Thời điểm đó, phía đỉnh trời Đông Bắc, tiếng quai đá vẫn đang dồn dập vang lên - cuộc ra quân thực thụ của hơn 2.000 thanh niên xung phong và dân công, cuộc “trường chinh” kéo dài hai triệu ngày công, mở tuyến đường xuyên cao nguyên đá, hay được gọi là tuyến đường Hạnh Phúc.
Theo lời Bác gọi
Ngày 10/9/1959, con đường nối từ cầu Gạc Đì (nay là cầu Phong Quang), qua các huyện Quản Bạ, Yên Minh và tới Đồng Văn chính thức khởi công. Trước đó, Hà Giang chỉ có tuyến Quốc lộ 2 là xe cơ giới đi được.
Trong kế hoạch ban đầu, việc chinh phục cao nguyên đá sẽ do Hà Giang “tự lực cánh sinh”. Chỉ thị số 10 của Khu ủy Việt Bắc ghi: “Chủ yếu là tranh thủ khai thông tới Đồng Văn trong một thời gian tương đối ngắn độ 2-3 năm, cho xe vận tải loại trung bình... Trách nhiệm chính làm con đường này là tỉnh. Toàn bộ công giao nhân dân địa phương để thực hiện”.
Nhưng ngay từ ngày đầu tiên, khó khăn đã mở ra: Phía đầu con đường từ cầu Gạc Đì bị chắn bởi vách đá lớn, sức dân công không thể làm trong ngày một ngày hai. Lực lượng dân công phải bắt đầu công việc tại Km10. Cố Bí thư Tỉnh ủy Hà Tuyên Phạm Đình Dy, khi đó là Ty trưởng Ty Giao thông Hà Giang, Tổng công trình sư đường Hạnh Phúc từng kể: “Khi ấy, Thường vụ Khu ủy Việt Bắc Thanh Phong đã đề xuất luôn: Hà Giang cáng đáng việc này một mình hơi khó. Các anh lo dân công, tôi đảm nhiệm vận động thanh niên xung phong Khu tự trị Việt Bắc”. Tháng 6/1960, lực lượng thanh niên xung phong từ sáu tỉnh Việt Bắc được chia thành sáu C, gồm C-Thái Nguyên, C-Bắc Kạn, C-Cao Bằng, C-Tuyên Quang, C-Lạng Sơn, C-Hà Giang lên đến công trường. Sau này, đoạn Đồng Văn-Mèo Vạc qua Mã Pì Lèng có thêm sự góp mặt của các đoàn Nam Định, Hải Dương.
Ông Hứa Văn Chử, Phó Ban chỉ huy công trường, Bí thư Đoàn Công trường, từng kể rằng, lúc vận động cũng có người đi rồi bỏ trốn. Nên, “những người ở lại, đều là tinh thần thép cả”. Bà Nguyễn Thị Liên, dân tộc Tày, người Yên Minh, dân công nhớ lại: “Lúc đó mình còn trẻ, nghe Đảng và Bác Hồ kêu gọi là mình đi. Nếu sợ khổ, không ai ký vào đơn xin đi làm đường đâu!”. Còn với ông Trần Anh Tuấn, là người Nam Định: “Mình đi ngay, vì nghĩ: Phải vì Hà Giang, vì mảnh đất biên cương”. Ông Nguyễn Văn Toan, một thanh niên xung phong quê Nam Định cũng khẳng định: “Thanh niên chúng tôi đi theo tiếng gọi Bác Hồ, của Đảng, xung phong lên đây thôi”.
Đặc biệt nhất, năm 1963, tuyến đường Hà Giang-Đồng Văn hoàn thành sớm một năm so với dự tính, kế hoạch mở tiếp đường qua Mã Pì Lèng sang Mèo Vạc được thông qua. Trong một buổi sáng, hơn 100 thanh niên xung phong đã tình nguyện tham gia đội Thanh niên dũng cảm (còn gọi là đội Cơ dũng). Theo lời ông Tuấn: “Đội Cơ dũng lúc đó là những người cao to, sức khỏe dạn dầy. Không chóng mặt, ù tai, hoa mắt. Phải tình nguyện và không sợ chết”. Ông Tuấn ví von đội Cơ dũng là những cảm tử quân xung trận, cầm chắc cái chết trong tay cũng phải tiến lên. Ông Nguyễn Sĩ Quốc, Đội trưởng đội Cơ dũng, lên công trường lúc chưa đầy 16 tuổi. Ông khai thêm tuổi để được tham gia cùng các anh chị. Cũng chính ông là gương mặt đầu tiên được chọn trong đội Cơ dũng: “Sợ cũng phải làm, chết cũng phải làm. Phải hoàn thành nhiệm vụ”.
