Rủi ro dịch vụ tự phát

“Kho” là một dịch vụ tự phát trên thị trường chứng khoán (TTCK) do các cá nhân lập ra và tự thỏa thuận với nhau về tất cả các điều khoản ràng buộc. Đây là sản phẩm không được luật hóa nên ẩn chứa rất nhiều rủi ro.
0:00 / 0:00
0:00

Một môi giới chứng khoán có gần 20 năm kinh nghiệm tiết lộ, hiện nay phổ biến có hai loại kho là kho tiền và kho hàng (chứa cổ phiếu - CP). Kho tiền phục vụ việc mua vào (long), còn kho hàng thường dùng để bán (short). Câu hỏi đầu tiên đặt ra là tại sao lại có kho tiền trong khi nhà đầu tư (NĐT) có thể vay tiền (margin) từ công ty chứng khoán (CTCK)? Có thể hiểu kho tiền là một dạng “siêu margin” tức là vay với tỷ lệ rất cao. Nếu như công ty chứng khoán thường chỉ cho vay 1:1 (có 1 đồng vay 1 đồng) hay có thể lách luật như trước đây là 4:6 (có 4 đồng vay 6 đồng) hoặc 3:7 thì kho tiền có thể thành 1:10 hay 5:20.

Theo đó, ai có nhu cầu thuê kho tiền, có thể tìm một NĐT quen biết hoặc mình tin tưởng, ký quỹ, đặt cọc cho người đó 1 đồng, thì “chủ kho” sẽ cho mượn lại 10 hoặc 20 đồng để mua CP. Tất nhiên, giao dịch sẽ thực hiện trên tài khoản của chủ kho. Nói đến đây, nhiều người sẽ mường tượng đến việc lỡ như đặt cọc hoặc ký quỹ sẽ xuất hiện rủi ro bị “xù tiền”. Cần nhấn mạnh ở đây là quan hệ giữa người thuê kho với chủ kho thường là mối quen biết, tin tưởng. Trước đây đã từng có công ty chứng khoán triển khai hình thức kho hàng nhưng sau đó bị xử phạt rất nặng và hiện cũng không thấy nơi nào dám lách luật để làm.

Vậy chủ kho sẽ được gì? Vì là sản phẩm tự phát nên cũng có vô số cách tính liên quan đến cái gọi là phí thuê kho, hay phí giao dịch. Chẳng hạn, “mềm” nhất là các chủ kho tính phí theo lãi suất 18-20%/năm trên tổng tài sản thuê. Chẳng hạn, NĐT thuê một kho tiền giá trị 1 tỷ đồng thì phí phải trả trong 1 có thể từ 180-200 triệu đồng/năm. Số tiền có vẻ lớn, nhưng trong thực tế phần lớn NĐT thuê kho thường đánh ngắn, có khi chỉ 3-5 phiên hoặc 1-2 tuần, nghĩa là nếu thuê kho 1 tỷ trong 1 tuần thì phí thuê chỉ chưa đến 4 triệu đồng. Về lý thuyết, chỉ cần 1 phiên CP tăng kịch trần 7-10% thì tài sản 1 tỷ đồng có thể tạo ra 70-100 triệu đồng lợi nhuận, dư sức bù đắp toàn bộ chi phí thuê kho, phí giao dịch… Tỷ lệ sinh lãi lớn hấp dẫn những người đi thuê kho, dù để short hay long. Nhưng lợi nhuận lớn thì đi kèm với rủi ro. Chỉ cần một phiên CP giảm sàn 7-10% thì phần thua lỗ sẽ thổi bay số tiền ký quỹ ban đầu, thường là 10% giá trị thuê kho.

Và rủi ro cũng không đơn thuần chỉ với người thuê, đôi khi nó lan sang cả chủ kho. Chẳng hạn, khách thuê thấy CP giảm mạnh và yêu cầu chủ kho bán ra cho mình. Nhưng nếu CP giảm sàn, trắng cả bên mua mà kéo dài khoảng 2-3 phiên thì CP cũng giảm tương đương 20-30%. Lúc này, người thuê kho đã cháy túi, vì mất sạch phần ký quỹ, nhưng chủ kho cũng thiệt hại vì giá CP giảm mà bán ra không kịp để thu hồi vốn. Vẫn còn đó rất nhiều câu chuyện liên quan đến sức hấp dẫn trong cái được gọi là “dịch vụ tài chính” mang tính tự phát này, nhưng nó cũng chỉ chứng minh một nguyên tắc bất biến: Lợi nhuận cao, rủi ro lớn.