Kỷ niệm 71 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Vẹn nguyên tinh thần, ý chí Điện Biên

Tháng 5, từng con đường, ngõ phố trong thành phố Điện Biên Phủ lại kiêu hãnh thắp lên màu đỏ chói ngời của Quốc kỳ, của những biểu ngữ như hối giục người muôn phương tìm về nơi đây. Về với mảnh đất Điện Biên, về để thăm chiến trường xưa và cả những công trình mới, về để mỗi người con nước Việt cảm nhận sự chuyển mình mạnh mẽ của thành phố trẻ…
0:00 / 0:00
0:00
Lễ Thượng cờ tại Cột cờ A Pa Chải. (Ảnh Xuân Tư)
Lễ Thượng cờ tại Cột cờ A Pa Chải. (Ảnh Xuân Tư)

Vọng tiếng “hò dô” từ ký ức oai hùng!

Vào những ngày này 71 năm trước, quốc lộ 41 (bây giờ là quốc lộ 6) lửa đạn đỏ từng cung đường. Không quân Pháp oanh tạc quốc lộ 41 với tần suất cao, trong suốt 48 ngày đêm, để ngăn cản sức chi viện cho chiến trường Điện Biên Phủ. Còn hôm nay, sau 71 năm, quốc lộ 6 trải dài mềm mại như dải lụa đưa du khách về với Điện Biên bằng những chuyến “boeing mặt đất”. Về với những “tọa độ lửa” thủa xưa như Cò Nòi, Pha Đin, Nà Tấu, Nà Nhạn... còn vọng về tiếng “hò dô” oai hùng thủa đó. Còn vọng về tiếng chão nghiến vào những đôi vai trần rớm máu...

Về Điện Biên hôm nay, sẽ chẳng khó tìm gặp những người chiến sĩ Điện Biên, như các ông Nguyễn Hữu Chấp, Bùi Kim Điều, Phạm Bá Miều, Phạm Đức Cư… để được nghe kể về những trận chiến sinh tử ở "Trung tâm đề kháng" Him Lam, trận đánh đồi Độc Lập, đồi A1… Dẫu tuổi cao sức yếu, có nhiều chuyện lúc nhớ lúc quên thế nhưng từng lời trong quyết tâm thư trước lúc vào trận chiến thì các ông còn nhớ mãi.

Trong dòng người nườm nượp về Điện Biên thăm các di tích đồi A1, Sở chỉ huy Chiến dịch ở Mường Phăng và Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, Thiếu tướng Lưu Xuân Cải, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Hải Phòng vô cùng xúc động khi được tận mắt thấy những hiện vật chiến trường của bộ đội ta ngày ấy. Ông chia sẻ: Trong trái tim mỗi người lính, ba tiếng “Điện Biên Phủ” rất đỗi thiêng liêng. Bởi vậy, không chỉ những chiến sĩ từng tham gia trận đánh mà lớp trẻ hôm nay đều mong mỏi được về thăm chiến trường xưa, để hiểu hơn tấm gương anh dũng chiến đấu của thế hệ cha anh đã cống hiến, hy sinh cho hòa bình, độc lập của dân tộc. “Mỗi lần về Điện Biên thăm lại di tích như đồi A1, di tích hầm chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (xã Mường Phăng) và viếng hương hồn các anh hùng liệt sĩ trong các Nghĩa trang liệt sĩ A1, Him Lam… tôi như vẫn nghe được những tiếng hò dô, tiếng xung phong của các chú, các anh đã xông lên trên chiến trường đỏ lửa!”, Thiếu tướng Lưu Xuân Cải cho biết thêm.

Thành phố Điện Biên Phủ đang đổi thay từng ngày. Nhà mới, trường học mới mọc lên, đường lớn mở ra dẫn về các huyện vùng cao biên giới, về các căn cứ cách mạng xưa ở Tủa Chùa, Điện Biên Đông, Tuần Giáo. Từ đỉnh đồi D1- nơi có tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ, du khách thỏa sức phóng tầm mắt thật rộng, thật xa ngắm toàn cảnh thung lũng Mường Thanh. Đâu đâu cũng tràn những sắc mầu tươi mới, mầu của những mái đỏ công trường. Hay mầu no ấm của cánh đồng lúa Mường Thanh mênh mông rì rào sóng lúa...

Công trình xây bằng ý chí và tinh thần đoàn kết

Chính lễ kỷ niệm 71 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 7/5 năm nay, tại xã biên giới Sín Thầu, huyện Mường Nhé, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên long trọng tổ chức Lễ khánh thành và Lễ thượng cờ đầu tiên tại cột cờ A Pa Chải. Công trình không chỉ mang ý nghĩa lịch sử, mà còn là biểu tượng khẳng định vị thế và chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam tại điểm giao biên giới ba nước Việt Nam-Lào-Trung Quốc.