Có thêm “viện binh”, tuyến đường quốc lộ nhanh chóng thấy rõ hình hài. Đầu năm 1960, tuyến cầu Gạc Đì- Bắc Sum hoàn thành. Trong năm 1960, đoạn Bắc Sum - Quản Bạ làm lễ thông xe. Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc thông tin về lễ thông xe trên báo, đã quyết định tặng các thanh niên xung phong và dân công 50 Huy hiệu Bác Hồ. Giữa năm 1960, ông Hứa Văn Chử đại diện cho cả công trường lên Phủ Chủ tịch lĩnh 50 huy hiệu. “Tôi lên mà chẳng cần giấy tờ gì cả. Anh Phạm Ngân, Phó Chánh Văn phòng Chính phủ, hỏi tôi ở đâu, tôi nói ở Hà Giang, vậy là anh ấy đưa tôi 50 Huy hiệu Bác Hồ”, ông Hứa Văn Chử kể. Tới lễ thông xe lần thứ ba ở Yên Minh thì 50 huy hiệu mới phát hết cho các đơn vị, cá nhân xuất sắc.
Những ngày trên công trường, không khí thi đua rất rộn ràng. Ông Hứa Văn Chử hồi tưởng: Lúc đó, “Chỗ khó nhất là Cao Bằng”. Giai đoạn thi công đoạn Bắc Sum lên Quản Bạ cũng là thời điểm nhiều sáng kiến ra đời. C-Cao Bằng-Lạng Sơn nghĩ ra cách dùng gỗ, gắn bát làm tay cầm để kéo đất đá. Nhờ vậy mà việc kéo đất giải phóng đường nhanh hơn, so với việc dùng xẻng xúc. Dân công thì hiến kế xếp đá làm kè. Năm 1960, một dân công tên Thứ, đã cùng với ông Đỗ Văn Long, cán bộ phòng kỹ thuật công trường nhận bằng khen cho sáng kiến làm “xe ki” từ nứa, lạt, gỗ... để tăng hiệu suất đổ đất.
Tháng 3/1961, Bác Hồ lên thăm Hà Giang. Trong cuộc nói chuyện với đồng bào Hà Giang, ngày 27/3/1961, Bác tuyên dương: “Bác khen ngợi các cháu thanh niên sáu tỉnh Việt Bắc xung phong lên đắp con đường Hà Giang - Đồng Văn. Mong các cháu thi đua hoàn thành cho thật tốt nhiệm vụ đó”.
Điều làm nên hạnh phúc
Khi tiến hành khai thác thuộc địa, người Pháp cũng đã từng lên kế hoạch mở đường Hà Giang, nhưng họ chưa từng thành công. Vì thế, kế hoạch làm đường lúc đầu chìm trong hoài nghi. “Bọn phỉ nó nói nếu Chính phủ làm được đường, nó lấy đầu làm chân đi”, ông Hứa Văn Chử cười.
Nhưng sáu năm ấy, hơn 2.000 thanh niên xung phong và dân công đã làm nên kỳ tích, vượt tiến độ đoạn Hà Giang-Đồng Văn tới hơn một năm, tiếp đó là “chiến công” hạ Mã Pì Lèng trong 11 tháng. Nói như ông Phạm Đình Dy, con đường đó là biểu tượng khắc họa bàn tay, khối óc, tinh thần đoàn kết của con người Việt Nam.
Ông Chử tự hào: Giấy vào Đảng, vào Đoàn của thanh niên xung phong công trường, hầu hết, đều do ông ký. “Khi bắt đầu, công trường không có đảng viên nào. Nhưng rất nhanh, tất cả đơn vị đều có đảng viên, chi bộ hết”, nguyên Bí thư Chi đoàn công trường chia sẻ niềm vui.
Ngày lên công trường, ông Hoàng Văn Hộ (C-Lạng Sơn) không biết chữ. Công trường có giáo viên dạy học, mỗi ngày học một ít. Rời công trường, cả 20 người C-Lạng Sơn đều biết đọc, biết viết, biết khai căn, thậm chí... tra được logarit. Giữa công trường, nhiều tình yêu nảy nở, nhiều gia đình nên duyên, nhiều đứa trẻ ra đời. Đó cũng là những niềm hạnh phúc không thể đong đếm, trên mỗi cung đường.
