành đai phát triển chung.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II, Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định, các tỉnh, thành phố trong vùng cần phải “đi cùng nhau” để tạo mối liên kết vùng bền chặt, cùng đi đầu trong việc phát huy các tiềm năng, thế mạnh của vùng.
Đồng thời, tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng và thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ trên các lĩnh vực, đặc biệt là kết nối hạ tầng giao thông. Đây được xem là vấn đề có ý nghĩa chiến lược để đẩy mạnh liên kết vùng kinh tế Đông Nam Bộ.
Vì vậy, vùng cần tạo hành lang kết nối từ Tây Nguyên qua Đồng Nai, đến cảng Cái Mép-Thị Vải; nhanh chóng kéo giãn hành lang vận tải lên phía bắc theo đường vành đai 4, qua Biên Hòa (Đồng Nai), đấu nối vào cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu; sớm xây dựng và phát triển hệ thống thông tin, dữ liệu, trao đổi thông tin kinh tế-xã hội, cập nhật về chủ trương, chính sách, thể chế, chương trình hợp tác, hoạt động hợp tác đa phương, song phương nội vùng và liên vùng…
Các chuyên gia cho rằng, trong định hướng phát triển chung, trên cơ sở bảo đảm sự nhất quán, kết nối, kế thừa và phát huy các thành tựu đã đạt được của gần 40 năm đổi mới, Đông Nam Bộ cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, tầm nhìn chiến lược, hình thành mục tiêu và tầm nhìn phát triển mới, hướng đến: “Kiến tạo, hội nhập, thịnh vượng, bền vững”.
Qua đó, xác định các giải pháp đột phá, thúc đẩy phát triển phù hợp với tiềm năng, lợi thế; tạo sự bứt phá hơn trong giai đoạn tiếp theo. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, hội nhập sâu rộng, vùng cần định hình lại mô hình tăng trưởng bằng sự kết hợp thúc đẩy mạnh mẽ giữa công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, kinh tế số, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển… hướng đến phát triển bền vững.
Đồng thời, xây dựng chính quyền kiến tạo, trở thành chỗ dựa đáng tin cậy cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân; đổi mới toàn diện và phát triển nhanh đào tạo nghề, định hướng phát triển dịch vụ giáo dục chất lượng cao theo chuẩn quốc tế để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.