Đồng chí Lê Thành Đô, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên cho biết, việc xây dựng Công trình cột cờ A Pa Chải tại xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé là một trong những nội dung cụ thể của Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh ủy Điện Biên về phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với mục tiêu đưa Điện Biên trở thành điểm đến lịch sử hấp dẫn du khách trong nước, quốc tế.

Theo đồng chí Lê Thành Đô, thấu hiểu niềm ước mong xây dựng cột cờ thiêng liêng trên biên giới cực Tây Tổ quốc và ước vọng đoàn kết, hòa bình, góp sức xây dựng biên giới hữu nghị, bình yên trong trái tim mỗi người dân, bởi vậy ngay từ khâu thiết kế từng chi tiết, từng con số tại cột cờ đều mang một ý nghĩa, thông điệp gắn với sự kiện lịch sử Điện Biên Phủ, gắn với đời sống văn hóa của các dân tộc thiểu số ở Điện Biên.

Thân cột cờ được tạo khối dựa trên hình bát giác, thể hiện sự cân đối chắc chắn, vững chãi và uy nghiêm của thế nước nơi biên cương dặm dài. Phần chân cột cờ được tạo điểm nhấn bằng năm bức phù điêu mang hình ảnh đặc trưng văn hóa Tây Bắc, họa tiết dân tộc, theo các chủ đề: Sự tích Quả bầu mẹ-truyền thuyết của dân tộc Khơ Mú, trong đó có 19 dân tộc tỉnh Điện Biên; văn hóa tín ngưỡng, lao động, sản xuất, dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian, phong tục tập quán với một số lễ hội đặc sắc của các dân tộc tại Điện Biên... Trên đỉnh cột cờ có ốp bức phù điêu đá với chủ đề Bác Hồ với các dân tộc Tây Bắc.

Khẳng định “Công trình cột cờ A Pa Chải không chỉ được xây bằng vật liệu bê-tông, sắt, thép... mà được xây bằng ý chí và sự đoàn kết của các dân tộc tỉnh Điện Biên”, đồng chí Lê Thành Đô đã dẫn chứng, toàn bộ kinh phí xây dựng cột cờ (31 tỷ đồng) đều được vận động xã hội hóa; Bộ đội Biên phòng, Đồn Biên phòng A Pa Chải cùng hàng nghìn lượt cán bộ, đoàn viên, thanh niên và bà con nhân dân các dân tộc ở xã Sín Thầu... đã không quản mưa giông hay nắng cháy để gùi từng bao đất, cõng từng viên gạch, khiêng từng bao cát với đá, xi-măng lên độ cao công trình để xây dựng. Mỗi một viên gạch, phiến đá hay từng khóm cây trong khuôn viên cột cờ đều thấm đẫm những giọt mồ hôi, công sức của hàng trăm người đã miệt mài suốt một năm qua.

 Vẹn nguyên tinh thần, ý chí Điện Biên ảnh 1
Điện Biên trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. (Ảnh Lan lê)

Dưới sân hành lễ cột cờ A Pa Chải, người con gái của dân tộc Hà Nhì có cái tên thật đẹp - Chang Thị Dung, Bí thư Đoàn xã Sín Thầu, đã không nén nổi niềm xúc động khi được ngắm nhìn lá cờ Tổ quốc có ngôi sao vàng năm cánh kiêu hãnh bay trên đỉnh Khoang La San. Chỉ tay về dãy núi sừng sững với các mũi đá vươn giữa biển mây, Chang Thị Dung, khẽ nói: Người Hà Nhì ở ngã ba biên giới gọi là dãy Khoang La San. Đời nối đời, người Hà Nhì ở các xã Sín Thầu, Sen Thượng, Chung Chải, Mường Nhé dù đi muôn nơi đều tự hào là người con ở vùng đất biên cương, nơi dù xa xôi cách trở nhưng có cột mốc số 0 trên đỉnh Khoang La San - ngã ba biên giới. Chung sức bảo vệ cột mốc, giữ gìn biên cương, người Hà Nhì luôn đoàn kết, một lòng tin theo con đường có Đảng, có Bác Hồ.

Chang Thị Dung tin tưởng, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Điện Biên, nhân dân các dân tộc luôn nỗ lực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững với thành quả đưa Sín Thầu là xã đầu tiên trong huyện Mường Nhé được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2021. Hôm nay, Sín Thầu tiếp tục gặt hái thành công, trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn với bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc và các công trình ghi dấu chủ quyền lãnh thổ quốc gia rất đỗi thiêng liêng.

Cột cờ A Pa Chải có chiều cao hơn 45 m, được xây dựng trên một đỉnh núi có độ cao 1.459m so mực nước biển (cos), nằm trong dãy Khoang La San hùng vĩ chạy dọc theo biên giới Việt Nam-Trung Quốc. Tổng chiều cao của cột cờ sau khi hoàn thành ở cos +1.505,54 m là con số mang dấu ấn Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử (tháng 5/1954). Lá cờ có kích thước 7,5 m x 5 m là con số ứng với ngày 7/5 - ngày Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, kết thúc chín năm trường kỳ kháng chiến của dân tộc.