![]() |
Treo người phá núi, trên dốc Mã Pì Lèng. (Ảnh NVCC) |
Thêm nhiều Hạnh Phúc
Năm 1963, tuyến Hà Giang-Đồng Văn thông xe, những chuyến xe ô-tô đầu tiên đến thị trấn Đồng Văn. Năm 1964, thanh niên xung phong “hạ Mã Pì Lèng”. Đến năm 1965, xe ô-tô đã đến được trung tâm huyện Mèo Vạc.
Sau Hạnh Phúc, nhiều tuyến đường tiếp tục hoàn thành. Ngày 12/1/1978, con đường từ Ma Lé vào Lũng Cú (Đồng Văn) hoàn thiện. Lần đầu tiên, lá cờ Tổ quốc tung bay trên đỉnh núi Rồng, nơi dựng cột cờ Lũng Cũ - cột mốc cực bắc Tổ quốc - sau này.
Báo cáo tổng kết năm 1960 của Công trường Đồng Văn ghi: “Tất cả những sự cống hiến sức người, sức của, họ (nhân dân) nói lên lòng biết ơn sâu sắc Đảng và Chính phủ, biết ơn những bàn tay lao động của bao thanh niên và công nhân các tỉnh đã không quản khó khăn góp phần xây dựng con đường lịch sử mà hàng nghìn năm họ đã mơ ước. Nó là con đường Xã hội Chủ nghĩa, con đường hạnh phúc”. Từ năm 1961, con đường mang tên Hạnh Phúc tới ngày nay.
Đó cũng là lần đầu, ô-tô vào tận Lũng Cú. Đoàn xe 36 chiếc từ các tỉnh đỗ kín con đường, hết cả vòng cua. Cùng với đó là những tuyến đường liên xã tưởng không thể chinh phục, cũng đều lần lượt thông xe: 15 km đoạn Sà Phin lên Ma Lé ở Đồng Văn, sau đó là tuyến cầu Tràng Hương-Sơn Vĩ ở Mèo Vạc, đường Yên Minh-Bạch Đích... Phần nhiều trong số đó là dân công thực hiện, cũng có phần của những thanh niên xung phong, khi hoàn thành con đường đã chọn ở lại, tiếp tục dựng xây Hà Giang.
Năm 2019, tuyến đường Cán Tỷ (Quản Bạ)-Lao Và Chải (Yên Minh) thông xe. Đó chính là tuyến đường ngựa đi năm xưa qua cổng thành Quản Bạ, mà vì hạn chế kỹ thuật, đường Hạnh Phúc không thể chinh phục. Có đường, có điện, cực bắc không còn xa xôi nữa. Bà Dương Thị Hà (C-Bắc Kạn) nghẹn ngào: “Bao nhiêu năm mới đi lại đường Hạnh Phúc. Lúc xuống Yên Minh, nước mắt nó cứ chảy ra thế này”.
“Bây giờ dân sinh dễ dàng so với trước lắm rồi”, bà Triệu Thị Dần (C-Bắc Kạn) cảm thán. Ông Nguyễn Văn Toan (C-Nam Định) thì thấy: Từ ngày có đường Hạnh Phúc, Hà Giang thay đổi “một nghìn phần trăm”, so những cảnh vất vả, thiếu thốn trong ký ức chung.
Ông Nguyễn Sĩ Quốc, người Đội trưởng đội Cơ dũng năm xưa chưa bao giờ có mặt trong bất cứ cuộc vinh danh nào. Nhưng nhiều năm sau, ông vẫn nhớ ở Hà Giang có đường Hạnh Phúc, vẫn nói về những con dốc 12 khúc quanh, những vách đá, những đêm lạnh thấu xương, trong hồi ức đứt quãng. Hai người con, ông đặt tên là Việt và Nam. Con ông kể, “bố nói: Đó là lịch sử!”.
Với ông Hoàng Văn Hộ (C-Lạng Sơn), điều “day dứt” nhất chính là câu nói của liệt sĩ Lương Quốc Chanh - liệt sĩ trẻ nhất trên tuyến đường - trước khi nhắm mắt: “Sau này có ai còn nhớ chúng tôi không?”. “Chúng tôi nhắc lại với các anh là vẫn nhớ. Con đường mà chúng ta đã làm, đã đi vào dĩ vãng lâu rồi, nay được ghi nhận. Như vậy là Đảng, Nhà nước và nhân dân vẫn biết đến chúng ta. Hơn tám vạn đồng bào Yên Minh, Đồng Văn, Quản Bạ trên con đường này biết chúng ta”, ông Hộ ngậm ngùi.