Giảm cân nhanh... nhanh cấp cứu
Hai bệnh nhân nữ hiện đang điều trị tại Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai cùng bị tổn thương não nặng, do sử dụng thực phẩm chức năng có Sibutramine, sản phẩm đều được mua trôi nổi trên mạng. Đáng lưu ý là trường hợp bệnh nhân nữ 27 tuổi vẫn trong tình trạng nguy kịch, hôn mê, suy thận phải lọc máu, hai mắt gần như mất thị lực hoàn toàn.
Bác sĩ Nguyễn Huy Tiến, người điều trị trực tiếp cho bệnh nhân cho biết: “Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng mẩn ngứa, sưng phù, giảm thị lực, suy thận và thay đổi về nhận thức, tinh thần. Trung tâm Chống độc cùng các chuyên khoa trong viện đã hội chẩn và xác định đây là ca bệnh khó, có nhiều bệnh lý nền ở các cơ quan khác nhau. Đến nay, sau hơn 3 tuần điều trị, tình trạng bệnh nhân so với ngày đầu nhập viện vẫn chưa có cải thiện, tổn thương thần kinh và suy thận kèm theo. Tình trạng bệnh nhân có thể tiếp tục diễn biến nặng lên nữa. Ngoài ra, bệnh nhân còn có một số bệnh lý đi kèm nên tình trạng càng nặng lên”.
Lấy thông tin từ gia đình, các bác sĩ tại Trung tâm Chống độc cho biết, bệnh nhân gần đây có sử dụng một loại thực phẩm chức năng để giảm cân có tên là “Cốt bí xanh Detox vip X7”. Sản phẩm có dạng bột, hòa tan trong nước, uống như trà và được quảng cáo là hỗ trợ giảm béo, tiêu mỡ. Mẫu thực phẩm chức năng đó đã được gửi đi xét nghiệm ở Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) quốc gia. Kết quả cho thấy, thực phẩm chức năng có chứa chất Sibutramine, một chất từng được sử dụng trong thuốc giảm béo đường uống - với cơ chế gây chán ăn. Tuy nhiên, từ năm 2010, hoạt chất này đã bị cấm sử dụng ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam, do có nhiều tác dụng phụ nguy hiểm.
TS, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai) thông tin thêm: “Sibutramine là chất trực tiếp gây tổn thương não của bệnh nhân. Nó còn gây thêm những tổn thương trên nền bệnh đã có của bệnh nhân và dễ dàng xuất hiện những biến chứng khác. Thí dụ gây tắc động mạch mắt hai bên, tắc động mạch thận gây suy thận, các bộ phận khác cũng có dấu hiệu bị tổn thương. Bộ Y tế Việt Nam đã có thông báo rất rõ ràng, cấm sử dụng chất này trong thực phẩm chức năng và trà giảm cân”. Do đó, bác sĩ Nguyên cảnh báo người dân cần năng cao nhận thức trong việc sử dụng các loại thực phẩm chức năng, không nên sử dụng các sản phẩm trôi nổi trên thị trường. Nếu có nhu cầu sử dụng bất cứ sản phẩm nào, nên hỏi ý kiến của chuyên gia y tế để được tư vấn kịp thời.
Sản phẩm “Cốt bí xanh Detox vip X7” được quảng cáo là “có công dụng giảm cân thần tốc” và chỉ được bán trực tuyến. Khi phóng viên liên hệ với một số người bán thì được tư vấn cặn kẽ về công dụng, như uống 2 hộp có thể giảm 7 kg. PGS, TS Bùi Thị Nhung, chuyên gia dinh dưỡng cho rằng: “Chắc chắn không có loại thuốc nào có thể giúp chúng ta giảm cân nhanh chóng, cấp tốc đến như vậy. Tất cả những sản phẩm tự nhiên như trà xanh, theo các nghiên cứu của Nhật, nếu uống cả tháng cũng chỉ giảm được vài lạng thôi!”.
Lấp “lỗ hổng” quản lý
Theo Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện nay đã cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, vướng mắc nhất là những vấn đề liên quan đến quảng cáo trên internet, mạng xã hội, trong đó có những trang mạng, máy chủ đặt tại nước ngoài nên rất khó xử lý vi phạm.
Về nguyên nhân của những vi phạm về quảng cáo gây hiểu nhầm thực phẩm chức năng là thuốc, thậm chí ảnh hưởng sức khỏe của người tiêu dùng do sử dụng thực phẩm chức năng giả, chất lượng kém…, lãnh đạo Bộ Y tế lý giải, do sản xuất hàng giả đem lại nhiều lợi nhuận nên các nhãn hàng lợi dụng việc thiếu hiểu biết của một số người tiêu dùng để thổi phồng giá trị sản phẩm. Ngoài ra, còn có hiện tượng buôn bán các thực phẩm chức năng giả qua biên giới.
Bộ trưởng cho rằng, để lấp “lỗ hổng” này, các doanh nghiệp đủ điều kiện sản xuất thực phẩm chức năng theo quy định của Bộ Y tế sẽ được cấp giấy đủ điều kiện và được niêm yết tên trên website của Cục An toàn thực phẩm. Người tiêu dùng có thể tra cứu được các mặt hàng, các doanh nghiệp sản xuất theo đúng quy định.
Theo quy định của pháp luật, thực phẩm chức năng đang được quản lý theo cơ chế hậu kiểm. Tức là, tổ chức, cá nhân phải chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường, đăng ký kinh doanh, tiến hành công bố sản phẩm với cơ quan nhà nước có thẩm quyền là Bộ Y tế hoặc Sở Y tế. Tùy loại sản phẩm, cơ quan quản lý sẽ tiến hành hậu kiểm và xử lý, xử phạt các tổ chức, cá nhân có vi phạm theo quy định pháp luật về thương mại và bảo vệ quyền lợi người tiêu dụng.
Hiện, Bộ Y tế là cơ quan đang chủ trì soạn thảo dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm (dự thảo sửa đổi Nghị định 15). Theo Ban soạn thảo, một số nội dung bất cập, không còn phù hợp với hiện tại và bức thiết cần sửa đổi, bổ sung trong Nghị định này, đó là cải cách thủ tục hành chính, phân cấp quản lý và nâng cao hơn nữa chất lượng thực phẩm chức năng, đặc biệt là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thông qua hậu kiểm. Do đó, sẽ không ảnh hưởng đến sản phẩm tự công bố của các ngành hàng khác như các thực phẩm thông thường, nước ngọt, thủy hải sản...
Theo đó, dự thảo quy định kiểm soát chặt chẽ tổ chức, cá nhân công bố sản phẩm; bổ sung mục thuyết minh công thức sản phẩm để kiểm soát chất lượng đối với các sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm chức năng. Bên cạnh đó, yêu cầu công bố lại khi thay đổi các yếu tố quan trọng của sản phẩm (tổ chức, cá nhân đưa sản phẩm ra thị trường, cơ sở sản xuất; xuất xứ; tên sản phẩm; thành phần, khối lượng thành phần) và tăng cường kiểm soát chất lượng sản phẩm sau công bố.
Dự thảo vẫn duy trì các quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP hiện hành, tổ chức, cá nhân được quyền sản xuất, kinh doanh sản phẩm ngay sau khi tự công bố. Tuy nhiên, quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền được UBND cấp tỉnh chỉ định phải đăng tải hồ sơ tự công bố trên trang thông tin điện tử của đơn vị trong 7 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ; đồng thời phải rà soát hồ sơ trong vòng 3 tháng sau khi tổ chức, cá nhân thực hiện tự công bố (về phân loại sản phẩm, công dụng, đối tượng sử dụng, thành phần) bảo đảm sản phẩm được công bố đúng bản chất, đúng quy định.
Bộ Công thương cũng đang trình Chính phủ ban hành các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm. Trong đó, có các quy định bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; có định nghĩa liên quan tới hàng nhập lậu. Đối với các sản phẩm bán trên website hoặc trên trang thương mại điện tử, tổ chức hội thảo để lừa dối người tiêu dùng, đặc biệt là người cao tuổi, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, nội dung này sẽ cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý thực phẩm chức năng theo hướng quy định chặt chẽ hơn các điều kiện kinh doanh, cũng như tăng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm.
Hiện nay, cả nước có khoảng 201 doanh nghiệp đủ điều kiện sản xuất thực phẩm chức năng theo quy định của Bộ Y tế. Đối với các cá nhân có hành vi vi phạm, Bộ Y tế cũng có những cảnh báo và phối hợp cùng với các bộ, ngành liên quan xử lý vi phạm. Bộ đang đề xuất áp dụng các biện pháp cấm xuất cảnh đối với những trường hợp vi phạm để có cơ sở tiến hành các biện pháp tiếp theo.